NHÂN NGÀY BÁO CHÍ CM VIỆT NAM (21/6)
NGƯỜI CẦM BÚT NÊN CẨN TRỌNG
Lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã ghi lại bao chiến công hiển hách và những sự kiện trọng đại suốt chiều dài từ thời đại vua Hùng tới nay. Tuy nhiên, vẫn còn có những tồn nghi trong lịch sử, phải chăng do sự sơ xuất của những người cầm bút để lại(?). Và hệ lụy của nó là đến nay chúng ta vẫn còn phải tranh cãi, tìm lời giải đáp cho nhiều sự kiện, đơn cử như: Ai mới thật là cha đẻ của vua Lý Công Uẩn, hoặc Lý Thường Kiệt có đích thực là tác giả của bài thơ "Nam quốc sơn hà" (mà nôm na gọi là bản Tuyên ngôn độc lập thứ nhất); hay vụ án oan của Thái sư Lê Văn Thịnh, của vườn Lệ Chi còn đầy bí ẩn .v.v. và .v.v..
Nêu chuyện ngày xưa để một lần nữa nhắc nhở những người cầm bút thời nay cần nâng cao trách nhiệm, đừng vì sự tắc trách của mình mà làm cho chúng ta hoặc đời sau phải vất vả đi tìm sự thật. Thực tế, chúng ta đã gặp không ít khó khăn và đôi khi phải vượt lên chính mình để xác định chiếc xe nào húc đổ cánh cổng chính của Dinh Độc lập trong giờ phút trọng đại của ngày 30-4, hoặc để xác định ai là người đã chấp bút soạn thảo văn kiện đầu hàng cho Tổng thống VNCH Dương Văn Minh, cũng trong ngày lịch sử đó. Không phủ nhận những người cầm bút, bao gồm những nhà văn, nhà báo, những người làm việc trong lĩnh vực giáo dục, tuyên truyền,... đã làm được những việc lớn lao. Nhưng cũng không khó để nhận ra họ cũng có nhiều thiếu sót, khuyết điểm.
Ở đây, chỉ xin đề cập đến một vấn đề tưởng là nhỏ mà không hề nhỏ, trong đó chắc chắn có một phần trách nhiệm của những người cầm bút chúng ta.
Chúng ta đều biết rằng, ngày 13-3-1954 là ngày mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ; phút giao thừa đêm 30 Tết Mậu Thân là thời điểm mở màn cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968. Thế còn ngày mở màn chiến dịch Tây Nguyên, cũng là ngày mở màn cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đem lại thống nhất cho đất nước, là ngày nào?
Thật đáng ngạc nhiên, bởi chiến tranh đã trôi qua hơn 40 năm rồi, mà ngày lịch sử đó đến nay vẫn chưa được xác định. Bởi bao năm nay, trong các văn bản, tài liệu, trong sách báo, bài giảng... chúng ta thấy có nhiều ngày "mở màn" khác nhau. Theo đó, ta thấy có đến 3 ngày mở màn, là các ngày: 1-3, 4-3, 10-3 năm 1975. Ngoài ra, ta vẫn thường tuyên truyền là “55 ngày đêm tấn công và nổi dậy…” thì còn có một ngày khá... mơ hồ nữa, không trùng với các ngày kể trên. Thậm vô lý, khi mà một chiến dịch lại có nhiều ngày "mở màn" đến thế.
Nhưng vẫn chưa hết, vào năm 2015, nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, ít nhất có 3 người đã nêu thêm một ngày mở màn nữa. Đó là Thiếu tướng Nguyễn Như Huyền, trong bài "Trận nghi binh kỳ thú" đăng trên QĐND Online ngày 10-3-2015, ông viết: "Tròn 40 năm trước, 14 giờ ngày 28-2-1975, trận đánh nghi binh, lừa địch mở màn chiến dịch Tây Nguyên mùa Xuân 1975 bắt đầu. Các loại hỏa lực của Sư đoàn 968 đồng loạt bắn phá các mục tiêu: Thị xã Plei-cu, Sân bay Cù Hanh, căn cứ Hàm Rồng, thị xã Kon Tum, sau đó bộ binh thực hành tiến công địch trên cả hai hướng Kon Tum và Plei-cu"... ; người thứ hai là TS Nguyễn Thành Hữu, trong bài "Trận nghi binh ngoạn mục" trên báo Người cao tuổi, số 47 (1573), ngày 24-3-2015, ông viết: "Sư đoàn 968 tiếp tục thực thi nhiệm vụ nghi binh, mở màn chiến dịch: 14h ngày 28/2, trận đánh nghi binh mở màn bắt đầu. Hỏa lực của Sư đoàn 968 đồng loạt bắn phá các mục tiêu, bộ binh tiến công trên cả hai hướng Kon Tum và Plei-cu"; tiếp đó là tác giả Nguyễn Trung Thành, trên báo Khoa học & Đời sống số 36 (3176), ngày 25-3-2015, cũng viết: "14h ngày 28-2-1975, trận đánh nghi binh lừa địch mở màn chiến dịch Tây Nguyên bắt đầu. Hỏa lực sư đoàn 968 đồng loạt bắn phá các mục tiêu đã định...".
Thế là lại thêm một ngày "mở màn" nữa được... phát hiện và nhiều trang web cũng đã đăng tải.
Tuy nhiên, có thể khẳng định chiến dịch Tây Nguyên không có trận đánh nào vào ngày 28-2-1975. Vì đơn giản là đến ngày 1-3, Bộ Tư lệnh chiến dịch mới ra lệnh nổ súng. Chẳng hay ba "cây viết" trên căn cứ vào đâu mà bỗng đồng thanh dựng nên một sự kiện... lạ như vậy. Họ đâu phải là những nhà nghiên cứu công bố phát hiện ra vấn đề mới, trong khi trước đó không hề có một tài liệu nào nói về "ngày mở màn" này.
Sự thật về trận đánh kể trên, cuốn lịch sử "Sư đoàn bộ binh 968" (NXB QĐND, Hà Nội, 2008), đã thuật lại như sau: Đêm 28-2 rạng ngày 1-3-1975, quân ta chiếm lĩnh trận địa, đào xong công sự, sẵn sàng chờ lệnh tấn công. Đúng 16 giờ ngày 1-3, từ cao điểm Chư Nghé, 3 phát pháo hiệu xanh vút lên không trung. Giờ G đã điểm, lập tức pháo của ta đồng loạt bắn vào Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2, Sở Chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy, căn cứ pháo binh của địch ở Hòn Rồng, Bầu Cạn. Tại Đồn Tầm - Chốt Mỹ, pháo ta dồn dập nhả đạn trùm lên cứ điểm... Sau 30 phút bắn phá, pháo ta chuyển làn. Bộ binh dùng bộc phá đánh tan các lớp hàng rào kẽm gai của địch và nhanh chóng tiêu diệt lô-cốt đầu cầu. Địch dựa vào hệ thống hầm hào kiên cố, chống cự quyết liệt hòng đẩy lùi các đợt tấn công của ta... Sau một giờ chiến đấu, ta tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Đồn Tầm - Chốt Mỹ. Đây là trận đánh hợp đồng binh chủng quy mô vừa, giành thắng lợi lớn, đạt hiệu suất cao.
Người trong cuộc là Sư đoàn 968 đã ghi rõ trong lịch sử của họ là như vậy. Hơn nữa, theo Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, nguyên Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên, thì: “... ngày 1-3-1975, Bộ Tư lệnh chiến dịch cho Sư đoàn 968 đánh nghi binh, tấn công các vị trí ở ngoại vi thị xã Plei Ku như Chốt Mỹ, Đồn Tầm và một loạt các cứ điểm trên dãy Chư Gôi, Chư Kra, điểm cao 605, uy hiếp quận lỵ Thanh An và Thanh Bình... (Hồi ký “Âm vang Tây Nguyên”, Nxb Văn hóa dân tộc, H, 2001). Trong cuốn “Ký ức Tây Nguyên” của mình (Nxb QĐND, H, 2002), Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, nguyên Chính ủy chiến dịch Tây Nguyên, cũng nêu tương tự: “Sau khi các đơn vị bộ binh và binh chủng triển khai ở hướng chính an toàn, ngày 1-3-1975, Bộ tư lệnh chiến dịch lệnh cho Sư đoàn 968 đánh nghi binh...". Cuốn "Lịch sử Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn - Đường HCM" (NXB QĐND, HN-1999), cũng ghi: "Ngày 1-3-1975, Sư đoàn 968 nổ súng tiến công tuyến phòng thủ của địch ở tây nam thị xã Plây-ku...";
Tôi có đọc được một vài khúc “hoài niệm” của những người ở phía bên kia, cho thấy họ cũng nhận thức rằng ngày 1-3 chính là ngày mở màn cho kết cục bi thảm của họ, như: "Ngày 1-3-1975, Văn Tiến Dũng hạ lệnh cho sư đoàn 968 tấn công Nam quân trên quốc lộ 19bis, phía tây Pleiku, áp sát quận lỵ Thanh An và liên tiếp mấy ngày sau đó, tấn công các vị trí Nam quân trên quốc lộ 19. Chiến dịch Tây Nguyên bắt đầu" (thuykhue.free.fr/stt/b/bamuoi.html); và: "Ngày 1-3-1975, Sư đoàn 968 Bắc Việt chiếm đồn bót gần Thanh An, pháo kích phi trường Cù Hanh, Pleiku. ".
(www.danchimviet.info/archives/73730/tran-ban-me-thuot-thang.../03).
Dẫn dắt dài dòng như vậy để khẳng định rằng không có trận đánh ngày 28-2-1975, mà đó chính là trận đánh của ngày 1-3-1975. Ba tác giả trên khi sao chép tài liệu đã thiếu cẩn trọng, bỏ qua khâu đối chiếu cần thiết, làm phức tạp thêm "ẩn số" về ngày mở màn. Và như vậy, ngày 28-2 được loại bỏ, chỉ còn các ngày 1-3, 4-3, 10-3 là nằm trong diện "tồn nghi".
Phải chăng, chính những người cầm bút chúng ta đã góp phần tạo nên sự "tồn nghi" này, khi mà báo Điện tử ĐCSVN và một số nguồn báo chí, tài liệu thì chép đó là ngày 4-3-1975; còn báo Điện tử Chính phủ và một số nguồn báo chí, tài liệu khác thì lại cho là ngày 10-3-1975; trong khi đó, các cây bút chấp bút hồi ký cho các vị tướng trực tiếp chỉ huy chiến dịch Tây Nguyên, thì lại thể hiện là ngày 1-3-1975. Như vậy là các cơ quan thông tấn, báo chí, tuyên truyền đang trong tình trạng "tam sao thất bản", mỗi người một phách...
Thiết nghĩ, nước ta có rất nhiều cơ quan nghiên cứu lịch sử và những nhà nghiên cứu lịch sử có uy tín. Để xử lý vấn đề này, cơ quan có trách nhiệm nào đó nên mời họ ngồi lại để cùng xác định một ngày "mở màn" duy nhất đúng, rồi sẽ ra một văn bản chính thức, quy định ghi chép thống nhất trong tất cả các văn bản, tài liệu, sách báo..v.v.. để từ nay ngày lịch sử này không còn bị phản ánh sai lạc và để bạn đọc các lứa tuổi, các cựu chiến binh không còn phải băn khoăn, nghi vấn... Đồng thời, sẽ không còn chỗ cho những người cầm bút tùy tiện, "ông chẳng bà chuộc" trong mỗi dịp tuyên truyền.
Đây là một vấn đề cần được đặt ra một cách nghiêm túc, là một đòi hỏi khách quan, để chúng ta có được một ngày đáng nhớ: Ngày mở màn cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đem lại thắng lợi huy hoàng cho dân tộc.
Bùi Thượng Toản
Một số Kết quả tìm kiếm trên Google về ngày mở màn Chiến dịch Tây Nguyên phản ánh các ngày khác nhau:
vi.wikipedia.org/wiki/Chiến_dịch_Tây_Nguyên
Chiến dịch Tây Nguyên (từ 4 tháng 3 đến 3 tháng 4 năm 1975), mật danh Chiến dịch275, là chiến dịch mở đầu cuộc Tổng tấn công mùa Xuân năm 1975 do ...
www.chinhphu.vn/portal/page/portal/.../noidungchinhsachthanhtuu?...
Níchxơn buộc phải từ chức Tổng thống Mỹ. Viện trợ quân sự của Mỹ cho nguỵ ... vang dội đầu tiên bằng Chiến dịch Tây Nguyên (từ 10-3-1975 đến 24-3-1975).
dienbien.edu.vn/uploads/tv-powerpoint/2015.../thi-giang-e-learning.ppt
(4-3 đến 24-3-1975). - 10/3/1975, ta tấn công Buôn Ma Thuột và giành thắng lợi. ... Đếnngày 24 – 3 – 1975, Tây Nguyên hoàn toàn giải phóng. Lược đồ chiến ...
www.binhthanh.hochiminhcity.gov.vn/tintuc/default.aspx?...
Ngày 10/3/1975, quân ta từ bốn cánh tiến vào bằng cơ giới theo các trục ... Ngày 19/3/1975, với thắng lợi chiến dịch Tây Nguyên, phòng tuyến phiá Bắc của quân đội Sài Gòn bị lung lay. ... Ngày 24/3/1975, thị xã Tam Kỳ được giải phóng.
www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/301/302/302/233354/Default.aspx
16-03-2013 - ... 1975, mở đầu bằng Chiến dịch Tây Nguyên (từ ngày 4-3 đến 24-3-1975). ... hợp với xe tăng tiến công thị xã Buôn Ma Thuột ngày 10-3-1975.
www.youtube.com/watch?v=48i8gMEMaB0
04-03-2014 - Tải lên bởi Đại Soái
Từ ngày 4-3, chiến dịch Tây Nguyên chính thức bắt đầu bằng .... Mẫn - 8/3/1975; trận Đức Lập-9 đến 10/3/1975), cô lập triệt để Buôn Ma Thuột. ... rút chạy trong trận Cheo Reo (17 đến19/3/1975), trận Củng Sơn (24/3/1975).
baigiang.violet.vn › Mục:Lịch sử
Chiến dịch Tây Nguyên (từ 4/3 đến 24/3/1975). 10/3/75 giải phóng ... 10/3/1975 ta tấn công Buôn Mê Thuột và giành thắng lợi (11/3/1975). - 24/3/1975 chiến ...
baobacninh.com.vn/.../quyet-dinh-lich-su-cua-dang-ve-giai-phong-hoan...
12-04-2010 - Sau 20 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thế và lực của ta trên chiến... Khi Chiến dịch Tây Nguyên (từ 10-3-1975 đến 24-3-1975) đang ...
Nhìn lại : Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm ...
nuithanh.gov.vn/Default.aspx?tabid=107&NewsViews=12765...en...
24-04-2014 - Song, chúng không từ bỏ âm mưu xâm lược Việt Nam, tiếp tục viện trợ, tạo ... tiên bằng Chiến dịch Tây Nguyên (từ 10-3-1975 đến 24-3-1975).
www.cpv.org.vn - Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa muân ...
dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id...cn...
10-03-2005 - ... tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 giành được thắng lợi vang dội đầu tiên bằng Chiến dịch Tây Nguyên (từ 10/3/1975 đến 24/3/1975)
vnu.edu.vn/btdhqghn//inc/print.asp?N14633
Ngày 4/ 3/1975, chiến dịch Tây Nguyên chính thức bắt đầu. Từ ... Chiến dịch Trị Thiên - Huế (từ 5 đến 26/3/1975): Trước cuộc Tổng tiến công chiến lược Xuân ...
cmm.edu.vn/.../20%20chu%20de%2010%20cau%20tra%20loi%20nhan...
Câu 2: Trận đánh mở màn trong chiến dịch Tây Nguyên ngày 10/3/1975 diễn ra ở địa danh nào? .... Câu 8: Từ ngày 20/4/1975 đến ngày 30/4/1975, chính quyền Việt Nam cộng hòa đã trải qua mấy đời tổng thống? .... Đáp án: Từ 4/3 → 24/3/1975 ... Câu1: Có một thành phố được giải phóng vào ngày 26/3/1975, trùng với ...
www.cpv.org.vn - Đại thắng mùa xuân 1975
dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id...cn...
16-12-2004 - Từ tháng 10 đến tháng 12 - 1974, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương cùng cán bộ ... Chiến dịch Tây Nguyên mở màn từ ngày 4-3-1975 với đợt hoạt động tác chiến ... Ngày 26-3, toàn bộ tỉnh Thừa Thiên được giải phóng.
+ Sách của Thượng tướng, Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên Hoàng Minh Thảo, một trong nhiều cuốn sách khẳng định ngày 1/3/1975 là ngày Mở màn.