Phi đội hào hoa đánh Tân Sơn Nhất

Ngày đăng: 09:06 20/04/2015 Lượt xem: 740

Phi đội hào hoa đánh Tân Sơn Nhất

- Nhớ lại lúc luyện bay chuyển loại, ông Từ Đễ vẫn nhớ “nhìn mới thấy chiếc phi cơ A37 thu lượm được của địch để dùng huấn luyện bay ở Đà Nẵng đúng là "5 cha, 3 mẹ”".

Chiều 22/4/1975, tất cả cả cán bộ, phi công, thợ máy của phi đội 4 đã có mặt tại sân bay Đà Nẵng, nhanh chóng ổn định do Thượng úy Nguyễn Văn Lục làm đại đội trưởng, Thượng úy Trần Cao Thăng làm chính trị viên, Thượng úy Từ Đễ làm đại đội phó.

Toàn tài, đẹp trai

Theo ông Từ Đễ, trong đội hình Phi đội Quyết Thắng, nếu ông giỏi về bay đêm, bay trong mây, dẫn đường chính xác ở độ cao thấp mà không cần radar dẫn bay thì ông Nguyễn Văn Lục lại là phi công bắn súng canon rất giỏi, từng bắn gục 2 máy bay không người lái của Mỹ - loại mục tiêu bay khó nhằn nhất vì chỉ nguyên việc phát hiện ra nó đã là một kì công.

“Ông Lục từng bắn hạ 1 máy bay A7 của hải quân Mỹ –- một thành tích đáng nể vì MiG 17 vốn tụt hậu một thế hệ so với máy bay A7, bắn súng mà hạ máy bay Mỹ càng chứng tỏ trình độ thiện xạ của ông. Tất nhiên là so với thế hệ chúng tôi, chứ không thể so với các bậc tiền bối bắn rơi 6,7 chiếc ngày trước được ”- ông Từ Đễ kể.

 

Từ Đễ, phi công, không quân, phi đội Quyết Thắng, 30/4

Máy bay A37 dùng bay trong trận đánh bom Tân Sơn Nhất là máy bay được các nhân viên kỹ thuật hàng không sửa chữa, chế lại. Ảnh: Lê Anh Dũng

 

Trong khi đó, ông Hán Văn Quảng (trung đội trưởng) là một phi công chiến đấu lão luyện, trông mặt mũi hiền lành nhưng có tài ném bom các kiểu từ bổ nhào, bay bằng rồi bay cực thấp trên biển - một kiểu ném bom cực khó, đầy nguy hiểm mà lại chỉ ước lượng bằng mắt, không có máy ngắm chuyên dùng.

“Bây giờ thời đại tự động hóa cao đến nỗi dẫn đến bệnh lý “tự động hóa” trong đội ngũ lái máy bay, điều này có thể dẫn đến tai nạn. Nên bác càng tự hào về ông Lục, ông Quảng có thể chiến đấu thô sơ và du kích chỉ bằng cảm quan. Họ lại toàn là giáo viên bay cự phách nữa chứ” - ông Từ Đễ thán phục những đồng đội trong đội hình Quyết Thắng.

Một thành viên trong phi đội là trung úy không quân Sài Gòn Nguyễn Thành Trung trước đó từng lái máy bay F5E của địch, bất ngờ chọn thời cơ thuận lợi, ném bom dinh Tổng thống Sài Gòn rồi bay về hạ cánh an toàn xuống vùng giải phóng ở sân bay Phước Long. Ông Trung được Tư lệnh, Tướng Văn Tiến Dũng đưa ra Đà Nẵng ghép vào phi đội để dẫn đường cho phi công ta.

“"Cái lão này đã đẹp trai lại thiệt tài. Sân bay Phước Long ngắn vậy mà cũng đáp được, lại còn khoe ảnh có râu rất đàn anh nữa chứ. Mà để râu trong không quân vốn bị cấm trong tất cả các nước nhưng chắc học theo phi công nổi tiếng nhất Mỹ là đại tá Robin Old phi công từ thời Chiến tranh Thế giới 2 - người đã tổ chức thành công chiến dịch Bolo chống MiG đầu năm 1967. Mãi tới bây giờ các bác về hưu mới dám để râu nhưng ôi thôi, bạc hết mất rồi" - ông Từ Đễ hóm hỉnh.

Trong đội hình còn có hai phi công Trần Ngọc Sanh và Nguyễn Văn On vốn là 2 trung úy ra trình diện tại Đà Nẵng và được lựa chọn giúp đỡ các phi công miền Bắc sử dụng máy bay.

Hai ông đều được đào tạo ở Mỹ và có kinh nghiệm sử dụng máy bay A37.

 

Từ Đễ, phi công, không quân, phi đội Quyết Thắng, 30/4

Phi công Từ Đễ ngoài cùng bên trái cùng đồng đội trong trận đánh Tân Sơn Nhất

 

“Các ông đều tích cực giúp các bác tìm hiểu và khai thác máy bay. Nếu máy bay có nhiều thì các bác sẽ xếp các ông này cùng tham gia ném bom vào Tân Sơn Nhất, nhưng rất tiếc cơ hội chỉ dành cho ông On. Bác cũng ấn tượng với hai ông này. Nếu ông On trông "Hai Lúa"“ bao nhiêu thì ông Sanh lại lạnh lùng và tri thức bấy nhiêu. Nói chung các phi công hai bên VN hồi đó đều đẹp trai kiểu đàn ông đích thực cả” -– ông Từ Đễ cười vang khi nhớ lại kỷ niệm với đồng đội.

Bay chuyển loại nhanh kiểu “Thần Phong”

Luyện bay chuyển loại là điều kiện tiên quyết để đảm bảo thành công cho trận đánh. Theo ông Từ Đễ, thời gian huấn luyện bay cực ngắn của phi đội có thể so sánh với cách huấn luyện những phi công “Thần Phong” Nhật Bản trong giai đoạn kết thúc chiến tranh Thái Bình Dương. 

Những phi công Thần Phong được huấn luyện để lái máy bay chở đầy bom, thủy lôi và bình đựng xăng đâm vào tàu địch. Các cuộc tấn công cảm tử của  phi công Thần Phong Nhật được thế giới kính trọng. Để chuẩn bị cho những chuyến bay này, họ chỉ có 9 ngày huấn luyện.

Ông Từ Đễ cho hay, có 5 ngày chuẩn bị nhưng thực tế phi đội chỉ có 3 ngày tập bay ở Đà Nẵng với 1 máy bay duy nhất. Mỗi ngày chỉ lên được 5 lượt, tức mỗi người 1 lượt.

“Sát ngày ra trận, do phi công Nguyễn Thành Trung được đưa ra Đà Nẵng để ghép vào đội hình, các bác lại phải “nhường ghế, sẻ xăng” để ông Sanh kèm chú Trung bay hồi phục kĩ thuật. Ngay bác cũng chỉ dám bay có 2 chuyến thử kết hợp huấn luyện và tham gia chiến đấu ngay”, ông kể. 

Để luyện bay, nhóm nhân viên kỹ thuật của Sài Gòn có 17 người, cùng nhóm thợ máy, kỹ thuật không quân Hà Nội dốc sức cùng nhau sửa chữa, lắp ráp máy móc dồn ghép thành một chiếc A37 để huấn luyện ở Đà Nẵng.

 

 

tin tức liên quan