DI TÍCH NGÃ BA LA HẠP

Ngày đăng: 09:28 05/07/2023 Lượt xem: 123
DI TÍCH NGÃ BA LA HẠP
 
1. Tên Di tích: Ngã ba La Hạp

2.Địa điểm: Tại bản La Hạp, huyện Ta Ôi, Sê Kông

.3.Sự kiện, nhân vật lịch sử, đặc điểm Di tích.


      La Hạp là đầu mối giao thông quan trọng của Đường Trường Sơn, là điểm giao của Đường 128 (Km 238) và Đường B45 (Km0). Từ La Hạp đi về phía bắc ra Bản Đông, về phía Nam vào bản Bạc, về hường đông vào A Lưới.
       a-Đường ngang Tây – Đông B45
     Trước năm 1964, các hướng vận chuyển đến và đi khỏi La Hạp đều là gùi thồ. Ngay năm 1961, do lực lượng của Trung đoàn 70 còn mỏng, nên Đoàn 559 gùi hàng từ Làng Ho vào giao cho Liên khu V tại La Hạp. Khi đủ lực lượng Đoàn 559 đã quản lý Đường B45 vào đến A Lưới.
      Trung đoàn 70 (Đoàn trưởng là Chu Đăng Chữ, Chính ủy là Nguyễn Danh) có 3 Tiểu đoàn được bố trí cung đoạn như sau: Tiểu đoàn 1 nhận hàng từ Sê Pôn, Mường Phìn vận chuyển vào La Hạp, Tiểu đoàn 3 vận chuyển hậu cần từ Làng Ho (Lệ Thủy, Quảng Bình) vào La Hạp. Tiểu đoàn 3 nhận hàng từ La Hạp vận chuyển vào giao cho Liên khu V tại A Lưới.
       Trên cung đường Làng Ho - La Hạp, cuối năm 1961, Trung đoàn 70 đã dùng voi và ngựa thồ vận chuyển. Sau một thời gian, cách vận chuyển này kém hiệu quả nên không dùng nữa.
        Đường B45, vào năm 1965 đã được Tuyến 2 thi công nâng cấp từ La Hạp đến Động Con Tiên dài 32 km thành đường ô tô. Tháng 7-1965, đường đã thông đến Động Con Tiên.
         Đầu năm 1967, một Tiểu đoàn của Trung đoàn 10 công binh tăng cường cho Binh trạm 2 mở tiếp Đường B45 đến A Sầu, A Tép.

        b-Đường dọc 128
        Đoạn đường từ Bản Đông đi La Hạp, trước năm 1964 vẫn là đường gùi thồ.
       Thực hiện chủ trương xây dựng hạ tầng đường sá để tổ chức vận chuyển cơ giới trên Trường Sơn. Đoạn đường từ Bản Đông về sông Bạc được xây dựng đầu tiên. Trung đoàn 98 và Trung đoàn 279 được Bộ Quốc phòng điều động vào Trường Sơn mở đường.
       Ngày 9-8-1964, tại La Hạp, Trung đoàn trưởng 98 do Trung đoàn trưởng Phan Quang Tiệp đã chỉ đạo Đại đội 4 bổ nhát cuốc đầu tiên mở đầu cho công cuộc mở đường cơ giới trên Trường Sơn. Ngày mùng 9-8-1964 được chọn là ngày Truyền thống của Công binh Trường Sơn. Cuối năm 1964, bằng sự nỗ lực vượt bậc, Trung đoàn 98 đã mở đường thông vào đến sông Bạc (sông Sê Kông). Đường này sau đó mang tên Đường 128.
       Đoàn xe 245 đã được Tổng cục Hậu cần điều động vào Trường Sơn, lần đầu tiên chạy trên Đường 128 qua La Hạp vào sông Bạc (sông Sê Kông).
       Đường 128 giai đoạn đầu còn quá xấu, bắc La Hạp là Dốc Thơm, nam La Hạp nhiều đèo dốc, khó khăn nhất là đèo Lục Tùng Bế, đoạn dốc 12 cua bắc sông Bạc, xe bị sa lầy, “dệ” ta luy, vỡ hộp số nhiều. Đường 128 vào năm 1965 được Trung đoàn 98 và Trung đoàn 279 tiếp tục xây dựng kéo dài vào đến Tà Xẻng. Những năm sau được Công binh các Binh trạm quản lý cải tạo, mở thêm đường tránh và được sử dụng cho đến hết chiến tranh (1975).
       c- Sở Chỉ huy của Trung đoàn 70, Binh trạm 34, Tiền phương của Bộ Tư lệnh 559 đặt tại La Hạp.
      Năm 1963, Chỉ huy sở Trung đoàn 70 chuyển vào đóng tại La Hạp.
Để trực tiếp giải quyết, tháo dỡ những khó khăn, bế tắc của Tuyến vận tải, Đoàn trưởng Võ Bẩm tổ chức Hội nghị Đảng ủy tại La Hạp. Tham gia hội nghị có các Đảng Ủy viên, chỉ huy Trung đoàn 70, 71. Sau hội nghị đã có những chuyển biến tích cực.
Năm 1967-1968, La Hạp là địa bàn đặt Chỉ huy sở của Binh trạm 34. Binh trạm 34 quản lý đoạn Đường B45 từ La Hạp đi A Túc và Đường 128 từ La Hạp vào bắc Bạc (Binh trạm trưởng là Võ Văn Quỳ, Chính ủy Phạm Thái). Sở chỉ huy Tiền phương của Binh trạm 33 cũng đặt tại La Hạp.
      Năm 1967-1968, hoạt động của địch ở khu vực La Hạp, bao gồm cả khu vực A Lưới của Thừa Thiên rất ráo riết, vì vậy tháng 5-1967, Sở Chỉ huy Tiền phương Bộ Tư lệnh 559 được lập tại La Hạp, trực tiếp chỉ huy, điều hành toàn tuyến.
Tại La Hạp có kho hậu cần S4.
         d- La Hạp là trọng điểm đánh phá ngăn chăn ác liệt
        La Hạp là nơi tiếp giáp với chiến trường nên thường xuyên bị máy bay và biệt kích Mỹ- Ngụy đánh phá ác liệt.
Máy bay B52, máy bay cường kích ném bom, bắn tên lửa, rải chất độc da cam liên tục đã biến các khu rừng xung quanh La Hạp trơ trụi.
        Các nhóm thám báo được tung vào thăm dò các căn cứ của ta. Một số trận đánh phá điển hình:
Ngày 01- 4 -1968, Mỹ xuống thang dừng đánh phá miền Bắc, nhưng tập trung lực lượng không quân đánh phá các trọng điểm của Trường Sơn. Tại La Hạp, đầu tháng 4-1968, máy bay Mỹ ném bom Kho S4 và Sở Chỉ huy Tiền phương của Binh trạm 33, làm 40 đồng chí hy sinh.
      Ngày 24-3-1970, địch tập trung ném bom La Hạp liên tục từ 7g10 đến 14g30, có 16 quả bom trúng đường trong đó có 10 quả bom nổ chậm và từ trường. Công binh đã có một chiến công xuất sắc: Chỉ trong hơn một giờ đã gỡ được toàn bộ 16 qủa bom tai ác, khai thông trọng điểm.

 
 Vũ Trình Tường
 

tin tức liên quan