Bốt Lũ- Một trong những Di tích đầu tiên của Đoàn 559.

Ngày đăng: 12:43 17/02/2015 Lượt xem: 1.008

Bốt Lũ – Một trong những Di tích đầu tiên của Đoàn 559

 

         Bốt Lũ là một lô cốt xây bằng gạch nằm ven đường Kim Giang bên bờ sông Tô Lịch, xưa thuộc xã Đại Kim, huyện Thanh Trì, nay thuộc phường Kim Giang, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.

Đoạn sông Tô Lịch, nơi bờ phải của sông có Di tích Bốt Lũ

Theo sách Lịch sử Đoàn 559-Bộ đội Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh, do NXB Quân đội nhân dân phát hành năm 1999 thì bốt Lũ là nơi tập kết vũ khí, khí tài là các chiến lợi phẩm thu được trong kháng chiến chống Pháp. Sau khi “Đoàn công tác Quân sự đặc biệt” được thành lập 19/5/1959. Để chuẩn bị cho chuyến hàng đầu tiên, các chiến sĩ quân giới đã hiệu chỉnh các vũ khí và thí điểm cách bảo quản, đóng gói loại hàng đặc biệt này. Việc bao gói còn phải tính đến tình huống khi vận chuyển gặp địch, phải cất giấu trong nước, trong bùn đất. Những khẩu súng bộ binh được bọc bằng nhiều lần giấy nến rồi bỏ xuống đáy sông Tô Lịch, nhiều ngày sau vớt lên thấy vũ khí vẫn còn tốt nguyên. Phương pháp bảo quản ấy đã được áp dụng để đóng gói tại Bốt Lũ và vận chuyển bí mật bằng xe ô tô tới Khe Hó (Quảng Trị) để Tiểu đoàn 301- Đoàn 559 vận chuyển vào Tà Riệp- Trị Thiên.

Bốt Lũ ngày nay

 

            Ngay sát Bốt Lũ là Trạm 63, một trạm giao liên của 559 trên đất Hà Nội. Sau năm 1975, nhiều cơ quan của Đoàn 559 đã làm việc tại Trạm 63. Ngày nay Trạm 63 đã trở thành khu tập thể của cán bộ, công nhân viên Binh đoàn 12. Bốt Lũ ngày nay chưa được xếp hạng di tích, có nguy cơ bị lấn chiếm , xâm hại.

          Di tích Bột Lũ sau này ít được nhắc đến, dường như đã bị lãng quên. Tuy nhiên, khi lập quy hoạch các di tích đường Trường Sơn trình Thủ tường phê duyệt, Binh đoàn 12 đã đưa Di tích Bốt Lũ là 1 trong trên 90 di tích đường Trường Sơn trên đất Việt nam.

         Có trách nhiệm với lịch sử Bộ đội Trường Sơn, chúng tôi mong muốn chính quyền phường Kim Giang bảo vệ Di tích bị xâm hại và sớm xây dựng một bia Di tích đường Trường Sơn tại đây.

 

     Vũ Trình Tường

Ban Truyền thống Lịch sử

 

tin tức liên quan