Khu di tích trên Đường 20 Quyết Thắng .
1-Đường 20
Do yêu cầu nhiệm vụ chi viện chiến trường này càng lớn càng khẩn trương. Nếu chỉ có một cửa khẩu đường 12 qua Khe Ve, Cổng Trời, Mụ Giạ thì chưa đủ, tuyến đường này luôn bị địch đánh phá, mùa mưa nhiều đoạn bị sình lầy, giao thông thường dễ bị tắc, không đảm bảo chi viện cho chiến trường đáp ứng thời cơ. Vì vậy, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định cho mở thêm đường 20 Quyết thắng - Khu vực Xuân Sơn - Phong Nha đã trở thành trung tâm hoạt động của các lực lượng bộ đội và thanh niên xung phong và cũng là một khu vực trọng điểm địch tập trung đánh phá ác liệt.
Đường 20 Quyết thắng từ km 00 ở cửa rừng xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch đến ngã ba Lùm Pùm, thuộc huyện Ăng - Ngang (tỉnh Khăm Muộn - Lào) dài 123 km. Lực lượng thi công gồm các đơn vị công binh (trung đoàn 4, trung đoàn 5, trung đoàn 10) cùng với công trường 20 của Bộ Giao thông vận tải, bao gồm các đơn vị cơ giới, các đơn vị thanh niên xung phong Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Hà Nam Ninh. Toàn bộ số công là 19.287 công với khối lượng đào đắp gần 1.000.000 khối đất đá (915.913), trên đường 20 Quyết thắng có nhiều trọng điểm, đáng chú ý là trọng điểm Trà Ang: Ở điểm cao 150m so với mặt đường, dài khoảng 5 km, lòng đường hẹp, một bên vách đá dựng đứng, một bên dòng suối sâu thẳm. Không quân Mỹ đã tập trung đánh phá ác liệt vào trọng điểm ATP, có đợt chúng ném bom suất 87 ngày đêm liên tục với 793 trận, có ngày chúng dùng đến 27 lần chiếc B52 và 30 lần chiếc máy bay khác ném bom tọa độ làm hàng trăm người bị thương và hy sinh.
Có thời gian không thể vận chuyển xăng trực tiếp qua trọng điểm mà phải vần phuy xăng xuống suối rồi kéo ngược xăng đi lên ngược dòng suối Trà Ang đến km 14, lại đưa xăng lên. Chỉ tính riêng con số kéo xăng trong 6 ngày kể từ ngày 25-9-1968 đến ngày 01-10-1968, kéo được 60 phuy xăng đến địa điểm tập kết, riêng trong hai ngày cuối của chiến dịch kéo được 30 phuy xăng thì đã có 29 người bị hy sinh vì bom đạn địch.
Ngoài số các đơn vị tham gia vận chuyển xăng với con số trên 2.000 người, còn có các đơn vị tham gia bảo vệ đường gồm 2 đại đội cao xạ, một đại đội thanh niên xung phong 263, đoàn 3030.
2-Hang mộ thanh niên xung phong ở km 16,5.
Trong khi đang làm nhiệm vụ, địch đã bắn tên lửa làm sập lèn đá khoảng 100 tấn lấp cửa hang, vùi lấp 6 thanh niên xung phong và 2 chiến sĩ lái xe húc, cả 8 người cùng quê Thanh Hóa, gồm 04 nam và 04 nữ, phần lớn độ tuổi từ 18-20. Đây là hang mộ chung của 8 người, đơn vị đã dựng bia ghi tên 8 đồng chí ở đây. Từ km 00 đến km 10 còn có dốc Đồng Hiên có khu vực kho NH ở sát km 10 gần Trà Ang.
3-Bến phà Xuân Sơn thuộc xã Sơn Trạch.
Cùng với sự ra đời của đường 20 Quyết thắng là việc khai sinh bến phà Xuân Sơn (trước là bến đò Xuân Sơn), bến đò Xuân Sơn có nhiệm vụ bảo đảm cho các hướng chi viện từ đường 12 và đường 15 về cùng vượt khẩu đường 20 Quyết thắng.
Đầu tiên lực lượng tham gia xây dựng và bảo vệ phà do Ty Giao thông Quảng Bình quản lý, sử dụng phà 18 tấn. Đến ngày 19 tháng 12 năm 1966, đại đội 16 cầu phà thuộc binh trạm 14 trực tiếp phụ trách. Đại đội ban đầu chỉ có 30 người, sau tăng lên 125 người do đồng chí Hòa làm đại đội trưởng và đồng chí Trần Quốc Đầu chính trị viên.
Phương tiện ở đây có cầu phao và 2 ca nô, tối đến lắp rắp thông xe vượt sông, 4 giờ sáng tháo gỡ cho ca nô kéo vào dấu ở động Phong Nha.
Đêm đầu tiên bắc cầu xong có 1.200 xe vượt sông, đêm thứ hai có gần 2.000 xe vượt sông. Càng về sau địch càng đánh phá dữ dội, máy bay oanh tạc thả xuống đủ các loại bom, có cả bom từ trường trút xuống dày đặc trên sông.
Để đảm bảo cho xe chạy vượt sông liên tục, hai bến phà khác được mở thêm: Bến phà Nguyễn Văn Trỗi ở lèn Mù U, thuộc hạ lưu bến phà Xuân Sơn, cách Xuân Sơn 1km.
4- Các hang động
Ở khu vực Xuân Sơn - Phong Nha còn có một số hang như hang 36, 35, 34, 33 chứa xăng dầu, đạn dược và mở thêm con đường tránh gọi là đường Nguyễn Văn Trỗi. Từ Troóc vào bến phà phường Chảy (khu vực bến phà B).
Trong các hang trên, đáng chú ý là hang 36. Hang cách phía Bắc bến phà Xuân Sơn khoảng 2 km ở về phía Tây Bắc, rộng 2.500m. Thời gian trước, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình xây dựng để làm kho dự trữ chiến lược, sẵn sàng đối phó với âm mưu ’’Bắc tiền" của Mỹ ngụy. Về sau, hang 36 được dùng làm trạm sửa chữa xe pháo, rồi tiếp đến là đơn vị cao xạ thuộc Trung đoàn 218 anh hùng dùng để kho vũ khí đạn dược, đạn pháo cao xạ để bảo vệ khu vực bến phà Xuân Sơn - Phong Nha - đường 20 Quyết thắng...
Ngoài hang 36, các hang lèn trong khu vực Xuân Sơn - Phong Nha đều được sử dụng cất chứa vũ khí, phà, ca nô, xe húc, xăng, dầu v.v...
Hang động Phong Nha: Một kỳ quan thắng cảnh nổi tiếng khá hấp dẫn đối với khách trong nước và thế giới. Trước đây thực dân Pháp rất chú ý và đã xây dựng thành một nơi du lịch. Trong chống Mỹ hang động lại được dùng cất dấu ca nô, phà của bến phà Xuân Sơn vào ban ngày để ban đêm kịp đưa ra bến phà hoạt động.
Khu vực Xuân Sơn - Phong Nha thường xuyên bị địch đánh phá ác liệt. Nhưng quân và dân địa phương, thanh niên xung phong phối hợp với các lực lượng bộ đội dũng cảm chiến đấu bảo vệ đường, bảo vệ thôn xã đảm bảo sản xuất.
Nhiều gương chiến đấu dũng cảm và sáng tạo của bộ đội cao xạ, tiêu biểu là các đơn vị thuộc trung đoàn 218 anh hùng, đã phối hợp, hợp đồng với các đơn vị chiến đấu bắn rơi 5 máy bay và bắt sống 3 giặc lái tại chỗ.
Nhiều chiến sĩ, cán bộ, bộ đội và thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh ngã xuống trên mảnh đất này để cho các chuyến hàng và người nhanh chóng kịp thời cho chiến trường, tiến công thần tốc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tiêu biểu là đồng chí Nguyễn Thế Chón phá bom từ trường, đồng chí Trần Vân chỉ huy phà vượt sông, đồng chí Trần Trường bị thương ở bụng vẫn lái ca nô cập bến an toàn, đồng chí Hoàng Văn Chảy và Phan Văn Bộ, kỹ sư công binh và 70 thanh niên xung phong thuộc đại đội 4 thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh.
Ban Truyền thống LS-Tổng hợp theo Báo Quảng Bình