Cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đã lùi xa. Nhưng những ký ức về những ngày gian khó, về cuộc chiến tranh vẫn còn mãi trong lòng những cựu chiến binh. Ban biên tập Trang thông tin Trường Sơn xin giới thiệu một số bài viết của Nguyễn Hoàng nguyên TLTC – BT44 về một thời lửa đạn ở đầu mối B46 – Lân Tôn BT44 – BTL471 – 559.
ĐẦU MỐI B46 - MỘT THỜI ĐỎ LỬA
Tác giả Nguyễn Hoàng
TỌA ĐỘ LỬA LÂN TÔN
Trước tết Mậu Thân (1968) tuyến đường chi viện cho khu V (B46) của binh trạm 44 từ Chà Vằn (đường 128A) đã nối thông với đường 14 ở Đruđốc (huyện 40 – Kon tum) dài 141km. Tháng 5 – 1968 ta đánh chiếm Ngọctavát trên đường 14 – Căn cứ tiền tiêu của chi khu Khâm Đức. Buộc Mỹ ngụy phải rút chạy khỏi Khâm Đức. Trung đoàn 10 công binh – 559 mở đường nối thông đường 14 với đường 16 phía bắc Khâm Đức đi Tí Xé – Đồng Làng. Bốn đại đội pháo xe kéo vượt Đru Đốc – Khâm Đức về đường 16. Hàng hóa chi viện cho chiến trường khu V (B1) mới chỉ tới km 127 được chút ít. Do đường xá trơn lầy hơn nữa không thuận tiện cho tuyến gùi thồ khu V. Vì vậy hàng hóa chuyển cho khu V đều tập kết ở kho O3 km113 khu vực Lân Tôn – một bản làng dân tộc thiếu số thuộc huyện 40 tỉnh Kon Tum có truyền thống yêu nước đánh giặc giữ làng.
Khâm Đức hết bóng giặc. Vùng giải phóng được nối liền từ biên giới Việt Lào tới Tiên Phước – Trà Mi và còn xa hơn nữa về phía bắc và phía nam. Mở ra cơ hội rút ngắn quãng đường và thời gian chi viện cho chiến trường khu V từ hậu phương lớn. Công binh gấp rút mở đường ngang bắt đầu từ km103 đường B46 vượt qua sông Thanh ở km8 nhằm hướng Khâm Đức thẳng tiến. Đường B46 và đường ngang này ôm trọn Lân Tôn và Lân Tôn trở thành tọa độ lửa từ ngày đó.
Khu vực Lân Tôn gồm những dãy núi phía đông dãy Trường Sơn chạy dài theo hướng đông nam bị chia cắt bởi những thung sâu, khe suối với những cánh rừng già nguyên sinh chưa được khai thác. Cũng như các tuyến đường tây Trường Sơn ngày ấy, tuyến B46 bị địch đánh phá phong tỏa vô cùng ác liệt với đầy đủ các thủ đoạn với các loại vũ khí hủy diệt, sát thương cực kỳ nguy hiểm. Tuyến B46 chúng tạo ra nhiều trọng điểm ác liệt, đánh phá ngày đêm. Trọng điểm km 108 ở khu vực Lân Tôn cũng bị chúng phong tỏa gây ách tắc nhiều giờ. Cũng may từ km110 tới km117 tuyến chạy vào khu rừng nguyên sinh Lân Tôn, từ đây có nhiều nhánh rẽ trái kín đáo theo các sườn đồi hình thành kho O3 và nhiều vị trí trú quân tốt và cũng là nơi đặt bệnh viện 46 ở km110. Khi đường ngang mở ra, địch biết rõ sự lợi hại của con đường này nên chúng tìm mọi cách ngăn chặn. Chúng đánh phá ác liệt ngầm sông Thanh ở km8, đánh gây tắc đường ở một số đoạn đèo. Xe hàng chi viện cho B1 chỉ tới được kho O3 ở km113 và đổ hàng ở km7 phía tây ngầm sông Thanh ở đường ngang. Từ kho O3 đường 46 và hàng ở km7 đường ngang (đều thuộc khu vực Lân Tôn) được các đơn vị gùi thồ của khu V vượt qua sông Thanh đưa súng đạn về các đơn vị chiến đấu. Vì vậy khu vực Lân Tôn trở thành đầu mối, tấp nập người vào ra và là nơi trú quân của nhiều đơn vị.
Địch biết rõ điều này và chúng tăng cường đánh phá. Bọn chúng có ưu thế trong việc dùng máy bay các loại đánh phá chúng ta. Phần để giữ thế “hư hư thực thực” với địch; phần do địa hình chia cắt không thể bố trí các trận địa cao xạ tầm cao. Vì vậy chúng càng lấn tới. Các loại OV10, OV2, L19, RF4C bay trinh sát chụp ảnh ngày đêm; Dùng đạn khói chỉ điểm cho bọn F4 cắt bom bất cứ chỗ nào chúng muốn. Đường xá bị băm nát, các cánh rừng Lân Tôn xơ xác vì bom đạn Mỹ. Suốt ngày đêm ầm ĩ tiếng máy bay oanh tạc, tìm diệt lực lượng ta. Một khối lượng bom đạn khổng lồ trút xuống khu vực Lân Tôn.
Trên tuyến B46 và đường ngang từ km 103 đường B46 đến ngầm vượt sông Thanh ở km8 địch tăng cường dùng các loại bom phát quang, bom nổ chậm, bom từ trường. Trong rừng Lân Tôn nơi địch nghi có đường giao liên; tuyến gùi thồ; vị trí đóng quân của ta, chúng rải bom bi, bom vướng nổ, mìn lá, mìn tai hồng, cây nhiệt đới để thu thập tin tức của ta. Suốt ngày đêm ầm ĩ tiếng rền vang của động cơ máy bay và những tiếng nổ chát chúa của bom đạn địch.
Kẻ địch biết rõ đêm đêm từng đoàn xe đại xa đổ hàng xuống khu vực Lân Tôn rộng lớn. Do ta làm tốt công tác ngụy trang và nghi binh nên chúng không thể biết vị trí chính xác ta đặt kho hàng và những tuyến gùi thồ hàng ra hỏa tuyến. Vì vậy chúng càng điên cuồng đánh thăm dò tổ chức trinh sát tìm hiểu vị trí của quân ta.
Đầu mối B46 – Lân Tôn của binh trạm 44 Bộ tư lệnh 471 đoàn 559 cũng là nơi đấu trí giữa ta và địch. Trong những cánh rừng đại ngàn này cả ta và địch đều tìm kiếm nhau. Ta cũng được thông báo địch đã tung bọn chiêu hồi trở lại tuyến vận tải của ta chỉ điểm cho địch đánh phá. Bọn trực thăng cũng đã đổ những toán biệt kích thám báo thăm dò đầu mối B46 của ta ở Lân Tôn. Các đài quan sát của ta đều đã đánh dấu được vị trí địch đổ quân và những nơi phát tín hiệu liên lạc ban đêm của địch. Ta tìm cách phong tỏa kiểm soát mặt đất cả khu vực rộng lớn Lân Tôn. Địch đi chỗ nào cũng có người của ta. Nhiều tốp chiêu hồi, biệt kích của địch bị ta truy bắt tiêu diệt. Khu vực đầu mối B46 Lân Tôn được BT44 kiểm soát chặt chẽ. Kẻ địch càng điên cuồng tổ chức đánh phá ta. Lúc đầu bọn F4 còn bắn phá theo sự chỉ điểm của bọn trinh sát, sau này bọn chúng tới là bổ nhào cát bom, bắn roockét. Các loại máy bay của Mỹ bay tuần tra , bắn phá tuyến khi trở về căn cứ ở Đà Nẵng, Chu Lai hay tàu sân bay qua Lân Tôn chúng đều trút xuống hết bom đạn, roockét … Lân Tôn thành tọa độ lửa, bom rơi đạn nổ không theo quy luật nào cả.
Ban ngày bọn bay trinh sát vè vè trên đầu, thấy nghi chúng dùng hỏa lực tự có: roockét hoặc đạn cối bắn phá rất chính xác. Bọn chúng thay nhau bay quản lý quần đảo khắp khu vực Lân Tôn. Bọn B57 bay tuần tra, khi thấy ánh sáng phát ra, lập tức cải bằng cắt bom hoặc thả tọa độ theo kế hoạch đánh phá của chúng. Rừng Lân Tôn nơi che chở cho các lực lượng thuộc BT44 – 559 và lực lượng hậu cần khu V phải hứng chịu những trận mưa bom, bão đạn của không quân Mỹ ngụy. Tiếng gầm rú của bọn F4 bổ nhào chớp nhoáng trên đầu, những quả bom bi, bom vướng nổ, mìn lá, mìn tai hồng … từ bom mẹ trút mưa bom xuống, cả khu rừng Lân Tôn chớp nhằng bom nổ, cành lá rụng rào rào như mưa đá. Sau đó là những tiếng nổ của bom vướng nổ - Những quả bom từ bom mẹ rơi xuống chạm đất bung ra những sợi dây kim loại thanh mảnh lẫn vào cây lá, chỉ cần vướng vào nó là bom phát nổ gây thương vong cho ta. Rồi những trận B52 trút xuống Lân Tôn: từng tốp 3 chiếc rải thảm…
Bom đạn chồng lên bom đạn, hố bom chồng lên hố bom. Nhưng quân ta vẫn bám trụ kiên cường. Súng, đạn vẫn được gửi ra hỏa tuyến. Địch vẫn bị đánh khắp nơi. Các căn cứ của Mỹ vẫn bị ta đánh phá. Mỹ ngụy quyết tâm cắt con đường tiếp tế của ta. Tháng 6 – 1970 chúng dùng bom thông minh phát quang các cao điểm phía đông bắc Lân Tôn. Dùng trực thăng vận đổ quân chiếm lĩnh bố trí các trận địa pháo 105ly khống chế khu vực đầu mối Lân Tôn. Cả khu vực đầu mối B46 nằm trong tầm bắn của chúng. Bọn chúng hy vọng sẽ cắt được con đường tiếp tế của ta. Nhưng Mỹ ngụy lại một lần nữa thất bại trước sự kiên cường của bộ đội ta. Bọn Mỹ chiếm lĩnh được những điểm cao, tự do dùng hỏa lực pháo binh bắn không tiếc đạn. Nhưng chúng chỉ bắn được vào chỗ không người hoặc trận địa nghi binh của ta. Ngay dưới chân cao điểm chúng chiếm, bộ đội ta vẫn hoạt động bình thường. Quân vẫn vào, vẫn ra, súng đạn lương thực, thực phẩm vẫn được gùi thồ ra phía trước. Mà nào ta có để cho chúng yên. Nhằm lúc bọn trực thăng đổ xuống cao điểm tiếp tế cho bọn đồn trú, ta nã vài loạt đạn hỏa tiễn 112 ly xuống đầu chúng. Không chịu nổi đòn tấn công của ta, chúng vội vã gồng gánh nhau rút chạy …
Hơn 1.000 ngày đêm từ năm 1968 tới khi Mỹ ngụy phải ký hiệp định Pa ri, khu vực đầu mối B46 – Lân Tôn của BT44thành tọa độ lửa. Đơn vị nào ở đây nhất là khu vực kho O3 cũng đều bị địch đánh phá nhiều lần và bị tổn thất. Nhưng tinh thần chiến đấu, bám trụ kiên cường của bộ đội BT44 – BTL471 – 559 đã làm thất bại âm mưu đánh phá của kẻ địch. Để hiểu hơn những người lính BT44 – 559 sống và chiến đấu trong tọa độ lửa Lân Tôn ra sao. Kính mời các đồng chí đọc tiếp phần sau với tiêu đề: “Kiên cường bám trụ”.
( Ảnh minh họa )
KIÊN CƯỜNG BÁM TRỤ
Nguyễn Hoàng – CCb 471
Lân Tôn trở thành khu vực đầu mối B46 – là nơi BT44 tập kết hàng hóa, súng đạn … và những đoàn quân tăng cường chuyển giao cho khu V (B1) và tiếp nhận thương bệnh binh các đoàn ra tuyến sau. Trong những cánh rừng già Lân Tôn rất nhiều đơn vị trú quân. Người dân Lân Tôn có truyền thống cách mạng tạm sơ tán ra vùng ngoại vi nhường địa bàn cho bộ đội.
Nhận thức vị trí đầu mối Lân Tôn có tầm quan trọng đặc biệt và nhận định địch sẽ tổ chức đánh phá ác liệt cả trên không và trên bộ. Chỉ huy BT44 đã có những chỉ đạo cho các đơn vị ở khu vực Lân Tôn đối phó với những tình huống ác liệt; Xem xét bố trí lại vị trí trú quân. Trước tiên là chuyển viện 46 từ km110 đường B46 về km6 đường ngang ra ngoài tam giác: đường 46 – đường ngang – sông Thanh, dự kiến địch sẽ đánh phá ác liệt khu vực này. Chỉ thị cho viện 46 củng cố lán trại làm tốt công tác phòng không, xây dựng hầm hào kiên cố chống được các loại bom sát thương, sẵn sàng tiếp nhận cứu chữa thương bệnh binh và quân thu dung. Chỉ đạo tổ chức mạng lưới thông tin liên lạc với nhiều phương tiện: hữu tuyến, tải ba, vô tuyến. Giữ vững mạng lưới thông tin liên lạc thông suốt giữa sở chỉ huy binh trạm tới các đơn vị. Chỉ huy binh trạm cũng chỉ thị cho các đơn vị chủ động đối phó, chiến đấu bảo vệ, phân khu vực đảm nhiệm cho các đơn vị … Đồng thời cũng giao nhiệm vụ cho các đơn vị sẵn sàng tổ chức lực lượng đánh địch đổ bộ, biệt kích thám báo và đảm bảo giao thông.
Địch đánh phá ác liệt. Cán bộ chiến sỹ kho O3 là phải hứng chịu trước tiên. Để hạn chế tổn thất công binh mở hệ thống đường kín chạy theo các xườn đồi, tạo các căn hầm chứa vũ khí đạn dược, tránh xa đường trục B46. Đặc biệt chú trọng ngụy trang che mắt địch. Từ kho O3 có nhiều đường gùi thồ để cho các chiến sỹ hậu cần khu V tải hàng ra tiền tuyến. Địch biết rõ khu Lân Tôn là khu vực đầu mối – nơi chuyển giao hàng cho khu V. Bằng chụp ảnh đường không chúng dễ dàng biết điều này. Vết xe trên đường đất tố cáo điều ấy. Nhưng tuyến B46 xe ta hoạt động, tuyến đường ngang xe ta vẫn trả hàng hàng ngày. Biết đấy nhưng để tìm ra vị trí chính xác nơi ta đặt kho hàng đâu có dễ. Vùng Lân Tôn rộng lớn. Hơn nữa ta thường di chuyển vị trí. Có vị trí bị đánh ta vẫn kín đáo giữ nguyên hiện trường, tạo ra các con đường khác, những kho hầm khác ngay đấy, ngụy trang giống như hiện trạng. Đồng thời ta mở một số đường cụt để nghi binh. Tạo thế “hư hư, thực thực” làm cho địch càng đánh thăm dò càng không biết gì về ta. Thành thử bọn chúng phong tỏa cả khu rừng Lân Tôn rộng lớn.
Về phía ta nhiệm vụ chi viện cho chiến trường là cao nhất. Chiến trường không thể thiếu vũ khí đạn dược. Vì vậy các chiến sỹ BT44 kiên cường bám trụ, hoạt động có tổ chức, hợp đồng chặt chẽ với các đơn vị để vừa đảm bảo giao thông khi địch đánh tắc đường hoặc giải quyết những đoạn trơn lầy khi mưa, vừa hoàn thành nhiệm vụ giao hàng cho khu V.
Cán bộ chiến sỹ BT44 ở đầu mối Lân Tôn hiểu rất rõ nhiệm vụ của mình. Kiên cường bám trụ, tìm mọi biện pháp tốt nhất để bảo vệ mình, tránh được tổn thất. Các chiến sỹ kho O3 làm việc, chiến đấu suốt ngày đêm. Ban ngày xem xét lại công sự, ngụy trang, bảo quản và giao hàng hóa. Ban đêm tiếp nhận hàng hóa các xe chuyển vào, hỗ trợ chiến sỹ lái xe giải phóng hàng nhanh để xe quay ra. Địch đánh thăm dò trúng vị trí, bình tĩnh xem xét hiện trường tìm biện pháp cải tạo tuyến đường, hầm hố để bám trụ làm nhiệm vụ. Đồng thời hiệp đồng với các đơn vị bạn để giải quyết hậu quả địch đánh phá, cứu chữa thương binh. Địch đánh bom gần, tất cả đều vào hầm trú ẩn. Sau đó công việc lại trở lại bình thường.
Các đơn vị khác ở khu vực Lân Tôn như: giao liên, công binh, pháo binh, bộ binh, thông tin … cũng phải hứng chịu những trận mưa bom bão đạn của không quân địch. Chỉ có điều khác kho O3 một chút là cán bộ chiến sỹ các đơn vị này sẵn sàng cơ động sang khu ở mới an toàn hơn. Nhưng nhiệm vụ vẫn phải bám khu đầu mối B46 Lân Tôn, đảm bảo khu đầu mối B46 hoạt động an toàn hiệu quả. Mặt đường nhiều khi bị địch phong tỏa bằng bom nổ chậm, bom từ trường nhất là ngã ba km103; Nhiều đoạn đường địch thả bom vướng nổ, mìn lá, mìn tai hồng … nhằm sát thương bộ đội ta, gây nổ lốp xe … Tiểu đoàn công binh 21 thuộc binh trạm 44 lại tìm mọi cách triệt phá. Phá bom nổ chậm, bom từ trường ta đã có kinh nghiệm và phương tiện cản phá, còn bom vướng nổ, mìn lá, mìn tai hồng … lại phải dựa vào đôi mắt tinh tường của các chiến sỹ công binh: Chỉ cần một sào dài, tấm chắn bằng thùng phi cắt ra và những lượng nổ nhỏ, mặt đường lại an toàn, hàng lại về kho O3 chuyển giao cho khu V.
Các chiến sỹ của tiểu đoàn 17 giao liên anh hùng BT44 phải hứng chịu sự ác liệt cũng không hề nhỏ. Tuyến giao liên qua Lân Tôn luôn bị đánh phá gây cản trở. Bằng sự quả cảm khắc phục khó khăn với lòng quyết tâm cao, tiểu đoàn 17 giao liên đã mở nhiều tuyến đường qua Lân Tôn. Cản phá nhiều lần địch đánh bom, rải mìn lá, mìn tai hồng, bom vướng nổ vào tuyến. Chịu đựng gian khổ hy sinh hơn một nghìn ngày đêm bám trụ đưa hàng vạn quân vào quân ra, cáng hàng nghìn thương bệnh binh qua trọng điểm đều đảm bảo an toàn tuyệt đối. Với những thành tích như thế nên ngay trong năm 1973 tiểu đoàn 17 giao liên, BT44 đã được Nhà nước tuyên dương: Tiểu đoàn anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Các đơn vị pháo của đoàn 3016: 1 đại đội 23ly, đoàn 3017: 1 đại đội 85ly vào khu V chưa vào được còn nằm lại khu vực Lân Tôn cũng tích cực tham gia vào việc bảo vệ an toàn khu vực, đảm bảo giao thông và tham gia đánh địch. Các khẩu đội 37ly của tiểu đoàn 28 cao xạ, bố trí phục kích đánh địch bay trinh sát và bọn cường kích, bọn AC130 bay đêm. Các khẩu đội 12,7ly chiếm lĩnh các điểm cao đánh bọn bay thấp và bọn trực thăng đổ quân khiến không lực Hoa kỳ bay tới khu vực Lân Tôn đều phải nâng tầm cao, phần lớn bay bằng cắt bom nên độ chính xác rất kém …
Địch đánh phá ác liệt gây cho ta tổ thất. Rời khỏi công sự, bất cứ chỗ nào trong khu đầu mối Lân Tôn ngày ấy cũng có thể bị tổn thất. Chiến sỹ Chính đại đội 85 cùng đồng đội chặt cây rải rong đanh chống lầy ở km109 nghe tiếng máy bay bổ nhào cắt bom, mọi người hô: “Nằm xuống”. Chính chưa kịp nằm đã mất hẳn một cánh tay trái. Rất may viện 46 ở ngay km110 cứu chữa kịp thời nên mới giữ được mạng sống. Tết Canh Tuất (1970) viện 46 ở km6 đường ngang địch phát hiện được, đánh bom gây cho ta tổn thất lớn, trong số đó có nữ y tá xinh đẹp tên Dân mãi mãi ở tuổi 20, nằm lại với rừng đại ngàn Lân Tôn. Tháng 5 năm 1971 sở chỉ huy BT44 định đặt ở km7 đường ngang Lân Tôn. Vệ binh và bộ phận tiền trạm đang xây dựng sở chỉ huy. Bất ngờ bị bom tọa độ đúng vào vị trí. Cũng may không ai việc gì. Mọi người đổ tại cánh vệ binh làm thịt rùa núi ăn (Quả thực ở những cánh rừng Lân Tôn rất nhiều rùa) nên mới bị bom. Xem xét kỹ thì do ta mất cảnh giác. Ban đêm thắp đèn dưới tấm tăng ni lon. Bọn B57 bay phát hiện cắt bom, chứ đâu phải ăn thịt rùa. Sở chỉ huy BT44 lại phải dừng chân ở km113 đường B46 gần kho O3. Tiểu đội trưởng Liên thấy sóc đuổi nhau sau nhà vác súng định bắn. Anh đi quanh gốc cây tìm sóc. Một tiếng nổ: “Ầm” anh gục ngã không kịp gọi đồng đội. Thì ra anh bị bom vướng nổ. Cũng có cái chết để lại nhiều bài học cho người còn sống. Khoảng tám giờ sáng một ngày tháng 7 năm 1970 một chiến sỹ thông tin trẻ măng trực canh dây ở trong vùng trọng điểm Lân Tôn tới lán của ban chỉ huy đại đội pháo binh báo cáo: - “Chúng em vừa băn chết một tên biệt kích”. Cán bộ đại đội cùng một tổ chiến đấu theo chân chiến sỹ trẻ xem xét hiện trường cùng tang vật. Thì ra người bị bắn chết là một cán bộ thuộc tiểu đoàn địa phương huyện 40 – Kon Tum. Hỏi đầu đuôi, thì ra chập tối hôm trước đồng chí cán bộ tới chỗ trạm canh dây có hai chiến sỹ trẻ mắc võng ngủ nhờ. Sáng dậy thu võng cho vào ba lô thắt dây súng định đi, đồng chí nhà ta nói: “Ta là biệt kích đây!”. Nghe thế, chiến sỹ trẻ vớ khẩu CKC lúc nào cũng lên đạn: “Đòm” luôn. Chuyện xảy ra thật đáng tiếc nhưng cũng là bài học cho những người còn sống …
Trong những ngày tháng kiên cường bám trụ ấy, lính ta gặp rất nhiều khó khăn. Trước hết là đói cơm lạt muối mùa mưa. Mùa mưa 1968 khẩu phần rút xuống còn 1lạng6/ ngày. Thời tiết nắng mưa thất thường, ruồi vàng nhiều vô kể. Sức khỏe bộ đội giảm sút, sốt rét hoành hành … Nhưng ta làm tốt công tác chính trị tư tưởng. Tinh thần của bộ đội luôn phấn chấn, quyết tâm bám trụ thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Cán bộ chiến sỹ kho O3 luôn thực hiện tốt phòng gian bảo mật, bảo quản hàng hóa tốt. Năm nào cũng giao vượt chỉ tiêu cho khu V. Các chiến sỹ, công binh bám trụ mặt đường đảm bảo giao thông thông suốt, vô hiệu hóa được các loại vũ khí bom mìn địch rải xuống tuyến. Các chiến sỹ giao liên cần mẫn đưa đón quân vào quân ra đảm bảo an toàn tuyệt đối. Các chiến sỹ bộ binh quản lý chắc khu vực, phát hiện kịp thời và vây bắt bọn biệt kích thám báo. Địch đổ quân thiết lập các trận địa pháo khống chế khu Lân Tôn. Đại đội 85 pháo binh dùng hỏa tiễn 122ly và cối 82 pháo kích buộc địch phải rút chạy …
Dưới sự chỉ huy chặt chẽ, quyết tâm cao của chỉ huy lãnh đạo BT44 các đơn vị thuộc đầu mối B46 Lân Tôn bám trụ kiên cường, bảo toàn được lực lượng. Kịp thời chấn chỉnh rút kinh nghiệm nên đã hạn chế được tổn thất góp phần to lớn vào công cuộc chi viện cho chiến trường đánh to thắng lớn.
( Ảnh minh họa )