Di tích Hầm Chỉ huy sở BTL 559

Ngày đăng: 05:12 20/06/2023 Lượt xem: 140
DI TÍCH SỞ CHỈ HUY SỞ BTL 559

 
1. Tên Di tích: Địa đạo Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh 559 (1967-1969).
2. Địa điểm của Di tích : Thuộc bản Huội Chăng, Sê Pôn, Savannakhet
3. Sự kiện, nhân vật lịch sử, đặc điểm của Di tích:
         Địa đạo nằm dưới chân dãy núi Catôn, trước đây thuộc bản Na Hi, cách Đường 128 khoảng 6 km về phía Tây, cách Ngã ba Na Bo 11 km. Từ năm 1961, theo chủ trương của Quân ủy Trung ương, bộ đội Trường Sơn bắt đầu thực hiện “Lật cánh sang Tây, tổ chức vận chuyển cơ giới”. Được sự thỏa thuận của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, lần lượt các tuyến: Đường 129, 128, 20… được Bộ đội Trường Sơn xây dựng trên đất bạn Lào. Đến những năm 1967-1969 đường Hồ Chí Minh ở phía tây Trường Sơn đã phát triển thành một hệ thống đường cơ giới trải rộng khắp các tỉnh Khăm Muộn, Savannakhet, Saravan, Sê Công, At Ta Pư…đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của chiến trường miền Nam Việt Nam.
         Đầu năm 1967, Đại tá Đồng Sĩ Nguyên, lúc đó đang là Chủ nhiệm Tiền phương Tổng cục Hậu cần, được Quân ủy Trung ương điều về kiêm chức Tư lệnh 559.
        Để sự chỉ huy được trực tiếp có hiệu quả, ông đã cho Bộ đội xây dựng một địa đạo làm Sở Chỉ huy. Vị trí lựa chon ở phía về phía Tây bản Na Hi (cũ) huyện Sê Pôn, nằm giữa Đường 128A, Đường 128B, cách không xa các trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ như đèo Văng Mu, ngã ba Na Bo, ngầm Thà Khống, đèo Tha Mé…Ngoài yếu tố bất ngờ về vị trí, Sở chỉ huy được đặt trong một “Địa đạo” nằm sâu trong lòng núi Phu Ca Tôn, đảm bảo an toàn nếu bị máy bay đánh phá.
          Quá trình xây dựng được tiến hành bí mật. Hầm được đào đồng thời từ hai phía, chiều rộng trung bình khoảng 1.5m, chiều cao khoảng 2 m. Những vị trí địa chất xấu, dùng gỗ đường kính từ 15 đến 25 cm đóng thành các khung hình cổng rồi ghép liên tiếp để chống đất sụt (giống như gỗ chống đỡ trong hầm lò than). Các lỗ thông hơi cũng được đào và ngụy trang cẩn thận. Từ nhánh chính đã có một số cửa thoát hiểm và thoát nước ngầm.
          Do không có máy trắc đạc chuyên dụng để điều chỉnh, nên hai nhánh hầm tại điểm gặp nhau chênh chiều cao trên 3m. Để khắc phục, bộ đội phải làm một giếng đứng có thang trèo từ nhánh thấp lên nhánh cao hơn.
          Hầm chính có chiều dài trên 200m, có đầy đủ các gian hầm trực chỉ huy, hầm giao ban Bộ Tư lệnh, các ngách hầm trực ban cho cơ quan tham mưu các binh chủng  (Công binh, Phòng không, Vận tải, Thông tin…), cơ quan Chính trị, Hậu cần. Mỗi “phòng trực ban” có 1 bóng điện, điện thoại, bàn ghế bằng tre nứa ghép lại (không có giường), suốt 24 giờ một ngày, các sĩ quan thay nhau trực.
         Ngày 14-10-1967, Bộ Tư lệnh 559 đã chuyển đến Sở Chỉ huy từ Ca Tok trên Đường 20 đến Địa đạo mới xây dựng.  
Hệ thống thông tin liên lạc nối thông đến tất cả các trọng điểm, các binh trạm, các binh chủng, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên có thể nói chuyện một lần với 4-5 binh trạm từ bắc sông Bạc trở ra. Đèn điện trong Địa đạo được máy phát điện cung cấp sáng suốt ngày đêm. Tác phong làm việc của Bộ Tư lệnh và các cơ quan trong Sở Chỉ huy rất  chính quy, khẩn trương, nghiêm túc.
        Dưới tán những cây rừng cổ thụ, tại cửa chính của Hầm có một Phòng họp xây dựng nửa nổi, nửa chìm, có mái lợp tranh. Nếu có sự cố, những người tham dự rút xuống hầm nhanh chóng.
       Khu trung tâm Hầm có một phòng giao ban Bộ Tư lệnh, đủ cho Bộ Tư lệnh và các đầu ngành dự. Trong phòng giao ban có bàn ghế, bản đồ tác chiến, điện thoại…
       Từ tháng 01-1969 đến tháng 3-1969, Sở Chỉ huy 559 đã bị máy bay Mỹ ném bom tọa độ, nhưng Bộ Tư lệnh vẫn làm việc an toàn trong lòng núi. Các Cơ quan Bộ Tư lệnh và Đơn vị trực thuộc bố trí tại các căn hầm độc lập ở xung quanh địa đạo. Trong một đợt đánh phá, bác sĩ Nguyễn Công Khanh hy sinh khi đang chuẩn bị cấp cứu thương binh tại một trạm quân y gần Sở Chỉ huy Bộ Tư lệnh.
        Cuối tháng 4-1969, các tiểu đoàn ngụy Lào nống ra Mường Phìn, Na Bo, núi Ca Tôn, ta bao vây tiêu diệt 520 tên tại khu vực núi Ca Tôn.
       Tại căn Hầm này trong các năm 1967-1969 Bộ Tư lệnh đã phát đi các mệnh lệnh chiến đấu cho toàn chiến trường Trường Sơn.
Hội nghị tổng kết nhiệm vụ năm 1968 kết hợp tập huấn chuẩn bị cho nhiệm vụ năm 1969 của Bộ TL 559 tổ chức tại Sở Chỉ huy từ ngày 20 đến ngày 27 tháng 9 năm 1968. Tại hội nghị, Bộ Tư lệnh đã đọc Thư khen của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Bộ đội Trường Sơn.
         Mùa mưa năm 1969, đơn vị Trường Sơn rút về Việt Nam để học tập, củng cố đơn vị, an dưỡng. Bộ Tư lệnh và chỉ huy các đơn vị về dự Hội nghị Quân chính tại Sầm Sơn. Thời điểm này, máy bay Mỹ đã ngừng ném bom miền Bắc, nên Bộ Tư lệnh có chủ trương chuyển Sở Chỉ huy về Việt Nam. Ngày 18-9-1969, Bộ Tư lệnh chuyển về đóng dã chiến tại thôn Cổ Giang, huyện Bố Trạch, để chỉ huy cuộc diễn tập và chuẩn bị nhập tuyến mùa khô năm 1969-1970.
         Sau thời gian “nhập tuyến” thành công, Bộ Tư lệnh về đóng tại Km 42/ Đường 10, Quảng Bình, vai trò Hầm Sở chỉ huy gần bản Na Hi mới chính thức chấm dứt.

Vũ Trình Tường

tin tức liên quan