ĐỊA ĐIỂM CHIẾN THẮNG PẠK XOÒNG.

Ngày đăng: 06:37 13/07/2023 Lượt xem: 389
ĐỊA ĐIỂM CHIẾN THẮNG PẠK XOÒNG.
 
        1.Tên Di tích:  Thị trấn Pak Xoòng.
        2.Địa điểm của Di tích:    Thị trấn Pak Xoong, huyện Pak Xoong, tỉnh Cham pa xắc 
        3. Sự kiện, nhân vật lịch sử, đặc điểm Di tích
   
           Pạk Xoòng nằm trên cao nguyên Boloven ở độ cao trên 1200 m so với mực nước biển. Đây là địa bàn chiến lược tranh chấp giữa ta và địch. Địch cố giữ Pặk Xòong vì đây là cứ điểm phía đông bảo vệ thủ phủ Pakse. Đối với Cách mạng Lào, kiểm soát Pặk Xòong sẽ mở rộng vùng giải phóng, đảm bảo an toàn cho Chính quyền và Quân khu Nam Lào, đối với Bộ đội Trường Sơn là mở rộng địa bàn vận chuyển, bảo đảm an toàn cho sườn tây Tuyến vận chuyển Trường Sơn. Vì vậy Pặk xoòng đã được các lực lượng của ta giải phóng và bị địch tái chiếm nhiều lần.
       Sau khi Mặt trận X (lực lượng gồm các đơn vị của Đoàn 968 và Trung đoàn 24 của QK V) tiến công giải phóng thị xã Mường Mày, tỉnh At Ta Pư,  Bộ Tổng Tham mưu thành lập Mặt trận Z để giải phóng Saravan, Tha Teng, Bản Phồn, Pak Xoòng và cả cao nguyên Boloven. Các đơn vị tham gia Mặt trận Z chủ yếu là của Đoàn 968 và các đơn vị Phathet Lào.
       Ngày 25-6-1970 ta giải phóng hoàn toàn thị xã Saravan và thị trấn Pặk Xoòng. Thời gian sau, các Tiểu đoàn của ngụy Lào và Thái Lan lại tái chiếm được địa bàn này.
       Sau khi kết thúc thắng lợi Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, ngày 25 tháng 5-1971, Phó Tư lệnh Trường Sơn Hoàng Kiện trực tiếp chỉ huy các lực lượng của ta  (Tiểu đoàn 3 của 968 và Tiểu đoàn 22 của Pha thet Lào) đã đẩy lùi các cuộc tấn công, giành lại những vị trí địch tái chiếm. Thị trấn Tha Teng và Pặk Xòong được giải phóng.
         Để giành lợi thế trước khi Hiệp định Viêng Chăn (về giải pháp chính trị của Lào) được ký kết, mùa khô 1972-1973, Mỹ - ngụy Lào tổ chức chiến dịch “Sư tử đen” với  trên 40 tiểu đoàn (ngụy Lào, Thái Lan có hỗ trợ về hỏa lực và cố vấn của Mỹ) tấn công chiếm đóng Pạk Xoòng, Thateng, Khoỏng Sêđôn và thị xã Saravan .
        Theo chỉ thị của Bộ Quốc phòng (Việt Nam) và Bộ Tư lệnh Trường Sơn lệnh cho Sư đoàn 968 được tăng cường lực lượng tấn công chiếm lại địa bàn đã mất giành lợi thế cho Cách mạng Lào trước hiệp định Viêng Chăn.
Sau 128 ngày đêm chiến đấu đầy gian khổ và hy sinh (từ 18-10-1972 đến 22-2-1973) các lực lượng liên quân Việt – Lào đã giành lại các địa bàn chiến lược trong đó có Pặk Xoòng.
         Tháng 4-1973, sau Hội nghị mừng công ở sở Chỉ huy Hiền Ninh, Bộ Tư lệnh Trường Sơn tổ chức 2 đoàn đi khảo sát, nắm tình hình chiến trường  trên cả hai hướng Đông và Tây Trường Sơn.
Đoàn phía đông do Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên dẫn đầu; Đoàn phía Tây do Chính uỷ Đặng Tính dẫn đầu xuất phát từ Hướng Hoá, Quảng Trị theo Đường 9 đến Bản Đông rẽ sang Đường 29A- Đường 128 vào phía trong. Đoàn đã lần lượt làm việc với “Bạn”, với Bộ Tư lệnh các Sư đoàn 472, 565, 471. Tiếp đó Đoàn xuống Hạ Lào làm việc với Sư đoàn bộ binh 968 bàn triển khai nhiệm vụ tới.
Lúc này thị Trấn Pặk Xoòng vừa được các đơn vị của Sư đoàn 968 và Phathet Lào giải phóng. Trung đoàn 19 đang cắm chốt lại để bảo vệ Pặk Xoòng. Do Pặk Xoòng là vị trí chiến lược trên cao nguyên Boloven, là ranh giới giữa ta và địch theo Hiệp định Viêng Chăn ngày 21/2/1973. Đoàn của Chính ủy có kế hoạch đến kiểm tra và làm việc với Trung đoàn 19 tại Pặk Xoòng.
          Ngày 3/4/1973, Sư đoàn 968 tổ chức đoàn xe theo Đường 17 từ Tha Teng vào Pặk Xoòng. Khi đến ngã ba phía đông cách Pặk Xoòng khoảng 6 km Đoàn  rẽ vào Pặk Xoòng theo Đường 23 cũ. Đoàn đi có 4 xe, xe thứ 3 có các đồng chí Chính uỷ Đặng Tính, Chính uỷ Sư đoàn 968 Vũ Quang Bình, đồng chí Nguyễn Thúc Yêm - Cục phó Tham mưu công binh, cùng đi có đồng chí Trịnh Quý, nhạc sĩ Đoàn Văn công Trường Sơn và đồng chí y sĩ. Đoàn xe đang chạy bình thường, xe con chỉ huy đi theo vết xe tải đi trước, gần đến Pặk Xoòng thì có một tiếng nổ như tiếng bom. Xe thứ tư tiến lên thì thấy xe của Chính uỷ trúng mìn của địch nổ tung, các đồng chí trong xe đều hi sinh. Đó là một quả mìn chống tăng của địch còn sót lại. Đây là một mất mát to lớn của Bộ đội Trường Sơn vào thời điểm bom đạn đã tạm im trên chiến trường Trung - Hạ Lào.
        Theo chỉ thị của trên, thi hài đồng chí Đặng Tính được đưa về Tổng kho KG4 (gần Căn cứ Sở chỉ huy Sư đoàn 471 ở Phù Trường) khâm liệm chuyển ra Quảng Bình bằng ô tô, rồi máy bay chuyển ra Hà Nội. Bộ Quốc phòng tổ chức lễ tang theo nghi lễ quân đội. Ông là cán bộ cấp cao, là liệt sĩ được an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch - Hà Nội.
Chiến thắng Pặk Xoòng là biểu tượng cho tình đoàn kết chiến đấu của quân đội Trường Sơn và bộ đội Phathet Lào, của hai dân tộc Lào - Việt Nam.

 
Vũ Trình Tường
 
 
 
 
 

tin tức liên quan