DI TÍCH BẢN PHỒN

Ngày đăng: 09:40 05/07/2023 Lượt xem: 130
DI TÍCH BẢN PHỒN
 
   
1- Tên Di tích:  Bản Phồn

2. Địa điểm: Bản Phồn, huyện La Mam, Sê Kông

3.Sự kiện, nhân vật lịch sử, đặc điểm Di tích
   Đường 128 chạy gần như song song với biên giới Việt Nam - Lào, theo hành lang được Quân tình nguyện Việt Nam và Phathet Lào giải phóng năm 1961-1962. Nhưng từ vùng thuộc quyền kiểm soát của quân đội Hoàng gia Lào, các đội thám báo, biệt kích của địch thường xuyên được tung ra quấy phá, thăm dò tình hình vận chuyển của Đoàn 559 để báo cho máy bay Mỹ đến bắn phá. Thậm chí phái các đơn vị bộ binh đánh vào các địa điểm quan trọng. Áp lực từ phía Tây lên Đường Hồ Chí Minh không nhỏ.
      Năm 1968, Đoàn 968 bộ binh được thành lập. Sau khi thành lập, Bộ Quốc phòng và Quân khu IV (Việt Nam) đã lệnh cho Đoàn 968 mở chiến dịch giải phóng một phần Cao nguyên Boloven (trong đó có thị xã Salavan, thị trấn Tha Teng, Bản Phồn) nhằm mở rộng vùng giải phóng, giải tỏa áp lực từ hướng Tây, tạo điều kiện an toàn cho Đường Hồ Chí Minh.
      Lực lượng tham gia tấn công Tha Teng có: Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 2, Đội Đặc công S4, Đại đội pháo 120 ly thuộc Đoàn 968.
     Cuộc chiến giành giật từng cao điểm, từng bản làng diễn ra đến tháng 4-1969, toàn tỉnh Taven Oọc hoàn toàn giải phóng.
     Từ kết quả này, Bộ Tư lệnh 559 có điều kiện mở thêm một số tuyến đường về phía Tây.
      Năm 1971, máy bay AC130 trở thành ác mộng trên các tuyến đường vận tải Trường Sơn. Sau khi nghiên cứu, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã tìm ra giải pháp, quyết định mở “Đường kín” để khắc chế AC130. Bộ Tư lệnh huy động một lực lượng lớn các đơn vị Công binh, TNXP tham gia xây dựng. Đồng thời lệnh cho Sư đoàn quân tình nguyện 968 Bộ đội Trường Sơn giải phóng Salavan (địa bàn đường kín sẽ đi qua). Một chiến dịch thần tốc mở đường kin từ tháng 7/1971 đến đầu năm 1972, tuyến đường kín (Đường K) dài 533 km mang tên 24 đã thông tuyến vào đến Kho K4 của Binh trạm 37 (gần ngã ba Sê Sụ)
        Tuyến đường kín đi qua Bản Phồn tại Km 390 rồi đi tiếp vào kho K4. Tại Bản Phồn xây dựng các kho hậu cần trung chuyển và mở một tuyến đường kín nối Đường 24 (Km390) với Đường 128 (Km 425) chạy tiếp về Đường B46 tại Đăk Ranh (Km 46/B46).
       Cuộc hành quân Lam Sơn 719 của Mỹ - ngụy vào đầu năm 1971 nhằm cắt đứt Tuyến đường Hồ Chí Minh, phá hủy tất cả các kho xăng dầu và hậu cần; kiểm soát mọi sự thâm nhập từ Bắc vào Nam. Các trục đường Trường Sơn hiện có như Đường 29A, Đường 129, Đường 22, trục đường ống xăng dầu, nằm trong khu vực chiến sự bị đe dọa nghiêm trọng. Mặc dù cuộc hành quân của Mỹ - ngụy bị thất bại thảm hại, nhưng để chủ động trọng mọi tình huống, Tuyến chi viện chiến lược không thể bị dừng lại. Bộ Tư lệnh Trường Sơn chủ động mở thêm một trục vận chuyển mới về phía Tây.
        Tuyến mới được chọn là Đường 23. Đường 23 là tuyến đường có từ thời Pháp thuộc, nhưng không được sử dụng thường xuyên nên hư hỏng nặng. Các đơn vị của Trường Sơn đã cấp tốc sửa chữa Đường 23 từ Mường Phìn – Tha Teng - Bản Phồn xuống thị xã Mường Mày.
       Cũng vào đầu năm 1972, Bộ Tư lệnh khu vực 470, 471 mở một tuyến đường kín từ phía Tây Bản Phồn qua Pặc Xoòng xuống biên giới Lào, Campuchia (tại Hạt Hài) nối vào Đường 49 của Binh trạm 50 Trường Sơn.
        Vào các năm 1972-1974, Đường ống xăng dầu đã được nối dài từ kho K7 (nam bản Đông) xuống phía nam qua cao nguyên Boloven. Tuyến ống qua bản Phồn tại Ô số 7.
       Sông Sê Công đi qua phía đông Bản Phồn là một tuyến vận tải thủy quan trọng của Trường Sơn. Bản Phồn trở thành một đầu mối giao thông quan trọng của Trục Đường kín 24, trục dọc Đường 23, trục ngang nối trục dọc 128 ở phía Đông, với trục ngang vào Tây Nguyên B46, Đường ống xăng dầu…
Vũ Trình Tường
 

tin tức liên quan