“Chiến sự ở Sài Gòn – Gia Định mùa xuân 1975”: Nhìn nhận từ đối phương
(PLO) – Bốn mươi năm trôi qua kể từ khi sự kiện “Chiến sự ở Sài Gòn – Gia Định mùa xuân 1975” kết thúc nhưng trong ký ức của nhân loại thì không hề phai mờ; sự kiện lịch sử này đã mở ra thời kỳ “Sau Việt Nam” – “Hội chứng Việt Nam” đối với người Mỹ.
Từ đó đến nay, đã có rất nhiều sách, báo, tạp chí; hồi ký của các tướng lĩnh trực tiếp cầm quân chiến đấu tại miền Nam Việt Nam; những chính khách, nhà nghiên cứu chính trị, quân sự tại Mỹ và phương Tây bình luận xung quanh sự kiện trên với suy nghĩ độc lập theo những chiều cạnh khác nhau của mình.
Nhân dịp này, PLO giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của Thượng tá – TS. Trương Mai Hương, Chủ nhiệm Bộ môn lịch sử Tổ chức quân sự - Viện lịch sử Việt Nam, tại Hội thảo “Đại thắng mùa xuân 1975 – Sức mạnh của ý chí thống nhất và khát vọng hòa bình”, tổ chức tại TP.HCM mới đây.
Hàng trăm phóng viên tác nghiệp
Trong suốt thời điểm diễn ra chiến sự tại Sài gòn (26 đến 30-4-1975), cơ quan đầu não của chính quyền Việt Nam cộng hòa trở thành nơi tác nghiệp của đông đảo đại diện phóng viên báo hình, báo nói, báo viết của các nước trên thế giới; trong đó có rất nhiều hãng thông tấn, truyền hình, phát thanh và các tờ báo lớn của các nước: Anh, Pháp, Đức, Australia… với gần 100 phóng viên thường trú tại Sài Gòn để tác nghiệp. Riêng Mỹ, nước gây ra cuộc chiến tranh xâm lược này cũng có đại diện của hai hãng thông tấn, ba hãng truyền hình, một đài phát thanh và một số tờ báo lớn:Washington Post, Los Angeles, Time… đặt trụ sở tại Sài Gòn – Gia Định để kịp thời đăng tải tin tức về chiến sự.
Ngày 30/4/1975, Françoise Demulder, nữ phóng viên nhiếp ảnh chiến trường người Pháp là phóng viên duy nhất chụp được khoảnh khắc chiếc xe tăng Giải phóng húc đổ cổng của Dinh Độc Lập, đánh dấu sự kết thúc của chiến tranh Việt Nam. Ảnh tư liệu
Phần lớn các bài viết tập trung phản ánh thực tế diễn biến chiến trường, tâm trạng của binh lính và các cấp chỉ huy, mâu thuẫn về quan điểm và cách thức điều hành chiến tranh của các cơ quan quyền lực liên bang, của cá nhân ở Nhà Trắng, Lầu Năm góc và Đồi Capitol (quốc hội Mỹ).
Bên cạnh đó, cũng có nhiều nội dung đăng tải trên các báo ca ngợi chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Tờ thời báo New York có số phát hành lớn đăng tải phanh phui tập tài liệu mật ghi chép của Bộ Quốc phòng Mỹ về chiến tranh Việt Nam với gần 70.000 trang (còn gọi là tài liệu mật Lầu Năm góc) do luật sư nổi tiếng Ddanien phát hiện. Điều này đã khiến dân chúng Mỹ hiểu rõ thực chất cuộc chiến tranh mà Mỹ tiến hành ở Việt Nam là tàn bạo, vô nghĩa.
Còn tại Mỹ và các nước phương Tây, Tờ tin Mỹ và Thế giới in những chữ đầu hàng thành một tiêu đề lớn chạy suốt tám cột trên trang nhất và hoàng loạt tin, ảnh về chiến thắng của các lực lượng cách mạng vừa giải phóng thành phố Sài Gòn. Thời báo Log Angeles viết: “Người Mỹ ra đi, người Việt Nam đầu hàng, nước Việt Nam đã được trả lại cho người Việt Nam”. Tờ tin điện New York cho rằng: “Việc Mỹ dính líu vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam là một sự hy sinh vô ích về sinh mạng và tiền của người Mỹ và là một chương bi thảm trong lịch sử Mỹ”.
Phóng viên hãng UPI đã mô tả quân giải phóng: “Quân đội cộng sản tươi cười và vui vẻ cưỡi xe tăng vào phủ Tổng thống ở Sài Gòn hôm nay và hô lớn với những người đứng bên đường các nhà báo đang theo dõi. Họ thật sự không để ý đến sự có mặt của các nhà báo đang ghi lại sự đầu hàng lịch sử của chính quyền Sài Gòn trước những người cộng sản”. Cùng chung niềm vui với cả dân tộc Việt Nam, hãng tin AFP bình luận: “Không còn nghi ngờ gì nữa. Chiến sự Sài Gòn – Gia Định kết thúc. Sự kiện này ảnh hưởng to lớn đến khu vực trên thế giới trong tương lai”.
Tại sao lại mắc sai lầm?
Bên cạnh những bài báo, tạp chí, những bình luận của các tướng lĩnh mỹ và chính quyền Việt Nam cộng hòa ngay sau khi chiến sự kết thúc, nhiều nhà nghiên cứu về quân sự, nhà sử học đã đi sâu tìm hiểu về cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam với mục đích tìm ra nguyên nhân thất bại của mỹ.
Nhà sử học Mỹ George C. Herring đã khẳng định: “Người Mỹ phải hiểu rằng, họ sẽ không thể định đoạt những giải pháp cho các vấn đề thế giới và tất cả các mục tiêu mong muốn”. Ngay cả cựu bộ trưởng Bộ quốc phòng Mỹ Mcnamara, sau gần 30 năm im lặng đã phải tự dằn vặt: “Những người cộng sự của tôi trong chính quyền Kennedy và Jonshon là một nhóm người đặc biệt … tại sao nhóm người đó – những người giỏi nhất và thông minh nhất ấy … lại mắc sai lầm về Việt Nam?... chúng tôi mắc nợ các thế hệ tương lai trong việc giải thích tại sao lại sai lầm như vậy?”.
Nhà sử học Nigl Cawthorne sau nhiều năm nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam, đã đưa ra nhận xét: “Phía Mỹ không bị tổn thương về mặt thể xác thì sự hủy hoại về mặt tâm lý phải gánh chịu trong việc giành chiến thắng, và đã đẩy đất nước Mỹ đến những phân rẽ cay đắng”. Đồng thời, để tỏ lòng khâm phục sâu sắc đối với đất nước và con người Việt Nam, ổng khẳng định: “Nước Mỹ buộc phải chấp nhận một điều rằng dù với tất cả sức mạnh và sự ưu việt về kỹ thuật của mình, họ vẫn không thể đánh bại một đối thủ tuy nhỏ bé nhưng đầy quyết tâm”.
Ba nguyên nhân thất bại
Bìa cuốn sách Chiến tranh Việt Nam được và mất của Nigl Cawthorne. Ảnh tư liệu
Trong gần 200 năm kể từ khi Tổng thống Mỹ George Washington tuyên bố độc lập (1776), nước Mỹ hùng mạnh ở bên Tây bán cầu chưa từng thua trận trong các cuộc chiến tranh. Vậy mà, Mỹ đã thua trận tại Việt Nam. Điều này được các tướng lĩnh, chính khách, nhà nghiên cứu chính trị, quân sự tại Mỹ và các nước phương Tây phân tích, mổ xẻ để tìm hiểu nguyên nhân thất bại trong mấy chục năm qua cũng là điều dễ hiểu.
Thứ nhất, nhiều cuộc tranh luận nảy lửa tại Nhà trắng và Lầu Năm góc của các quan chức cao cấp Mỹ và phương Tây cho rằng nguyên nhân trực tiếp là do Mỹ không viện trợ đô la và vũ khí trang bị hiện đại theo yêu cầu của chính quyền Việt Nam cộng hòa ở giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến. Bởi vì cũng chính thời điểm này, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ - Schelessinger nói rằng: “Viện trợ thêm cho Sài Gòn cũng là ném tiền qua cửa sổ. Người Nam Việt Nam không còn cơ may để tự cứu sống nữa rồi”. Cũng trong ngày 25-4-1975, một cuộc họp của đại diện chính quyền Việt Nam cộng hòa với nhân viên chủ chốt của Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn đã diễn ra. Tướng Trần Văn Đôn lên án sự chần chừ không chịu viện trợ của Chính phủ Mỹ. Tướng Đôn đề nghị phía Mỹ viện trợ khẩn cấp. Đáp lại, Quốc hội Mỹ lớn tiếng chỉ trích: chế độ Việt Nam cộng hòa luôn đồi tăng viện trợ đã làm cho tổng thống Mỹ và những cộng sự của ông hết sức bối rối và lo ngại. Như vậy, Mỹ đã thẳng thừng chối bỏ các khoản viện trợ cho chính quyền Sài Gòn vào thời điểm cuối của chiến tranh. Không có viện trợ đồng nghĩa với việc không thể tồn tại quân đội Việt Nam cộng hòa khi mà trang bị và lương thực đều thiếu thốn nghiêm trọng.
Thứ hai, một số tướng lĩnh từng tham chiến tại Việt Nam đều thống nhất với quan điểm rằng sai lầm cơ bản để cho mâu thuẫn giữa hai phái quân sự và dân sự Mỹ tại Sài Gòn, không có một cơ quan thống nhất điều hành chung; các tin tức trong những ngày cuối cùng rời rạc, thiếu chính xác và không được phân tích căn kẽ, xử lý kịp thời…
Thứ ba, đó là tư tưởng hoang mang, giao động, oán trách chính phủ Mỹ và chính quyền Sài Gòn ngày càng tăng; dẫn đến sự sa sút về tinh thần, tâm lý thất vọng, chán ghét chiến tranh, mong muốn hòa bình bao trùm lên đời sống của binh lính trong các đơn vị quân đội Việt nam cộng hòa. Đồng thuận với nhận định này, một số nhà thạo tin phương Tây thẳng thắn: Đó chính là sự yếu kém về hệ thống tổ chức và điều hành của chế độ Việt Nam cộng hòa.
Sự kiện 30-4-1075 chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, hình ảnh của Hồ Chí Minh lên bìa báo Times, số ra ngày 12-5-1975. Ảnh tư liệu
Như vậy, việc nhìn nhận, đánh giá, phân tích, mổ xẻ nguyên nhân dẫn đến thất bại của Mỹ sau khi chiến sự ở Sài Gòn kết thúc dưới những góc độ khác nhau được dựa trên cơ sở những tư liệu được khai thác từ nhiều nguồn, song, cơ bản khẳng định: Mỹ dù đã theo đuổi chiến tranh xâm lược Việt Nam từn hiều năm, đã bỏ ra nhiều tiền của, công sức, hòng khuất phục đối phương, đã hy sinh tính mạng hàng vạn con em mỹ nhưng cuối cùng đành cay đắng chấp nhận thất bại trước một đối thủ có tiềm lực quân sự và kinh tế nhỏ bé hơn nước Mỹ nhiều lần.
Trong khối tài liệu mật Lầu Năm góc, khi báo cáo về tình hình binh lính miền Nam Việt Nam trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến, đã viết: Người lính Việt Nam cộng hòa đến thời điểm này đã thay đổi nhận thức, thái độ chính trị rõ ràng và sớm nhận ra những gì mà Mỹ và quận đội Việt Nam cộng hòa thường rao giảng về nghĩa vụ thiêng liêng đi bảo vệ “thế giới tự do” và sự thực là họ chiến đấu vì một cuộc chiến tranh phi chính nghĩa, phi đạo lý mà ngay cả nhân dân Mỹ cũng phản đối quyết liệt. |