Sư đoàn 473 trong chiến dịch Quảng Trị, 1972

Ngày đăng: 11:25 15/06/2024 Lượt xem: 406
SƯ ĐOÀN KHU VỰC 473
TRONG CHIẾN DỊCH TRỊ - THIÊN 1972
 
                                                                                               Thiếu tướng TÔ ĐA MẠN

 
         Mùa khô 1971 - 1972, Sư đoàn Khu vực 473 (Bộ Tư lệnh Khu vực 473) được giao nhiệm vụ vận chuyển đảm bảo hậu cần cho Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị (B5), tiếp nhận vận chuyển tạo nguồn dự trữ chiến lược cho Trị - Thiên và đảm bảo cho các lực lượng cơ động của Bộ; bảo đảm hệ thống cầu đường, đẩy mạnh xây dựng hệ thống đường Đông Trường Sơn xuống Khâm Đức (Quảng Nam) và các đường chiến dịch tiếp cận thành phố Huế từ phía Tây. Nhiệm vụ hàng đầu của Sư đoàn lúc này là hoàn thành kế hoạch đảm bảo vật chất hậu cần - kỹ thuật cho hướng Trị - Thiên và Bắc Đường 9.
       Ở hướng Đông chiến dịch, Sư đoàn Khu vực 473 phối hợp vận chuyển vật chất hậu cần - kỹ thuật đến chiến trường Trị - Thiên. Phát hiện hoạt động của Sư đoàn, địch liên tục sử dụng máy bay B-52 đánh phá ác liệt cửa khẩu Binh trạm 27; máy bay AC-130 thường xuyên khống chế trọng điểm Chà Lì, Đèo 500, khu vực Bản Đông. Trước tình hình đó, Sư đoàn đã tổ chức trồng ở hai bên đường các cây cao 4m bắt chéo ngọn, sử dụng “giàn mướp phong lan” để ngụy trang các đoạn “đường hở” và mái ta luy... Đồng thời, vận dụng hình thức chạy “lấn ngày”, nghi binh lừa địch; mở thêm các đoạn “đường kín”. Cuối tháng 2/1972, lượng vật chất hậu cần - kỹ thuật cho Mặt trận Trị - Thiên, Mặt trận Bắc Đường 9 và Quân khu 5 được đảm bảo theo yêu cầu.
      Trong Chiến dịch Trị - Thiên, nhiệm vụ của công binh được giao là: “Bảo đảm cơ động cho các binh chủng kỹ thuật và ô tô vận chuyển hậu cần; đặc biệt coi trọng đường sá, điều chỉnh giao thông, bảo đảm vượt sông trong quá trình chuẩn bị và phát triển chiến đấu. Làm công sự, xây dựng sở chỉ huy các cấp; tham gia chiến đấu. Chỉ đạo các lực lượng khác về mặt công trình và sử dụng khí tài công binh trong chiến đấu”. Trước khi ta tiến công Quảng Trị, Bộ Tư lệnh Trường Sơn chỉ đạo Cục Công binh và Sư đoàn Khu vực 473 quy hoạch và sửa chữa mạng đường giao thông chiến dịch, phục vụ các đơn vị cơ động chiến đấu, vận chuyển trang thiết bị, khí tài quân sự.
Ở Bắc Đường 9, công binh và thanh niên xung phong Trường Sơn cùng Binh trạm 41 đã sửa chữa các đường số 10, 15, 14 từ Cầu Khỉ đến Khe Sanh, Đường số 16 từ Cha Lì xuống Bản Đông. Đường số 9  và các tuyến đường ngang, gồm: Đường số B70 (Tam Luông - Hướng Hóa), Đường số B71 (Bắc A Lưới - Khe Tre), Đường số B72 (A Lưới - Bình Điền), Đường số B45 (La Hạp - A Lưới - Trao - Bến Giàng) cũng được lực lượng công binh của 2 binh trạm 41, 42 và các đơn vị công binh do Bộ Tư lệnh Trường Sơn tăng cường sửa chữa nâng cấp.
Trước Chiến dịch Trị - Thiên, nhiều đoàn binh khí kỹ thuật của ta tập kết trước các cửa khẩu. Theo hiệp đồng, đơn vị xe tăng đi theo Đường số 16A vào khu vực Bản Đông, đơn vị pháo Đ74 vào tuyến theo Đường số 20, các đơn vị kỹ thuật khác vào chiến trường đi theo Đường số 18 và Đường số 16B. Việc đảm bảo cầu đường thuận lợi.
Ngày 30/3/1972, Chiến dịch Trị - Thiên mở màn. Tranh thủ thời cơ không quân địch bị hút vào các chiến trường, Sư đoàn Khu vực 473 đẩy mạnh vận chuyển cả ngày và đêm. Các cung trung chuyển trong phạm vi từng khu vực bị loại dần, nhiều đội hình được lệnh chạy thẳng từ đầu tuyến đến cuối tuyến. Đầu tháng 5/1972, các tiểu đoàn xe đưa vật chất hậu cần - kỹ thuật từ cửa khẩu vào thẳng chiến trường.
        Trung đoàn Cao xạ của Sư đoàn Khu vực 473 điều các tiểu đoàn pháo cơ động lực lượng bảo vệ các trục “đường kín”, đội hình xe vượt sông và các đoạn đường trống, diệt nhiều máy bay. Bị đánh mạnh, địch tăng cường rải bom nổ chậm, bom từ trường loại mới và các loại mìn hỗn hợp. Lực lượng phá bom đã chuyển sang sử dụng khung dây cải tiến, thực hiện rà đi rà lại nhiều lần với các mức điện áp khác nhau, vô hiệu hóa hầu hết bom nổ chậm.
         Đầu tháng 5/1972, Quân ủy Trung ương giao Bộ Tư lệnh Trường Sơn đảm nhiệm chi viện trực tiếp cho Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị. Chấp hành chỉ thị, Bộ Tư lệnh Trường Sơn gấp rút cơ động Binh trạm 12 “lật cánh” sang hướng Bắc Quảng Trị vận chuyển thay cho Binh trạm 19 Cục Vận tải ra Đồng Hới làm nhiệm vụ trung chuyển hàng vào cho Binh trạm 12 ở Xuân Bồ (Quảng Bình) và Hồ Xá (Vĩnh Linh)...  Đồng thời, điều 2 trung đoàn pháo cao xạ 591 và 210 sang phía Đông bảo vệ tuyến vận chuyển của Binh trạm 12. Ngày 17/5, Tiểu đoàn Vận tải 57 chở chuyến hàng đầu tiên từ Cổ Kiềng theo Đường số 42 qua Cam Lộ vượt Đường số 9 vào Mai Lộc giao hàng an toàn.
          Ở phía Tây Quảng Trị và Thừa Thiên, từ tháng 6/1972, địch tăng cường đánh phá ngăn chặn vận chuyển chiến dịch của ta. Tuy nhiên, trên hướng vận chuyển do Binh trạm 12 đảm nhiệm, các đơn vị công binh, dân công đã bảo đảm cho trên 4.000 lượt xe và bảo đảm vận chuyển được 5.624 tấn hàng giao cho chiến dịch. Cuối tháng 6/1972, khi địch phản kích trên toàn tuyến, Binh trạm được lệnh mở thêm một hướng vận chuyển mới giao hàng ở Mai Xá Thị và phối hợp với vận chuyển đường sông đưa hàng vào Thành Cổ Quảng Trị.
           Phát hiện nhịp độ vận chuyển của ta gia tăng, địch tiếp tục tập trung không quân đánh phá dữ dội. Sư đoàn khu vực 473 hiệp đồng chặt chẽ với quân dân Thừa Thiên - Huế đánh trả quyết liệt máy bay địch. Ngày 20/6, tại khu vực A Lưới, Tiểu đoàn Cao xạ 4 bắn rơi 5 máy bay địch. Ngày 18/6, tên lửa A-72 của Bộ đội Trị - Thiên bắn rơi tại chỗ 1 chiếc máy bay AC-130. Ngày 7/7, Đại đội 2, Tiểu đoàn Cao xạ 35 bắn rơi tại chỗ 1 chiếc máy bay AD-6 ở Hướng Hóa. Các binh trạm 41, 42, 28; hai trung đoàn công binh 98, 6; Trung đoàn Vận tải ô tô 13 vượt qua mọi thử thách ác liệt, bảo đảm cầu đường vận chuyển theo yêu cầu của chiến trường.
Khi Chiến dịch Trị - Thiên bắt đầu, công binh của hai trung đoàn 229 và 217 do Bộ Tư lệnh Trường Sơn tăng cường cho Sư đoàn Khu vực 473 mở Đường số 15N dài 192km (từ Mai Lĩnh Phường trên Đường số 9 - Ba Lòng - Tà Lương - Trà Vệ - Nam Đông). Đội hình thi công trong lúc chiến sự đang diễn ra ác liệt nên có nhiều tổn thất. Ngày 26/6, máy bay B-52 đánh trúng đội hình của Đại đội 1 Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 217 đang thi công ở Km33, làm 27 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, 7 người khác bị thương.
         Ngày 24/6, Đường số 15N hoàn thành Giai đoạn 1 từ Đường số 9 đến Ô Lâu, sau đó, tiếp tục thi công đoạn phía Nam Ô Lâu, phục vụ đắc lực cho đảm bảo hậu cần - kỹ thuật và cơ động lực lượng cho chiến dịch. Do Đường số B71 là hướng phục vụ chiến dịch thiết yếu nên Bộ Tư lệnh Trường Sơn điều động Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 98 vào sửa chữa nâng cấp. Đường số B71 đã được thi công 20km trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968), nay kéo dài đến gặp Đường số 15N (tại Km78). Khối lượng lớn, thời gian gấp nên Bộ Tư lệnh Trường Sơn điều thêm hai tiểu đoàn 27 và 35 của Binh trạm 31 vào thi công. Tiểu đoàn 27 có mặt ở Lan Nam ngày 1/5, Tiểu đoàn 35 có mặt ngày 1 tháng 6. Cả 3 tiểu đoàn (1, 27, 35) được tập hợp thành Trung đoàn 98B (sau đổi tên thành Trung đoàn 99 trực thuộc Sư đoàn khu vực 473). Quá trình xây dựng Đường số B71, máy bay B-52, liên tục ném bom đánh phá vào đội hình thi công. Ngày 27/6, máy bay B-52 đánh trúng đội hình của 2 tiểu đoàn 27 và 35, làm nhiều cán bộ, chiến sĩ bị thương. Ngày 30 tháng 6, các lực lượng Sư đoàn khu vực 473 thi công hoàn thành Đường số B71.
          Để duy trì mạch máu cung ứng hậu cần - kỹ thuật, Sư đoàn Khu vực 473 đã giữ vững và đảm bảo thông suốt Đường số B45 từ La Hạp vào A Lưới, Đường số B72 từ A Lưới xuống Bình Điền (phía Tây thành phố Huế). Mặc dù địch phản kích quyết liệt, gây nhiều khó khăn, nhưng Sư đoàn đã vận chuyển cho Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị được 8.300 tấn, cho Mặt trận Trị - Thiên được 3.700 tấn. Cuối tháng 6/1972, do trời mưa lớn việc vận chuyển ở Tây Trường Sơn kết thúc. Tính từ đầu mùa khô, Sư đoàn khu vực 473 đã vận chuyển cho Trị - Thiên được 7.391 tấn, cho Đường 9 - Bắc Quảng Trị được 20.791 tấn vật chất hậu cần - kỹ thuật.
            Ngày 27/6/1972, Chiến dịch Trị - Thiên kết thúc thắng lợi. Trong chiến dịch này, Sư đoàn Khu vực 473 đã vận chuyển vật chất hậu cần - kỹ thuật, bảo đảm cơ động cho bộ binh và binh khí kỹ thuật từ hậu phương đến địa bàn tác chiến, góp phần vào thắng lợi. Những kinh nghiệm quý rút ra từ Chiến dịch Trị - Thiên đã được Sư đoàn nghiên cứu, vận  dụng để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm cầu đường, vận chuyển hậu cần - kỹ thuật, cơ động lực lượng trong các chiến dịch tiếp theo, nhất là trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước./.  
 


* Nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn Công binh 473.

tin tức liên quan