|
Đồng chí Huỳnh Đảm, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và đại biểu trao đổi, ôn lại kỷ niệm về đồng chí Huỳnh Tấn Phát.
|
Anh Huỳnh Trung Hiếu, ngụ phường 22, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, là cháu nội đồng chí Huỳnh Tấn Phát, kể: "Từ lâu, hình ảnh ông nội đã thấm sâu vào trong suy nghĩ, việc làm của tôi. Bởi vậy, thời gian qua, tôi thường đọc các tài liệu và kể những câu chuyện sâu sắc về ông nội cho con nghe và chăm chút, nâng niu những kỷ vật, như bút, giấy vẽ, bản vẽ thiết kế, chiếc đồng hồ cũ… của ông để lại".
|
Anh Huỳnh Trung Hiếu (thứ 3 bên phải sang) ôn lại kỷ niệm về ông nội mình với các thành viên gia đình.
|
Anh Hiếu cho hay: “Ngày còn nhỏ, tôi vẫn nhớ như in mỗi lần đi công tác về, ông nội thường gọi tôi lại để cho những tấm bánh nhỏ, đồng thời ôn tồn động viên tôi rằng trước những khó khăn, cháu cần phải luôn kiên trì rèn luyện học tập, chăm ngoan, giữ đoàn kết với bạn bè và sống có trách nhiệm với mọi người. Đây là động lực, hành trang để tôi trưởng thành”…
|
Anh Hiếu và các thành viên gia đình đồng chí Huỳnh Tấn Phát dâng hương trước khu mộ đồng chí Huỳnh Tấn Phát tại Nghĩa trang TP Hồ Chí Minh. |
|
Đông đảo nhân sĩ, trí thức, nhân dân đến dâng hương, ôn lại kỷ niệm về đồng chí Huỳnh Tấn Phát. |
|
Đông đảo cán bộ, nhân dân ôn lại về cuộc đời, sự nghiệp đồng chí Huỳnh Tấn Phát. |
Theo đồng chí Huỳnh Đảm, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, thời điểm năm 1960, mặc dù sống trong lòng địch vô cùng gian khổ, cam go, ác liệt, song, đồng chí Huỳnh Tấn Phát luôn tin tưởng, trung thành tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, tin vào thắng lợi của cách mạng. Với trọng trách là Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã vượt qua nhiều gian khổ, hiểm nguy để bí mật tìm mọi cách vào Sài Gòn, móc nối, tập hợp lực lượng, hình thành tổ chức chiến đấu của lực lượng trí vận mặt trận đô thành Sài Gòn. Từ đây, hàng loạt cán bộ trẻ được bồi dưỡng về đường lối cách mạng miền Nam và phương pháp hoạt động bí mật; các tổ chức cách mạng đã trụ vững giữa mạng lưới công an, cảnh sát dày đặc của địch.
Thời điểm năm 1969, trước những diễn biến mới của cách mạng miền Nam, trên cương vị là Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã tập trung đẩy mạnh ngoại giao nhà nước, kết hợp chặt chẽ với ngoại giao nhân dân, phối hợp với ngoại giao Việt Nam dân chủ cộng hòa, đấu tranh tại các diễn đàn đòi thực hiện ngừng bắn, đòi Mỹ chấm dứt dính líu quân sự; đấu tranh đòi trao trả hết nhân viên dân sự bị bắt và bị giam giữ, thực hiện tự do, dân chủ cho nhân dân miền Nam…
Ở mỗi giai đoạn cách mạng, mỗi bước ngoặt lịch sử, đứng trước những khó khăn, thử thách, đồng chí Huỳnh Tấn Phát, nguyên Chủ tịch Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, luôn có tầm nhìn, phương pháp cách mạng khoa học. Đồng chí đã để lại cho cách mạng và nhân dân ta tấm gương tiêu biểu cho khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, người cộng sản kiên trung, mẫu mực, kiến trúc sư tài năng, sáng tạo.
Bài và ảnh: NGUYỄN DUY HIỂN
Danh Bình ST từ QĐND