DI TÍCH THA TENG.
1.Tên Di tích: Thị trấn Tha Teng
2.Địa điểm của Di tích: Thị trấn Tha Teng, huyện Tha Teng,, tỉnh Sê Kông
3.Sự kiện, nhân vật lịch sử, đặc điểm Di tích
Tha Teng nằm ở khu trung tâm của Cao nguyên Boloven. Đây là địa bàn tranh chấp giữa lực lượng Hoàng gia Lào, lính đánh thuê Thái Lan với sự trợ giúp về hỏa lực của Mỹ (sau đây gọi chung là “địch”) với lực lượng Phathet Lào và bộ đội tình nguyện Việt Nam (gọi tắt là “ta”). Tha Teng đã được ta giải phóng rồi lại bị tái chiếm nhiều lần.
Tháng 9-1968, Đoàn 968 (trực thuộc Quân khu IV) được thành lập theo QĐ của Bộ Quốc phòng, gồm có 5 tiểu đoàn và Đại đội đặc công S4. Đoàn trường 968 là Hà Tuấn Khanh, Chính ủy là Phạm Sinh. Bộ Tư lệnh Quân khu IV, chỉ đạo Đoàn 968 mở chiến dịch giải phóng Tha Teng. Tha Teng án ngữ trên Đường 23, nếu kiểm soát được Tha Teng, chia cắt Sa Ra Van và Mường Mày, giải tỏa áp lực từ hướng Tây, tạo điều kiện an toàn cho Đường Hồ Chí Minh.
Lực lượng tham gia tấn công Tha Teng có: Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 2, Đội Đặc công S4, Đại đội pháo 120 ly thuộc Đoàn 968.
Sau thời gian trinh sát, lập kế hoạch tác chiến, đúng 2 giờ sáng ngày 27-11-1968, các đơn vị đồng loạt nổ súng tấn công. Mũi đánh vào Đồi A1, A2 sau 25 phút chiến đấu đã làm chủ 2 căn cứ này, tiêu diệt 30 tên, bắt sống tên Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng BV43. Mũi tấn công vào phân khu trung tâm Tha Teng, sau 30 phút chiến đấu đã làm chủ phân khu.
Bọn tàn quân địch chạy về co cụm lại rồi huy động thêm quân địa phương phản kích nhằm chiếm lại thị trấn. Tiểu đoàn 1 và Đại đội đặc công S4 đánh chặn nhiều đợt phản công của địch, giữ vững trận địa.
Đến 11 g cùng ngày, một đoàn xe chở đầy lính từ Pạc Xoòng xuống ứng cứu Tha Teng. Đoàn xe đi vào trận địa phục kích của D2 phải bỏ chạy để xe lại và nhiều xác chết.
Lực lượng địch vẫn còn đóng rải rác xung quanh thị trấn, Đoàn 968 phải tiếp tục chiến đấu tiêu diệt và giải phóng các làng bản. Đến tháng 4-1969, ta mới giải phóng hoàn toàn được Tha Teng và toàn tỉnh Ta Ven Oọc. Thị trấn Tha Teng được giải phóng, đã giúp Cách mạng Lào giành thêm đất, thêm dân; nhất là giải tỏa áp lực bị bộ binh địch tấn công vào hướng Tây của Tuyến đường 559, tạo điều kiện mở thêm tuyến vận chuyển mới. Sau đó địch lại mở các cuộc hành quân lấn chiếm lại Tha Teng.
Ngày 19-5-1970, Bộ Quốc phòng thành lập Mặt trận Z để mở chiến dịch giải phóng thị xã Saravan và cao nguyên Boloven. Các đơn vị tham gia mặt trận chủ yếu là của Đoàn 968 và các đơn vị Phathet Lào. Ngày 25-6-1970 ta giải phóng hoàn toàn thị xã Saravan.
Cuộc hành quân Lam Sơn 719 của Mỹ - ngụy vào đầu năm 1971 nhằm cắt đứt Tuyến đường Hồ Chí Minh, phá hủy tất cả các kho xăng dầu và hậu cần; kiểm soát mọi sự thâm nhập từ Bắc vào Nam. Khi các đơn vị địch đổ quân vào khu vực Bản Đông, chiếm các cao điểm Bắc và Nam Đường 9, các trục đường Trường Sơn hiện có như Đường 29A, Đường 128, Đường 22, trục đường ống xăng dầu, nằm trong khu vực chiến sự bị đe dọa nghiêm trọng. Mặc dù cuộc hành quân của Mỹ - ngụy bị thất bại thảm hại, nhưng để chủ động trọng mọi tình huống, Tuyến chi viện chiến lược không thể bị dừng lại. Bộ Tư lệnh Trường Sơn chủ động mở thêm một trục vận chuyển mới về phía Tây.
Tuyến mới được chọn là Đường 23 từ Mường Phìn qua Saravan, Tha Teng, Pặc Xoòng xuống At Ta Pư.
Tuy nhiên, các lực lượng Hoàng gia Lào - Thái liên tục mở các trận tấn công nhằm tái chiếm Tha Teng. Ngày 25 tháng 5-1971, Phó Tư lệnh Trường Sơn Hoàng Kiện trực tiếp chỉ huy các lực lượng của ta (Tiểu đoàn 3 của 968 và Tiểu đoàn 22 của Pha thet Lào) đã đẩy lùi các cuộc tấn công, giành lại những vị trí địch tái chiếm. Thị trấn Tha Teng và Pặc Xoòng được giải phóng.
Để giành lợi thế trước khi Hội nghị Viêng Chăn được ký kết. Địch huy động một lực lượng lớn gồm Lữ đoàn 22 (Sư đoàn 2), 33 Tiểu đoàn (GM) quân đội Hoàng gia, 1 Tiểu đoàn Không quân T28, 6 Tiểu đoàn đánh thuê Thái, có sự hỗ trợ của hỏa lực và cố vấn Mỹ đã mở chiến dịch “Sư tử đen” vào tháng 10-1972.
Thị xã Saravan, thị trấn Pặc Xoòng, thị trấn Tha Teng bị địch tái chiếm. Các tuyến vận tải Trường Sơn (Đường 23, Đường 16, Đường kín 24) bị đe dọa nghiêm trọng.
Bộ Tổng Tham mưu đã lệnh cho các đơn vị của Sư đoàn 968 (E9, E19 và E39) phối hợp cùng các đơn vị Phathet (D22) phản công nhanh chóng để giành lại các vị trí đã mất, giải phóng toàn bộ Cao nguyên Boloven.
Sau 128 ngày đêm chiến đấu, các lực lượng của ta đã giải phóng Tha Teng, và toàn tỉnh Saravan, trước ngày Hiệp định Viêng Chăn được ký kết vào ngày 22-3-1973.
Từ đây Tha Teng hoàn toàn nằm trong quyền kiểm soát của Chính quyền cách mạng Lào, Tuyến đường Hồ Chí Minh đã được giải tỏa áp lực bị địch tấn công từ mặt đất.
Vũ Trình Tường