Giới thiệu Tản mạn văn về các Văn Nghệ sỹ Trường Sơn

Ngày đăng: 08:55 20/03/2017 Lượt xem: 737
Trong trùng trùng đội ngũ Bộ đội Trường Sơn, có một binh chủng đặc biệt, đó là binh chủng Văn nghệ sĩ...

 

 

 

GIỚI THIỆU TẢN MẠN VĂN

VỀ CÁC VĂN NGHỆ SỸ TRƯỜNG SƠN

 

 

         “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc ta, Bộ đội Trường Sơn đã đóng góp to lớn, quan trọng góp phần kết thúc vẻ vang sự nghiệp cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đóng góp vào chiến công to lớn và vẻ vang ấy của Bộ đội Trường Sơn – một đơn vị binh chủng hợp thành đặc biệt của quân đội ta - có đóng góp đầy ý nghĩa của đội ngũ hùng hậu những chiến sĩ hoạt động văn học nghệ thuật Trường Sơn. Đó là các chiến sĩ nhà văn, nhà thơ, nhà báo, các họa sĩ, các chiến sĩ văn công, tuyên văn…công tác tại các binh trạm, sư đoàn, các đơn vị  binh chủng của Trường Sơn. Các tác phẩm của họ, những hoạt động trên lĩnh vực văn học nghệ thuật của họ đã trực tiếp cổ vũ, động viên tinh thần quyết chiến, quyết thắng cho cán bộ chiến sĩ; góp phần hun đúc, xây dựng nên phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Trường Sơn, giúp họ vượt qua mưa bom, bão đạn, vượt qua muôn vàn thủ đoạn tàn độc của kẻ thù, vượt qua sự khắc nghiệt của đại ngàn Trường Sơn, để xây dựng nên một Trường Sơn anh hùng và huyền thoại, hoàn thành xuất sắc chi viện chiến lược cho cách mạng miền Nam và cách mạng của 3 nước Đông Dương.

 

         Lực lượng hoạt động văn học nghệ thuật của Hội Trường Sơn Việt Nam sau năm 1975 và hôm nay đã và đang kế thừa, phát huy mạnh mẽ sức mạnh của một “binh chủng” đặc biệt này của Trường Sơn. Để tập hợp lực lượng hội viên làm công tác văn học nghệ thuật trong một tổ chức chuyên ngành nhằm phát huy sức mạnh trong công tác tuyên truyền, giáo dục; đáp ứng nguyện vọng của những chiến sĩ Trường Sơn làm văn học nghệ thuật, Ban Thường vụ Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam đã quyết định thành lập Hội Văn học Nghệ thuật Trường Sơn. Hội Văn học Nghệ thuật Trường Sơn là một tổ chức chuyên ngành trực thuộc, chịu sự lãnh đạo và quản lý trực tiếp của Hội Trường Sơn Việt Nam.

 

         Việc thành lập Hội Văn học Nghệ thuật Trường Sơn không chỉ đáp ứng nguyện vọng của những chiến sĩ - văn nghệ sĩ Trường Sơn mà còn thể hiện tầm nhìn và sự phát triển về tổ chức của Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam. Việc ra đời của Hội Văn học Nghệ thuật Trường Sơn hôm nay không chỉ là một bước phát triển mới tập hợp và phát triển lực lượng hội viên đặc thù của Hội Trường Sơn Việt Nam, mà còn mở ra những điều kiện mới cho các hội viên làm công tác văn học nghệ thuật phát huy tiềm năng, trí tuệ, tiếp tục có những sáng tạo mới, góp phần tôn vinh hình ảnh Trường Sơn, hình ảnh xây dựng và phát triển Hội trong cuộc sống hôm nay.”.

 

         Trước thềm Đại hội thành lập Hội Văn học Nghệ thuật Trường Sơn - Một sự kiện quan trọng và đầy ý nghĩa này. Ngược dòng Lịch sử - Ban biên tập Trang Thông tin và Bản tin Trường Sơn xin trân trọng giới thiệu cùng các đồng chí và bạn đọc bài tản mạn văn, lược về những văn nghệ sỹ một thời “ Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” - Bài viết có tựa đề “ Tản mạn về các văn nghệ sỹ Trường Sơn” của tác giả Phùng Văn Khai. Xin trân trọng

 

         Ban Biên tập

 

Tản mạn về các văn nghệ sĩ Trường Sơn

Phùng Văn Khai

 

         Đã 50 năm kể từ ngày thượng tá Võ Bẩm được Bác Hồ trực tiếp giao nhiệm vụ mở đường Trường Sơn đánh Mỹ. Từ con đường giao liên gùi thồ, mang vác ban đầu đã dần dần hình thành Tuyến đường vận tải chiến lược ngang dọc hàng chục nghìn ki lô mét với hàng chục vạn con người, phương tiện cơ giới vừa đánh địch, vừa mở đường và hôm nay đã trở thành “Đại lộ Hồ Chí Minh” xuyên suốt Bắc – Nam, cùng đất nước hướng tới một tương lai giàu mạnh.

         Trong trùng trùng đội ngũ Bộ đội Trường Sơn, có một binh chủng đặc biệt, đó là binh chủng Văn nghệ sĩ. Trong một bài viết, chúng tôi không thể thống kê hết những con người và tác phẩm của binh chủng đặc biệt ấy mà chỉ điểm xuyết phần nào những thành tựu, kỷ niệm, suy tư ngẫm ngợi của một số nhà thơ, nhà văn trong đội ngũ văn nghệ sĩ Trường Sơn.


         Mãi còn “Dấu chân người lính”


         Một trong những nhà văn sáng tác thành công, có nhiều tác phẩm về Trường Sơn là Nguyễn Minh Châu (ảnh trên). Cũng phải khẳng định ngay rằng, ngòi bút Nguyễn Minh Châu là ngòi bút hiện thực. Những sáng tác đặc sắc của Nguyễn Minh Châu phải là ở thời kỳ sau này với những: “Khách ở quê ra”, “Phiên chợ Giát”, “Bức tranh”, “Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành” mới biểu hiện rõ ràng nhất tài năng văn chương của ông, nhưng mảng sáng tác về Trường Sơn cũng là một mảng lớn trong sự nghiệp của nhà văn. Ông luôn tâm niệm: Không có đời sống thì không có tác phẩm văn học.


          Không ồn ã như các nhà văn cùng thời. Lặng lẽ có phần khiêm cung, người con của làng Thơi, của những chợ Ngò, chợ Giát hóa ra lại là người sớm có mặt ở Trường Sơn. Thậm chí chỉ bằng vào truyện ngắn Mảnh trăng cuối rừng đã đủ thấy tài năng và tâm huyết của Nguyễn Minh Châu với con đường huyền thoại. Lứa tuổi học trò nhiều thế hệ, các sinh viên hôm nay và mai sau hẳn trong tâm hồn luôn thấm đẫm một mảnh trăng cuối rừng ngân nga như một sợi chỉ xanh đọng lại trong tâm hồn mình. Cái cách đi thực tế, cái cách đến với bộ đội Trường Sơn của Nguyễn Minh Châu cũng rất lạ lùng. Và cuối cùng là tác phẩm, cái căn cốt làm nên một nhà văn ở Nguyễn Minh Châu cũng không giống bất cứ ai. Ông là một nhà văn Trường Sơn đặc biệt với những Dấu chân người lính, Những người đi từ trong rừng ra, Những cánh rừng đầy giấy bay đã ăn sâu bám rễ đối với mỗi cán bộ chiến sĩ và nhân dân khi nhắc về kháng chiến chống Mỹ.
Chỉ có Nguyễn Minh Châu mới có những ứng xử vẻ ngoài lặng lẽ đến ngu ngơ nhưng vô cùng sắc sảo trong văn chương và cũng ông, với mẫn cảm nghề nghiệp đặc biệt của mình, đã có những dòng viết đầy tâm trạng về những người lính, trong đó có những người lính Trường Sơn:


         … Những người đồng đội từ trong các cánh rừng chiến tranh gần trong gang tấc bước ra và đến ngồi bên tôi kia bao giờ cũng mang một dáng vẻ vừa hư vừa thực. Họ đứng một chân ngoài cuộc đời và một chân đứng trên trang giấy. Các đồng chí có biết cái ngỡ ngàng này mà bất cứ một nhà văn nào đã từng nhiều lần cảm thấy khi đọc một bài phê bình nhận xét nhân vật của mình: anh sực nhớ ra những ai ngoài đời, những ai bằng xương bằng thịt đã làm nên cái cốt lõi, cái bắt đầu cho trí tưởng tượng và sự phóng đại.
         Nhưng đời sống trong những khu rừng mà cả nhân dân ta đến làm tổ, từ đó trong hàng chục năm làm chỗ đi và về cho việc đánh giặc, lại có những người lính chỉ biết im lặng, cứ lùi lụi phát rẫy, đào hầm làm lán và đánh giặc, không hay nói, không thạo nói, chỉ biết đỏ mặt và ngượng, họ quen im lặng như đất cát, họ là số đông các anh em bộ đội mình ra đi từ các làng quê bình dị và khiêm tốn. Họ từ đồng ruộng quê hương đến với rừng như một kẻ xa lạ và ra đi như một người thân thuộc, sau khi để lại cả một thời trai tuổi trẻ.


         Địa dư nước ta hình thành nên một hình thể như thế nào đó, mà mỗi lúc Tổ quốc đứng trước nạn ngoại xâm là nhân dân ta nghĩ ngay đến con cái đang lặn lội trên rừng.


         Vạt áo nhà văn làm sao đựng hết chữ nghĩa trong cái lẽ sống quên mình mà bộ đội ta đã viết nên trong các cánh rừng Trường Sơn trước đây và cả các miền rừng Tây Nam và biên giới phía Bắc bây giờ?


         Mỗi lúc nhớ đến đời sống của bộ đội ta, trong những năm chiến tranh, tôi lại suy nghĩ đến ở đâu đó trên một chặng đường miền tây Trường Sơn. Sau một trận bom, chúng tôi đi qua một cánh rừng toàn cây cà boong, một loại cây có dầu, đang cháy rừng rực giữa trưa nắng và trong nắng, lửa và khói cứ bay cuộn lên những tờ giấy trắng. Hình như bom địch vừa đánh trúng một kho giấy giữa rừng. Cứ đi qua khu rừng cháy, mãi đến sẩm chiều ngày hôm sau, vẫn thấy những tờ giấy như đang bay đuổi theo, có những tờ đã cháy mất nửa. Những tờ giấy phơi cái mặt trắng giữa trời xanh hoặc đang nằm lẫn trong cỏ, trên nền rừng. Tất cả các tờ giấy ấy chỉ nằm chờ chúng tôi, những nhà văn viết về chiến tranh, đến nhặt lấy...


         Tản mạn cùng các nhà thơ, nhà văn trong đội ngũ văn nghệ sĩ Trường Sơn luôn cho thế hệ trẻ chúng tôi, đặc biệt là những người cầm bút một niềm tin và bản lĩnh. 55 năm Bộ đội Trường Sơn cũng đang hình thành những người viết trẻ tiếp bước thế hệ đi trước viết về Trường Sơn, tiếp tục góp vào dòng chảy mạnh mẽ của văn học Việt Nam hiện đại 


          Gặp “Người mở rừng”


         Một nhà văn chính hiệu Trường Sơn – 559 là nhà văn Lê Lựu với cuốn sách viết trực diện về những người lính mở đường Trường Sơn thời ấy, đó là tiểu thuyết Mở rừng. Cũng ít ai biết rằng thời gian đó, ông đã có lần tháp tùng nhà văn đàn anh Nguyễn Minh Châu đi thực tế ở Trường Sơn, đi cắp tráp học thầy. Vào Trường Sơn, đi bám sát các trận đánh, bám sát dân công, bộ đội hành quân. Lê Lựu hớn hở ghi ghi chép chép đặc kín các quyển sổ mà chẳng thấy ông anh động tĩnh gì. Nhiều ngày, nhiều chuyến đi diễn ra liên miên ở Trường Sơn như thế. Lê Lựu ngạc nhiên thắc mắc nhưng không dám hỏi, lại càng không dám giục ông anh ghi chép. Không ít lúc, ông anh cứ khìn khịt ngủ trên võng, mặc kệ những ồn ào náo nhiệt đang diễn ra ở xung quanh. Thế mà thật lạ lùng, khi trở về, những gì Lê Lựu ghi chép cẩn thận lại không đưa được vào các tác phẩm một cách sống động. Nó rời rông rổng, nhăn nhở cười gã phù thuỷ non tay quyết và còn lạ lùng hơn nữa khi những gì ghi chép tỉ mỉ ở trong sổ của mình không biết bằng cách nào lại vào những trang văn của bậc đàn anh nhuần nhuỵ, sâu sắc và ám ảnh.


         Bây giờ, mỗi khi nhắc đến những ngày tháng sống ở Trường Sơn cùng với các chiến sĩ công binh mở đường, những cô gái thanh niên xung phong tinh nghịch, những anh bộ đội lái xe vui tính và đặc biệt là những cô văn công Trường Sơn, Lê Lựu luôn hấp háy cặp mắt, tay vò vò những lọn tóc xoăn vô tổ chức trên đầu. Trong sáng tác của Lê Lựu về Trường Sơn có không ít cảnh mô tả đầy hăm hở về những nhân vật ấy, thậm chí còn đậm đặc hơn cả bom đạn, thứ vốn nhiều như châu chấu không ngày nào không trút xuống như mưa ở những cánh rừng. Dường như bây giờ, Lê Lựu vẫn chưa thoát ra khỏi những cánh rừng đầy bom đạn. Trong tất cả các cuộc tôn vinh doanh nhân gần đây do Trung tâm Văn hóa Doanh nhân Việt Nam, nơi ông làm giám đốc tổ chức thì ưu tiên số một của những tiết mục diễn trên sân khấu luôn mang đậm những dấu ấn về Trường Sơn. Thậm trí có chương trình không liên quan một mảy lính tráng nào vẫn cứ ăm ắp không khí Trường Sơn khói lửa. Đã có người cho rằng Lê Lựu đang Trường Sơn hóa các chương trình do ông tổ chức.


         Anh em văn nghệ sĩ từng một thời chiến đấu hoặc đang sáng tác về Trường Sơn luôn tìm tới Lê Lựu, đặc biệt mỗi khi có các trại sáng tác văn học về Trường Sơn bao giờ ông cũng xung phong tiến lên hàng đầu. Trong trái tim ông, những gì của Trường Sơn hôm qua và hôm nay, huyền thoại và hiện thực luôn luôn thôi thúc và hình thành một lẽ ứng xử trong đời sống. Lê Lựu là người sống rất nội tâm, có không ít lúc ông cũng rơi vào những hố thẳm thị phi của cuộc mưu sinh thường nhật, nhưng những cái níu ông trở lại, cân bằng đời sống nội tâm của ông bao giờ cũng là những cánh rừng đại ngàn Trường Sơn. Trong tiểu thuyết Mở rừng, những điểm chính cuốn sách đặt ra đã phần nào bao quát và giải quyết những vấn đề nội sinh của công cuộc Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Cuốn sách không phải đặc sản của Lê Lựu nhưng rõ ràng nó không thể thiếu trong đời văn của ông hay nói cách khác là không có Mở rừng thì bất thành Lê Lựu.


         Trong thực tế đời sống, những lúc còn lại một mình trong im lặng, thường Lê Lựu nhớ và nghĩ nhiều đến những cánh rừng, điều này, chỉ những ai thật tinh ý và gần gũi ông mới thấy rõ. Có những lúc ông như dõi nhìn về nơi nào xa lắm, phía những đồng đội đã khuất, đã mãi mãi nằm trong bạt ngàn rừng thẳm, đã như không biết rằng nơi xa kia, nơi vùng biển vùng đồi, những người mẹ chờ con, những người vợ chờ chồng đang dần dần già đi, nhiều người đã mất, đã trở về với đất, đến với cuộc đoàn tụ những không phải ở cõi dương gian. Những lúc ấy, nhà văn Mở rừng không còn cái tính hăm hở, băm bổ thường ngày, ông như đang đánh mất một cái gì lớn lắm. Những mất mát ấy dường như ông đã biết khi còn ở trong rừng nhưng không tài nào cưỡng được điều ghê gớm ấy. Điều này giải thích tại sao nhà văn Lê Lựu ngày càng thâm trầm, im lặng trong chính cuộc sống của mình.


          Nhớ “ Con chim lửa của Trường Sơn huyền thoại”


         Nhắc đến đội ngũ văn nghệ sĩ Trường Sơn không thể không nhắc đến nhà thơ Phạm Tiến Duật, con chim lửa của Trường Sơn huyền thoại, một nhà thơ của bộ đội Trường Sơn mà ai cũng biết. Ông đoạt giải nhất cuộc thi thơ do báo Văn nghệ tổ chức năm  1969 với chùm thơ viết về Trường Sơn: Gửi em cô thanh niên xung phong, Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Lửa đèn, Nhớ, sau đó là các tập thơ: Vầng trăng quầng lửa (1970), Thơ một chặng đường (1971). Trong cuộc trò chuyện của chúng tôi với nhà thơ Đỗ Trung Lai, người được Hội Nhà văn Việt Nam và gia đình tín nhiệm giao cho làm Toàn tập Phạm Tiến Duật vừa hoàn thành, ông cho biết: Có nhà thơ gọi anh Duật là Người lĩnh xướng của dàn thơ chống Mỹ (Vương Trọng). Nhiều người viết: Đường Trường Sơn - Đường thơ Phạm Tiến Duật (Thiếu Mai, Trần Mạnh Hảo, Trần Đăng Suyền…). Có người bảo, anh là một Danh nhân Trường Sơn, bên cạnh các danh nhân - anh hùng khác của Trường Sơn. Có những chuyện về anh, về thơ anh đã trở thành huyền thoại: Một đơn vị nhỏ bị vây lấn trên đồi, chịu bao nhiêu ác liệt và thiếu thốn, khi được vô tuyến cấp trên hỏi, các anh cần gì nữa để giữ chốt, họ đã trả lời: “Chúng tôi chỉ cần thêm thơ Phạm Tiến Duật!”. Và đồng đội bên ngoài đã nhồi thơ Phạm Tiến Duật vào đạn cối để bắn lên chốt cho họ!


         Có những người vào Trường Sơn công tác, giữa bốn bề thiếu thốn, nhưng chỉ vì biết anh Duật và nhớ được mấy câu thơ, mấy bài thơ của anh mà lập tức trở thành khách quý, thành người nhà của bộ đội, của thanh niên xung phong Trường Sơn và được chăm sóc, nuôi nấng đặc biệt!


         Hầu như không một cán bộ, chiến sĩ quân đội hay một người thanh niên xung phong nào không thuộc ít dòng thơ, ít bài thơ của Phạm Tiến Duật. Rất nhiều người làm thơ thời ấy đã làm thơ theo “kiểu Phạm Tiến Duật” và chỉ những người có bản lĩnh thơ cao, sau này mới “thoát” ra được!


         Rồi từ “tâm chấn” Trường Sơn, những Lửa đèn, Gửi em cô thanh niên xung phong, Nhớ, Tiếng bom ở Seng Phan, Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Trường Sơn đông – Trường Sơn tây, Nghe hò đêm bốc vác, Qua cầu Tùng Cốc, Nghe em hát trong rừng, Tiếng cười của đồng chí coi kho, Đèo Ngang, Ngãng thân yêu, Vầng trăng và những quầng lửa, Những mảnh tàn lá, Người ơi người ở, Đi giữa vùng giải phóng Lào, Theo bước chân của trẻ em Lào, Rừng tre và tiếng kẹt cửa, Nhớ lại những trận gió di dân v.v… đã làm nên làn “sóng chấn động” thứ nhất trong lòng người đọc.


         Những Áo của hôm nào người của hôm nay, Nhớ đồng ca hát đồng ca, Chuyện tình, những trích đoạn bài thơ dài Những vùng rừng không dân v.v… lại là làn “sóng chấn động” thứ hai.


         Những Luật chơi, Cây tháp nước bỏ hoang, Chợ lao động ở Giảng Võ, Tôi mơ một con đường cao tốc, Tiễn các cháu đánh giầy về quê ăn Tết, Có mùa xuân cho tất thảy không,… và đặc biệt, trường ca Tiếng bom và tiếng chuông chùa, lại là làn “sóng chấn động” thứ ba của anh.


         Có thể khẳng định, trong làn sóng thứ ba của anh, lòng người thơ Trường Sơn, tình người thơ Trường Sơn, trí người thơ Trường Sơn luôn bùng dậy, xuyên suốt những bối rối, ân hận, đau đớn, cay đắng, thương cảm, xót xa như “đoạn trường”, như ai cắt cứa thân thể và trái tim mình vậy: Nhưng tại sao, tại sao họ lại đi tu?- Những đồng đội của anh, của tôi tại sao lại thế?- Chẳng lẽ trong trái tim chúng ta, chẳng lẽ- Không còn chỗ nào cho đồng đội nữa hay sao… - Sư thầy tụng kinh từ đầu đêm- Sao quá nửa đêm rồi vẫn chưa đi ngủ- Sao sư thầy không gõ mõ- Lại vừa tụng kinh vừa gõ đầu mình- Có thể nào những day dứt thời bình- Cũng làm cho vết thương ngày xưa tái phát?


         Viết hàng ngàn dòng một cách tư biện, sao bằng dùng ngòi bút mà xướng lên từng niềm vui trên gương mặt và trong tâm hồn đồng đội, đồng bào, đồng chí một cách trong cuộc, trực tiếp, trực diện như thế? sao bằng dùng ngòi bút để chìm xuống, thâm tím cả đi, để đớn đau cùng số phận đồng đội, đồng bào, đồng chí một cách trong cuộc, trực tiếp, trực diện từ “hiện thực gốc”, như thế?


         Đó cũng là bản lĩnh và tài năng của con chim lửa Trường Sơn huyền thoại trong thời bình. Anh không chỉ là gương soi của tuổi trẻ Trường Sơn, tuổi trẻ chống Mỹ, mà càng đọc anh càng rõ, còn là lương tâm và tình bạn, tình yêu của những người viết trong thời đại mình.


         Gặp “Người làm ra cổ tích”


         Trả lời các một số câu hỏi của chúng tôi, họa sĩ, nhà thơ Trần Nhương cho biết: Hồi chiến tranh ở quân binh chủng nào cũng hình thành một đội ngũ tác giả trẻ. Thí dụ như quân chủng Phòng không - Không quân có Lưu Quang Vũ, Đỗ Chu, Nguyễn Khắc Trường, Nguyễn Trí Huân, Dương Duy Ngữ, Nguyễn Đình Ảnh… Ở Trường Sơn cũng vậy. Rất nhiều tân binh có học vào Trường Sơn và chính họ đã thấm đẫm trong thực tế chiến đấu mà viết văn. Đội ngũ từ Trường Sơn sinh ra có Phạm Tiến Duật, Lê Lựu, Lê Minh Khuê, Khuất Quang Thụy, Phạm Hoa, Nguyễn Duy, Trần Nhương, Nguyễn Thụy Kha, Quang Chuyền, Trọng Khoát (văn chương), Hoàng Đình Tài, Đức Dụ, Bùi Quang Ánh… (họa sĩ), Hoàng Kim Đáng, Vương Hồng… (nhiếp ảnh). Một số lớn tác giả vào Trương Sơn và đã cho ra đời nhiều tác phẩm như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Thị Như Trang, Nguyễn Khải, Nguyễn Đình Thi, Xuân Sách, Phạm Ngọc Cảnh, Ngô Văn Phú… các nhạc sĩ Huy Du, Huy Thục, Vũ Trọng Hối, Trọng Loan, Tân Huyền, Hoàng Hiệp, Trần Chung, Nguyên Nhung… Nhiều tác phẩm về Trường Sơn đến bây giờ vẫn được người đọc yêu mến. Có thể nói chính họ đã làm nên diện mạo văn chương chống Mỹ.


          Đường Trường Sơn không chỉ của những người chiến sĩ Trường Sơn, đó là con đường giải phóng dân tộc, của tất cả mọi người nên được các văn nghệ sĩ sáng tác khá nhiều. Ai vào chiến trường mà không qua Trường Sơn. Con đường đi có khi đến hai, ba tháng đã là một cuộc thử thách, một thực tế sinh động và gian nan. Nhiều tác phẩm như Dấu chân người lính, Đường trong mây, Mở rừng, Khoảng sáng trong rừng, Vầng trăng quầng lửa, Mảnh trăng cuối rừng, Cao điểm mùa hạ… là một phần diện mạo của văn chương Việt Nam hiện đại. Văn học về chiến tranh, về người lính là nét riêng của văn chương Việt Nam. Tôi tin rằng mảng đề tài này các thế hệ cầm bút sẽ còn viết tiếp. Biết đâu những người không tham gia chiến tranh lại viết về chiến tranh, về Trường Sơn hay hơn.


         Trong chiến tranh và thời gian sau tôi vẫn viết về Trường Sơn. Năm 2008, tôi xuất bản trường ca Người làm ra cổ tích viết về Trường Sơn. Nhưng phải thú thật rằng trong thời buổi kinh tế thị trường thì khó lòng ngồi viết về chiến tranh mãi. Việc này tôi nghĩ cần có chính sách đầu tư hợp lý. Vừa qua, Bộ Quốc phòng có chương trình Đầu tư sáng tác văn học về đề tài người lính và chiến tranh cách mạng là một việc làm rất cần thiết và động viên kịp thời người cầm bút. Tôi viết được trường ca ấy chính cũng nhờ sự giúp đỡ quý báu của chương trình.


         Chúng tôi vừa trở lại Trường Sơn nhưng chưa đi được nhiều. Chuyến đi như một động tác đánh thức những cảm xúc về thời chiến tranh, về con đường huyền thoại. Chúng tôi ai cũng có những ấp ủ sáng tác về Trường Sơn đợt này. Theo thông lệ, mỗi khi đến dịp kỷ niệm, lễ trọng các cơ quan chức năng thường tổ chức đi thực tế. Kiểu làm này cũng mang tính thời vụ. Cần có một kế hoạch lâu dài và tập trung cho một số văn nghệ sĩ có nhu cầu tập trung sáng tác về Trường Sơn.


         Tôi ước ao những người lính, thanh niên xung phong, những người nhiễm chất độc màu da cam đang chịu rất nhiều thiệt thòi được xã hội chăm sóc họ tốt hơn. Nhiều người chưa được hưởng một quyền lợi gì. Trên con đường Trường Sơn bây giờ đã mở rộng to đẹp mất dần dấu tích Trường Sơn năm xưa. Phải chăng ta nên xây dựng một số tượng đài, bia kỷ niệm phục dựng lại hình ảnh đường ống xăng dầu từng chạy suốt từ Lạng Sơn đến Bù Gia Mập (Tây Ninh) là một kỳ tích mà bây giờ gần như không còn dấu vết gì. Hãy bảo tồn những giá trị của Trường Sơn. Nếu có một dự án nào đó đầu tư, mua lại những tác phẩm về Trường Sơn, thì chúng ta sẽ có một “ngân hàng” các tác phẩm về chiến tranh, về Trường Sơn. Còn nếu cứ manh mún, cứ thả nổi thì càng ngày càng khó có tác phẩm lớn. Những người qua chiến tranh dần dần vắng bóng và họ mang sang những trăn trở sang thế giới bên kia. Hãy dành sự ưu ái cho việc khai thác vỉa quặng lớn này./.

 

 

 

Trạm 15 giao liên Trường Sơn, tranh sơn dầu của ĐỨC DỤ

tin tức liên quan