Đường 129- Trục dọc cơ giới đầu tiên ở Tây Trường Sơn.
a/ Bối cảnh ra đời đường 129.
Cuối năm 1960 và đầu năm 1961, Tuyến chi viện gùi thồ của ta ở Đông Trường Sơn lâm vào tình trạng bế tắc nghiêm trọng, có lúc gần như bị ngưng trệ hoàn toàn. Mùa mưa năm 1960, Đoàn 70 phải rút hầu hết lực lượng về Bắc sông Bến Hải để bảo toàn lực lượng.
Chi viện cho Cách mạng miền Nam không thể bị ngừng trệ. Đoàn 559 đã chủ động khảo sát tuyến mới sát biên giới phía Tây trên đất Việt Nam, nhưng tuyến này địa hình hiểm trở chưa thể sử dụng được.
Trước đòi hỏi bức thiết của cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào, đại diện Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã gặp nhau tại Hà Nội. Theo đề nghị của Việt Nam, Đảng Nhân dân CM Lào hoàn toàn nhất trí, ủng hộ Việt Nam mở đường Hồ Chí Minh sang phía Tây Trường Sơn.
Đầu năm 1961, Liên quân Pha Thét Lào và Việt Nam đã mở chiến dịch giải phóng khu vực rộng lớn từ Xiêng Khoảng xuống các tỉnh Khăm Muộn, Savanakhet, Tà Ven Oọc…khu vực biên giới Trung- Hạ Lào và Việt Nam đã được khai thông.
b/ Lực lượng quân khu IV mở đường 129.
Đoàn 70 đã khảo sát mở tuyến gùi thồ dọc biên giới ở phía Tây Trường Sơn. Ngày 16/4/1961, tuyến gùi thồ mới này đã chính thức đi vào sử dụng. Nhưng phương thức gùi thồ năng suất rất thấp, không thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của chiến trường.
Theo lệnh từ Bộ Quốc phòng, vào đầu tháng 4/1961, Quân khu IV đã điều động 3 tiểu đoàn: Tiểu đoàn 25 và Tiểu đoàn 27 công binh, Tiểu đoàn 927 bộ đội địa phường Hà Tĩnh mở tuyến đường nới từ Đường 12 với Đường số 9. Đường được đặt tên là Đường 129.
Khi mới xây dựng, Đường 129 có điểm đầu (Km 0) tại Lằng Khằng trên Đường 12, huyện Bua La Pha, tỉnh Khăm Muộn, Lào; điểm cuối (Km 180) giao với Đường 9 Kê Pô (nay là Sê Tha Muộc), huyện Mường Phìn, Lào. Chiều dài 180 km.
Đường 129A đi qua các địa danh chính sau: Lằng Khằng- Xóm Péng-Dốc Nứa-Na Thông Tún- Na Nhôm-Na Ka Nông- Đường 9 (Ke Pô).
Đường 129 được xây dựng theo tiêu chuẩn đường quuan sự làm gấp với chiều rộng nền đường 4 m, cầu cống tạm. Tuyến vượt qua 2 sông lớn là sông Sê Băng Phai và Sê Băng Hiêng.
Cùng tham gia mở đường với các đơn vị bộ đội Quân khu IV còn có nhân dân các bản Lào hai bên tuyến đường đi qua. Nhiều nhà của bản Lào đã tự nguyện di dời đi nơi khác để cho tuyến “ gần nhất, dễ đi nhất”.
Cuối năm 1961, đường đã mở từ Lằng Khằng vào đến Pắc Pha Năng, tháng 12/1961 đường mở vào đến Đường 9. Toàn thuyến đã khai thông.
Đây là tuyến đường cơ giới đầu tiên do bộ đội Việt Nam mở trên đất Lào, một bước phát triển mới quan trọng của tuyến chi viện chiến lược 559- Trường Sơn, mở đầu cho phương thức vận chuyển bằng cơ giới.
Đường 129 là trục dọc đầu tiên ở Tây Trường Sơn.
b/ Đơn vị quản lý đường 129.
Đầu năm 1962, một đoàn xe Gat 60 chiếc chở hàng theo Đường 12,vượt đèo Mụ Giạ xuống Lằng Khằng rồi theo Đường 9 vào giao hàng tại Sê Pôn. Đây là chuyến hàng vận chuyển bằng cơ giới quy mô đầu tiên ở Tây Trường Sơn.
Tuy nhiên, ngày 15/8/1962, Chính phủ liên hiệp 3 phái ở Lào được thành lập. Để tôn trọng Hiệp định hòa bình, tôn trọng đường lối trung lập của Chỉnh phủ liên hiệp ba phái, Quân ủy Trung ương chỉ đạo lực lượng của Đoàn 559 chuyển hướng hoạt động cho phù hợp với tình hình mới. Ngày 15/9/1962 các lực lượng của Đoàn 559 đã rút hầu hết lực lượng khỏi Lào.
Đầu mùa khô năm 1963, Đoàn xe 245 với 60 chiếc được Tổng cục Hậu cần tung vào hoạt động trên Đường 12 và Đường 129. Sau khi đường 128 song song với đường 129 được xây dựng, hướng vận tải chuyển trọng tâm sang đường 128, nhưng đường 129 vẫn được sử dụng như một tuyến hỗ trợ cho đến những năm 1974-1975. Các đường ngang liên hệ giữa đường 128 và 129 như đoạn nối Na Thông Tún với bản Viêng.
Ngày 03/4/1965, Quân ủy Trung ương ra nghị quyết tăng cường tổ chức Đoàn 559 được đổi thành Bộ Tư lệnh 559.
Đường 129 thuộc quản lý của “Tuyến 1” với địa bàn từ Khe Ve đến Đường 9 (Đường 12 và Đường 129).
Cuối tháng 2/1966, 3 tuyến bị giải thể thành lập 7 Binh trạm. Đường 129 thuộc quản lý của Binh trạm 1.
Từ tháng 10/1967, Đường 129 đoạn Ka vát đi Na Phi Lăng do Binh trạm 31 quản lý, đoạn Na Phi Lăng vào Đường 9 do Binh trạm 32 quản lý.
Năm 1971, khi Cục Công Binh TS đăng ký lại các tuyến đường, đoạn từ Mụ Giạ đến Xóm Péng được đăng ký vào Tuyến 128. Từ Xóm Péng đến Kê Pô đăng kí vào Đường 129 với chiều dài 132 km.
Ban Truyền thống Lịch sử