Di tích Ngã ba Lặc Xao

Ngày đăng: 09:26 06/06/2023 Lượt xem: 206
                                            LỊCH SỬ 18 DI TÍCH ĐÃ ĐƯỢC KHẢO SÁT ĐỀ NGHỊ XẾP HẠNG

                                                                 1- NGÃ BA LẶC XAO

1 Tên Di tích:  Ngã ba Lặc  Xao  (Giao của Đường 8 và Đường 8B)

2 Địa điểm:
       - Thị trấn Lăk Xao là huyện lỵ huyện Khamkeuth, tỉnh Borikhamxay.
       - Nằm trên Đường 8 cách Cửa khẩu Cầu Treo (phía Lào là Namphao) 34 km, cách Đường 13 (Ngã ba Viengkham) gần 100 km.
 
3. Sự kiện, nhân vật lịch sử, đặc điểm di tích
A- Vai trò của Quốc lộ 8 và 8B
a- Ngã ba Lặc xao là giao của Đường 8 và Đường 8B
        - Đường 8 trên lãnh thổ Lào được xây dựng từ thời Pháp thuộc, dài 132 km từ Cửa khẩu Cầu Treo đến Ngã ba Viengkham. Tuy nhiên mặt đường chỉ là đường đất hoặc rải cấp phối đá sỏi. Tên Lặc xao (Cây số 20 - cách biên giới 20 km) cũng có từ thời Pháp. Đường 8 phục vụ giao thương giữa tỉnh Hà Tĩnh (Việt Nam) và tỉnh Bolikhamxay (Lào). Trong kháng chiến chống Mỹ, đây là tuyến đường cơ động các đơn vị quân Tình nguyện Việt Nam phối thuộc với bộ đội Pha Thet Lào trong chiến dịch giải phóng hành lang dọc Biên giới từ Xiêng Khoảng - Savannakhet - At Ta Pư (năm 1960-1962). Đường 8 cũng là tuyến vận tải hậu cần từ Việt Nam cho các đơn vị quân Tình nguyện Việt Nam chiến đấu ở Lào và cho Cách mạng Lào. Từ Lặc Xao vận chuyển bằng gùi thồ xuống phía Nam theo đường mòn.  Vào cuối và sau năm 1975, một tuyến đường ống xăng dầu từ Việt Nam sang Lào theo Đường 8 đi qua Lặc xao.
      - Đường 8B bắt đầu từ Lăc Xao xuôi xuống phía Nam gặp Đường 12 tại gần thị tứ Nhom Ma Rát (tỉnh Khăm Muộn). Đường 8B ban đầu chỉ là đường mòn, sau đó Trung đoàn Công binh 83 (Trường Sơn) cải tạo dần cho xe ô tô loại nhỏ di chuyẻn được. Đây cũng là tuyến cơ động lực lượng trong chiến dịch giải phóng hành lang biên giới năm 1960-1962 và các năm sau. Đường 8B rất xấu, đèo dốc do phải vượt dãy núi Phu Ác, phải qua sông Nậm Thơn chảy xiết.
 
B- Sự kiện “vận chuyển vu hồi cứu nguy” cho cửa khẩu Đường 12 cuối năm 1968.
       Vào thời điểm năm 1968, Tuyến Hậu cần 559 chỉ có 2 cửa khẩu từ Việt Nam sang Lào (Tuyến vượt khẩu Đông – Tây) là Cửa khẩu Đường 12 và Cửa khẩu Đường 20. Nếu chặn được hai cửa khẩu này, coi như cắt đứt Tuyến chi viện 559. Bộ Chỉ huy không quân Mỹ đã nghiên cứu kỹ và thực hiện ý đồ ấy bằng thủ đoạn thâm độc nhất. Hai “Yết hầu” được chọn để hủy diệt đó là Seng Phan trên hướng Cửa khẩu Đường 12 và ATP trên Đường 20. Vào 4 giờ sáng, ngày 1 tháng 11 năm 1968, Mỹ ồ ạt mở các cuộc tập kích với cường độ khốc liệt chưa từng thấy vào cửa khẩu Đường 12, đặc biệt là khu vực Seng Phan. Máy bay B52 và cường kích của địch dồn dập ném bom rải thảm xuống đoạn đường dài 2 km, rộng 200 m liên tục trong 7 ngày đêm. Trên 1 vạn quả bom các loại đã trút xuống làm biến mất con đường. Cả hai cửa khẩu đều bị tê liệt cả tháng trời. Hàng và xe dồn ứ trước Seng Phan. Phía trong Seng Phan bộ đội thiếu đói, hàng ngàn xe vận tải của 559 nằm im vì không có xăng chạy.
       Trước tình hình nguy cấp đó, theo chỉ thị của Bộ Quốc phòng Việt Nam, Bộ Tư lệnh 500 (Tổng cục Hậu cần) cùng Bộ Tư lệnh 559 mở Tuyến vận tải vu hồi theo hướng Đường 8 - Đường 8B - Đường 12 để hỗ trợ và cứu nguy cho Đoàn 559. Thị trấn Lặc Xao trở thành điểm trung chuyển hàng hóa từ Đường 8 xuống Đường 8B.
       Nhiệm vụ được giao cho Binh trạm 27, Binh trạm 9,  Bộ Tư lệnh 500. Theo hướng Đường 8B từ Lặc Xao xuống Đường 12 có thể dùng ô tô loại nhỏ, nhưng tuyến vận tải phải xa hơn tuyến theo Đường 12 là 200 km, phải vượt sông Nam Thơn, khắc nghiệt hơn là đường quá xấu, địch phát hiện cho máy bay đánh phá. Bộ Quốc phòng điều một Đại đội của Trung đoàn Công binh 249 đảm bảo điểm vượt sông Nậm Thơn bằng phà LPP (loại 9 khoang). Đại đội trưởng Nguyễn Phú Mẫn đã chỉ huy đơn vị đảm bảo bến phà thông suốt.
         Đường 8B phải vượt qua dãy Phu Ác, có một đoạn đèo dốc hiểm trở gọi là “Cua Tay áo”.  Máy bay địch trinh sát phát hiện ra và cho máy bay ném bom ác liệt làm 300 m đường bị phá hoại. Do địa hình nên việc khôi phục đường rất khó khăn, đường bị tắc cả tuần lễ. Đại đội Công binh của Tiểu đoàn 338 đảm bảo giao thông đoạn “Cua Tay áo”. Mặc dù đã cố gắng cao độ, kể cả phải gùi bộ qua điểm đường tắc, nhưng số lượng hàng vận chuyển trên hướng Vu hồi đạt kết quả rất thấp (40% kết hoạch).
         Bộ Tư lệnh 500 cử Thượng tá Quốc Tuyển xuống Binh trạm 27 để chỉ đạo nghiên cứu làm một đoạn máng dốc thả gạo trượt xuống từ sườn núi Phu Ác. Binh trạm 28 nhận gạo ở chân máng trượt gùi thồ ra xe ô tô chở đến giao cho Binh trạm 31- Đoàn 559. Trung úy kỹ sư Phạm Hùng (Phòng Công trình, Cục Tham mưu Công binh) được giao nhiệm vụ nghiên cứu và thực hiện phương án. Sau khi nghiên cứu và tìm được vị trí có địa hình thích hợp, một trung đội công binh được điều đến để thi công dưới sự giám sát của kỹ sư Phạm Hùng. Sau một tuần, đường máng gỗ dài 400 m đã được làm xong.
       Đơn vị tiến hành thả gạo thử theo máng trượt, nhưng các bao gạo lao xuống rất nhanh, nhiều bao bị vỡ hoặc bắn ra ngoài máng. Đơn vị công binh đã phải làm phanh hãm đặt dọc theo máng. Kết quả là máng hoạt động an toàn.
        Trong 1 tháng khi cửa khẩu Đường 12 bị tắc, số gạo vận chuyển qua máng trượt chỉ là 100 tấn, tương đương với 20 xe Zil 157 vận chuyển trong một đêm. Xét thấy hiệu quả của máng trượt thấp, hơn nữa chỉ vận chuyển được gạo không vận chuyển được mặt hàng khác.
       Cuối tháng 11-1968, Cửa khẩu Đường 12 được khai thông. Việc vận chuyển bằng máng không dùng nữa. Tuyến vu hồi Đường 8B cũng ít được sử dụng. Tuy nhiên 8B vẫn là một hướng dự phòng khi có sự cố trên Đường 12.
    
  Tuyến Đường 8 được xác định là một tuyến Đường ngang Đông Tây trong hệ thống Đường Trường Sơn.

                                                                                             Vũ Trình Tường

tin tức liên quan