Trọng điểm Sẻn Phăn

Ngày đăng: 04:55 12/06/2023 Lượt xem: 98
TRỌNG ĐIỂM SẺN PHĂN
 
1. Tên Di tích: Trọng điểm Sen Phăn (trước đây ta quen gọi là Seng Phan)
2. Địa điểm: Nằm trên Đường 128, tại bản Sen Phăn, huyện Bua La Pha, tỉnh Khăm Muộn
3. Sự kiện, nhân vật lịch sử, đặc điểm Di tích
a- Sự kiến đóng thuyền vượt túi nước Sẻn  Phăn mùa mưa 1965.
     Sẻn Phăn nằm trên Đường 128 (Km28), cách Lằng Khằng 11 km về phía Nam. Đường 128 do Công binh 559 (công trường 128, trực thuộc Bộ Tư lệnh 559) xây dựng năm 1965, cuối năm đó đã thông vào đến Đường 9 tại Na Bo. Quản lý đoạn Đường 12 (Mụ Giạ - Lằng Khằng) và đoạn đầu Đường 128 (Lằng Khằng - Mường Phìn) qua Sẻn phăn  thời điểm 1965 là Tuyến 1 (Tuyến Trưởng Tuyến 1 là Trung tá Vũ Toàn, Chính ủy là Hồ Thăng).
       Mùa mưa khu vực Sẻn Phăn trở thành một túi nước khổng lồ, không thể lưu thông bằng xe ô tô trên Đường 129 được. Các đơn vị của Đoàn 559 phía trong thiếu đói nghiêm trọng (nhất là Công trường 128 đóng ở Tha Pa Chôn)
       Trước tình hình đó, tháng 6-1965, Bộ Tư lệnh 559 (Tư lệnh kiêm Chính ủy Đoàn 559 là Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ) đã chỉ thị cho “Tuyến 1” thí điểm đóng thuyền vận chuyển. Phó Tư lệnh Võ Bẩm trực tiếp chỉ huy việc đóng thuyền. 400 thợ lành nghề tuyển chọn từ Quảng Bình và các tỉnh miền Bắc được huy động đến công trường. Chỉ trong thời gian ngắn, bằng vật liệu tre, gỗ tại chỗ, vải bạt, máy đẩy và các phụ kiện cơ khí từ hậu phương, “công trường’ đã đóng được 84 thuyền gỗ và 250 thuyền bạt, trọng tải từ 5 tạ đến 1 tấn. Số phương tiện thủy này được thí điểm chuyển “hàng” từ 050 vượt túi nước Sẻn Phăn đưa vào Xóm Péng. Bộ Tư lệnh đã huy động 600 thanh niên quen nghề sông nước để chèo chống những phương tiên mới đóng. Tuy nhiên việc vận chuyển bằng thuyền không có hiệu quả, năng suất thấp, nên rút kinh nghiệm, mùa mưa năm sau không dùng nữa.
Bộ đội phía Nam “túi nước” Sẻn Phăn  vẫn thiếu đói. Đầu tháng 10-1965, Tư lệnh Phan Trọng Tuệ vào kiểm tra Tuyến 1 và Công trường 128. Khi chứng kiến cảnh lao động vất vả, khẩu phần ăn lại bị cắt giảm gần một nửa. Đặc biệt là chị em, những nhu cầu thiết yếu của phụ nữ cũng không có, cực nhọc hết mức. Ông lập tức chỉ thị cho Tuyến 1 tổ chức ngay một chuyến hàng đặc biệt gồm 20 xe Zil 157 đưa hàng hậu cần từ Xóm Péng vào Lum Bùm cứu đói cho Công trường 128. Chuyến hàng là một liều thuốc kịp thời tiếp sức cho Công trường đẩy nhanh tiến độ thi công Đường 128.
Sau khi hoàn thành vào tháng 12/1965, Đường 128 qua Sẻn Phăn trở thành Trục dọc “xương sống” của Hệ thống Đường Trường Sơn.
Quản lý đoạn đường này lần lượt là “Tuyến 1” từ 1965- 1966, Binh trạm 1 năm 1967, Binh trạm 31 năm 1968-1971.
 
     b- Chiến dịch khai thông Trọng điểm Sẻn Phăn
     Sẻn Phăn nằm trên đoạn đường độc đạo men theo sông Pha Nốp   kẹp giữa hai hai dãy núi đá vôi, cách biên giới Việt Lào 15 km, địa thế hiểm trở không có vị trí đóng quân, khó cơ động máy ủi tiếp cận ứng cứu đường.
     Ngày 1-11-1968, Tổng thống Mỹ Giôn Xơn tuyên bố chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc. Không quân Mỹ tập trung lực lượng đánh phá toàn Tuyến 559. Biết được Sẻn Phăn là yết hầu trên Đường 128, vào 4 giờ sáng, ngày 1 tháng 11 năm 1968, Mỹ ồ ạt mở các cuộc tập kích với cường độ khốc liệt chưa từng thấy vào cửa khẩu Đường 12, đặc biệt là khu vực Sẻn phăn. Máy bay B52 và cường kích của địch dồn dập ném bom rải thảm xuống đoạn đường dài 2 km, rộng 200 m liên tục trong 7 ngày đêm. Trên 1 vạn quả bom các loại đã trút xuống làm biến mất 2 km Đường 128. Đoạn đường ách yếu này chỉ còn lại hố bom và cồn đá lẫn thép gang. Trong đợt đánh phá này đã có 50 cán bộ chiến sĩ hy sinh, trong đó có 12 chiến sỹ Công binh trú ẩn trong hang đá (thuộc địa phận bản Sẻn Phăn) bị bom đánh sập, không lấy được xác. Mấy tháng sau, nhờ nỗ lực của Binh trạm 31 mới lấy được xác 12 chiến sĩ này.
     Cửa khẩu Đường 12 bị tắc hoàn toàn ở Sẻn Phăn gần hết tháng 11, cùng lúc đó Cửa khẩu Đường 20 cũng bị tắc tại ATP, Tuyến Hậu cần chiến lược bị ngưng trệ.
      Tình hình đó khiến Bộ Tư lệnh 559 và chỉ huy Binh trạm 31 như ngồi trên đống lửa. Mỗi ngày không dưới 5 lần, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên, Chính ủy Vũ Xuân Chiêm và Phó Tư lệnh Nguyễn Lang gọi điện xuống Binh trạm 31 nắm tình hình và hối thúc Binh trạm tìm biện pháp giải tỏa. Bộ Tư lệnh cử ngay Tham mưu phó Công binh Nguyễn Văn Kỷ cùng nhiều cán bộ xuống giúp Binh trạm 31 giải tỏa trọng điểm, nhưng tình hình vẫn hầu như không tiến triển. 
      Quá sốt ruột, Tư lênh Đồng Sĩ Nguyên gọi điện cho Chính ủy Binh trạm 31: “Các anh có làm được không để tôi thay người khác. Nguy kịch lắm! Tôi vừa từ đường 20 về. Xe vào chờ đường đỗ la liệt ở Cà Roòng, dễ làm mồi cho máy bay lắm. Lúc này không giải tỏa được Sẻn Phăn và ATP là có tội với bộ đội, với chiến trường”. Chính ủy Binh trạm Võ Sở nghẹn ngào: “Thay ai là quyền của anh. Với chúng tôi, tư tưởng chiến đấu bất di bất dịch là đánh địch mở đường mà đi. Chúng tôi đã cố gắng hết mức, nhiều chiến sĩ đã hy sinh thương tâm. Khó khăn thật, nhưng đảm bảo với anh, chúng tôi sẽ khắc phục được”.             Tư lệnh ra tối hậu thư: Chậm nhất ngày 25 tháng 11 phải giả tỏa xong trọng điểm Sn Phăn”
         Binh trạm 31, lúc này Binh trạm trưởng là Đặng Ba, Chính ủy là Võ Sở.
        Binh trạm 31 sử dụng hai Tiểu đoàn công binh 25 và 27 cùng Trung đoàn 83 của Bộ Tư lệnh tăng cường vừa tìm mọi cách khắc phục tuyến chính, vừa mở tuyến tránh hơn 10 cây sô từ bắc trọng điểm Sẻng Phăn đi theo phía tây trọng điểm tới Xóm Péng. Trên trục chính, cuộc chiến đấu giành giật với địch từng phút, từng mét đường diễn ra vô cùng quyết liệt. Giữa mùa khô, địch đánh ác liệt, đá rơi gần như lấp kín mặt sông. Đoạn sông này gần giống như một ngầm vượt sông rộng lớn. Chỉ huy Binh trạm nẩy ra sáng kiến làm những con đường chạy chéo giữa hai bờ để nếu địch đánh tắc đường bên này, xe vẫn có thể chạy qua sông để đi sang bờ bên kia. Sáng kiến ấy được Chính ủy Binh trạm Võ Sở và Binh trạm phó phụ trách Công binh Vũ Văn Trịnh bàn bạc đưa vào thực hiện ngay.
       Máy bay địch vẫn liên tục oanh tạc. Để có thể mở được những tuyến này, các hầm chữ A trú ẩn cho người, và cả hầm cho máy húc, phương tiện cũng được hình thành ngay trên trọng điểm. Mỗi chiến sĩ thực sự là một dũng sĩ. Trung đội trưởng công binh Hoàng Hữu Thạnh xông pha dưới bom đạn suốt ngày nổ đá san đường. Các cán bộ chỉ huy: Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 25 công binh Nguyễn Bửu Ký và Chính trị viên tiểu đoàn Nguyễn Văn Phiên, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 27 Chu Thế Kỷ và Chính trị viên Tống Duy Sự  bám sát mặt đường động viên anh em rà phá bom mìn hỗn hợp, san lấp hố bom, khôi phục đường. Tiểu đoàn cao xạ 37mm kiên cường đánh trả máy bay địch, hất chúng lên cao tạo điều kiện cho công binh thi công. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Tú chỉ huy chiến đấu quyết liệt, hạ 2 máy bay địch. Anh đã anh dũng hy sinh trên đài chỉ huy.
Sẻn Phăn cực kỳ ác liệt, nhưng chiến sỹ ta tại Sẻn Phăn gan góc bám trụ, vượt trên bom đạn, như nhà thơ Phạm Tiến Duật đã mô tả: “Giữa chiến trường nghe tiếng bom rất nhỏ” (bài thơ Tiếng bom ở Sẻn Phăn).
        Đúng 5 giờ chiều ngày 25 tháng 11 năm 1968, đúng hơn là chỉ chờ mặt trời khuất sau ngọn núi phía tây, 3 phát súng lệnh nổ. Tiếng Binh trạm trưởng dõng dạc: “Vượt trọng điểm!” vang lên giữa núi rừng. Đoàn xe 100 chiếc của Tiểu đoàn 101 chất nặng hàng rùng rùng vượt trọng điểm Sẻn Phăn an toàn trong sự nghẹn ngào xúc động của những người chỉ huy, những người lính không tiếc máu xương vì sự khai thông trọng điểm.
      Sẻn Phăn là một Trọng điểm tiêu biểu cho cả cụm Di tích khu vực Đầu đường 128 như Na Tông - Chỉ huy sở Binh trạm 31, Pác Pa Nhăng, Xóm Péng - Trọng điểm vượt sông, trọng điểm đánh phá, Bản Sôi (Kho xăng), Ka vát  (Kho xăng), điểm cuối của Đường ống xăng dầu đầu tiên của Trường Sơn.
      Hai sự kiện xảy ra ở Sẻn Phăn đã chứng minh cho lòng quả cảm, sáng tạo của Bộ đội Trường Sơn có thể vượt lên tất cả những bế tắc khó khăn, đánh thắng tất cả thủ đoạn thâm độc nhất, phương tiện chiến tranh hiện đại nhất, số lượng bom đạn tàn khốc nhất.

                                                                             Vũ Trình Tường
 

tin tức liên quan