Những chiến sỹ Trường Sơn nơi một thời từng là An toàn khu giữa lòng Thủ đô Hà Nội
Chào mừng kỷ niệm 78 năm ngày Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9 (1945-2023)
NHỮNG CHIẾN SĨ TRƯỜNG SƠN
NƠI MỘT THỜI TỪNG LÀ AN TOÀN KHU
GIỮA LÒNG THỦ ĐÔ HÀ NỘI
Phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội, nằm ở phía Tây Bắc Thủ đô Hà Nội, bên bờ Nam sông Hồng. Nơi đây là vùng đất có bề dày lịch sử, gắn bó với Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội ngàn năm văn hiến. Quê hương Phú Thượng trở thành An Toàn Khu (ATK) từ năm 1941-1945, căn cứ Cách mạng của Trung ương Đảng, nơi nuôi dấu, bảo vệ nhiều cán bộ cao cấp của Đảng như đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Lê Đức Thọ, Hoàng Tùng… Từ những năm trước ngày khởi nghĩa 1945. Đặc biệt nhân dân phường Phú Thượng vinh dự tự hào là nơi đầu tiên được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu Việt Bắc về Thủ đô Hà Nội, chuẩn bị cho ngày Quốc khánh 2/9/1945 khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Khi ấy Bác Hồ về ở nhà cụ Nguyễn Thị An, xóm 2, thôn Phú Gia, xã Phú Thượng (nay là phường Phú Thượng) từ ngày 23/8/1945 đến chiều ngày 25/8/1945. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp hạng ngôi nhà cụ Nguyễn Thị An là Di tích lịch sử Cách mạng cấp Quốc gia.
Nói về vị trí quan trọng của ATK, đồng chí Trường Chinh đã viết:
“… Hãy tạo khu an toàn ngay cạnh Thủ đô.
Nắm vững địch tình, bắt mạch phong trào quần chúng.
Còn đâu tuyệt diệu hơn đây
Xuân Tảo, Phú Gia, Ngọc Giang, Vân Nội…”
Phú Thượng có bến đò Phú Xá nơi đưa các đồng chí lãnh đạo cấp cao ra vào hoạt động trong nội thành giai đoạn tiền khởi nghĩa (1942-1945). Cạnh bến đò Phú Xá có cây gạo là địa điểm giao thông liên lạc của Trung ương Đảng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Nhà Bà Hai Vẽ là nơi ở và làm việc của đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Tùng (trước khởi nghĩa 1945).
Năm 2003 Nhân dân phường Phú Thượng được đón nhận danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân (thành tích xuất sắc trong kháng chiến chống Pháp).
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho công cuộc chống Mỹ cứu nước”. “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Chỉ tính (1965-1975) đã có 457 con em Phú Thượng nhập ngũ. Riêng đợt nhập ngũ tháng 1/1966 có 45 đồng chí nhập ngũ vào Trung đoàn 251; Trung đoàn Công binh cơ giới xây dựng sân bay, mở đường, bắc cầu chiến đấu. Trung đoàn đang xây dựng sân bay Quân sự Yên Bái. Đến tháng 3/1968, được lệnh hành quân bằng cơ giới vào Trường Sơn, mở đường, bắc cầu, đảm bảo giao thông để xe đưa hàng vào Nam, phục vụ cho tiền tuyến lớn đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Chiến thắng ngày 30/4/1975 giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, giang sơn thu về một mối.
Sau năm 1975 hầu hết anh em được trở về hậu phương, góp phần làm giàu cho quê hương Phú Thượng Anh hùng và có điều kiện chăm sóc cha mẹ già, xây dựng gia đình… Tích cực tham gia Hội Cựu chiến binh, Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam.
Trong số các chiến sĩ Trường Sơn gương mẫu ở địa phương phải kể đến đồng chí Nguyễn Quốc Thiện, phục vụ 24 năm trong Quân đội, được nghỉ hưu, về hậu phương, đã tham gia nhiều hoạt động, các cơ quan đoàn thể Chính trị, xã hội: 26 năm được tín nhiệm bầu vào 5 khóa Đảng ủy của Phường; Trưởng ban Thanh tra; Trưởng ban Kiểm tra Đảng; Chủ tịch MTTQ… Ở cương vị nào đồng chí cũng hoàn thành tốt, được quần chúng tín nhiệm, hiện nay đồng chí Nguyễn Quốc Thiện là Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Hội Trường Sơn thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hội Trường Sơn quận Tây Hồ.
Đồng chí Nguyễn Gia Đông hội viên Trường Sơn – Thương binh 1/4 (mù cả 2 mắt) được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hội người mù quận Tây Hồ nhiều năm. Lúc nào cũng tâm huyết với Hội Trường Sơn Việt Nam. Hiện nay đồng chí Đông có mái ấm gia đình hạnh phúc.
Những chiến sĩ Trường Sơn rất tự hào là người con của quê hương Phú Thượng, có bề dày lịch sử, truyền thống Cách mạng, là địa chỉ đỏ trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Được trực tiếp chiến đấu trên con đường Trường Sơn huyền thoại – Đường Hồ Chí Minh. Nhân dịp kỷ niệm 78 năm ngày Cách mạng tháng 8 (19/8) và Quốc khánh 2/9, xin ghi lại đôi điều cảm nghĩ của người con quê hương Phú Thượng Anh hùng và người chiến sĩ Trường Sơn./.
Nhà cụ Nguyễn Thị An
Bác Hồ về Phú Thượng 31.1.1957
Đồng chí Trường Chinh về thăm Phú Thượng 30.9.1987
Cây gạo lịch sử
Đồng chí Nguyễn Quốc Thiện và Nguyễn Gia Đông
Bài và ảnh
Đặng Sơn – Cơ quan TW Hội