Sư đoàn 968, Bộ đội Trường Sơn trong chiến dịch Tây Nguyên, tháng 3/1975
Năm 2025, cả nước kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, trong đó có sự đóng góp rất quan trọng của Bộ đội Trường Sơn; Ban Biên tập sẽ lần lượt giới thiệu các bài viết của các CCB Trường Sơn, các nhà nghiên cứu trong Hội thảo do Hội Trường Sơn Việt Nam, Viện Lịch sử Quân sự, Binh đoàn 12 phối hợp tổ chức.
SƯ ĐOÀN BỘ BINH 968 BỘ ĐỘI TRƯỜNG SƠN
TRONG CHIẾN DỊCH TÂY NGUYÊN 1975
Đại tá Lê Quang Huân
Nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 19
Sư đoàn bộ binh 968, Bộ Tư lệnh Trường Sơn.
2-Vài nét về Sư đoàn 968
Sư đoàn bộ binh 968 là Sư đoàn chủ lực của Quân đội nhân dân Việt Nam. Sư đoàn được hình thành từ Đoàn quân sự 763, 565 và các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam tại Lào trong thời kỳ chống Mỹ.
Trong 4 năm kể từ ngày thành lập (1968 - 1971) theo yêu cầu nhiệm vụ giúp bạn, Đoàn lần lượt mang các phiên hiệu: Đoàn 968 quân tình nguyện Nam Lào, Mặt trận Y, Mặt trận Z. Đầu năm 1972, Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng kiện toàn mặt trận Y mặt trận Z thành Sư đoàn Bộ binh 968 quân tình nguyện, đồng thời lấy ngày 28 tháng 6 là ngày Truyền thống của Sư đoàn.
Sư đoàn đã chiến đấu liên tục cùng với quân và dân các tỉnh Nam Lào giành chiến thắng trong mùa khô 1972 - 1973 góp phần xứng đáng vào thắng lợi to lớn của cách mạng Lào, buộc địch phải ký kết Hiệp định Viêng Chăn về Lào. Sư đoàn 968 đã hoàn thành nhiệm vụ quốc tế vẻ vang đối với cách mạng Lào.
2- Sư đoàn 968 được lệnh trở về Tổ quốc, tham gia tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975.
Ngày 20/12/1974, Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện - Chính ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn đến giao nhiệm vụ cho Sư 968 chuẩn bị về miền Nam Việt Nam chiến đấu.
Sư đoàn để lại Trung đoàn 39 ở Nam Lào (Trung đoàn lấy tên phiên hiệu của Sư đoàn) cùng với quân và dân Nam Lào giữ vững vùng giải phóng. Bộ quyết định cử đồng chí Ngọc Sơn - Chính ủy ở lại chỉ huy Trung đoàn 39 và Bộ quyết định đồng chí Trần Trác về giữ cương vị Chính ủy Sư đoàn 968 và ngày 06/01/1975, Sư đoàn có mặt tại Tây Nguyên.
Ngày 19/12/1974 thay mặt Bộ Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên. Tư lệnh mặt trận Hoàng Minh Thảo giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 968: "Trong chiến dịch Tây Nguyên Sư đoàn 968 đảm nhiệm hướng quan trọng của chiến dịch nhanh chóng thay phiên cho Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320 đang đứng chân ở hai tỉnh Plâycu và Công Tum để hai Sư đoàn cơ động về hướng chính làm nhiệm vụ. Khi thay phiên phải tuyệt đối giữ bí mật không để cho địch đánh hơi là ta đã rút 2 Sư đoàn chủ lực đó. Mặt khác, bằng nghệ thuật, tác chiến nghi binh lừa địch, Sư đoàn phải thu hút và tập trung sự đối phó của địch vào hướng Bắc Tây Nguyên. Đồng thời kìm chân địch càng nhiều càng tốt cho đến ngày ta nổ súng tấn công hướng chính.
Từ nhiệm vụ chung ở trên, Tư lệnh Hoàng Minh Thảo giao cho Tư lệnh Trương Thanh Sơn và Chính ủy Trần Trác bằng mọi biện pháp Sư đoàn 968 thực hiện bằng được 6 nhiệm vụ cụ thể sau:
1. Đưa 1 Tiểu đoàn tăng cường vào đánh giao thông trên Đường 14 đoạn từ Tân Phú đi Chư Thoi (nam Công Tum). Đưa một lực lượng vào đánh cắt ngang Đường 19 đoạn Thanh An đi Bầu Cạn và từ Đường 19 đến Đường 21, nhằm cắt đứt vận chuyển tiếp tế của địch trong từng thời kỳ, buộc địch phải sử dụng lực lượng chủ lực giải tỏa giao thông.
2. Gấp rút chuẩn bị một đến hai mục tiêu trong công sự vững chắc ở tây nam Plâycu và bắc Công Tum để khi có lệnh có thể tiến công tiêu diệt địch.
3. Chuẩn bị tốt mọi điều kiện khi chiến dịch giành thắng lợi quyết định thì Sư đoàn tập trung lực lượng giải phóng Thanh An; Plâycu, bao vây đánh phá Nước Bay - Ngọc Quận, có điều kiện giải phóng Plâycu và Công Tum và trực tiếp quản lí hai thị xã đó.
4. Làm sẵn các trận địa pháo ở điểm cao 946 (bắc Ngọc Quận), Công Tum và bắc Đường 5A - Plâycu chuẩn bị tốt xạ kích khi có lệnh có thể bắn vào thị xã Công Tum sân bay Cù Hanh và La Sơn.
5. Mở đường mới ở tây Flây Ku, bắc Đường 6A đến điểm cao 743. Mở đường ở nam Lệ Ngọc; nam Thanh An ra sát Đường 14.
6. Lấy vũ khí địch, xe cộ các loại để sử dụng, trong tác chiến phải tiêu diệt 1 Tiểu đoàn thiếu, diệt 1 số Đại đội, Trung đội làm mất hiệu lực của lực lượng bảo an. Phá hủy từ 60 - 100 xe quân sự, thu 2 khẩu pháo - 1.000 viên đạn pháo, kìm giữ địch ở nam Công Tum, Plâycu. Bắn rơi 3-5 máy bay địch. Nếu đảm bảo chỉ tiêu này là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
3- Sư đoàn 968 khẩn trương triển khai thực hiện nhiệm vụ
Ngày 03/01/1975 tại Km0 Đường 15 tỉnh Saravan, Sư đoàn 968 làm lễ xuất quân di chuyển thần tốc về Tây Nguyên. Sau 3 ngày hành quân liên tục bằng cơ giới, ngày 05/01/1975 đội hình của Sư đoàn đã về bắc Tây Nguyên- khu vực Tây Nam sân bay Đức Cơ.
Các đồng chí Sư đoàn trưởng Thanh Sơn, Chính ủy Trần Trác ra tận biên giới Lào -Việt đón đơn vị. Ngày 06/04/1975 Đảng ủy Sư đoàn họp dưới sự chủ trì của Chính ủy Trần Trác. Hội nghị Đảng ủy đã kết luận các nội dung:
- Đánh giá thắng lợi của cuộc hành quân về Tây Nguyên an toàn, bí mật.
- Sư đoàn quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Bộ Tư lệnh Trường Sơn giao cho Sư đoàn và đề ra các biện pháp thực hiện.
- Lãnh đạo tốt việc thế chân Sư đoàn 320A, Sư đoàn 10 đúng ngày quy định.
- Triển khai phương án tác chiến thu hút nghi binh kéo địch phải đối phó hướng Plâycu và Công Tum.
- Sư đoàn xác định hướng tây - nam Plâycu là hướng chủ yếu và Công Tum là hướng thứ yếu.
Sau khi có Nghị quyết lãnh đạo, Sư đoàn trưởng triển khai thực hiện cho các đơn vị. Ngày 20/01/1975 Sư đoàn triển khai bí mật thay quân xong cho Sư đoàn 320A và Sư đoàn 10.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Sư đoàn đã tiến hành theo 2 bước:
-
Bước 1: Các hoạt động nghi binh
Ở hướng thứ yếu Công Tum, Trung đoàn 29 thay phiên cho Sư đoàn 10. Trung đoàn đưa Tiểu đoàn 5 ra đứng chân ở cao điểm 601; Tiểu đoàn 4 và Tiểu đoàn 6 đứng chân ở khu vực điểm cao Bắc Tin phía đông của xã Võ Định cùng với Sở chỉ huy Trung đoàn và các đơn vị trực thuộc, Tiểu đoàn 5 sẵn sàng đánh giao thông trên Đường 14 (đoạn từ Tân Phú đi Chư Thoi) nam Công Tum.
Ở hướng chủ yếu Plâycu Trung đoàn 19 bố trí như sau: Phía bắc Đường 19 do Tiểu đoàn 3 đảm nhiệm, Tham mưu Phó Nguyễn Văn Gam cùng đi với Tiểu đoàn 3. Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 2 bố trí phía nam Đường 19 cùng với Sở chỉ huy Trung đoàn và các vị trực thuộc.
Theo quy ước chung trong lúc thay phiên Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320A để lại toàn bộ các mật danh vô tuyến liên lạc. Bộ QP và Sư đoàn 968 giữ mối liên lạc thường xuyên như cũ. Ngày 17/01/1975 hai Sư đoàn 10 và 320A đã rút hết quân một cách bí mật mà địch vẫn xác định các lực lượng lớn của ta vẫn ám sát Plâycu và Công Tum.
Tướng Phạm Văn Phú - chỉ huy Quân khu 2 và Quân đoàn 2 ngụy quả quyết Plâycu sẽ bị đánh vì nó là địa bàn quan trọng nhất ở Tây Nguyên, ở đó có Sở chỉ huy Quân đoàn và từ Plâycu sẽ là bàn đạp tiến xuống Bình Định. Tướng Phú khẳng định: "Đòn quyết định của quân Giải phóng ở Tây Nguyên phải là Plâycu- Công Tum. Mất Plâycu - Công Tum thì Buôn Mê Thuột cũng mất".
Vì vậy đại bộ phận lực lượng vẫn phải bố trí ở bắc Tây Nguyên. Tại Công Tum địch bố trí 5 Liên đoàn biệt động quân, 1 thiết đoàn xe bọc thép, 2 Tiểu đoàn pháo hỗn hợp.
Tại Plâycu: Sở chỉ huy Quân khu 2 và Quân đoàn 2, Sở chỉ huy Sư đoàn 23, 3 Liên đoàn biệt động quân, một Trung đoàn bộ binh, một Lữ đoàn Thiết giáp và Thiết đoàn 21 cùng 4 Tiểu đoàn pháo binh hỗn hợp.
Để đưa địch vào sai lầm, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 968 quyết định phải tạo ra một mạng thông tin giả để đánh lừa đối phương.
Đầu tháng 2 năm 1975 một mạng thông tin giả được tung ra lên không trung. Ở Plâycu đã xuất hiện cụm đài của chiến dịch Tây nguyên do Tổ cơ yếu của Trung đoàn 19 đảm nhiệm. Trung đoàn 29 tổ chức cụm đài của Sư đoàn 10.
Khi các cụm đài của Sư đoàn phát lên thì lập tức máy bay trinh sát L19 - OV10 ngày đêm đan chéo trên bầu trời để định vị các cụm điện đài của ta. Máy bay địch liên tục ném bom vào các tọa độ có thể là vị trí của Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320A ở Công Tum và Plâycu. Hàng ngày chúng tung ra vài chục toán biệt kích để thăm dò và nắm tình hình, cung cấp cho Sở chỉ huy địch ở Plâycu.
Sư đoàn đã tổ chức các đơn vị trinh sát mai phục và bắt được nhiều binh sỹ địch để khai thác. Thi thoảng ta lại cầm canh bắn vài quả pháo - ĐKB vào sân bay Cù Hanh và La Sơn. Trong lúc địch đang đánh hơi xem ta mở chiến dịch ở Plâycu hay ở nam Tây nguyên thì cuối tháng 2/1975, Tư lệnh Sư đoàn 968 quyết định mở thêm 3 con đường:
- Con đường thứ nhất ở bắc Công Tum từ ngã ba Võ Định chạy thẳng xuống An Khê.
- Con đường thứ 2: Từ Đức Cơ trên Đường 19 kéo dài đến tây Plâycu, cách Sở chỉ huy Quân đoàn 2 Ngụy gần 10 km.
- Con đường thứ 3: Từ Đức Cơ qua nam lộ Ngọc Xuyên- Đường 14. Hai con đường này thành gọng kìm khép chặt thị xã Plâycu.
Hàng nghìn nhân dân quận Thanh An bí mật cùng bộ đội mở đường và vận chuyển lương thực, thực phẩm. Trong thời điểm này, tên Trưởng phòng trinh sát tình báo của Quân khu 2 đã báo cáo và khẳng định với tướng Phú là mùa khô này, mục tiêu chính của Việt cộng là ở Plâycu vì hướng Plâycu Việt cộng đã có sẵn ở đây 3 Sư đoàn 320A - Sư đoàn 10 và Sư đoàn 968.
Vậy là từ các nguồn tin, từ mò mẫm thăm dò, tướng Phú đã xác định là Việt cộng sẽ tấn công mở đầu chiến dịch Tây Nguyên với hướng chính là Sư đoàn 320A và Sư đoàn 968 đánh vào Plâycu. Hướng phụ đánh vào Công Tum do Sư đoàn 10 đảm nhiệm. Lập thức tên chỉ huy Quân đoàn 2 triệu tập Chỉ huy các đơn vị về La Sơn họp bàn kế hoạch đối phó, đồng thời ra lệnh báo động số 1 trong toàn quân và điều một Liên doàn biệt động quân nữa lên chốt giữ nam Plâycu.
Cho đến lúc này quân chủ lực ở bắc Tây Nguyên còn tương đương 8 Trung đoàn bộ binh, 4 Thiết đoàn và Sư đoàn pháo binh; ở hướng chính chiến dịch chúng chỉ để hai Trung đoàn bộ binh. Như vậy kế hoạch nghi binh bước 1 của Sư đoàn 968 đã thành công.
-
Bước 2: Nổ súng tấn công.
Trước khi các đơn vị của Sư đoàn nổ súng, Đại tướng Văn Tiến Dũng căn dặn: "Phải thật có bề thế chiến dịch. Phải khéo léo cài thế, tạo thế để địch tin rằng ta mở chiến dịch thật sự".
Chấp hành Chỉ thị của Đại tướng Sư đoàn khẩn trương thực hiện bước 2 nghi binh chiến dịch. Hướng Công Tum, đưa Tiểu đoàn 5 của Trung đoàn 29 ra chia cắt Đường 14. Tiểu đoàn 4 và 6 triển khai lực lượng ở tây - bắc và đông -bắc thị xã. Tiểu đoàn 4 sẽ đánh chiếm Ngọc Bay. Tiểu đoàn 6 đánh chiếm Ngọc Quận tạo thành thế gọng kìm vây chặt thị xã Công Tum. Các trận địa pháo bắn phá kho quân sự trong thị xã.
Trên hướng Plâycu, Sư đoàn quyết định tấn công địch từ phía tây và Sư đoàn quyết định sử dụng toàn bộ Trung đoàn 19 tăng cường pháo, cao xạ, công binh của Sư đoàn cho Trung đoàn 19.
Căn cứ vào nhiệm vụ Sư đoàn giao cho Trung đoàn, Trung đoàn trưởng Lê Quang Huân cùng cán bộ tiểu đoàn và trinh sát tập trung nghiên cứu cứ điểm Đồn Tầm, Chốt Mỹ. Cao điểm 523 - 605 - Thach Bình - Thanh An trên trục Đường 19 kéo dài về Hòn Rồng.
Cứ điểm Đồn Tầm, Chốt Mỹ nằm trên quả đồi rộng, án ngữ phía tây trên đường 196, đoạn từ sân bay Đức Cơ đến Hòn Rồng. Địch bố trí ở đây Tiểu đoàn 67 của Liên đoàn biệt động 25. Cao điểm địch đã có nhiều lô cốt vững chắc và chiến hào liên hoàn. Địch dùng bao cát đẩy lên lô cốt và chiến hào tương đối vững chắc. Xung quanh cứ điểm địch bố trí 3-5 hàng rào đơn và bùng nhùng, có miền chống bộ binh và miền chống tăng.
Sau khi đi trinh sát rất kỹ cứ điểm đồn tầm chốt Mỹ. Đảng ủy sẽ chỉ huy trung đoàn lên phương án tổ chức tấn công tiêu diệt địch ở Đồn Tầm, Chốt Mỹ và các cứ điểm 523, 605, Thanh Bình, Thanh An. Trong quá trình làm phương án có sự chỉ đạo sát sao của cơ quan và Bộ Tư lệnh Sư đoàn. Cụ thể hướng tiến công chủ yếu là Tiểu đoàn bộ binh 2. Hướng tiến công thứ yếu là Tiểu đoàn bộ binh 3. Tiểu đoàn bộ binh 1 dự bị cho trận đánh, quá trình tiến công được hỏa lực cối 120 ly, pháo binh, cao xạ của Sư đoàn tăng cường chi viện. Xác định đây là trận đánh hiệp đồng binh chủng cỡ nhỏ (Toàn bộ lực lượng tham gia trận đánh khoảng gần 5.000 người).
Phương án của Trung đoàn Trung đoàn đã được Chỉ huy Sư đoàn phê chuẩn, sau khi có tham gia những điểm cần chú ý và xử lý các tình huống phát sinh.
Đúng 16 giờ ngày 01 tháng 3 năm 1975 từ cao điểm Chư Nghé pháo hiệu của ta bắn 3 phát hiệu xanh, tất cả hỏa lực từ ĐKZ, cối 120, pháo 12,7 dội vào cứ điểm Đồn Tầm, Chốt Mỹ. Lợi dụng pháo bắn chính xác, bộ binh mở cửa, pháo chuyển làn khống chế cao điểm 523, 605 và trận địa pháo địch ở Plâyku, hỏa lực B40, B41 tiêu diệt lô cốt đầu cầu, bộ binh xung phong đánh chiếm các mục tiêu tiền duyên, phát triển đánh chiếm mục tiêu trong trung thâm. Đến 17 giờ ta làm chủ toàn bộ trận địa. Tiểu đoàn 67 đã bị tiêu diệt, ta bắt sống 1 chỉ huy Đại đội, thu 35 súng các loại có 2 khẩu cối 82, 2 khẩu ĐKZ và nhiều trang bị, có 57 tên địch chết tại chỗ. Trung đoàn trưởng có mặt tại trận địa ra lệnh cho Tiểu đoàn 2 đánh cứ điểm 535 và 605, sau 1 ngày chiến đấu, ta diệt gọn 1 Đại đội thu 30 súng, giải phóng 4 km theo dọc Đường 19 đi Hòn Rồng.
Ngày 7 tháng 3, Tiểu đoàn 3 đánh tiêu diệt Tiểu đoàn 76. Đêm 11 tháng 3, Đại đội 5 diệt địch còn lại ở cứ điểm 605. Liên tục từ ngày 11 đến tháng 3, Trung đoàn 19 liên tục đánh địch ở quận lỵ Thanh Bình, Thanh An, hỏa lựu của Sư đoàn liên tiếp chế áp sân bay và Chỉ huy 9K ở Plâycu .
Ở hướng chính của chiến dịch, 2 giờ sáng ngày 10 tháng 3 chiến dịch Tây Nguyên bắt đầu nổ súng mãnh liệt vào thị xã Buôn Ma Thuột.
Ngày 15 tháng 3 Nguyễn Văn Thiệu và Tổng hành dinh ở Sài Gòn, ra lệnh cho tướng Phú bỏ Plâycu - Công Tum, bảo toàn lực lượng để tập trung chiếm lại Buôn Mê Thuột. Phạm Văn Phú và Bộ tham mưu Quân đoàn 2 rút về Nha Trang thành lập Bộ Tư lệnh Tiền phương.
Ngày 18 tháng 3 Sư đoàn được giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 29 tiến vào tiếp quản thị xã Công Tum. Trung đoàn 19 tiếp quản thị xã Plâyku. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ nghi binh, Sư đoàn đã giải phóng và tiếp quản hai thị xã Công Tum và Plâycu. Nhân dân vui mừng phấn khởi đón chào anh bộ đội Cụ Hồ về tiếp quản hai thị xã.
Đồng chí Vũ Lăng- Tư lệnh Mặt trận ra lệnh cho Sư 968 sử dụng Trung đoàn 19 truy kích địch từ Hòn Rồng đi Phú Bổn. Đồng chí Trần Trác - Chính ủy Sư đoàn cùng Trung đoàn trưởng Lê Quang Huân cho Trung đoàn 19 vận động đánh địch, giải phóng thị xã Phú Bổn, truy quét quân địch chạy từ Tây Nguyên theo Đường 7 về Nha Trang.
Ngày 24 tháng 3, đồng chí Đặng Vũ Hiệp - chi ủy Mặt trận giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 968 để lại Trung đoàn 29 tiếp quản thị xã Buôn Ma Thuột, Trung đoàn 19 (được tăng cường Tiểu đoàn đặc công 19) hành quân thần tốc về đánh truy kích địch ở đèo Măng Giang, huyện An Khê và tấn công Trung đoàn 57 không quân ở sân bay Phú Cát.
Trung đoàn 19 chuẩn bị rất khẩn trương dưới sự chi viện vận tải đạn, gạo và đạn dược của cơ quan Sư đoàn, nhanh chóng hình thành thế bao vây sân bay Phù Cát (Bình Định). Đúng 10h ngày 31 tháng 3, dưới sự chỉ huy của Sư đoàn, Trung đoàn đã sử dụng Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 2, Tiểu đoàn đặc công 19 tiến công sân bay Phù Cát, dùng hỏa lực chế áp lô cốt đầu cầu, tiến công giành thắng lợi, kiểm soát hoàn toàn sân bay Phù Cát.
Trung đoàn Không quân 57 và các lực lượng phòng thủ của địch đã bị tiêu diệt. Ta diệt 229 tên, thu 38 máy bay, 500 xe quân sự và rất nhiều phương tiện chiến tranh, bắt sống 2.878 tên trong đó có Đại tá Cầu.
4- Từ những thắng lợi của Sư đoàn 968, có thể rút ra bài học:
Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 968 được trở về Tổ quốc rất vui mừng, phấn khởi, quyết tâm chiến đấu để thực hiện 6 nhiệm vụ của Bộ Tư lệnh Trường Sơn giao cho.
Nghệ thuật nghi binh chiến lược của Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên đã làm cho địch hoàn toàn bị lừa, không kịp trở tay để đối phó với Sư đoàn 968.
Bộ Tư lệnh Sư đoàn 968 đã thực hiện nghiêm mệnh lệnh của cấp trên, sáng tạo trong tác chiến, lực lượng E29, E19 chiến đấu quả cảm, có hiệu quả cao, xứng đáng với sự tin cậy của lãnh đạo các cấp.
Sư đoàn 968 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tạo điều kiện cho quân ta đánh trận điểm huyệt ở Buôn Ma Thuột, giành thắng lợi lớn, địch rút chạy hoảng loạn khỏi Tây Nguyên, mở đường cho chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước vào ngày 30-4-1975.
Đại tá Lê Quang Huân