CÁC DI TÍCH ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH Ở TÂY TRƯỜNG SƠN XỨNG ĐÁNG ĐƯỢC TÔN VINH LÀ DI TÍCH QUỐC GIA LÀO - DI SẢN CỦA TÌNH ĐOÀN KẾT CHIẾN ĐẤU VIỆT- LÀO.
(Bài đăng trên Tạp chí THỜI ĐẠI nhân kỷ niệm 60 năm đoàn kết Việt Nam - Lào)
Ngày 19-5-1959, Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy giao cho Bộ Quốc phòng thành lập Đoàn công tác Quân sự đặc biệt - Đoàn 559 với nhiệm vụ chiến lược là đưa sức mạnh của hậu phương lớn miền Bắc vào chi viện cho Cách mạng miền Nam đấu tranh thống nhất đất nước, chi viện cho Cách mạng Lào chiến đấu giành chính quyền.
Trong 16 năm, Bộ đội Trường Sơn không ngừng phát triển và lớn mạnh, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, làm nên “Kỳ tích Trường Sơn”.
Năm 1960, ngụy quyền Sài Gòn mở các chiến dịch càn quét, lập đồn bốt “khóa chặt Đường 9” từ Đông Hà đến Lao Bảo. Đoàn 559 lâm vào thế bế tắc, khó khăn, nguy cơ tuyến hành lang giao liên, vận chuyển bị cắt đứt.
Đầu năm 1961, Liên quân Pha Thét Lào và quân Tình nguyện Việt Nam đã mở chiến dịch giải phóng khu vực rộng lớn từ Xiêng Khoảng xuống các tỉnh Khăm Muộn, Savanakhet, Tà Ven Oọc… khu vực biên giới Trung- Hạ Lào và Việt Nam đã được khai thông.
Được sự thống nhất của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Bộ Quốc phòng chỉ đạo Đoàn 559 chuyển sang hoạt động ở Tây Trường Sơn từ ngày 14-6-1961, trong lịch sử gọi ngày 14-6 là ngày “Lật cánh sang Tây Trường Sơn”.
Từ năm 1961- 1975, địa bàn các tỉnh Trung - Nam Lào là địa bản hoạt động chủ yếu của Bộ đội Trường Sơn. Từ mạng đường vận tại cơ giới, mạng đường giao liên, hệ thống kho tàng, các Binh trạm, đường ống xăng dầu, Chỉ huy sở Bộ Tư lệnh...đến những trận đánh, những chiến công, những hy sinh của Bộ đội Trường Sơn đều gắn liền với các địa danh trên đất Lào.
Trong 5 trục dọc và 21 trục ngang Đường Trường Sơn có 4 trục dọc trên đất Lào, hầu hết trục ngang nằm hoàn toàn hoặc một phần trên đất Lào. Năm 1970, Bộ Tư lệnh Trường Sơn có 26 Binh trạm thì có 20 Binh trạm nằm trên đất Lào…
Hàng triệu tấn hàng quân dụng đã được vận chuyển vào miền Nam Việt Nam và cho Cách mạng Lào, nhiều đoàn binh khí nặng: Xe tăng, trọng pháo, tên lửa đã đi qua đường Hồ Chí Minh phía Tây. Hai triệu cán bộ chiến sĩ vào Nam chiến đấu; hàng vạn thương bệnh binh từ chiến trường ra miền Bắc qua đường Tây Trường Sơn.
Trong 7 triệu tấn bom đạn Mỹ dùng trong chiến tranh Việt Nam thì có đến 4 triệu tấn ném xuống Trường Sơn, trong đó phần lớn xuống Tây Trường Sơn. Nhiều trọng điểm đánh phá khốc liệt trên đất Lào như Seng Phan, Xóm Péng, ATP, Cốc Mạc, Văng Mu, Na Bo, Thà Khống,Tha Mé, Bạc, Cha Vằn... không ngày nào ngớt tiếng nổ của bom đạn địch.
Để ngăn chặn Đường HCM, năm 1971 Mỹ ngụy mở cuộc hành quân Lam Sơn 719 với quy mô rất lớn trên địa bản tỉnh Savanakhet. Khu vực Bản Đông- Đường 9 là chiến trường ác liệt, nỗi khiếp đảm của Mỹ Ngụy, bản anh hùng ca của Bộ đội Việt Nam và Bộ đội Pha Thét Lào.
Bộ đội Trường Sơn phối hợp với bộ đội Pha Thét Lào mở hàng chục chiến dịch giải phóng các tỉnh At Ta Tư, Sa La Van, Tà Vèn Oọc... Tất cả các huyện của Lào nằm trên hành lang vận chuyển đều có những đơn vị chuyên gia của 559 giúp “bạn” xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng chính quyền.
Suốt 10 năm (1964-1973), kẻ địch muốn bằng sức mạnh hủy diệt của bom đạn, chất độc hóa học để cắt đứt đường Hồ Chí Minh, bắt hai dân tộc Lào-Việt phải khuất phục. Hàng vạn chiến sĩ Trường Sơn và quân dân các bộ tộc Lào đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu này. Nhưng Đường Trường Sơn vẫn rộng dài vươn ra phía trước, tình đoàn kết máu thịt Việt Lào đã được hun đúc ngày thêm bền chặt. Sự nghiệp cách mạng của hai nước, hai dân tộc đã gắn liền với nhau, làm nên tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt Việt Lào, trong đó Bộ đội Trường Sơn đóng góp một phần rất quan trọng.
Với tâm huyết của những người lính đã trực tiếp chiến đấu ở chiến trường, Hội Trường Sơn Việt Nam đã tích cực cùng Binh đoàn 12 và Bộ Quốc phòng Việt Nam lập hồ sơ để Di tích đường Hồ Chí Minh trên địa bàn 11 tỉnh miền Trung Việt Nam được Chính phủ xếp hạng Di tích Quốc gia Đặc biệt.
Hệ thống Di tích đường Hồ Chí Minh ở Tây Trường Sơn trải rộng trên địa bàn 7 tỉnh Trung- Hạ Lào, có mật độ dày đặc và có tầm quan trọng đặc biệt, có ý nghĩa lớn lao của cả hai dân tộc Việt Nam- Lào. Nhưng qua nhiều năm, các Di tích đó dần bị mờ đi trên mặt đất và ngay cả trong tiềm thức các thế hệ người dân. Rất may, đến nay vẫn còn một số Di tích đường Tây Trường Sơn được nhân dân và chính quyền Lào bảo tồn: Sở Chỉ huy Bộ Tư lệnh Trường Sơn (1967-1969) trong lòng núi Phu Caton, hai kho xăng Trường Sơn trong hang đá ở bản May và bản Pha Băng, bến phà Thà Khống (cũ), cầu treo Bản Đông... thuộc huyện Sê Pôn, một đoạn đường Trường Sơn được bảo tồn nguyên trạng ở Mường Noòng, ngầm vượt sông Ta Lê (Khăm muộn)...
Các Di tích Đường Hồ Chí Minh trên lãnh thổ nước CHDCND Lào xứng đáng được tôn vinh là Di sản Quốc gia Lào- Di sản của tình đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào.
Hội Trường Sơn Việt Nam đã có nhiều chuyến khảo sát các Di tích thuộc các tỉnh Savanakhet, Saravan, Attôpơ... Đã làm việc với chính quyền một số tỉnh và huyện tại Lào về việc bảo tồn các Di tích Tây Trường Sơn. Hội đã có công văn gửi đến các Cơ quan chức năng của nhà nước Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Viên Chăn về những đề đạt, nguyện vọng của Hội Trường Sơn. Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước Lào và Việt Nam đều nhất trí ủng hộ. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ủng hộ (bằng Thông báo của Văn phòng Thủ tướng) và giao cho Bộ Quốc phòng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm lập hồ sơ Di tích theo Luật Di sản và làm việc với các cơ quan Nhà nước Lào thực hiện.
Nhưng đến nay, gần 10 năm đã trôi qua mà nguyện vọng chính đáng ấy của những Cựu binh Trường Sơn và rộng ra là của nhân dân hai nước Việt, Lào vẫn chỉ là những mơ ước. Những thủ tục hành chính phức tạp liên quan đến quá nhiều Bộ, Ngành hai Nhà nước nên tiến độ quá chậm chạp.
Di tích đường Hồ Chí Minh Tây Trường Sơn xứng đáng được tôn vinh, những đóng góp hy sinh của Bộ đội Trường Sơn và nhân dân các Bộ tộc Lào trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xứng đáng được ghi nhận.
Vũ Trình Tường
Trưởng Ban Lịch sử, Truyền thống
Hội Trường Sơn Việt Nam