Nhớ về anh - Người chỉ huy Quân Giải phóng miền Nam

Ngày đăng: 09:18 12/04/2015 Lượt xem: 789

Nhớ về anh - Người chỉ huy Quân Giải phóng miền Nam

 

QĐND - Cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống Mỹ xâm lược là một thắng lợi vĩ đại trong lịch sử hào hùng của nước ta ở thế kỷ XX. Cuộc đấu tranh trường kỳ vô cùng oanh liệt để giành thắng lợi đó đã đào tạo, rèn luyện và bồi dưỡng nên rất nhiều chiến sĩ, cán bộ, chỉ huy có thành tích và công lao xuất sắc làm rạng rỡ non sông, đất nước. Một trong những người chỉ huy mà tài năng, đức độ đã được Đảng và Nhà nước đánh giá cao, được nhân dân kính mến, được các cán bộ quý trọng như một người thầy, một người anh thân yêu, đó là đồng chí Đại tướng Hoàng Văn Thái.

 

Đại tướng Hoàng Văn Thái. Ảnh: Tư liệu

 

Năm 1966, đồng chí được Đảng và Nhà nước cử vào miền Nam làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 5, quyền Bí thư khu ủy Khu 5. Đến năm 1967, đồng chí được cử vào chiến trường B2 (Miền) làm Tư lệnh Bộ Chỉ huy Quân Giải phóng miền Nam, Phó bí thư Trung ương Cục kiêm Phó bí thư Quân ủy Miền. Đồng chí đã cùng các đồng chí trong Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền trực tiếp lãnh đạo và chỉ huy cuộc kháng chiến ở chiến trường B2 trong một thời gian dài cho đến khi quân đội Mỹ hoàn toàn rút khỏi miền Nam năm 1973.

Là tư lệnh một chiến trường quan trọng, rộng lớn, đồng chí Hoàng Văn Thái đã tỏ rõ là một vị tướng mưu lược, có tầm nhìn chiến lược, có bản lĩnh vững vàng, quyết đoán trong xử trí những tình huống khó khăn, phức tạp. Đồng chí đã đề xuất những chủ trương sát đúng và kịp thời trong những bước ngoặt của cuộc chiến đấu ở miền Nam.

Tôi còn nhớ được một số chủ trương lớn của Bộ Chỉ huy Miền trong những năm tháng chống Mỹ mà đồng chí Hoàng Văn Thái là người chủ trì nghiên cứu, thảo luận và thống nhất trong Bộ Chỉ huy, đó là:

Năm 1967, đồng chí vào B2 nhận nhiệm vụ cũng là năm chiến trường nhận được chỉ thị của Trung ương phải tích cực chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở miền Nam. Do yêu cầu rất khẩn trương, nên trong một thời gian ngắn đồng chí phải gấp rút nắm tình hình các mặt, tiến hành nhiều cuộc họp với Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền rà soát lại tất cả các kế hoạch tác chiến để giao nhiệm vụ kịp thời cho các chỉ huy quân khu và các đơn vị trực thuộc.

Thời kỳ đó, mặc dù quân Mỹ thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, liên tiếp mở những cuộc tiến công, nhưng thế và lực của cách mạng ở miền Nam vẫn vững vàng. Về thế: Ta đã giữ vững được vùng giải phóng rộng lớn, về lực thì ngoài lực lượng bộ đội địa phương và dân quân du kích đông đảo, còn có các đơn vị chủ lực tổ chức tới cấp sư đoàn đã đánh những trận quy mô lớn.

Bộ Chỉ huy quân đội Mỹ sau mấy năm tập trung tìm diệt “Việt Cộng” lại phải chịu tổn thất lớn, nhất là sau trận tiến công vào căn cứ của Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền mùa khô 1966-1967, nhưng vẫn hy vọng giành thắng lợi. Nhưng Tết Mậu Thân năm 1968, cuộc tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt như vũ bão của quân và dân miền Nam vào hầu hết các thành phố, thị xã, thị trấn và các căn cứ của địch ở miền Nam, đã khiến chúng hoàn toàn bất ngờ, hốt hoảng, choáng váng và bị động, đối phó rất lúng túng. Chiến lược “chiến tranh cục bộ” bị đảo lộn và đứng trước nguy cơ phá sản.

Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy đó, các lực lượng của Miền, dưới sự chỉ huy của Bộ chỉ huy mà đồng chí Hoàng Văn Thái là Tư lệnh, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của chiến trường chính là tiến công thẳng vào Sài Gòn, phối hợp với các đợt tiến công mạnh mẽ của các đơn vị, các lực lượng khác vào các đô thị ở toàn miền Nam. Riêng ở mặt trận Sài Gòn-Gia Định (mà tôi được chỉ định là Trưởng phòng Tác chiến của Tiền phương Bộ Chỉ huy Miền), Quân Giải phóng đã đánh vào hầu hết các cơ quan đầu não chiến lược của địch, gây cho chúng những thiệt hại hết sức nặng nề như: Bộ Tổng tham mưu Quân đội Việt Nam Cộng hòa, Tổng nha cảnh sát, Bộ Tư lệnh Không quân và Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tư lệnh Hải quân, Đài phát thanh, Tòa đại sứ Mỹ, Bộ Chỉ huy quân đội Mỹ, đồng thời làm chủ nhiều khu vực trong thành phố dài ngày.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là sau thắng lợi to lớn ban đầu thì tiếp tục phát triển như thế nào? Thời gian đó, trước sức tiến công mạnh mẽ của các lực lượng cách mạng, trong Quốc hội và Chính phủ Mỹ đã có những ý kiến dao động, phản đối kéo dài chiến tranh. Do đó, Trung ương chỉ thị cho chiến trường B2 phải duy trì hoạt động dài ngày, liên tục để phối hợp với các chiến trường khác và phối hợp với đấu tranh ngoại giao. Chấp hành chỉ thị đó, Bộ Chỉ huy Miền, mà đồng chí Hoàng Văn Thái là người chủ trì, nhận thấy nếu tiếp tục đánh vào thành phố Sài Gòn khi không còn yếu tố bất ngờ nữa thì không lợi. Vì vậy, Bộ Chỉ huy Miền đã chủ trương chỉ để lại một lực lượng nhỏ gây dựng cơ sở ở nội đô và hoạt động ven đô còn tập trung lực lượng lớn mở chiến dịch ở Tây Ninh, kéo quân Mỹ và quân đội Sài Gòn lên Tây Ninh để tiêu diệt. Kết quả là các lực lượng của Miền đã đánh trúng Sở chỉ huy quân Mỹ ở Tây Ninh, gây cho chúng tổn thất nặng, đồng thời tiêu diệt một bộ phận lớn quân Mỹ khi chúng từ Sài Gòn lên chi viện cho quân ở Tây Ninh. Vùng giải phóng của cách mạng được củng cố thêm. Chiến dịch này là một bất ngờ với Bộ Chỉ huy quân đội Mỹ vì chúng cho rằng Quân Giải phóng sẽ tiếp tục tiến công vào Sài Gòn, nên sau khi chiến dịch nổ ra chúng buộc phải bố trí lại lực lượng ở miền Đông Nam Bộ.

Như vậy, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968, các lực lượng của Miền đã hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ chính là đánh thẳng vào những cơ quan đầu não chính trị-quân sự của địch ở Sài Gòn và ở hầu hết các đô thị khác, phối hợp với các chiến trường khác cùng tiến công gây cho địch những thiệt hại hết sức nặng nề cả về chính trị lẫn quân sự và quan trọng hơn nữa là tạo điều kiện thuận lợi cho đấu tranh ngoại giao, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán ở Pa-ri, từ bỏ chiến lược “chiến tranh cục bộ” chuyển dần sang chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” để rồi cũng bị thất bại hoàn toàn...

Đầu năm 1972, đồng chí cùng Quân ủy, Bộ chỉ huy và Trung ương Cục thống nhất mở đợt tiến công lớn toàn Miền. Trong đó, B2 tiến hành một chiến dịch lớn ở phía Bắc Sài Gòn, lấy hướng Bình Long làm hướng chính kết hợp với đẩy mạnh tác chiến của các lực lượng địa phương. Kết quả là ta giải phóng được đại bộ phận tỉnh Bình Long, trong đó có quận lỵ Lộc Ninh (mà sau tháng 1-1973 được dùng làm trụ sở cho Hội nghị phái đoàn 4 bên thi hành Hiệp định Pa-ri), cắt đứt Đường 13 nối Sài Gòn với Bình Long; các địa phương qua đợt tác chiến đó cũng đã mở rộng vùng giải phóng ra nhiều nơi. Cuộc tiến công phối hợp toàn Miền năm 1972 đã đưa cuộc kháng chiến của quân dân miền Nam lên một bước phát triển mới là có khả năng đánh lớn giải phóng được quận, huyện (gồm cả quận lỵ, huyện lỵ), tiến lên giải phóng các thị xã, thành phố, chuẩn bị cho công cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Qua một số sự kiện trên đây có thể thấy đồng chí Hoàng Văn Thái là vị tư lệnh mưu lược, có tài năng và bản lĩnh vững vàng, có dũng khí, quyết đoán trong những tình huống khó khăn, phức tạp của cuộc kháng chiến ở miền Nam.

Đồng chí Hoàng Văn Thái là một vị tướng có tri thức quân sự sâu rộng, có quan điểm sâu sắc về chiến tranh nhân dân, có tài năng trong tổ chức và xây dựng lực lượng vũ trang cũng như trong nghiên cứu khoa học và nghệ thuật quân sự.

Điều này đã thể hiện rõ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp khi đồng chí là Tổng tham mưu trưởng đầu tiên, người tổ chức và lãnh đạo Bộ Tổng tham mưu những ngày đầu và là Tham mưu trưởng trong những chiến dịch lớn, trợ thủ đắc lực cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Việc cử đồng chí vào làm Tư lệnh Bộ chỉ huy Miền, nơi có các cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn với cả một hệ thống kìm kẹp, đàn áp dày đặc, nơi quân đội Mỹ tập trung lực lượng mạnh nhất hòng tiêu diệt lực lượng kháng chiến, thể hiện sự tin tưởng và đánh giá cao của Trung ương về trí tuệ và tài năng của đồng chí.

Khi lãnh đạo xây dựng LLVT của Miền cũng như trong chỉ huy tác chiến, đồng chí Hoàng Văn Thái luôn chú trọng việc quán triệt đường lối và chủ trương của Đảng, đặc biệt là đường lối chiến tranh nhân dân vào thực tế chiến trường. Đồng chí thường nói với các cán bộ cấp dưới chúng tôi là: Trong cuộc kháng chiến lần này, quân và dân ta trực tiếp đương đầu với quân đội Mỹ là một kẻ địch có tiềm lực kinh tế, quân sự to lớn, có trang bị kỹ thuật hiện đại, có chiến lược và phương thức tác chiến khác xa so với quân đội Pháp trước kia... Vì thế, chúng ta phải phát huy tối đa “ưu thế chính trị chiến lược” này, tin tưởng ở dân và tích cực phát động nhân dân kháng chiến. Chỉ có động viên được nhân dân cùng LLVT tiến hành chiến tranh rộng khắp và ngày càng cao thì mới đối phó được với quân Mỹ, mới làm thất bại được mọi âm mưu chiến lược tinh vi, hiểm độc của chúng. Từ đó, chúng ta mới giành được thắng lợi. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, của Trung ương Cục, của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và sự chỉ huy trực tiếp sâu sát của Bộ Chỉ huy Miền mà đồng chí Hoàng Văn Thái là Tư lệnh, quân và dân miền Nam đã thực hiện cuộc kháng chiến nhân dân rộng khắp và ngày càng phát triển lên trình độ cao, giành được những thắng lợi to lớn, làm thất bại tất cả các chiến lược chiến tranh của Mỹ và chính quyền Sài Gòn.

Trong quá trình chỉ huy ở chiến trường miền Nam, với tinh thần luôn luôn sáng tạo để thực hiện đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, đồng chí đã nghiên cứu, tổng kết đúc rút ra nhiều bài học quý báu về nghệ thuật quân sự và phương thức tác chiến như: Kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, kết hợp đòn tiến công của LLVT với sự nổi dậy của quần chúng nhân dân; kết hợp chặt chẽ các chiến dịch của chủ lực Miền với tác chiến của bộ đội địa phương và dân quân tự vệ để căng kéo địch; làm sao đánh địch được liên tục, rộng khắp tất cả ba vùng rừng núi, nông thôn đồng bằng và đô thị… Những bài học về quán triệt và thực hiện đường lối chiến tranh nhân dân, tin tưởng nơi dân, biết dựa vào dân, đồng thời có nghệ thuật và phương thức thích hợp phát huy sức mạnh tổng hợp của nhân dân để giành thắng lợi mà đồng chí đã nghiên cứu và tổng kết vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước ta ngày nay. Chúng ta cần trân trọng, tiếp thu và nghiên cứu vận dụng.

Đồng chí Hoàng Văn Thái là người chỉ huy rất coi trọng giữ gìn và tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền cũng như tăng cường sự đoàn kết cán binh, đoàn kết quân dân.

Những chủ trương và quyết định về xây dựng lực lượng, về tác chiến và những vấn đề quan trọng khác đồng chí đều đề xuất, trao đổi với các đồng chí trong Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền. Đồng chí rất tôn trọng những ý kiến thảo luận, trao đi đổi lại nhiều lần để tạo sự đồng thuận. Chính sự đoàn kết thống nhất này đã tạo thành sức mạnh vô cùng quý báu của cơ quan đầu não kháng chiến ở miền Nam để chỉ đạo chiến tranh thắng lợi. 

Đồng chí rất mực quan tâm đến đời sống của cán bộ và chiến sĩ, kết hợp nghe báo cáo với kiểm tra thực tế tình hình bảo đảm mọi mặt cho bộ đội. Đồng chí động viên các đơn vị tích cực khắc phục khó khăn, đẩy mạnh tăng gia sản xuất. Nhờ vậy, các đơn vị đã nỗ lực thực hiện phong trào tự lực tự cường nâng cao đời sống, góp phần bảo đảm cho cán bộ, chiến sĩ giảm bớt thiếu thốn trong những lúc khó khăn.

Đồng chí hết sức coi trọng và đề cao công tác dân vận. Một trong những chỉ thị quan trọng của đồng chí cho các đơn vị là đóng quân ở đâu cũng phải làm công tác dân vận. Đồng chí thường xuyên giáo dục cho cán bộ mối quan hệ quân với dân như cá với nước; được nhân dân ủng hộ, giúp đỡ thì dù kẻ địch có mạnh đến đâu, chúng ta vẫn đánh thắng được. Đồng chí cũng đã chỉ thị, khi bộ đội tác chiến ở vùng có dân phải có kế hoạch bảo vệ dân, hướng dẫn dân phòng tránh phi pháo, chống địch càn quét. Không được tơ hào tài sản của dân. Khi mua lương thực, thực phẩm của dân phải trả tiền sòng phẳng, tuyệt đối không để dân bị thiệt... Do chấp hành nghiêm túc các chỉ thị này, nên bộ đội giải phóng rất được nhân dân yêu quý và tích cực giúp đỡ...

Qua những việc nêu trên, có thể thấy, đồng chí Hoàng Văn Thái là người chỉ huy chiến trường có phạm vi rộng lớn, phải giải quyết rất nhiều công việc, nhưng vẫn lấy việc phục vụ nhân dân, bảo đảm an toàn cho nhân dân làm mối quan tâm hàng đầu cũng như coi việc chăm lo đời sống của cán bộ, chiến sĩ là nhiệm vụ quan trọng không kém nhiệm vụ chỉ huy tác chiến. 

Một đức tính tốt đẹp của đồng chí là rất giản dị khiêm tốn trong cuộc sống thường ngày. Mặc dù đã có những công lao to lớn trong cuộc kháng chiến chống Pháp và trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam từ những ngày đầu thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, nhưng đồng chí không bao giờ tự đề cao mình. Là Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam nhưng đồng chí vẫn sinh hoạt chung với các đồng chí trong Bộ Chỉ huy. Cuộc sống giản dị và liêm khiết của đồng chí là tấm gương sáng cho cán bộ chúng ta.

Đã gần 30 năm ngày Đại tướng Hoàng Văn Thái đi xa, tôi luôn kính trọng và biết ơn sâu sắc đối với anh-người thầy, người anh đã giáo dục và hướng dẫn tôi nhiều trong những năm tháng phục vụ trong quân đội. Đồng chí thực sự là một chiến sĩ cách mạng suốt đời tận trung với Đảng, với nước, tận hiếu với dân, một vị tướng tài đức song toàn, một người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện được trọn vẹn lời dạy của Người là làm tướng phải “Trí, Dũng, Nhân, Tín, Liêm, Trung”.

 

                                                                Trung tướng ĐẶNG QUÂN THỤY

                                                                 Nguyên Phó chủ tịch Quốc hội

tin tức liên quan