Di tích kho xăng K5

Ngày đăng: 10:13 15/06/2023 Lượt xem: 176
DI TÍCH KHO XĂNG K5  
 
 
1. Tên Di tích: Di tích Kho xăng K5 
2. Địa điểm
tại  Bản May (bản Cọ cũ) huyện Se Pôn, tinh Savannakhet
3. Sự kiện, nhân vật lịch sử, đặc điểm Di tích
 

      Giao thừa tết Kỷ Dậu (16 tháng 2 năm 1969), sau ba tháng vật lộn với hàng trăm trận B52, dòng xăng đường ống đã vượt đỉnh Trường Sơn tại đèo Mụ Giạ sang kho Na Tông trên đất bạn Lào. Đến tháng 11 năm 1969, xăng đường ống đã vươn đến bản Ka Vát, cách biên giới Việt Lào 80km.
      Tuy nhiên, xét thấy tuyến ống đi theo trục Đường 12 và 128 ở xa chiến trường lại bị địch đánh chặn rất ác liệt, nên từ tháng 3 năm 1969, Tổng cục Hậu cần QĐND Việt Nam chủ trương đưa tuyến ống vượt Trường Sơn theo trục đường 18, trục đường vận tải cơ giới gần mặt trận nhất, ngay tại khu vực vĩ tuyến 17. Thi công tuyến này do Công trường 18B thuộc Cục Xăng dầu Tồng cục Hậu cần cùng một số tiểu đoàn đi B được giữ lại, phối thuộc Binh trạm 9 Bộ Tư lệnh 559. Bộ đội đường ống bắt đầu thi công tuyến ống cùng với việc thi công trục đường ô tô 18. Phần vì đường ô tô chưa hoàn thiện, phần vì phải giữ bí mật tuyến nên hầu hết tuyến ống vượt Trường Sơn khu vực này (khoảng 50km- hơn 8 vạn chiếc ống cùng phụ kiện) đều vận chuyển qua đôi vai chiến sỹ. Từ kho K200 phía đông Trường Sơn, xăng phải đi qua ba trạm bơm đẩy cách nhau vài trăm mét để vượt sang tây Trường Sơn. Ngày 15-8-1969 xăng đã vào đến kho K3 đặt tại bản Ra Mai trên đất Lào cách kho đầu nguồn K200 18km. Từ kho K3 xăng được đóng vào phuy sắt 200 lít thả trôi theo suối Ra Vơ rồi theo sông Sê Băng Hiêng. Đến đây, các phuy xăng được trôi cùng các bao gạo và thực phẩm của Binh trạm 27 thả từ đầu nguồn Cù Bai, về kho Vinh ở phía bắc Sê Pôn. Các chiến sĩ ở kho Vinh đón, vớt các phuy xăng, các bao gạo và thực phẩm để vận chuyển tiếp vào phía trong. Khi phát hiện tuyến vận tải thả trôi của ta, máy bay trinh sát của địch canh gắt gao, báo cho máy bay cường kích bắn phá dọc theo sông, đánh chìm nhiều bao hàng và phuy xăng. Tuy có nhiều thiệt hại, nhưng phương thức vận chuyển đặc biệt này cũng phát huy tác dụng, bổ trợ cho phương thức vận chuyển đường bộ, nhất là trong mùa mưa.
Từ kho Ra Mai, tuyến được khẩn trương thi công vào bản Cọ. Trên tuyến này còn có kho K4 đặt trong hang đá bản Pha Bang Nưa. Tuy nhiên, đây là nơi sát mặt trận, nên không chỉ máy bay trinh sát mà còn các tốp thám báo địch thâm nhập, phát hiện tuyến ống của ta. Ngày 6 tháng 9 năm 1969, giữa lúc các chiến sỹ đường ống đang bàng hoàng vì tin Bác Hồ từ trần, thì hàng loạt B52 đánh phá dữ dội vào tuyến ống, phá hủy hoàn toàn đoạn tuyến chạy dọc suối Ra Mai và Ra Vơ. Bắt đầu từ đây, những trận B52 kế tiếp nhau không ngừng nghỉ đánh vào tuyến ống và các yên ngựa. Tất cả mọi lối tuyến ống có thể vượt qua đều bị B52 đánh chặn dữ dội, chà đi xát lại. Cùng với đó là máy bay cường kích bổ nhào, bom tọa độ, bom lá, bom nổ chậm, bom từ trường rải khắp rừng. Suốt ba tháng trời (từ tháng 9 đến tháng 12), khu vực cửa khẩu đường 18 đã trở thành “cửa tử” đối với bộ độ đường ống. Hàng trăm cán bộ chiến sỹ khảo sát tìm tuyến và lực lượng thi công hy sinh. Phán đoán có thám báo mặt đất chỉ điểm, thêm vào đó, về kỹ thuật, người Mỹ đoán được những yên ngựa về kỹ thuật tuyến ống có thể vượt qua nên kiên quyết đánh chặn. Để vô hiệu hóa các nguyên nhân đó, các đơn vị tăng cường lùng sục đẩy thám báo ra xa, đồng thời các kỹ sư tính toán cẩn trọng, kết hợp các biện pháp, chấp nhận mạo hiểm về kỹ thuật, đưa tuyến ống lên đỉnh 911, đỉnh cao nhất trong khu vực. Các biện pháp đó đã đánh lừa được không lực Hoa Kỳ. Đúng ngày 22 tháng 12 năm 1969, ngày thành lập QĐNDVN, xăng đường ống đã tới bản Cọ. Tại Bản Cọ ta xây dựng 3 kho xăng: 1 stec chôn chìm dưới đất bên ngoài hang đá (ngày nay không còn Stec xăng này), 2 stec xăng đặt sâu trong hang đá. Để đưa xăng theo đường ống vào phía trong, một trạm bơm gọi là T5 được đặt trong hang gần cửa hang. Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đích thân đến chứng kiến dòng xăng đường ống ào ạt chảy vào bồn chứa. Phấn khởi trước thành công này, Tư lệnh phát biểu: “Từ nay chúng ta đã cơ bản khắc phục được tổn thất lớn về xăng dầu do phải sử dụng ô tô chuyển bằng phuy hoặc stec. Đây là một bước ngoặt vận chuyển hàng hóa và cơ động binh chủng kỹ thuật quy mô lớn...”
          Tuyến ống bắt đầu vận hành cũng là lúc cao điểm của mùa khô vận chuyển. Đường ống chứa đầy xăng nên chỉ cần trúng một mảnh bom là bùng cháy, máy bay Mỹ theo đó mà bâu lại đánh phá dữ dội, khiến cho đường ống trở thành phương tiện vận chuyển dễ tổn thương nhất. Đoạn bị đánh nặng nề nhất là trọng điểm Pha Bang Nưa. Pha Bang Nưa là tên gọi đoạn tuyến đi qua các bản Pha Bang Nưa-Pha Bang Tay và bản Cọ, dài khoảng 10km, có dòng sông Sê Bang Hiêng chảy qua, bị kẹp giữa hai dãy lèn đá phía bắc và nam sông. Đoạn đường hẹp này có ba trục vận chuyển: đường ô tô, đường ống và đường sông cùng đi qua nên địch đánh chặn dữ dội. Mỗi tháng, hàng trăm trận B52, xen giữa là máy bay tiêm kích bổ nhào, tọa độ và mọi loại bom mìn sát thương được rải kín trọng điểm. Quản lý đoạn tuyến này là Tiểu đoàn 668 anh hùng thuộc Binh trạm 9, (từ tháng 10 năm 1971, tiểu đoàn này thuộc Trung đoàn đường ống 592 anh hùng). Chỉ riêng tháng 11 năm 1970, Tiểu đoàn đã phải hứng chịu 387 lần chiếc B52 ném bom rải thảm, trong đó có 91 lần trúng tuyến. Khoảng 3500 mét vuông quanh Bản Cọ không còn chỗ đất nào nguyên vẹn để đặt ống. Mùa khô 1970-1971, cùng với tuyến ống phát triển về phía nam, ta làm thêm tuyến ống từ Bản Cọ sang phía Tây, đến bản Na Lai để bảo đảm xăng cho các đoàn xe trên Đường 128. Với vị trí là ngã ba tuyến ống dẫn xăng, bản Cọ càng bị đánh phá ác liệt. Chỉ trong 5 tháng mùa khô 1970-1971, ta phải thay 1318 ống; bốn lần làm tuyến tránh, nhưng vì địa hình quá hẹp nên các tuyến tránh đều nằm trong vệt bom B52, tổn thất hết sức nặng nề. Đoạn tuyến 50 km từ kho đầu nguồn k200 đến bản Cọ, tổn thất có khi tới 75%. Hàng trăm cán bộ chiến sỹ đã hy sinh hoặc bị thương khi cứu tuyến, nối tuyến hoặc vận hành. Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh 559 quyết định chuyển tuyến sang phía nam sông nhằm tuyến ống giảm bớt bị vạ lây khi B52 đánh đường ô tô bờ bắc sông. Phía nam sông dày đặc bom từ trường. Đại đội của Nguyễn Lương Định (thuộc Tiểu đoàn 668) đã phá được 27 quả bom từ trường. Khi triển khai rải ống, Nguyễn Lương Định nói với Đại đội trưởng: “Đoạn này bom chồng lên bom, đề nghị Đại đội trưởng cho tôi vác ống đi kiểm tra lần cuối. Rủi còn sót quả bom nào thì chỉ một người bị”. Khi anh khuất sau mỏm đá cuối đoạn tuyến, bỗng một tiếng nổ long trời. Quả bom từ trường sót lại trên tuyến đã bị kích nổ. Mọi người tìm thấy Định thân thể nhàu nát cùng chiếc ống bị bẻ quăn queo. Họ thay nhau cáng anh đến trạm phẫu thuật. Việc hy sinh thân mình cứu cả đại đội của Định được nêu thành tấm gương cho toàn Trung đoàn 592 học tập.
      Tại kho bản Cọ cũng ghi nhận một chiến công đặc biệt của bộ đội đường ống: Sát ngày mở màn chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (tháng 2 năm 1971), không quân Mỹ dùng bom điều khiển bằng Laser phá hủy hoàn toàn trạm bơm T5. 4 chiến sĩ vận hành hi sinh, một số khác bị thương (hiện có trong hang còn có bia Liệt sĩ ghi tên Phùng Cự Lâm). Tổn tất này đã đẩy Đoàn 559 vào một tình thế hiểm nghèo. Trạm bơm T5 bị phá hủy, xăng không thể vượt Đường 9  bảo đảm cho các lực lượng phía nam chiến dịch. Thời gian quá gấp, các trọng điểm trên Đường 18 như đèo 700, 900 bị đánh chặn ác liệt, không thể kịp đưa máy bơm khác vào thay thế. Trước tình hình đó, các kỹ sư của Trung đoàn 592 đã sử dụng Trạm bơm T3 ở sườn đông Trường Sơn bơm vượt quãng đường 70 km đến trạm bơm tiếp theo để xăng vượt Đường 9 phục vụ chiến dịch. Nhờ chiến công đó, khi địch đỏ quân xuống các ngọn đồi là lúc Trung đoàn 592 bơm đầy kho xăng K7 phía nam đường số 9, ngụy trang tuyến và chuyển sang chiến đấu.
     Kho K5 bản Cọ (bản May) là ngã ba tuyến ống, một tuyến được kéo dài về phía Nam, qua Sê Kông, At Ta Pư xuống ngã ba Biên giới vào Công Tum, nhập với Tuyến Đông ở Plei Khốc phát triển về phía Nam đến Đông Nam Bộ tại điểm cuối là cụm kho Bù Gia Mập. Một tuyến sang hướng tây đến trục đường 128. Chính vì vị trí đặc biệt như vậy, đây là khu vực ác liệt nhất, đẫm máu nhất của Bộ đội Đường ống Trường Sơn. Nhưng cũng tại đây đã xuất hiện nhiều tấm gương anh dũng, chiến đấu hy sinh của họ. Ngày 14-2- 1970, Trung tá Nguyễn Huệ - Binh trạm trưởng Binh trạm 9, người đã chỉ đạo Trung đoàn 592 xây dựng và vận hành Đường ông xăng dầu, trên đường đi dự Hội nghị cán bộ chỉ huy các Binh trạm, khi đi qua đoạn Pha Băng - Bản Cọ đã trúng  loạt bom B52 và hy sinh.

 
Vũ Trình Tường
 
tin tức liên quan