DẤU ẤN PHỐ RÀNG
Thị trấn Phố Ràng, huyện Bảo Yên ( Lào Cai), miền đất gắn với chiến công vang dội : TRẬN PHỐ RÀNG mà nhà văn liệt sỹ Trần Đăng ghi lại cuộc chiến đấu do bộ đội tiểu đoàn 11 Phủ Thông đã anh dũng đập tan tuyến phòng thủ quan trọng phía Đông Bắc của thực dân Pháp. Nơi đây từng trải bao biến cố vì địa thế chiến lược gánh sứ mệnh lịch sử trường tồn dải đất biên cương phía Tây Bắc của Tổ quốc.
Sau khi tái chiếm Phố Ràng năm 1948, địch vội thiết lập hệ thống đồn bốt liên hoàn từ Làng Mạ, Làng Mác, Khe Phìa, trong đó đồn Phố Ràng được coi là một mắt xích trọng yếu trong phòng tuyến. Nơi đây được trang bị hỏa lực mạnh, hệ thống hầm hào, lô cốt kiên cố, địa hình lại khá hiểm trở. Phía bắc và phía đông là bờ vực của con suối Ràng và sông Chảy. Phía nam án ngữ bởi những phiến đá tai mèo dựng đứng như một lá chắn tự nhiên. Phía tây lại trống trải rất thuận cho hỏa lực khống chế được cả tầm xa lẫn tầm gần. Hiểu rõ tầm quan trọng nếu “nhổ” được đồn thì toàn bộ phòng tuyến của địch sẽ tự tan rã vì thế Bộ Chỉ huy chiến dịch Sông Thao hạ quyết tâm tiêu diệt đồn bằng bất kỳ giá nào. Trận đánh mở màn lúc 18 giờ ngày 24 tháng 6 năm 1949, vấp phải sự chống trả vô cùng quyết liệt và ngoan cố của địch. Song với hơn 40 giờ giành giật nhau từng mét hào, ụ súng, các chiến sỹ tiểu đoàn 11 Phủ Thông đã hoàn toàn làm chủ trận địa. Phối hợp với bộ đội chủ lực còn có dân quân du kích, dân công hỏa tuyến cùng nhân dân các dân tộc địa phương huy động sức người, sức của góp phần làm nên chiến thắng giải phóng Phố Ràng xứng với danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân mà Nhà nước phong tặng.
Phố Ràng hôm nay trong chương trình xây dựng nông thôn mới đang từng ngày thay da, đổi thịt, hướng sự phát triển kinh tế - xã hội giàu tiềm năng, đặc biệt là ngành công nghiệp không khói với điểm du lịch hấp dẫn du khách cả nước. Lịch sử hào hùng được dựng lên sừng sững ngay trên mỏm đồi xưa. Đài ghi công chiến thắng được thiết kế và xây dựng từ năm 1999 đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng và giải phóng Phố Ràng. Dưới vòm mái cong mang dáng dấp hiện đại, lại phảng phất vẻ cổ kính, uy nghi là tấm bia đá ghi tên các liệt sỹ đã anh dũng hy sinh trong trận chiến. Trong tua du lịch khách có thể đến với khu di tích lịch sử văn hóa đền Phúc Khánh, dấu tích lịch sử còn hiển hiện một phủ Chúa Bầu của đô thống sứ Trần Tuyên Quang triều Lê năm 1527- 1533; là căn cứ của hai anh em Vũ Văn Uyên, Vũ Văn Mật có công xây dựng đại danh Yên Bắc, dựng chùa, thờ Phật, biến Phúc Khánh thành trung tâm điều hành công cuộc xây dựng thành Nghị Lang, trấn an biên ải, mở mang kinh tế miền thượng nguồn sông Chảy. Vượt qua sự vùi dập của thiên nhiên và thời gian, đền Phúc Khánh giờ được trùng tu, tôn tạo mang phong cách kiến trúc thời Trần - Lê toát lên vẻ đẹp cổ kính, nội thất trang trí tinh xảo. Nơi đây còn lưu giữ nhiều hiện vật gốm cổ thời Lê Trung Hưng, bia đá nằm trên lưng rùa nổi bật hàng chữ “Phúc Khánh Tự ”.
Hai di tích cách nhau không xa và từ đỉnh cao nơi này có thể phóng tầm mắt bao quát một vùng non nước sơn thủy, hữu tình. Thả bộ một quãng đường để đến với hồ cá du khách như được hòa vào màu xanh bất tận của cỏ, cây, hoa, lá ở vùng quê bình lặng mà thấm đẫm tình người. Ngắm sương lãng đãng trong hoàng hôn tĩnh lặng, chợt nghe tiếng cá quẫy dưới nước xen tiếng chim da diết gọi bầy thấy lòng thanh thản, làm dịu đi những mệt nhọc, ưu phiền trong cuộc sống thường nhật. Đến với vùng quê yêu dấu này du khách cảm nhận được sự sảng khoái trong môi trường xanh, sạch, đẹp, được chiêm ngưỡng cảnh quan từ các khu du lịch tâm linh, thưởng ngoạn các món ăn đặc sản truyền thống của địa phương được chế biến từ cá vùng hồ, cá sông Chảy, cùng các loại bánh và rau rừng thanh khiết…
Dấu ấn xưa tạo dáng vóc một Phố Ràng hôm nay hẳn du khách sẽ khó quên và cả chút tiếc nuối khi phải chia xa chốn này.
CTV QUANG CHÍNH
Bia ghi danh Liệt sĩ anh dũng hy sinh tại trận Phố Ràng
Bia di tích nhìn toàn cảnh
các cháu thiếu nhi dâng hương tại Bia di tích
Đền tưởng niệm Phố Ràng.
Đền Phúc Khánh ở Phố Ràng.