DI TÍCH CẦU TREO BẢN ĐÔNG

Ngày đăng: 12:39 29/06/2023 Lượt xem: 88
DI TÍCH CẦU TREO BẢN ĐÔNG 
 
 
1. Tên Di tích: Cầu treo Bản Đông.
2. Địa điểm Di tích:: Cầu treo Bản Đông nằm trên Đường 29A (Bản Đông - Mường Noòng) bắc qua sông Sê Pôn, cách ngã ba Bản Đông khoảng 1 km.
3. Sự kiện, nhân vật lịch sử, đặc điểm của Di tích:
       Đường 29A là (Bản Đông đi Mường Noòng) được xây dựng từ rất sớm (1964). Đây là một trục dọc quan trọng nằm gần biên giới Việt Nam - Lào.
      Sau khi Hiệp định Pa Ri được ký vào 27- 01-1973, phần lớn lực lượng của Trường Sơn được điều động về phía Đông.
      Tuy nhiên việc đảm bảo giao thông trên các trục đường Tây Trường Sơn vẫn phải duy trì, thậm chí phải nâng cấp kỹ thuật đảm bảo hành quân cơ giới với tốc độ cao hơn. Lúc này, Đường 9 từ Đông Hà lên Hướng Hóa đã do ta làm chủ. Vì vậy trục dọc cơ động vào Tây Nguyên và Nam Bộ nhanh nhất, thuận tiện là Trục dọc đi theo Đường 29A - Đường 22 - Đường 128. Đường 29 vượt sông Sê Pôn bằng 03 ngầm về mùa cạn và phà về mùa lũ. Tuy nhiên, năng lực thông xe rất thấp, lại phụ thuộc vào thiên nhiên, không chủ động.
      Để đảm bảo hành quân theo hướng Đ29A được thuận lợi, ngày 22-10-1972, Tiểu đoàn 3 và Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn 98), đã bắt đầu triển khai xây dựng một cầu gỗ dã chiến tại bản Cha Ki Phìn vượt sông Sê Pôn. Tiểu đoàn 2 làm nhiệm vụ khai thác vật liệu cung ứng cho Tiểu đoàn 3 làm cầu. Đầu tháng 12, cầu hoàn thành, dài 64 m, gồm 16 nhịp, trụ bằng cụm cọc gỗ, mố bằng rọ đá. Ván mặt cầu lắp cố định cho 5 nhịp, các nhịp khác có thể tháo lắp dễ dàng theo tình huống. Ngày 02-12-1972, một đoàn xe Zil 130 và một máy ủi chạy thử tải qua cầu an toàn. Cầu bắt đầu đưa vào sử dụng. Đây là cây cầu phục vụ cho các đoàn xe chở hàng hậu cần và thiết bị quân sự vào chiến trường. Sau đó cầu bị phát hiện và bị ném bom, nhưng cầu vẫn đảm bảo cho xe qua sông.
       Tuy nhiên, để đón bắt thời cơ, Bộ Tư lệnh Trường Sơn chủ trương xây dựng cầu treo cơ bản qua sông Sê Pôn.
Tổ kỹ sư cầu của Công binh Trường Sơn gồm: Phạm Thái Chi, Mai Văn Tâm... phối hợp với Trường Đại học Xây dựng Hà Nội và Viện Kỹ thuật Giao thông (Bộ GTVT Việt Nam) thiết kế cầu.
       Cầu được thiết kế theo tiêu chuẩn “Bán vĩnh cửu” dạng dây võng Parabol, hai trụ cầu bằng thép tổ hợp. Tải trọng thiết kế H10. Cầu khổ 4m và 2 hành lang đi bộ rộng 2x0.75 m. Mặt cầu bằng tấm đan bê tông cốt thép. Hệ cáp chủ dùng cáp Ø56 có 10 sợi, mỗi cụm 5 sợi nằm trên cùng một mặt phẳng, bắt qua đỉnh trụ cổng cầu rồi tới hố neo hai bên bờ. Dọc chiều dài cầu có tất cả 19 điểm treo bằng sắt tròn D30.
       Dầm ngang là dầm sắt I 450. Ở vị trí giữa cầu (Dầm số 10 và một phân tư nhịp cầu kể từ hai mố dùng I450 kép). Hố neo bằng bê tông cốt thép khối lượng 450 m3.  
       Cầu treo Bản Đông được Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 99 (đồng chí Nguyễn Phú Mãn là Tiểu đoàn trưởng, kỹ sư Mai Tây Lộ, giảng viên Đại học GTVT biệt phái chịu trách nhiệm kỹ thuật xây dựng).
       Vào thắng 3-1975, khi Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 99 được Bộ Tư lệnh điều đi đảm bảo giao thông trên Quốc lộ 1 (Việt Nam), Tiểu đoàn 43A, Trung đoàn 509 công binh – Sư đoàn 472,  Bộ Tư lệnh Trường Sơn tiếp tục đảm nhiệm xây dựng. Cầu treo Bản Đông được Bộ GTVT Việt Nam hỗ trợ về kỹ thuật và thiết kế. Khi cầu chưa hoàn thành, các xe vượt sông Se Pôn bằng ngầm ở hạ lưu cầu treo.
      Cầu khởi công ngày 15-5-1974 và khánh thành ngày 05-9-1975. Tuy không kịp phục vụ chiến dịch Mùa Xuân năm 1975, nhưng xây dựng được cầu treo Bản Đông là một bước trưởng thành của Công binh Trường Sơn, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước Lào.
        Sau gần 40 năm tồn tại, cầu treo Bản Đông đã đảm bảo hàng triệu chuyến xe chạy qua. Tất cả kết cấu cầu vẫn đảm bảo vững chắc.
      Cầu treo Bản Đông là một trong ba cầu treo mà lực lượng Công binh Trường Sơn đã thi công trên Trường Sơn và là chiếc cầu treo dây võng duy nhất còn tồn tại trong 3 chiếc cầu treo được bộ đội Trường Sơn xây dựng năm 1974-1975. Những năm gần đây, cây cầu vượt sông Sê Pôn mới bằng Bê tông cốt thép được xây dựng cách cầu cũ chỉ khoảng chục mét. Cây cầu cũ vẫn được bảo tồn thành Di tích, thành một điểm tham quan du lịch.
      Cầu treo Bản Đông thuộc quản lý của Bảo tàng Bản Đông. Là một điểm tham quan của các cựu chiến binh Trường Sơn và du khách khi đến thăm khu vực Bản Đông.

                                                                   Vũ Trình Tường


tin tức liên quan