Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 là trận quyết chiến chiến lược lịch sử, kết thúc 30 năm chiến đấu giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà. Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là kết quả tổng hợp của quá trình đấu tranh và chuẩn bị về mọi mặt của quân và dân ta trong nhiều năm, trong đó có sự đóng góp tích cực của Bộ đội Vận tải.
Đoàn xe vận tải 238 vận chuyển hàng hóa cho chiến dịch Tây Nguyên. (ảnh tư liệu)
Công tác chuẩn bị
Những ngày cuối tháng 12/1972 và đầu năm 1973, tranh thủ thời cơ thuận lợi trước ngày Hiệp định Pa-ri được ký kết, các lực lượng của Cục Vận tải trên tuyến vận tải quân sự hậu phương được sự chi viện 5.500 ô tô của 14 xí nghiệp vận tải trung ương, 4 tỉnh, thành phố, 3 Bộ và một số phương tiện đường goòng, tàu biển…, mở tiếp “chiến dịch” vận chuyển. Các mũi tiến công bằng sắt, đường thuỷ, đường bộ ào ạt vận chuyển hàng lên phía trước giao cho tuyến 559 chuyển vào các chiến trường.
Ngày 4/8/1973, Đảng uỷ Tổng cục Hậu cần ra nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ công tác hậu cần ba năm (1973 - 1975) xác định phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khẩn trương trước mắt, đồng thời xây dựng cơ sở cơ bản lâu dài cho cả hai miền, trong đó tập trung bảo đảm chi viện và xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, xây dựng căn cứ địa ở miền Nam là nhiệm vụ khẩn trương hàng đầu. Thực hiện nghị quyết Đảng uỷ Tổng cục, Đảng uỷ Cục Vận tải đã họp, xác định: Quán triệt sâu sắc nhiệm vụ vận tải chiến lược, chủ động sáng tạo vượt mọi khó khăn, phát huy cao độ mọi khả năng để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận chuyển chi viện chiến trường, góp phần khắc phục nhanh chóng hậu quả chiến tranh và đẩy mạnh phát triển kinh tế ở miền Bắc… Tranh thủ thời cơ địch giảm bớt hoạt động, lực lượng vận tải quân sự miền Bắc đã chuyển hoạt động từ ban đêm sang ban ngày, tổ chức vận chuyển với đội hình xe lớn; khẩn trương sửa chữa đường, cầu, mở thêm tuyến mới, đẩy mạnh vận chuyển vật chất vào các chiến trường trên các tuyến phía Nam.
Về tổ chức lực lượng, trong thời gian này, Cục Vận tải khẩn trương tổ chức 7 đơn vị tương đương cấp trung đoàn, 16 đơn vị tương đương cấp tiểu đoàn và 23 đơn vị tương đương cấp đại đội; bàn giao cho chiến dịch 9 đơn vị, thống nhất các binh trạm 11, 18, 23…; chuyển binh trạm 25 thành trung đoàn xe 525, binh trạm 10 thành trung đoàn xe 510, thành lập đoàn 174 phụ trách toàn bộ tuyến chuyển quân, chuyển thương… Tổ chức lực lượng vận tải trên tuyến chiến lược hậu phương và Đoàn 559 từng bước được tăng cường, tạo điều kiện cho các lực lượng đi sâu vào xây dựng theo chuyên ngành, được yêu cầu, gọn, nhẹ, mạnh có hiệu quả. Lực lượng vận tải của các quân khu, quân chủng, binh chủng và chiến trường được củng cố về tổ chức, phương tiện kỹ thuật và trình độ tổ chức chỉ huy, chuyên môn nghiệp vụ…
Trên tuyến vận tải thuộc các quân khu phía Nam từ Trị - Thiên qua Tây Nguyên đến miền Đông Nam bộ, các kho chiến dịch tổ chức thành hệ thống trên các đầu mối giao thông chiến lược ở từng khu vực, thuận tiện cho việc vận chuyển đến các đơn vị chiến đấu. Tuyến giao liên chuyển thương trên miền Bắc chuyển ra đường số 1. Đoàn 174 được thành lập để thống nhất chỉ huy các trạm, các phương tiện vận chuyển, bảo đảm cho bộ đội, thương binh, bệnh binh hành quân bằng cơ giới với số lượng lớn, tốc độ nhanh, an toàn. Trên tuyến 559, giao liên tách khỏi các binh trạm và sư đoàn khu vực, tập trung thành 2 trung đoàn giao liên bộ và 3 trung đoàn giao liên cơ giới.
Thực hiện Nghị quyết 21 của Trung ương Đảng, từ tháng 10/1973, hoạt động mở đường và vận tải trên các chiến trường được đẩy mạnh, chuẩn bị đón thời cơ chiến lược. Phía Bắc, xây dựng hai trục đường bộ (đường số 1 và đường số 15) nối từ đường số 6 vào tuyến 559 ở phía Đông và Tây Trường Sơn, kéo dài đường sắt từ Vinh vào giới tuyến; về đường thuỷ, phát triển mạnh lực lượng chạy trên sông và ven biển. Phát triển đường ống dẫn dầu đến các chiến trường, nghiên cứu việc phân công, phân cấp vận chuyển, điều chỉnh và sắp xếp lại tổ chức, chỉ đạo cho thống nhất… Phía Nam, các chiến trường tập trung mở tuyến đường chiến dịch, đưa vận tải cơ giới đến sát các khu vực tác chiến; đồng thời phát triển hàng nghìn ki-lô-mét đường sông, đường gùi thồ vào sâu trong vùng địch kiểm soát, hình thành một mạng đường ống dẫn xăng dầu từ biên giới phía bắc vào đến các chiến trường xa nhất.
Tháng 3/1974, Quân ủy Trung ương xác định một số công tác lớn nhằm thực hiện chủ trương chiến lược trong giai đoạn mới, thực hiện yêu cầu tác chiến quy mô lớn, tăng cường LLVT, nhất là khối cơ động dự bị chiến lược, làm thay đổi so sánh lực lượng toàn diện có lợi cho ta… Thực hiện nghị quyết của Quân ủy Trung ương và nghị quyết Đảng ủy Tổng cục Hậu cần, các lực lượng vận tải trên miền Bắc khẩn trương kiện toàn và cũng cố tổ chức vận chuyển trên tuyến chiến lược và chiến dịch, chỉ đạo chặt chẽ công tác vận chuyển ở các chiến trường, hợp lý hóa tổ chức, tăng năng suất bốc dỡ, nâng cao chất lượng vận chuyển, tiết kiệm xăng dầu, đáp ứng đầy đủ kế hoạch vận chuyển bảo đảm nhu cầu xây dựng và chiến đấu của quân đội ở các chiến trường.
Tháng 10/1974, Bộ Chính trị họp bàn chủ trương chiến lược 2 năm (1975 - 1976). Sau hội nghị, hoạt động vận tải quân sự trên các tuyến được đẩy mạnh, nổi bật là tiếp tục củng cố, hoàn thiện mạng đường chiến lược, chiến dịch tổ chức vận chuyển vật chất và cơ động lực lượng, cơ động binh khí kỹ thuật vào các chiến trường cơ bản đáp ứng nhu cầu hoạt động của các LLVT ta đến hết năm 1975.
Có thể nói, thắng lợi của công tác vận tải quân sự trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đã được chuẩn bị từ nhiều năm trước, đặc biệt là trong hai năm 1973 - 1974.
Vận tải trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975
Tại cuộc họp từ 20/12/1974 - 08/01/1975, Bộ Chính trị đã phân tích sâu sắc so sánh lực lượng giữa ta và địch, đi đến quyết định gấp rút chuẩn bị mọi mặt để kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trong năm 1975 hoặc 1976.
Lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ vận chuyển lực lượng, vũ khí, đạn dược phục vụ chiến dịch. (ảnh tư liệu)
Về nhiệm vụ chi viện chiến trường, Bộ Chính trị xác định: phải tăng cường lực lượng, bảo đảm đầy đủ nhu cầu vật chất - kỹ thuật cho chiến trường, coi đó là điều kiện cơ bản để giành thắng lợi. Ngày 9/1/1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định: Mở chiến dịch tiến công địch ở Tây Nguyên. Hoạt động vận chuyển diễn ra dồn dập, giai đoạn chuẩn bị chiến dịch cũng là giai đoạn nghi binh lừa địch. Ngày 17/3, quân ta đánh bại cuộc phản kích của địch hòng chiếm lại Buôn Ma Thuột. Địch buộc phải thực hiện rút lui chiến lược, rút chạy khỏi Tây Nguyên. Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi giòn giã. Sức mạnh tổng hợp của các lực lượng vận tải chiến lược, chiến dịch và chiến đấu được phát huy, góp phần quan trọng vào chiến thắng có ý nghĩa chiến lược mở đầu cuộc tổng tiến công và nổi dậy.
Ngày 18/3/1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương hạ quyết tâm hoàn thành kế hoạch hai năm ngay trong năm 1975; xác định phương hướng tiến công chiến lược chủ yếu là Sài Gòn. Cuộc tiến công chiến lược đã chuyển thành tổng tiến công chiến lược. Ngày 25/3, Bộ Chính trị họp chủ trương: “Tập trung lớn và nhanh nhất lực lượng, binh khí kỹ thuật, vật chất bảo đảm giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa. Nắm thời cơ địch rút lui chiến lược, tiêu diệt, làm tan rã Quân đoàn 1 và Quân đoàn 2 nguỵ, không cho chúng rút và cụm lại quanh Sài Gòn…”. Muốn vậy cần thực hiện hai trận quyết chiến chiến lược là Huế - Đà Nẵng và Sài Gòn - Gia Định. Trên tuyến vận tải hậu phương, ngay sau chiến thắng Buôn Mê Thuột, các lực lượng vận tải khẩn trương chuyển quân và binh khí kỹ thuật. Cục Vận tải tận dụng đường sắt và đường biển, dành ô tô đưa lên phía trước. Trên tuyến đường sắt các đoàn tàu chuyển quân và xe tăng, pháo lớn liên tực về phía nam. Trên tuyến vận tải thủy đoàn Hồng Hà đưa trên 4.000 tấn phương tiện vào hoạt động. Lực lượng vận tải các cấp vận chuyển vật chất theo sát đội hình hành quân chiến đấu, giải phóng lần lượt các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Đà, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Nha Trang và Cam Ranh…
Ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị họp, quyết tâm giành thắng lợi trên hướng trọng điểm Sài Gòn. Thực hiện tư tưởng chỉ đạo “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, Cục Vận tải phát động đợt vận chuyển thần tốc, tập trung mọi lực lượng để vận chuyển vật chất, cơ động lực lượng và binh khí kỹ thuật vào chiến trường. Để thực hiện kế hoạch này, Cục Vận tải đã cùng với các lực lượng vận tải của các quân khu, quân chủng, binh chủng và lực lượng vận tải của các cơ quan nhà nước, hợp thành lực lượng vận tải tổng hợp, tổ chức hai mũi tiến công chủ yếu là đường biển và đường bộ đi thẳng vào chiến trường; đồng thời, sử dụng máy bay hỗ trợ những nhu cầu khẩn cấp. Với khẩu hiệu “Đất nước giải phóng đến đâu, tàu vận tải thọc sâu giao thông đến đó”, các lực lượng vận tải biển đã bám sát tình hình, tổ chức chỉ huy chặt chẽ, vượt qua mọi trở ngại… Nhiều tàu vận tải biển của của các cơ quan giao thông vận tải nhà nước cũng được huy động phục vụ nhiệm vụ quân sự. Thực hiện khẩu hiệu “ưu tiên phục vụ chiến dịch”, “ưu tiên phục vụ quân sự”, ngành đường sắt đã huy động mỗi ngày trên dưới 100 toa xe chở bộ đội và vũ khí, trang bị, kỹ thuật vào chiến trường.
Trong quá trình phục vụ chiến dịch, nhu cầu vận chuyển thay đổi từng giờ, từng ngày cả về khối lượng, mặt hàng, địa điểm giao nhận và thời gian, thứ tự ưu tiên… Việc chuẩn bị và điều động lực lượng cho mặt trận Sài Gòn được đề ra sớm và quan tâm đặc biệt. Quyết tâm của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương là bất luận tình hình nào cũng không được để lỡ thời cơ chiến lược. Trên tuyến vận tải chiến lược, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh 559 chỉ đạo các lực lượng “Đề cao trách nhiệm, dốc sức, dốc lòng phục vụ phương án thời cơ chiến lược của Bộ Chính trị”. Để thực hiện phương châm “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, Bộ Tư lệnh kiên quyết “lật cánh”, chuyển lực lượng và phương tiện từ Tây sang Đông. Các tuyến đường ống xăng dầu phát triển nhanh chóng, các đại đội xe chuyên dùng chở nhiên liệu được tập trung vận chuyển xăng dầu đi cùng các mũi tiến quân. Trên 3 tuyến giao thông chiến lược, Đường 128 (Tây Trường Sơn), Đường 15 (Đông Trường Sơn) và Quốc lộ 1 (tuyến Duyên hải) nhiều trạm bơm xăng dầu và hàng loạt kho xăng dầu mới được tổ chức. Các kho nhiên liệu tiếp quản của địch trên dọc đường hành quân cũng được tận dụng.
Cùng với lực lượng vận tải tuyến chiến lược, lực lượng vận tải chiến dịch do Bộ Tư lệnh Miền và các quân đoàn đảm nhiệm đã tranh thủ thời gian, huy động hết khả năng phương tiện của đơn vị và nhân dân để đảm bảo các yêu cầu vận chuyển vật chất và cơ động bộ đội, sáu tuyến vận tải bảo đảm cho các hướng tiến công vào Sài Gòn được hình thành. Trên tất cả các tuyến, lực lượng vận tải tập trung cao mọi khả năng hoàn thành bằng được nhiệm vụ cơ động lực lượng từ nhiều địa bàn khác nhau, xuất phát vào những thời điểm khác nhau hành quân thần tốc vào tham gia chiến dịch. Cùng với việc cơ động thần tốc các binh đoàn chủ lực, Bộ đội Vận tải còn tập trung phương tiện vận chuyển vật chất, đặc biệt là đạn hỏa lực. Hoạt động vận tải chuyển động liên tiếp, dồn dập từ Bắc đến Nam, trên các trục đường đi một hướng “Chiến trường trọng điểm Sài Gòn”. Tất cả lực lượng và phương tiện vận tải của các quân đoàn, sư đoàn tham gia chiến đấu đều được huy động để cơ động, bộ đội cõng đạn, gạo, xăng dầu trên lưng bám sát đội hình chiến đấu để bổ sung đầy đủ, kịp thời. Ngày 29/4, quân ta tổng công kích vào nội thành Sài Gòn và 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, quân và dân ta đã giải phóng hoàn toàn Sài Gòn - Gia Định, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
Quán triệt phương châm và chủ trương chỉ đạo công tác vận tải trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 của Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, trong lịch sử phát triển ngành Vận tải, chưa bao giờ Bộ đội Vận tải vận chuyển một khối lượng vật chất to lớn, phức tạp với một lực lượng đông như vậy: Vận chuyển dự trữ tại chỗ 13.500 tấn; vận chuyển bổ sung vật chất, binh khí kỹ thuật 100.000 tấn; cơ động 175.000 lượt bộ đội. Nếu tính cả khối lượng vận tải ở các cấp chiến lược, chiến dịch và chiến đấu từ giai đoạn chuẩn bị đến khi kết thúc, khối lượng vận chuyển lên tới trên một tỷ tấn km. Về thời gian, Bộ đội Vận tải đã hành động thần tốc, chớp thời cơ, tranh thủ từng phút, từng giờ để cơ động lực lượng và vận chuyển vật chất ra phía trước. Về không gian, triển khai rộng rãi và đồng thời trên tất cả tuyến giao thông vận tải ở tất cả các hướng, các miền của đất nước. Về lực lượng, riêng vận tải tuyến chiến lược đã sử dụng 3.400 xe, 32 tàu biển, 310 toa xe lửa, 2.000 phương tiện vận tải thủy của hải quân, 17.000 xe ô tô của các quân khu, quân chủng, binh chủng, quân đoàn và cơ quan Nhà nước… Vận tải chiến dịch sử dụng 3.939 xe vận tải, 656 ghe, xuồng, ca nô và 300 xe bò, 1.736 xe đạp thồ, 63.342 dân công... [1]
Có thể nói, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đặt ra những yêu cầu rất to lớn, phức tạp và khẩn trương về vận chuyển vật chất, cơ động lực lượng. Lực lượng vận tải đã triển khai rộng rãi và đồng thời trên tất cả các tuyến, các hướng, các miền, thực hiện bảo đảm đầy đủ, kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn, góp phần xứng đáng vào chiến thắng vĩ đại của quân và dân ta.
[1] - Tổng kết công tác hậu cần chiến dịch Hồ Chí Minh, Nxb QĐND, H.1998.
Đại tá Nguyễn Đức Tùng, Phó Cục trưởng Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần
Quốc Lập st & giới thiệu