Gấp rút làm đường cho đại quân cơ động
Tướng Hoàng Kiền cho biết, năm 1959 chúng ta mở đường Trường Sơn chủ yếu ở khu vực phía Đông làm nhiệm vụ giao liên, kết nối liên lạc, chuyển công văn giấy tờ, đưa vũ khí ban đầu và đón cán bộ ra vào, tuy nhiên sau đó bị lộ nên phải chuyển hướng. Năm 1961 chúng ta chuyển sang đường Tây Trường Sơn. Tuyến đường huyền thoại này chạy qua 7 tỉnh của nam Lào và 4 tỉnh Đông Bắc của Campuchia. Toàn bộ đường Trường Sơn chi viện sức người sức của vào miền Nam cho đến trước năm 1975 chủ yếu là phía Tây.
Đoàn xe vận tải trên con đường Trường Sơn huyền thoại. TƯ LIỆU
Sau Hiệp định Paris (1973), Mỹ rút quân, cùng với việc giải phóng một số vùng xung quanh khu vực Đông Trường Sơn nên chúng ta đã quyết định chuyển sang phía Đông để vận tải. “Theo nghị quyết của Bộ Chính trị, chủ trương giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975 - 1976. Hầu hết các đơn vị phục vụ ở Trường Sơn đã chuyển sang phía Đông (vì tuyến này nằm trên đất của ta, gần và thuận tiện hơn so với phía Tây) để chuẩn bị phương án làm đường để bảo đảm vận chuyển quân, vũ khí, lương thực vào giải phóng miền Nam” - Tướng Hoàng Kiền cho hay. Sau đó thời cơ đến, tháng 3.1975, sau chiến dịch Tây Nguyên, địch thua rút chạy về đồng bằng, chúng ta nghĩ đến phương án có thể giải phóng miền Nam sớm hơn. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là đường Đông Trường Sơn chưa làm xong, nếu tập trung làm cũng không kịp so với thời cơ. Do đó phải cấp tốc, tập trung sang phía Tây Trường Sơn để làm và sửa đường cho đại quân có thể cơ động.
Để cấp tốc làm đường, Sư đoàn Công binh 565 được thành lập, gồm Trung đoàn 34, Trung đoàn 576 (thành lập mới) và Trung đoàn 39 bộ binh. Trung đoàn 39 vốn là đơn vị bộ binh ngoài việc tham gia làm đường, còn phải bố trí một lực lượng bảo vệ để ngăn chặn quân ngụy Lào tập kích.
"Có thể nói, trong đại thắng mùa Xuân năm 1975 nói chung và trong chiến dịch Hồ Chí Minh các lực lượng chủ lực của ta vẫn phải cơ động qua Tây Trường Sơn. Sau này khi giải phóng Huế - Đà Nẵng và các tỉnh Nam Trung Bộ, một cánh quân chủ lực đã thẳng theo Quốc lộ 1 vào giải phóng Sài Gòn”.
Thiếu tướng Hoàng Kiền
|
Theo Tướng Kiền, để đảm bảo cho công tác vận chuyển, nhưng lực lượng công binh mỏng, quãng đường dài không có cách nào khác là phải quyết tâm cao, tập trung làm ngày làm đêm. Kế hoạch trước đây là tập trung lực lượng để rải đá răm trên toàn tuyến, nhưng sau vì khẩn cấp nên bỏ phương án này để tập trung cho việc làm thông đường. Phương án bắc cầu cho xe ôtô vận tải qua suối cũng bỏ để chuyển sang làm đường ngầm cho xe qua suối, chặt cây, rải đá để chống lầy...
“Năm 1974, các đơn vị công binh đã làm cầu treo Bản Đông để vượt sông Sê Băng Hiêng (Lào). Nhờ sự quyết tâm cao, đầu năm 1975 cầu treo được làm xong để các đơn vị bộ đội hành quân từ miền Bắc vào, đó là thắng lợi lớn của lực lượng công binh. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Quân đoàn 1 và 2 đã đi qua đường Tây Trường Sơn và qua cầu treo Bản Đông”- Thiếu tướng Hoàng Kiền kể.
Kỷ niệm không thể quên trên tuyến đường huyền thoại
Thiếu tướng Hoàng Kiền kể: Để đảm bảo vận tải phục vụ chiến dịch Hồ Chí Minh, sư đoàn thành lập tổ công tác để đi kiểm tra toàn bộ tuyến Tây Trường Sơn. “Tổ công tác lúc đó gồm: Thượng tá Phạm Tề là trưởng đoàn, trung tá Nguyễn Đức Lợi làm phó đoàn, thiếu tá Mông Văn Quắn, thượng sĩ Nguyễn Văn Túy và tôi trợ lý Sư đoàn 565”- Tướng Kiền cho biết.
“Dọc đường đi trời rất nắng, vì lúc này đang là mùa khô của Lào. Xe ôtô đi qua đất đường bị nghiền nát tạo bột, chỉ đi bộ nhưng bụi bay mù mịt. Chúng tôi đi suốt từ sáng sớm đến gần 12 giờ vẫn không được chỗ nào có nước để uống. Tất cả các sông suối đều khô cạn trơ đá. Tìm mãi chúng tôi đến một suối cạn, tại đây thấy xác động vật nằm chết la liệt. Có lẽ chúng tìm được đến suối nhưng đã kiệt sức và chết. Có một chỗ có nước, toàn bộ bề mặt chỉ rộng bằng ao nhỏ nhưng bị xác động vật phủ kín”- Thiếu tướng Kiền kể.
Thấy anh em trong tổ công tác loay hoay mãi không tìm ra chỗ nào để múc nước, ông Phạm Tề đã quát: Gạt xác động vật ra mà múc nước lên mà uống, còn đi tìm đâu bây giờ, không uống thì chết khát... Mặc dù biết nước ô nhiễm khủng khiếp nhưng ông Kiền và đồng đội vẫn phải múc lên để nấu cơm, uống. “Các ông Phạm Tề, Nguyễn Đức Lợi đã qua đời, còn tôi, ông Túy, ông Quắn lưu giữ câu chuyện đó”- vị tướng nhắc lại đầy xúc động.
Trong chuyến đi này khi đến các đơn vị, ông Phạm Tề đã tập trung các cán bộ, chiến sĩ để phổ biến chủ trương của cấp trên chuẩn bị giải phóng miền Nam, cần phải tích cực làm đường để cho các đơn vị chủ lực cơ động. Theo Thiếu tướng Hoàng Kiền, còn một kỷ niệm nữa mà ông ấn tượng: Khi tổ công tác vào Tiểu đoàn 41 (Trung đoàn 34), cách ngã ba Đông Dương khoảng 20km được tin đoàn xe vận tải của ta gồm 60 chiếc đang vận chuyển trên đường Tây Trường Sơn bị máy bay của Việt Nam Cộng hòa đánh khiến nhiều xe bị cháy, đường bị tắc.
“Máy bay địch ném bom cả vào sở chỉ huy của tiểu đoàn, có một quả bom rơi ngay đầu nhà, may mà không nổ. Tối hôm đó, ông Phạm Tề vẫn cho cán bộ, chiến sĩ ra sân xem chiếu bóng. Khi xem xong, vị chỉ huy này đã đứng lên phổ biến tình hình chiến sự, nói về chủ trương giải phóng miền Nam. Rồi ông hô to, đêm nay tất cả ra làm để thông đường cho các đơn vị hành quân. Sau tiếng hô tiếng máy nổ ầm ầm, tất cả anh em làm rầm rập với khí thế hừng hực” - Tướng Hoàng Kiền nhớ lại.
Sư đoàn Công binh 565 có khoảng 4.000 người đã chia ra để đảm bảo cho toàn bộ quá trình vận chuyển quân, vũ khí đạn dược phục vụ chiến dịch Hồ Chí Minh ở khu vực phía Tây Trường Sơn (dài hơn 300km). Theo Tướng Hoàng Kiền, phương châm của lực lượng công binh trên tuyến Tây Trường Sơn lúc đó là: Thứ nhất đường phải luôn luôn thông, thứ hai chia quân ra để đảm bảo sửa những đoạn hư hỏng, thứ ba có lực lượng cơ động theo đội hình để đảm bảo.
“Lúc đó máy bay của Việt Nam Cộng hòa đánh phá nhưng chủ yếu vào ban ngày. Ban đêm chúng ta sửa để thông đường. Ta cũng bố trí lực lượng phòng không đánh trả quyết liệt. Sau khi chúng ta giải phóng Tây Nguyên, rồi giải phóng Huế - Đà Nẵng, lực lượng địch suy yếu, chúng không đánh phá nữa. Từ đó chúng ta vận chuyển thuận lợi, góp phần vào thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh” - Tướng Kiền cho biết.