DI TÍCH ĐOẠN ĐƯỜNG 29A
1. Tên Di tích: Đoạn Đường 29A tại bản Na Noong (Đường Bản Đông- Sa Đì).
2. Địa điểm: Bản na Noong (cũ), huyện Noong, Savannakhet
3. Sự kiện, nhân vật lich sử, đặc điểm Di tích.
Đường Bản Đông - Sa Đì dài 29 km bắt đầu từ Ngã ba với Đường 9 tại Bản Đông, điểm cuối tại Sa Đi, huyện Noong. Đường được cải tạo nâng cấp từ đường gùi thồ của Trung đoàn 70 mang tên đường Nava. Ngay từ đầu năm 1964, Tiểu đoàn 1 (của Trung đoàn 98) được Bộ Quốc phòng điều động vào giúp Đoàn 559, đã cải tạo nâng cấp Đường Nava cũ thành đường ô tô. Tuy nhiên do lực lượng và phương tiện thi công có hạn, đến giữa năm 1964 đường vẫn không đảm bảo cho ô tô lưu thông thuận lợi được. Chỉ có một số xe trọng tải 2 tấn qua được dốc Thơm.
Thực hiện chủ trương xây dựng hạ tầng, đường sá trên Trường Sơn để vận chuyển bằng cơ giới. Một tuyến dọc Trung – Hạ Lào do một đội khảo sát của Cục Công Binh (do đồng chí Hoàng Đình Luyến phụ trách) sơ bộ vạch ra và sau đó đã được Bộ Quốc phóng chấp nhận.
Trước mắt là xây dựng đường từ Bản Đông đi sông Bạc (tên một đoạn sông Sê Kông qua bản Bạc do bộ đội Trường Sơn quen gọi). Ngày 27-6-1964, Trung đoàn công binh 98 được Bộ Tổng Tham mưu điều động bổ sung cho BTL 559 vào Trường Sơn để xây dựng đường.
Ngày 9 tháng 8 năm 1964, tại La Hạp, Đại đội 4, Tiểu đoàn 1 thay mặt toàn Trung đoàn 98 bổ nhát cuốc đầu tiên, mở đầu cho việc thi công đường vận tải cơ giới trên tuyến tây Trường Sơn của Trung đoàn 98. Ngày 9 tháng 8 trở thành “ngày Truyền thống” của lực lượng Công binh Trường Sơn.
Tiểu đoàn 1 tiếp tục thi công nâng cấp đoạn Bản Đông - Sa Đì, đồng thời thi công đoạn Sa Đì - La Hạp. Trong hơn 2 tháng triển khai thi công, đến cuối tháng 12 năm 1964 đã hoàn thành mở thông đến La Hạp. Trung đoàn 98 kết thúc thắng lợi nhiệm vụ do Chỉ huy Đoàn 559 giao với kết quả ngoài dự kiến. Đường 29A là đường cơ giới đầu tiên do Công binh Trường Sơn xây dựng ở Tây Trường Sơn. Ngay sau khi xây dựng, tuyến đường này có tên gọi là đường Bản Đông - Mường Noòng nối tiếp Đường 128 vào phía nam. Sau khi Đường 35 xây dựng từ Na Bo đi Sa Đi rồi trở thành một đoạn của Đường 128. Đường Bản Đông - Mường Noòng đăng ký thành Đường 29A. Đây là tuyến vận tải cơ giới hình thành từ rất sớm và được sử dụng trong suốt thời gian chiến tranh. Đường 29A nối tiếp với Tuyến 128 và Đường 22 tại Sa Đì.
Trên Đường 29A có các trọng điểm sau: ngầm/phà vượt sông Sê Pôn và Dốc Thơm. Từ khi bắt đầu đưa vào sử dụng, Đường 29A và đoạn Đường 128 từ Sa Đì đến Bạc do “Tuyến 2” quản lý. Lực lượng Tuyến 2 gồm có Trung đoàn ô tô 245, Tiểu đoàn công binh 25, các lực lượng TNXP làm nhiệm vụ mở đường mới, đảm bảo giao thông, Tiểu đoàn cao xạ 14 và các cơ sở kho tàng. Chỉ huy trưởng Tuyến 2 là Trung tá Nguyễn Lang, Chính ủy là Trung tá Đặng Ba. Chỉ huy sở đóng tại Tà Beng.
Tháng 5 năm 1966, Đường 29A do Binh trạm 2 quản lý (phụ trách từ Ho - Đường 9 - sông Bạc - A Túc). Sau đó Đường 29A thuộc quản lý của Binh trạm 33.
Tại Km 19/Đường 29A tại bản Na Noong (cũ), huyện Noong, trong các sách lịch sử Trường Sơn gọi địa điểm này là Tam Luông là ngã ba với Đường gùi thồ B70. Đường B70 nối về Tây Hướng Hóa của Quảng Trị. Đây là trục vượt khẩu Tây - Đông đầu tiên để vận chuyển hậu cần và giao liên cho các cơ sở và đơn vị ở Quảng Trị. Để mở thêm một trục dọc thứ hai ở Nam Đường 9, Bộ đội Trường Sơn xây dựng Đường 22 từ Sa Đì đến đến Tăng Cát C. Khi Đường 22 xây dựng xong, xe vận tải chạy từ Đường 29A vào Đường 22 tạo thành một trục dọc thứ 2.
Vào những năm 1973-1975, trục đường 29A-22 trở thành trục vận chuyển ngắn nhất đến Ngã ba Biên giới. Chính vì vậy mà năm 1973, Công binh Trường Sơn đã rải đá mặt đường Đường 29A.
Sư đoàn ô tô 471 vận chuyển thần tốc 2 Quân đoàn (2,3) chủ lực vào tập kết phía bắc Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh đã chạy theo hướng Đường 29A- 22- 128 vào Tây Nguyên áp sát Sài Gòn tại Đồng Xoài.
Sau năm 1975, để bảo tồn di tích Đường 29A nói riêng và đường Hồ Chí minh nói chung, chính quyền và nhân dân tỉnh Savannakhet cho bảo tồn nguyên vẹn một đoạn đường 29A dài gần 3 km tại Km 19 (Ngã ba Tam Luông). Đường mới được xây dựng cho phát triển kinh tế và dân sinh bên cạnh đường cũ. Đoạn đường giữ lại làm Di tích được rào lại bằng hàng rào thép. Mặt đường rải đá vẫn được giữ lại như khi bộ đội Trường Sơn xây dựng. Qua mấy chục năm, do sự bùng nổ về nhu cầu xây dựng của nhân dân địa phương, một số đoạn đã bị lấn chiếm. Hiện tại chỉ còn lại khoảng 1 km còn có hàng rào bảo vệ.
Đây là một cố gắng và trách nhiệm cao của chính quyền và nhân dân các bộ tộc Lào.
Vũ Trình Tường