Tổng kho Na Hi

Ngày đăng: 05:07 20/06/2023 Lượt xem: 82
 TỔNG KHO NA HI
 
1. Tên Di tích: Tổng kho Na Hi
2. Địa điểm: Thuộc địa phận Bản Na Hi (cũ), nay là bản Phôn Hay, huyện Sê Pôn, Savannakhet
3.Sự kiện, nhân vật lịch sử, đặc điểm di tích.
 
      Khu vực bản Na Hi, trong chiến tranh có  “mật danh” là khu S1. Bản Na Hi (cũ), nằm ở phía Tây của Km 168 Đường 128, cách Na Bo (Km176) 8 km về phía Bắc, cách đèo Văng Mủ (Km 164) 4 km về phía Nam.
     Ngay từ năm 1962, Đường 129 được xây dựng, những đoàn xe của Tổng cục Hậu cần vận Việt Nam chuyển hàng từ Khe Ve theo Đường 12, Đường 129 đến Mường Phìn thì Trung đoàn 70 đã xây dựng ở gần Na Hi những kho hậu cần để tiếp nhận. Do lượng vật chất không nhiều nên quy mô kho ban đầu còn nhỏ. Tổng cục Hậu cần cũng biệt phái một số xe trung chuyển từ đây vào Bản Đông để các đội gùi thồ vận chuyển tiếp vào huyện Noòng, La Hạp.
     Cuối năm 1965, Đường 128 được xây dựng từ Xóm Péng vào đến Na Bo thì Đ128 trở thành trục dọc xương sống của Hệ thống Đường Trường Sơn.
      Lượng hàng vào nhiều, một hệ thống kho hàng được xây dựng ở Tây - Bắc thị trấn Sê Pôn. Một khu kho lớn được xây dựng dưới tán rừng già kín đáo cạnh bản Na Hi.
       Khi Thiếu tướng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Phan Trọng Tuệ được điều động vào làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Đoàn 559, cơ cầu tổ chức đã thay đổi. Hai Trung đoàn 70 và 71 được giải thể, thành lập 3 Tuyến: Tuyến 1, Tuyến 2 và Tuyến 3. Tuyến 1 đảm nhận vận chuyển hậu cần, vũ khí  từ cửa khẩu Đường 12 đến Đường 9. Kho ở Na Hi là nơi Tuyến 1 giao hàng cho Tuyến 2 để Tuyến 2 vận chuyển tiếp vào phía trong bằng ô tô và gùi thồ.
      Khi Đại tá Đồng Sỹ Nguyên thay Đại tá Hoàng Văn Thái làm Tư lệnh (Đại tá Vũ Xuân Chiêm làm Chính ủy), tổ chức Tuyến vận chuyển được cải tổ một cách cơ bản. Ba tuyến được giải tán để thành lập các 7 Binh trạm. Sau đó, Bộ Tư lệnh có điều chỉnh về tên gọi, địa bàn và thành lập thêm nhiều Binh trạm mới kéo dài vào đến Ngã ba Biên giới.
       Kho Na Hi có chức năng tiếp nhận hậu cần từ Binh trạm 32 chuyển vào, Binh trạm 33 vận chuyển tiếp vào giao cho Binh trạm 34 phía trong.
      Binh trạm 32 là một Binh trạm được giao phụ trách một địa bàn rộng lớn với hai tuyến đường dọc là Đường 129, Đường 128 (đoạn Lùm Bùm- Đường 9) và Đường ngang 20 từ Km 68 đến Lùm Bùm.
      Chỉ huy Binh trạm năm 1967-1968 là Hoàng Anh Vũ (Binh trạm trưởng) và Phan Hữu Đại (Chính ủy). Mùa khô năm 1967-1968, tuy là giai đoạn Mỹ đánh phá ác liệt nhất, nhưng các đơn vị Binh trạm đã anh dũng, sáng tạo lập được thành tích đặc biệt xuất sắc. Vận chuyển đạt số lượng trên 1 vạn tấn trong một tháng đến Đường 9. Số hàng này được chứa ở Tổng kho Na Hi. Kho Na Hi trở thành Tổng kho rất lớn, khu dự trữ chiến lược của Bộ Tư lệnh 559 và Bộ Quốc phòng.
       Công tác bố trí kho, điều hành hàng trăm xe ra vào kho mỗi đêm đều bố trí hết sức khoa học. Các đội bốc xếp cũng hết sức bận rộn, họ căng sức ra để  làm việc. Có đêm số lượng hàng nhập kho gần 500 tấn và cũng gần bằng số đó xuất cho Binh trạm 34.
       Các năm 1969- 1970, Bộ đội Trường Sơn mở thêm  hai cửa khẩu mới là Cửa khẩu Đường 18 (Cầu Khỉ - Sê Pôn) và Cửa khẩu Đường 16 (Hướng Hóa - Bản Đông). Các kho Cù Lạc, Kho Vinh được xây dựng. Khu vực Tây Bắc thị trấn Sê Pôn thành một Khu kho dự trữ chiến lược lớn hơn nữa.
       Các bộ óc chiến lược của Mỹ Ngụy đã toan tính mở cuộc hành quân Lam Sơn 719 vào tháng 3 năm 1971 để cắt đứt Đường Hồ Chí Minh, phá hoại khu vực Tổng kho chiến lược này (trong đó có kho Na Hi).
        Tuy nhiên, các lực lượng chủ lực của ta và Bộ đội Trường Sơn đã dàn thế trận chờ sẵn đánh cho chúng tơi tả. Mục tiêu cắt đứt đường Hồ Chí Minh không đạt được, để đỡ bẽ mặt, chúng cho một số đội đặc nhiệm không vận vào Thị trấn để dàn dựng quay phim chụp ảnh, sau đó chuồn thẳng. Chúng tuyên bố đã vào Sê Pôn và phá được các kho Hậu cần của Trường Sơn. Ta lập tức bác bỏ. Thực tế là Kho Na Hi vẫn an toàn trong chiến dịch Lam Sơn 719 của địch.
        Ngày 15-3-1966, tại Na Hi, Tiểu đoàn 16 cao xạ 37 ly đánh một trận xuất sắc hạ 8 máy bay địch. Trận đánh kéo dài từ 10 giờ sáng đến 16 giờ chiều
        Cách bản Na Hi 3 km về phía tây-bắc, dưới chân núi Phu Catôn, năm 1967 Bộ Tư lệnh 559 đã xây dựng Chỉ huy sở trong địa đạo sâu trong lòng núi. Nhiều đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh đóng trong khu vực bản Na Hi.
       Trong chiến tranh, dù vật liệu xây dựng chỉ là tre nứa, Bộ đội Trường Sơn đã xây dựng được một Tổng kho có sức chứa lớn, có lượng luân chuyến hàng đêm hàng trăm xe như vây quả là một kỳ tích. Việc giữ được bí mật vị trí kho cũng như đường ra vào kho trong một thời gian dài cũng là một điều đáng khâm phục.

                                                              Vũ Trình Tường
 

tin tức liên quan