Ngã ba Đồng Lộc - bản anh hùng ca

Ngày đăng: 03:12 10/07/2017 Lượt xem: 1.011
 
NGÃ BA ĐỒNG LỘC MỘT BẢN ANH HÙNG CA
 
     Ngã ba Đồng lộc nằm ở giao điểm của tỉnh lộ số 2 và quốc lộ 15, thuộc địa phận huyện Can lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ngã ba Đồng Lộc có một vị trí rất quan trọng, trong mạng lưới giao thông chiến lược Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Tại đây là giao điểm của đường 15 và các đường liên tỉnh, từ đây có thể mở rộng ra các hướng, phục vụ tốt cho nhu cầu giao thông vận tải khi mà các tuyến giao thông phá đông bị tắc. Đây cũng là nơi có địa hình phức tạp và hiểm yếu, toàn bộ khu vực Ngã ba Đồng Lộc nằm trên một khu đồi trong phạm vi bốn xã Đồng Lộc, Trung Lộc, Mỹ Lộc và Thượng Lộc của huyện Can Lộc. Địa hình trống trái, một bên là đồi núi trọc, một bên là ruộng nước sình lầy. Mùa khô thif bụi đỏ, mùa mưa thì lầy lội, nếu bị địch đánh phá thì gặp rất nhiều khó khăn.
      Đầu tháng 4/1968 địch tăng cường đánh phá tuyến đường 1A, ngày 20/8/1968 tuyến quốc lộ 1 bị cắt đứt. Lúc bấy giờ chúng ta chuyển hướng vận tải theo quốc lộ 15 trên vùng  rừng núi phía tây. Lúc này thì Ngã ba Đồng Lộc là địa điểm duy nhất cho con đường vận tải đi qua. Nhận rõ được tầm quan trọng của tuyến đường, vì vậy địch tăng cường đánh phá  ác liệt khu vực này. Từ tháng 4 đến tháng 10/1968 chúng đã đánh phá vào Ngã ba Đồng Lộc 1863 trận, ném gần 50.000 quả bom các loại, chưa kể đạn Rốc két và 20mm. Bình quân mỗi tháng chúng đánh phá 28 ngày, ngày nhiều nhất là 103 lần máy bay với trên 800 quả bom các loại. Suốt ngày đêm Ngã ba đồng lộc không ngớt tiếng bom đạn, đất đá bị cày đi xới lại nhiều lần. Hố bom chồng chất hố bom, cũng một lúc chúng ném các loại bom đào, bom phá, bom bi, bom từ trường...
       Ban ngày chúng tập trung chặn các lối ra vào Ngã ba Đồng Lộc. Ban đêm chúng thả pháo sáng, ném bom bi, bắn Rốc Két, đạn 20mm, hòng ngăn chặn lực lượng cứu đường của ta. Bằng mọi giá chúng biến Ngã ba Đồng Lộc thánh điểm chết, chúng đưa nơi này trở về thời kỳ đồ đá...Nhưng chúng đã nhầm, nhận thức rõ được âm mưu của kẻ thù và tầm quan trọng, nên quân dân Hà Tĩnh đã tập trung lực lượng, chiến đấu bao gồm Trung đoàn pháo cao xạ 210, tiểu đoàn 8 pháo cao xạ của tỉnh, một bộ phận công binh của quân khu 4. Để bảo đảm cho giao thông khu vực Ngã Ba Đồng Lộc thông suốt.
      Vào lúc cao điểm nhất, chỉ tại ngã ba này thôi đã tập trung 1,6 vạn người, phần lớn là bộ đội pháo binh và lực lượng TNXP. Tiểu đội 4 thuộc Đại đội 2 Tổng đội TNXP 55 của tỉnh Hà Tĩnh gồm 10 cô gái còn rất trẻ (từ 17 đến 24 tuổi) do chị Võ Thị Tần làm tiểu đội trưởng, chịu trách nhiệm san lấp hố bom ở đoạn đường này để không đứt mạch giao thông nối hậu phương với tiền tuyến. Bình thường, tiểu đội hoạt động về đêm để lấp hố bom mà máy bay đã bắn phá vào ban ngày.  Nhưng ngày 24-7-1968, có lệnh đặc biệt của đại đội phải thông đường nên 10 cô gái TNXP đã ra ngã ba giữa ban ngày để lấp đường. Ngày hôm ấy, sau vài lần máy bay trinh sát bay qua là 15 lần các tốp máy bay khác lao tới trút bom vào ngã ba. Ba lần, cả tiểu đội bị bom vùi, nhưng sau đó các cô lại rũ đất đứng lên tiếp tục công việc. Đến lượt bom thứ 15, một quả bom rơi ngay trước mặt họ. Một phút... rồi năm phút… trôi qua! Trên đài quan sát không thấy ai trong số mười cô rũ đất đứng dậy. Cả trận địa lặng đi và đấy là quả bom ác nghiệt ấy đã đưa 10 co gái tuổi còn rất trẻ mãi mãi không về.
    Giờ đây chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống đã hồi sinh ngay trên “ toạ độ chết” năm xưa. Tuy vậy, chiến thắng Đồng Lộc vẫn còn vang vọng mãi đến mai sau. Hình ảnh Đồng Lộc quật khởi vươn lên vẫn còn ghi đậm trong tâm khảm của người dân Hà Tĩnh và là niềm tự hào của nhân dân cả nước, nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới. Di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc mãi mãi là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ./

Bùi Văn Hoằng
Hà Bình-Hà Trung-Thanh Hóa

Email : hoang1592@gmail.com
( Trong bài có sử dụng tư liệu Lịch sử ngã ba Đồng Lộc)
 
 
 
 
 
tin tức liên quan