NHỚ LẠI CUNG ĐƯỜNG TRẠ ANG MÙA THU NĂM ẤY
(Từ phải sang) Tác giả Trần Văn Thân cùng vợ, Hồ Bá Thâm, Nguyễn Văn Long và vợ (Tất cả đều là cựu THXP, đều ở Đ 20 QT. Ảnh chụp tháng 7/2016 ở Vinh)
Mùa thu ấy là mùa Thu năm 1968, mùa Thu của chúng tôi những chàng trai cô gái TNXP (gồm TNXP Nghệ An và Quảng Bình…) với nét mặt đăm chiêu với nụ cười rạng rỡ, chỉnh tề trong bộ quần áo đồng phục màu cỏ -xanh cỏ cây, lao vào cuộc thử thách mới đầy gian khổ, ác liệt trên cung đường và ngầm Trạ Ang (km 12- 16) - dốc Ba Thang đường 20 Quyết Thắng.
Mùa Thu ở Trạ Ang đầy ác liệt
Các bạn biết không? Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968 của quân và dân miền Nam đã làm cho đế quốc Mĩ và bè lũ tay sai thua đau cả trên bàn Hội nghị Paris và cả thất bại nặng nề trên chiến trường miền Nam. Trước tình hình đó, đế quốc Mĩ đã mở nhiều cuộc tấn công trên các tuyến đường Trường Sơn mà chúng cho là cửa ngõ chi viện của chiến trường miền Nam. Tại đây, chúng đã chọn đoạn đường 20, trong đó có đoạn từ km 12 đến km 16 có ngầm Trạ Ang và với vị trí hiểm trở, đường giao thông độc đạo, một bên là vực suối hun hút sâu, một bên là dốc cao chênh vênh trên núi cao 400 – 600m, ta ly dương có độ cao từ 20-30 mét, đất đá dễ sạt lở. Cung đường này là“cuống họng” mà từ năm 1966 đến 1972 là túi bom của máy bay Mỹ. Chúng bắn phá khu vực này cả ngày lẫn đêm, với tất cả các loại bom đạn biến nơi đây thành một vùng đất chết!
Trong đó đáng chú ý là cuộc tập kích của không quân Mĩ vào lúc không giờ ngày 1/7/1968 kéo dài đến ngày 30/9/1968 vào trọng điểm nói trên. Chúng tập trung đánh phá ác liệt nhất là 1/7 – 15/8/1968.
Tại đây lực lượng TNXP đại đội 3 (gồm TNXP Nghệ An và Quảng Bình), sau đó điều động thêm một đại đội TNXP Thái Bình do ông Hoàng Ngọc Ánh, Quyền đội trưởng Đội 89 dẫn đầu. Hai đơn vị TNXP chiếm đầu dưới sự chỉ huy của ông Hoàng Trá - Binh trạm trưởng Binh trạm 14, ông Hoàng Ngọc Phiên- Phó ban Ban xây dựng 67, ông Nguyễn Quốc Đức- Đội trưởng đội TNXP 23.
Suốt 90 ngày đêm đế quốc Mĩ đã huy động hang tăm tốp máy bay đánh phá liên tục ngày và đêm với hơn 1088 trận đánh phá (riêng 1/7 – 15/8 máy bay Mĩ đã đánh 717 trận, trong đó 51 loạt tên lửa với 202 trận). Số bom phá của địch thả xuống là 17208 quả, không kể các loại bom sát thương khác. Hệ quả là làm trúng đường 84 quả và 184 quả tên lửa bắn trúng mục tiêu. Tỷ lệ 90% trúng ta ly dương, gây sạt lở đất đá nghiêm trọng. Khối lượng đất đá làm hỏng và tắc đường phải khắc phục là 71460 mét khối nền đường và 750 mét mặt đường.
Chúng ta bị tổn thất: 15 đồng chí TNXP, công nhân viên chức, kĩ sư cầu đường hi sinh và 35 đồng chí bị thương nặng. 80% TNXP của hai đại đội bị sức ép nặng.
Và mùa Thu ấy, TNXP rất anh hùng
Suốt 90 ngày đêm sống và chiến đấu trong biển lửa, lực lượng TNXP hai đơn vị của chúng tôi tại trọng điểm đã dũng cảm mưu trí với quyết tâm “Một tấc không đi, một ly không rời”. Đơn vị đã đoàn kết các cán bộ, đội viên cùng nhau san lấp hố bom, rà phá bom mìn, làm “cọc tiêu sống” cho từng đoàn xe qua. Những tấm gương tiêu biểu như Tiểu đội trưởng Đinh Bạt Tuyên đã chỉ huy anh em và dùng máy ủi C 100 san lấp hố bom.
Bỗng một loạt bom rơi xuống và đồng chí lái máy ủi đã anh dũng hi sinh. Không thể để máy ủi dừng lại trước khối lượng đất đá lớn. Đinh Bạt Tuyên, không phải lái máy nhưng đã nhảy lên buồng lái cho xe chạy tiếp. Mặc dầu bị thương ba lần nhưng anh Đinh Bạt Tuyên vẫn không rời vị trí chiến đấu. Khi hoàn thành nhiệm vụ anh mới để đồng đội đưa về trạm xá sơ cứu.
Vượt qua thách thức hiểm nghèo, sinh tử của khói lửa chiến tranh, lực lượng TNXP nói trên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ đoạn đường và ngầm Chà Ang - dốc Ba Thang đường 20 Quyết Thắng đầy ác liệt trong mùa Thu năm ấy. Cùng với những thời gian trước và sau đó, họ đã thực sự đã góp phần quan trọng làm nên những chiến công oanh liệt, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của TNXP trên con đường 20 Quyết Thắng.
48 mùa Thu qua
Từ mùa thu năm ấy (1968 ) đến mùa thu này (2016) vừa tròn 48 năm. 48 năm ấy đất nước ta đã trải qua bao bước thăng trầm của lịch sử. Đất nước ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam, đã đổi thay sau hơn 30 năm đổi mới. Vị trí của đất nước ta ngày càng được khẳng trên trường quốc tế. Vùng Trạ Ang xưa này đã xanh màu sự sống bình an và lưu lại ở đây nhiều di ích quan trọng về đường 20 QT.
Lực lượng TNXP Nghệ An… nói trên, nhiều đồng chí có mặt hai nhiệm kì, và một bộ phận có mặt ba nhiệm kì TNXP (từ 7-10 năm), đã trở về có người gặp may mắn, thành đạt, có người cô đơn, khó khăn, không nơi nương tựa. Nhiều người hầu như có tâm trạng buồn, vì hình như không có mình trong đội quân chiến thắng năm xưa trên đường 20 QT kia. Mỗi lần đọc báo, xem sách, nhìn lên màn hình Ti vi khi nói về truyền thống TNXP tuyến đường 20 Quyết Thắng họ lại bùi ngùi… hầu như chỉ thấy nói nhiều về những cựu TNXP quê Hà Nam hay Thanh Hóa mà rất ít thấy, hoặc không thấy nói về TNXP tỉnh khác như TNXP Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Bình và Quảng Bình, mà họ cũng có mặt từ tháng 12, năm 1965 mở, giữ con đường này. Và khi nói về những năm tháng ác liệt ở đây năm 1972 cũng ít thấy nói về những ác liệt từ những năm 1966, 1967, 1968 trên con đường 20 QT này ở Cà Roòng, hay A Ky, km 41-42...
Cũng như vậy, khi nói về Trạ Ang không chỉ nói nhiều về đường ống xăng dầu và những chiến công bảo vệ nó mà ít nói về những chiến sĩ mở, giữ đường ở đây của TNXP Nghệ Tĩnh, Quảng Bình. Thực tế là chính họ cùng với các lực lượng khác đã đổ mồ hôi, xương máu và cả hi sinh tuổi xuân, thể xác của mình trên cả tuyến đường, mà họ đã có mặt từ những ngày đầu mở đường, giữ đường cho đến ngày Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước. Có lẽ chính họ cũng có lỗi khi không nói lên được thành tích và hi sinh của đồng đội mình ở những năm tháng ở đường 20 QT này?!
Là nhân chứng sống của lịch sử, chúng tôi mong rằng, phải tôn trọng và công bằng hơn với lịch sử. Và từ đó có thế mới giúp thêm thực tế lịch sử để Đảng và Nhà nước, các cấp chính quyền động viên và giải quyết chính sách tốt hơn, phù hợp hơn cho các cựu TNXP. Có như thế mới tri ân, an ủi những cựu TNXP đã hoàn thành nhiệm vụ trở về quê hương và gặp không ít khó khăn. Và cũng từ đó giúp họ có cuộc sống vui vẻ, lạc quan cùng con cháu sống tiếp những năm tháng cuối cùng của cuộc đời.
Vinh, ngày 25 tháng 8 năm 2016 Trần Văn Thân
Cựu TNXP Nghệ An đường 20 Quyết Thắng