Lời Ban Biên tập:
Ngày 28/8/2015, Ngành Giao thông Vận tải Việt Nam kỷ niệm 70 thành lập. Nhân dịp này chúng tôi trân trọng gửi tới các đồng chí hội viên và bạn đọc bài viết "Ngành Giao thông Vận tải với Trường Sơn" của Thiếu tướng Võ Sở. Hội Truyền thống trường Sơn Việt Nam trân trọng gửi tới cán bộ nhân viên Ngành GTVT VN lời chúc mừng về thành tịu 70 năm đi trước mở đường của Ngành. Chúc Ngành GTVT có thêm nhiều kỳ tích mới trong việc xây dựng hạ tầng của đất nước.
Nhân kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Ngành Giao thông vận tải 28/8/2015
NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI VỚI TRƯỜNG SƠN
Thiếu tướng Võ Sở
Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn
Đường Hồ Chí Minh Việt Nam
Từ những năm đầu thành lập làm nhiệm vụ chi viện chiến lược cho chiến trường miền Nam, Đoàn 559 đã nhận được sự hỗ trợ có hiệu quả của Ngành Giao thông Vận tải (GTVT). Các đơn vị của Bộ GTVT đã mở các con đường phía Tây Nghệ An và Quảng Bình, tạo điều kiện để Tổng Cục Hậu cần vận chuyển hàng vào giao cho Đoàn 559. Từ những năm đầu của thập niên 60 thế kỷ trước, một con đường dành cho ô tô vận tải loại nhỏ (đường 16) được mở từ đường 15 vào Làng Ho - Điểm vận chuyển hàng đầu tiên của Đoàn 559 vào Nam…
Đầu năm 1965, Mỹ ồ ạt đánh phá miền Bắc bằng không quân nhằm ngăn chặn từ xa sự chi viện của miền Bắc XHCN cho cách mạng miền Nam. Đặc biệt, chúng tập trung đánh phá ác liệt Khu 4 hòng ngăn hậu phương trực tiếp của Đoàn 559 chi viện cho các chiến trường.
Trước sự phát triển về thế và lực của ta ở chiến trường miền Nam, yêu cầu công tác chi viện ngày càng lớn. Tuyến chi viện 559 cần phải thay đổi phương thức vận chuyển chi viện từ gùi thồ sang vận chuyển chủ yếu bằng cơ giới. Chỉ có vận chuyển bằng cơ giới thì mới đáp ứng được nhu cầu của các hướng chiến trường. Trước yêu cầu đó, Bộ Chính trị đã quyết định trao nhiệm vụ cho Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải giữ chức Tư lệnh kiêm Chính ủy của Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương tin rằng: Với trọng trách là “Tư lệnh” của ngành Giao thông vận tải, Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ sẽ huy động được sức mạnh của cả Ngành GTVT để cùng Bộ Tư lệnh 559 thực hiện nhiệm vụ to lớn mới.
Quả đúng như vậy, nhận nhiệm vụ từ giữa tháng 4 năm 1965, Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ với tầm nhìn và sự chỉ huy sáng tạo, hiệu quả, cuối tháng tư năm ấy, sau khi đi thị sát trở về, ông đã đưa ra 2 quyết định quan trọng, có tính bước ngoặt: Mở thêm đường 128 (dài 178 km) từ Lằng Khằng, tỉnh Khăm Muộn, Lào nối với đường 9 ở Sê Pôn và mở con đường ngang (đường 20 dài 125 km) phá thế độc đạo của đường Trường Sơn từ bến phà Xuân Sơn đi qua Phu La Nhích, rồi nối với đường 128A ở Lùm Bùm (Lào). 2 tuyến đường mới này bảo đảm cho xe cơ giới vận chuyển được cả trong mùa mưa khi tránh được túi nước Seng Phan dài 30 km trong mùa mưa.
Để thực hiện một khối lượng công việc vô cùng lớn phải xong trước mùa mưa năm 1966, Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ đã huy động tối đa lực lượng của Ngành GTVT để chi viện cho Đoàn 559 mở 2 con đường huyết mạch này. Ông đã điều lực lượng xe máy, kỹ thuật từ Tây Bắc vào; huy động lực lượng cán bộ, kỹ sư từ Viện Thiết kế, Viện Kỹ thuật Giao thông chi viện cho Công binh Trường Sơn trong việc khảo sát, thiết kế cầu đường để mở đường 20; Tăng cường lực lượng TNXP và công nhân giao thông vào sát cánh cùng công binh Trường Sơn mở 2 con đường này. Bộ GTVT còn xin Trung ương điều Thứ trưởng Nguyễn Tường Lân, đang phụ trách giao thông Khu 4 vào tăng cường cho Bộ Tư lệnh 559 với tư cách là Phó Tư lệnh đặc trách việc chỉ huy mở đường 20 cùng với Phó Tư lệnh Võ Bẩm. Nhiều cán bộ giàu kinh nghiệm của Ngành cũng được Bộ tăng cường cho Trường Sơn như: Quyền Viện trưởng Viện Thiết kế giao thông Nguyễn Nam Hải vào làm Cục phó Cục Công binh Trường Sơn (Kết thúc chiến tranh đồng chí Nguyễn Nam Hải về làm Thứ trưởng Bộ GTVT); đồng chí Phan Trầm, Cục phó Cục Kiến thiết cơ bản của Bộ được điều vào làm Chỉ huy trưởng công trường xây dựng Đường 20 Quyết thắng cùng Thiếu tá Vũ Quang Bình làm Chính ủy công trường. Ở đường 128A, Chỉ huy trưởng là đồng chí Nguyễn Lang (một cấn bộ của ngành GTVT), Chính ủy là Thiếu tá Dương Văn Hòa… Hơn một vạn chiến sĩ công binh và TNXP đã hoàn thành mở con Đường 20 Quyết thắng “trọc thủng Trường Sơn” trong một thời gian kỷ lục: 126 ngày mở 125 km đường trong đó có hàng chục ki lô mét vượt qua khu vực dốc Ba Thang toàn vách đá hiểm trở. Việc hoàn thành 2 con đường huyết mạch này trước mùa mưa 1966 đã tạo ra một bước ngặt trong nhiệm vụ chi viện chiến lược của Đoàn 559 - vận chuyển bằng xe cơ giới cả hai mùa mưa nắng. Đường 128A sau này được công binh Trường Sơn mở vào Sê Sụ, tỉnh Át Tô Pơ, Lào rồi đi tới Lộc Ninh. Đường 128 A là một trục chính quan trọng của đường Trường Sơn…
Để đối phó với sự đánh phá, ngăn chặn ác liệt của máy bay Mỹ hòng ngăn chặn sự chi viện chiến lược của ta, song song với thời gian mở đường 128 và đường 20, các lực lượng của Ngành GTVT đã mở thêm đường 22 tránh Đèo Ngang và Đường 21 từ Thạch Hà nối lên các cửa khẩu của Trường Sơn để bảo đảm “chân hàng” của hậu phương chuyển cho 559 luôn thông suốt. Trước đó, Ngành GTVT đã mở đường 15, đường 12 từ phía Tây Quảng Bình tới Lằng Khằng (Lào) và đường 050 trên đất Lào…
Năm 1965, lực lượng GTVT tham gia mở đường và bảm đảm giao thông bên cạnh công binh Trường Sơn lên tới 8.000 người (trong đó có hơn 5.000 TNXP và hơn 1.500 kỹ sư, cán bộ kỹ thuật và công nhân giao thông). Cán bộ nòng cốt của Cục Công binh Trường Sơn là những cán bộ, kỹ sư của Bộ GTVT tăng cường cho Trường Sơn.
Trước yêu cầu ngày càng cao của công tác chi viện, Bộ GTVT đã quyết định thành lập Ban 67, đặc trách bảo đảm giao thông các tuyến đường ở Đông Trường Sơn để hàng hóa chi viện được vận chuyển thuận lợi đến các cửa khẩu của Trường Sơn.
Năm 1968, đế quốc Mỹ tạm ngường ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra. Thực chất là chúng tập trung lực lượng đánh phá ác liệt hệ thống cầu đường của Khu 4 nhằm ngăn chặn “chân hàng” tiếp tế cho Đoàn 559 thực hiện nhiệm vụ chi viện cho các chiến trường. Theo đề nghị của Bộ trưởng GTVT Phan Trọng Tuệ, Trung ương đã quyết định lập Bộ Tư lệnh bảo đảm giao thông Khu 4. Đồng chí Phan Trọng Tuệ trực tiếp làm Tư lệnh, tướng Đinh Đức Thiện, tướng Lê Quang Hòa làm Phó Tư lệnh. Các Bí thư Tỉnh ủy Khu 4 là Phó Tư lệnh…
Năm 1972, đồng chí Lê Ngọc Hoàn (sau này là Bộ trưởng Bộ GTVT) đang là chỉ huy công trường mở đường phía Tây Quảng Bình và Nghệ An của Cục Công trình 1 Bộ GTVT đã được tăng cường làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 67 công binh Trường Sơn; đồng chí Vũ Tiến Đề, từ công nhân lái máy húc của đội cơ giới giao thông được điều vào chi viện cho Trường Sơn. Anh đã trở thành chiến sĩ lái máy húc đầu tiên của công binh Trường Sơn được tặng danh hiệu Anh hùng LLVT …
Suốt những năm chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ, theo chủ trương của Bộ GTVT, Ty Giao thông các địa phương của Khu 4 đều tập trung lực lượng cao nhất bảo đảm cầu đường luôn thông suốt để bảo đảm vận chuyển hàng hóa chi viện cho chiến trường. Ty Giao thông Vĩnh Linh và Quảng Bình đã tập trung lực lượng bảo đảm giao thông tại các trọng điểm ác liệt nhất trước cửa ngõ Trường Sơn (bến phà Long Đại, bến phà Xuân Sơn…).
Năm 1973, bộ đội công binh Trường Sơn đã thi công chiếc treo hiện đại Bản Đông rồi sau đó là cầu treo Đắc Rông điểm đầu của đường 14 - Trường Sơn Đông. Chiếc cầu này được thiết kế bởi Viện Thiết kế Giao thông. Có thể nói, chiếc cầu treo Đắc Rông là kết quả của sự hợp tác hiệu quả của Ngành GTVT với Công binh Trường Sơn.
Suốt chặng đường 16 năm làm nhiệm vụ chi viện chiến lược, Bộ đội Trường Sơn với Ngành GTVT có một mối quan hệ vô cùng đặc biệt. Có những thời điểm, lực lượng của Ngành GTVT đã cùng với lực lượng công binh Trường Sơn tạo nên bước ngoặt hiệu quả trong việc chuyển phương thức vận chuyển chi viện bằng gùi thồ sang vận chuyển chủ yếu bằng cơ giới của Bộ đội Trường Sơn như giai đoạn 1965-1966. Ngành GTVT còn bổ sung lực lượng cán bộ kỹ thuật cầu đường nòng cốt cho bộ đội Công binh Trường Sơn làm nên kỳ tích xây dựng một hệ thống giao thông phức hợp trên Trường Sơn với 5 trục dọc và 21 trục ngang dài gần 20.000 km…
Mối quan hệ giữa Ngành GTVT với Bộ đội Trường Sơn không chỉ diễn ra trong chiến tranh. Sau năm 1975, nhiều cán bộ, chiến sĩ công binh Trường Sơn đã chuyển ngành sang lực lượng của Bộ GTVT tiếp tục xây dựng những công trình GTVT của đất nước. Trung tướng, Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên đã trở thành Bộ trưởng Bộ GTVT (1982-1986). Rồi sau đó, ông là Cố vấn Đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ tham gia Ban Chỉ đạo xây dựng Đường Hồ Chí Minh thời kỳ đổi mới. Binh đoàn 12 - Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn – đơn vị kế thừa truyền thống của Bộ đội Trường Sơn đã tham gia xây dựng hàng trăm ki lô mét đường và hầm trên cả ở trục chính và nhánh Tây của Đường Hồ Chí Minh…
Lịch sử vẻ vang 70 năm của Ngành GTVT Việt Nam, có những trang vàng rực rỡ ghi nhận các lực lượng của GTVT Việt Nam đã góp phần xứng đáng cùng với Bộ đội Trường Sơn làm nên kỳ tích Đường Trường Sơn huyền thoại.
Và Lịch sử của Bộ đội Trường Sơn luôn ghi đậm mối quan hệ đặt biệt ấy với Ngành GTVT Việt Nam.
V.S