Bức điện lịch sử gửi tới BTL 559 và các đơn vị.

Ngày đăng: 11:52 25/04/2015 Lượt xem: 693

Bức điện lịch sử

và vai trò của Đoàn 559 trong chiến dịch Hồ Chí Minh.

 

1-      Bức điện lịch sử : “Thần tốc và táo bạo”

         

           Đầu tháng 4/1975 trên chiến trường miền Nam tiến triển nhanh chóng “ một ngày bằng 20 năm”, nắm vững thời cơ, ngày 07/4/1975, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã gửi bức điện lịch sử: “ Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng  phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”

         Điều đáng chú ý ở đây là đơn vị đầu tiên mà vị Tổng tư lệnh gửi đến là  “Bộ Tư lệnh 559, Các  F (sư đoàn), các đoàn binh khí kỹ thuật trên đường hành quân ( 559 chuyển)”, sau đó mới đến các quân đoàn và  “anh  Tấn “ (Lê Trọng Tấn)

         Điều đó chứng tỏ Đại tướng đã đánh giá rất cao tầm quan trọng của Bộ tư lệnh 559 trong chiến thuật “Thần tốc”.  Nên nhớ tại thời điểm này, hầu hết các lực lượng xe của Trường Sơn đã và đang trên đường hành quân thần tốc chở các sư đoàn, quân đoàn, các đoàn binh khí kỹ thuật tiến về hướng Sài Gòn. Chính Đoàn 559 với  hàng ngàn chiến xa, đã là yếu tố quan trọng quyết định, tạo cảm hứng  để vị Tổng Tư lênh hạ mệnh lệnh lịch sử : “Thần tốc và táo bạo”

 

2- Vai trò của Đoàn 559 trong chiến dịch Hồ Chí Minh.

 

       

        Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 kết thúc bằng chiến  dịch Hồ Chí Minh lich sử là công lao của toàn Đảng , toàn quân, toàn dân, trong đó có phần đóng góp to lớn của Bộ đội Trường Sơn. Để làm rõ vấn đề này, xin trích bài tham luận của Thiếu tướng Võ Sở- Chủ tịch Hội Trường Sơn trong Hội thảo khoa học quân sự về chiến thắng 30/4/1975, tổ chức tại TP Hồ Chí Minh ngày 04/4/2015:

       “Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, 6 Sư đoàn (gồm 2 sư đoàn công binh, 1 sư đoàn phòng không, 1 sư đoàn bộ binh và 2 sư đoàn ô tô) của Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã phối hợp chiến đấu cùng với các quân đoàn chủ lực trên nhiều hướng. Lực lượng công binh Trường Sơn đã khôi phục và bắc hàng trăm cây cầu bị địch phá hoại trước khi rút chạy, bảo đảm cho các đơn vị hành quân thần tốc tiến về Nam dọc quốc lộ 1. Lực lượng xe của 2 Sư đoàn ô tô vận tải chiến đấu 571 và 471 Bộ đội Trường Sơn trước Chiến dịch đã cơ động thần tốc Quân đoàn 1, Quân đoàn 2 và Quân đoàn 3 vào thẳng chiến trường Nam Bộ an toàn tuyệt đối. Theo tính toán của các chuyên gia quân sự đối phương, muốn tập trung một lực lớn tấn công Sài Gòn “Việt cộng” phải cần thời gian ít nhất là hai đến ba tháng. Nhưng chỉ trong hơn 10 ngày các quân đoàn chủ lực của ta đã có mặt, áp sát Sài Gòn, gây bất ngờ và hoang mang tột độ cho kẻ địch.

        Lực lượng vận tải còn lại của Sư đoàn 471 đã vận chuyển ngày đêm hàng ngàn tấn đạn hỏa lực bổ sung đưa thẳng vào kho của Chiến dịch.  Bởi thế mà Trung tướng Đinh Đức Thiện, Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh đã  tự tin tuyên bố trước khi Chiến dịch khai hỏa: “Các cậu cứ bắn cho thoải mái, bắn cho chúng sợ tới ba đời”… Nếu không có sự dồi dào vũ khí, đạn dược được Bộ đội Trường Sơn chuẩn bị cho Chiến dịch thì Tướng Đinh Đức Thiện không thể tuyên bố đanh thép đến như vậy.

        Lực lượng hàng ngàn chiến xa của Bộ đội Trường Sơn đã trở thành lực lượng cơ động bộ binh đi cùng xe tăng, thiết giáp của các Quân đoàn chủ lực đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Biên Hòa, Bộ Tổng Tham mưu ngụy và chiếm Dinh Độc lập ngày 30/4/1975.

        Chúng tôi có thể khẳng định rằng: Nếu không có gần 5000 chiến xa của 2 Sư đoàn ô tô chiến đấu của Bộ đội Trường Sơn thì các lực lượng của Quân đội ta không thể tiến công thần tốc như mệnh lệnh của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp trước Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử”

 

                                                                                                                Vũ Trình Tường.

tin tức liên quan