Hang Tám cô trên Đường 20

Ngày đăng: 08:38 01/07/2016 Lượt xem: 749

Hang Tám cô, trên đường 20 Quyết Thắng

 

 

     Khu di tích Hang Tám cô  và Đền thờ LS  Đường 20 Quyết Thắng thuộc xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Những ngày tháng 7 lịch sử này, khu Di tích đón rất nhiều các đoàn khách tới thăm để tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ anh dùng hy sinh khi tham gia mở vaf bảo vệ con đường huyết mạch, nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn.

     Với quyết tâm tất cả cho tiền tuyến lớn miền Nam, cùng với các lực lượng khác, lực lượng Thanh niên xung phong trên Đường 20 trong những năm tháng chiến tranh, đã liên tục bám đường, bám cầu, bất chấp mưa bom bão đạn của quân thù.  

    Một sự tích hào hùng, bi thương của sự kiện xảy ra ở hang đá tại Km 16 đường 20 đã làm xúc động hàng triệu trái tim. Ngày 14-11-1972 trong khi đang thực hiện nhiệm vụ san lấp hố bom, chuẩn bị thông xe thì máy bay Mỹ ập đến đánh phá. Còi báo động vang lên, 8 TNXP ( 4 nam và 4 nữ) quê Hoằng Hóa, Thanh Hóa thuộc đội 163-Ban XD67  chạy vào ẩn nấp ở một hang đá lớn. Đây là nơi họ thường trú ẩn mỗi khi máy bay địch đánh phá. Hôm đó, máy bay B52 rải thảm xuống trọng điểm 16+200 ba đợt liên tục với 180 quả bom. Không gian rung chuyển, đất đá tung lên mù mịt, những vách núi dựng đứng lắc lư… Và bất ngờ, chúng quay lại bắn thêm tên lửa làm một khối đá khổng lồ nặng khoảng 100 tấn lăn xuống lấp kín miệng cửa hang mà 8 TNXP đang trú ẩn.  Ngoài cửa hang có 5 chiến sĩ phòng không hi sinh tại chỗ. Tiếng kêu cứu từ trong hang vẫn vọng ra, mà cửa hang thì bị lấp kín! Mặc dù toàn đơn vị đã tìm mọi biện pháp để cứu đồng đội, nhưng do hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, khối đá lấp hang lại quá lớn, mà nhiệm vụ phải thông tuyến cho đoàn xe 150 chiếc chở hàng đi qua trọng điểm lại rất cấp bách, nên không thể có cách nào cứu được… Tất cả mọi cố gắng đã trở nên vô vọng.

      Suốt hàng chục ngày đồng đội tìm cách cứu, nhưng không có cách nào phá vỡ được khối đá khổng lồ ấy. Tiếng kêu cứu của các chiến sĩ trong hang cứ lịm dần, thưa dần để rồi ngày 23/11/1972, ngày thứ 9 thì bên ngoài không còn nghe thấy tiếng gì nữa.

      Tám Thanh niên xung phong nằm trong hang đúng 25 năm. Mãi tới tháng 3/1996, một trung đội công binh phải dùng 80kg thuốc nổ phá đá và đào bới  gần 60 ngày đêm mới tìm được tám bộ hài cốt trong hang. Các anh, các chị nằm đó trải bao năm tháng chiến tranh. Những người trực tiếp phá cửa hang, không ai cầm được nước mắt khi phát hiện trong đó có hai cụm xương: Một cụm gần cửa hang (được xác định là hài cốt của anh Hoàng Văn Vụ), có xương cánh tay ở tư thế vươn tới cửa hang… Cụm thứ hai ở phía trong có bảy bộ xương của Thanh niên xung phong còn lại. Qua tư thế người ta cho rằng cả bảy con người cùng ôm lấy nhau trước khi đón nhận cái chết. Cũng chính vì vậy mà huyền tích hang tám Thanh niên xung phong ra đời từ đó và người ta gọi là “Hang tám cô”.  Cái tên “Hang Tám cô” đã có từ trước sự kiện ngày 14/11/1972 vì tại hang này thường có 8 cô TNXP vào nghỉ trưa.

        Câu chuyện hang Tám cô tại km16 đường 20 Quyết Thắng là một trong những khúc ca bi tráng của huyền thoại Thanh niên xung phong Việt nam. Sự hy sinh của các chiến sĩ Thanh niên xung phong nơi đây không chỉ là nỗi đau khôn cùng mà còn làm nên khí tiết oanh liệt, tên tuổi của họ sẽ mãi mãi gắn liền với lịch sử của đất nước.

         Ngày 09-12-2013 Thủ tướng Chính phủ  ra Quyết đinh số 2383/QĐ/TT-TTg về việc xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt cho Di tích lịch sử đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh. Di tích Đền thờ LS Đường 20 và Hang Tám Cô là một trong 37 Di tích thành phần của Hệ thống Di tích Đường Trường Sơn.

                                                                                                                          Bùi Hoằng

 

               Danh sách Tám (8) Liệt sĩ TNXP- Ban 67

1-     Trần Thị Tơ- sinh 1954- Hoằng Hóa, Thanh Hóa

2-     Lê Lương-sinh 1953- Hoằng Thịnh, Hoàng Hóa, Thanh Hóa.

3-     Đỗ Thị Loan-sinh 1952- Hoằng Ngọc, Hoằng Hóa, Thanh Hóa.

4-     Lê Thị Mai-sinh 1952- Hoằng Thịnh, Hoằng Hóa, Thanh Hóa.

5-     Nguyễn Văn Huệ- sinh 1952- Hoằng Trường, Hoằng Hóa, Thanh Hóa.

6-     Nguyễn Văn Phương- sinh 1954- Hoàng Trường, Hoằng Hóa, Thanh Hóa.

7-     Hoàng Văn Sụ- sinh 1953 Hoằng Hà, Hoằng Hóa, Thanh Hóa.

8-     Nguyễn Mậu Kỷ- sinh 1935- Hoằng Đạt, Hoằng Hóa, Thanh Hóa.

 

              Năm (5) Liệt sĩ bộ đội pháo phòng không- 559

1-      Mại Đức Hùng- sinh 1952- Hải Giang, Hải Hậu, Nam Hà.

2-     Đinh Công Đính- sinh 1953- Hải Tây, Hải Hậu, Nam Hà.

3-     Nguyễn Văn Quận- sinh 1956- Hoằng Đạt, Hoằng Hóa, Thanh Hóa. 

4-     Sầm Văn Mắc- sinh 1952- thôn Vạch, Cam Đường, Lào Cai.

5-      Nguyễn Văn Hưng- sinh 1954- Yên Định, Vị Xuyên, Hà Giang

tin tức liên quan