DI TÍCH NGẦM (BẾN PHÀ) THA KHỐNG

Ngày đăng: 12:35 29/06/2023 Lượt xem: 100
                                                        DI TÍCH NGẦM (BẾN PHÀ) THA KHỐNG
 
1. Tên di tích: Di tích Ngầm (phà) Thà Khống
.2. Địa điểm:: Thị trấn Sê Pôn, Savannakhet
3.Sự kiên, nhân vật lịch sử, đặc điểm di tích.
         Ngầm (phà) Thà Khống (cũ) nằm trên Đường 9 qua sông Sê Băng Hiêng, nằm ở tây thị trấn Sê Pôn.
        Đoạn Đường 9, được xây dựng từ năm 1920 thởi Pháp thuộc kết nối với Quốc lộ 9 của Việt Nam ở cửa khẩu quốc tế Den Savan (Savannakhet) - Lao Bảo (Quảng Trị). Trong những năm chiến tranh chống Mỹ (1959-1975), chất lượng Đường 9 rất xấu. Mặt đá rải khi xây dựng bị bong tróc gần hết, mặt đường nham nhở do mưa xói, cây cối mọc um tùm chen lấn mặt đường. Các vị trí vượt sông suối nhỏ chỉ bằng những cầu tạm, đa số đã hỏng. Riêng điểm vượt sông Sê Băng Hiêng trước đây có một cầu sắt qua sông nhưng đã bị phá hủy trong kháng chiến chống Pháp. Chỉ còn lại hai trụ cầu xây bằng gạch đá, các phương tiện qua sông về mùa khô đi ngầm, mùa mưa đi bằng phà ghép thô sơ, kéo tay.
        Đoạn Đường 9 từ Bản Đông đi Mường Phìn đã được bộ đội Trường Sơn sử dụng từ rất sớm (năm 1962).  Lực lượng Trung đoàn 70, sau đó là lực lượng của Tuyến 1 đã sửa chữa đoạn đường này cho xe vận tải lưu thông. Phát quang cây cối trên mặt đường, bắc lại cầu cống bằng gỗ, hoặc làm ngầm tạm qua sông suối; lấp ổ gà, cải tạo mặt đường.
        Phía tây và bắc thị trấn Sê Pôn là cụm kho hậu cần lớn tại Mường Phìn, Na Hi (từ 1962), Khe Vinh, Cù Lạc (1968-1975).
Trong những năm đầu 1962-1966, hướng vận chuyển bằng ô tô từ Mường Phìn đi Sê Pôn qua ngầm (phà) Thà Khống là hướng duy nhất.
         Năm 1962- 1963, xe của Tổng cục Hậu cần chuyển hàng theo Đường 129 vào chứa trong các kho tại Mường Phìn, Na Hi. Từ đây, xe ô tô biệt phái của Tổng cục Hậu cần cho Trung đoàn 70 , 71 và xe ô tô chiến lợi phẩm trung chuyển hàng từ Mường Phìn vào Bản Đông cho các đội gùi thồ tiếp vào huyện Noong và La Hạp. Do tính khí thất thường của dòng Sê Băng Hiêng mà việc qua sông bằng ngầm (phà) trở nên nguy hiểm. Nước lũ đổ về bất chợt cuốn trôi cả đường ngầm, trôi cả phà.
Tháng 6 năm 1962, lái xe Nguyễn Cảnh Thiềm trong một chuyến chở hàng về Bản Đông qua sông Sê Băng Hiêng đã bị nước cuốn trôi cả người và xe ra sông Sê Pôn. Nguyễn Cảnh Thiêm là Liệt sỹ lái xe đầu tiên hy sinh trên Trường Sơn. Tổn thất này cho thấy một thực tế là hiểm họa giặc Trời không hề kém kẻ thù trên Mỹ- ngụy.
         Ngay từ năm 1965, Thà Khống đã bị máy bay ném bom dữ dội. Pháo sáng và bom đạn không đêm nào vắng ở Thà Khống.. Từ năm 1966, khi Đường 128, nhất là khi Đường 20 hoàn thành thì khối lượng xe chạy trên Đường 9 qua Ngầm (phà) Thà Không tăng lên nhanh chóng. Đồng thời với đó là sự đánh phá ngăn chặn đến mức khốc liệt của máy bay địch.
          Những lái xe đi qua được Thà Khống như thoát được một “cửa tử”. Cây cối xung quanh hai đầu ngầm Tha Khống bị chất độc da cam làm cho trơ trụi, bom cày xới hết lớp này đến lớp khác, đất đá lẫn thép gang, tưởng như không sinh vật vào sống được. Không quân Mỹ lúc nào cũng chọn Thà Khống là mục tiêu hàng đầu vì đó là mục tiêu dễ phát hiện, dễ ngăn chặn và khó khắc phục. Tháng 2-1966, một đoàn xe của Tiểu đoàn 52 bị ùn tắc ở cua Chữ S ở phía đông Thà Khống (do bị tắc ở Dốc Thơm, bản Đông). Đoàn xe bị địch phát hiện, máy bay địch tập trung bắn phá suốt 2 ngày đêm và bị phá hủy 45 chiếc. Nhiều chiến sĩ lái xe hi sinh.
          Năm 1966, để tránh trọng điểm Thà Khống, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã xây dựng Đường tránh nối từ Na Bo vào nối với Đường Bản Đông - Mường Noong tại Sa Đi. Ban đầu đường mang tên 35. Các đoàn xe thêm một hướng vào phía nam không qua “của tử” Thà Khống. Hướng vận chuyển này trở thành hướng chính rồi trở thành một Đoạn của Đường 128. Đoạn Bản Đông đi Sa Đì được gọi là Đường 29 A. Tuy nhiên, khi đèo/ngầm Tha Mé trên Đường 35 bị đánh chặn ác liệt thì hướng Đường 9 qua Thà Khống vẫn làm một hướng vận chuyển quan trọng, vẫn là một “chốt” vượt sông trọng  yếu.
         Quản lý đoạn Đường 9 ban đầu (1965-1966) là Tuyến 1 sau là Binh trạm 33, Binh trạm 41. Các đơn vị Công binh, Cao xạ của các Binh trạm quản lý đã chiến đấu dũng cảm với máy bay địch đảm bảo ngầm thông, đường không tắc.
Bên cạnh việc vận chuyển hàng hậu cần bằng đường bộ trên Đường 9, đoạn sông Sê Băng Hiêng này cũng là một tuyến vận tải thủy quan trọng từ các kho Vinh, Cù Lạc bên bờ sông Sê Băng Hiêng qua Thà Khống vào sông Sê Pôn đi Bản Đông. Đây là một phương thức vận tải hiệu quả được sử dụng trong thời gian dài.
         Sau hòa bình lập lại (1975), Sư đoàn 384, tiếp tục xây dựng nâng cấp đoạn Đường 9 từ Lao Bảo đi Mường Phìn. Bến phà Thà Khống vẫn tiếp tục được Trung đoàn 515, Sư đoàn 384 quản lý vận hành hơn 10 năm nữa. Sau khi Sư đoàn 384 về nước, bến phà giao lại cho phía Lào quản lý. Ít lâu sau, khi cầu Sê Băng Hiêng do Liên Xô giúp đỡ xây dựng khánh thành thì bến phà dừng hoạt động.
         Ngầm Thà Khống là một di tích gắn liền với Bộ đội Trường Sơn, với con đường Hồ Chí Minh lịch sử.

 
Vũ Trình Tường
tin tức liên quan