Chuyến thị sát đặc biệt.

Ngày đăng: 06:15 13/04/2017 Lượt xem: 675

Chuyến thị sát đặc biệt.

   Tháng 3/1975, Bộ Tư lệnh Trường Sơn được Bộ Tổng Tham mưu giao nhiệm vụ tham gia chiến dịch Tây Nguyên, nhiệm vụ cụ thể là làm đường chiến dịch, đảm bảo cung ứng khí tài, đạn dược, lương thực, thuốc quân y, xăng dầu…và trực tiếp tham gia chiến dịch.

   Tôi, khi đó là Trưởng ban Hữu tuyến điện (HTĐ) tải ba của phòng Thông tin Bộ Tư lệnh Trường Sơn, có may mắn được cử đi tiền phương làm tham mưu chỉ đạo, tổ chức đảm bảo mạng thông tin tải ba phục vụ chiến dịch.

   Ngày 25/1/1975 trước tết nguyên đán Ất Mão ít ngày, chúng tôi xuất phát từ “Đoàn bộ” gồm 01 xe chở người và 5 xe chở 25 tấn hàng theo tuyến Tây Trường Sơn vào Tây Nguyên.

   Mùng 02 tết, các lực lượng thông tin tham gia chiến dịch đồng loạt ra quân, từng đơn vị, ai nấy đều dồn hết lực lượng, phương tiện triển khai tích cực theo kế hoạch đã đề ra.

   Cuối tháng 3/1975 mạng thông tin liên lạc phục vụ chỉ huy tiền phương đã được triển khai hoàn tất. Riêng mạng HTĐ tải ba được kết nối liên hoàn từ Bộ Tổng hành dinh ở Hà Nội qua Quảng Bình vượt Trường Sơn bằng 2 tuyến phía Tây và phía Đông, hợp điểm ở ngã ba biên giới, kéo dài xuống phía Nam nối vào Sở chỉ huy Tiền phương của Bộ và SCH chiến dịch Tây Nguyên có chiều dài tổng cộng 3.000km.

   Để đảm bảo bí mật trước khi nổ sung, Bộ chỉ huy chiến dịch đã thông qua mạng HTĐ tải ba chỉ đạo và chỉ huy các lực lượng tham gia chuẩn bị cho chiến dịch hàng ngày, đặc biệt là chỉ huy tạo các đòn nghi binh lừa địch trên địa bàn Tây Nguyên của Sư đoàn 968 Trường Sơn.

   Ngày 10/3/1975 quân ta nổ sung tấn công Buôn Ma Thuột.

   Ngày 13/3/1975 ta làm chủ hoàn toàn thị xã. Bị thất thủ ở Buôn Ma Thuột, Tổng thống Nguyễn văn Thiệu tìm mọi cách đưa quân lên ứng cứu, chi viện hòng giành lại quyền kiểm soát, nhưng mọi cố gắng của địch đều bị vô hiệu. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh rút toàn bộ Quân đoàn 2 chủ lực theo đường số 7 về Tuy Hòa để bảo vệ vùng ven biển..

   Đại tường Văn Tiến Dũng từ Bộ Tư lệnh tiền phương điện thoại cho Nguyễn Lang (Tư lệnh Tiền phương của Trường Sơn , Phó Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên phụ trách hậu cần) : Lệnh cho sư đoàn ô tô 471 nhanh chóng dùng ô tô cơ động Sư đoàn 320 tiếp cận Đường 7 chặn đánh tiêu diệt toàn bộ quân địch đang rút chạy.

   Địch hành quân bằng cơ giới vừa đến khu vực Cheo Reo-Phú Bổn, bị quân ta phục kích chờ sẵn chặn đánh quyết liệt, không có một xe nào của địch chạy thoát, một số lính ngụy thoát chết, lẩn vào rừng vẫn bj quân ta truy đuổi để bắt sống hoặc tiêu diệt gần hết.

   Sáng ngày 18/3/1975 tôi cùng phân đội trực chiến, nhận được lệnh của Phó Tư lệnh Nguyễn Lang do thông tin tiền phương truyền trực tiếp: “Đồng chí Trần Hữu Đạo tổ chức một tổ công tác biệt phái có điện đài đi cùng xuống ngay thị xã Phú Bổn vừa giải phóng thị sát thực tế báo cáo về Bộ TL Tiền phương”

   Nhận được điện, tôi hỏi thêm anh Hiên (phụ trách thông tin ở Sở chỉ huy tiền phương) để rõ những việc phải làm. Anh cho hay: Thủ trưởng cần biết chính xác hơn tình hình ở Phú Bổn để xử lý, anh đi ngay kẻo muộn.

 

Thị xã Phú Bổn 3/1975 (ảnh minh họa)

    Chúng tôi dùng xe Zin 3 cầu trực chiến, có 2 lái xe, tổ điện đài 15W và 3 chiến sĩ đi cùng xuất phát ngay.

   Xe lao nhanh trên đường 14, đến ngã ba Chư Xê rồi rẽ vào đường 7. Cách thị xã khoảng 3 km gặp một đồn địch vừa bị quân ta tiêu diệt ngày hôm trước, trên sân và các bãi trống xung quang ngổn ngang quân trang, quân dụng của địch bỏ lại. Bên lề đường 2 xe tải bị đổ, một chiếc bị lật ngửa bốn bánh lên trời, một chiếc lật nghiêng, máu người thấm trên đường còn hiện rõ vết. Tôi cho dừng xe quan sát sự việc. Nhìn bên cạnh xe đổ thấy đường bị bung lên thành hố, chúng tôi đoán chắc là xe bị mìn chống tăng của địch. Chúng tôi thận trọng vượt qua, chần chừ rất nguy hiểm. Tôi yêu cầu mọi người rời khỏi xe một khoảng an toàn, chỉ còn Quýnh lái xe và tôi làm nhiệm vụ “xi nhan” cho xe đi đúng vết xe đi trước. Hết đoạn đường nguy hiểm anh em lại lên xe đi tiếp.

   Vào đến đầu thị xã, chúng tôi gặp tổ cảnh giới quân Giải phóng mũ tai bèo, đeo băng đỏ- xanh, tay lăm lăm sung AK chặn xe lại. Tôi xuống xe trình giấy tờ, xem xong anh ta chỉ đường vào Ban Quân quản thị xã và nhắc cần cảnh giác đề phòng tàn quân địch còn ẩn nấp chống trả.

   Để nắm được tình hình đầy đủ, tôi cùng 2 chiến sĩ sẵn trong tay sung đạn đã lên nòng đi bộ lách qua các đám xe và những xác địch để đến ngôi nhà có treo cờ Giải phóng. Tôi xuất trình giấy tờ và nói rõ nhiệm vụ được Phó Tư lệnh Nguyễn Lang giao. Cac đồng chí trong  Ban Quân quản Huyện đội 37, tỉnh Đăk Lak cho biêt: Quân chủ lực của Sư đoàn 320 đang truy kích bọn địch, lực lượng Quân quản quá mỏng chưa thể giải quyết thu dọn chiến trường. Ban Quân quản cử 2 người đưa chúng tôi đi thị sát thị xã.

   Trên đường, chúng tôi được chứng kiến một cảnh tượng chiến trường mà chúng tôi chưa một ai đã thấy. Lộ chính của thị xã dài khoảng 2 km và đoạn nhánh rẽ sang cầu Yanu qua sông Ba (thượng nguồn song Đà Rằng) đã bị phá gục nhịp giữa sông, có đến nghìn xe cơ giới đủ loại bị quân ta chặn đánh, phá hủy.

   Bên mố cầu có 5 chiếc xe tăng, cái ngập nước, cái bung xích chết đứng, trên đường, các bãi ruộng, bờ suối có đủ các loại xe: thiết giáp, ZMC, đốt, Zép, xe ca chở khách, xe du lịch hạng sang, xe lam… hỗn độn, chen chúc vào nhau như nêm. Cái bị bắn cháy, bắn hỏng, có xe còn nguyên vẹn, có thể nổ máy chạy được ngay.

   Cùng với đủ loại xe còn có đến vài trăm xác lính ngụy gục chết hai bên đường và trên các triền ruộng, bờ suối, dưới gầm xe, trên thùng xe và cả trên ca bin đang trong tư thế cầm lái. Cạnh xe cộ và xác chết còn có vô số vũ khí, đạn dược, quân tư trang của địch.

   Tôi về tôi viết điện báo cáo Bộ Tư lệnh Tiền phương tình hình tôi trực tiếp quan sát được. Rất mừng, ngày hôm sau có điện  của Phó TL Nguyễn Lang: “Bộ Tư lệnh chiến dịch sẽ tổ chức ngay việc thu dọn chiến trường và ổn định đời sống của dân cư” .

   Sau 4 ngày quan sát nắm tình hình việc giải quyết hậu chiến, tôi được lệnh rút quân.

   Về đến Buôn Ma Thuột vừa giải phóng, trên mình còn nguyên quân phục lấm lem sau những ngày thị sát, tôi tìm đến chào Phó Tư lệnh. Ông nắm chặt tay tôi và nói rất cảm động: “Nhờ cậu có thông tin đầy đủ, Bộ TL chiến dịch đã xử lý nhanh được mọi việc ở Phú Bổn”

   “Chuyến thị sát đặc biệt” đối với tôi không bao giờ quên, nhất là mỗi khi vào dịp kỷ niệm ngày toàn thắng 30/4 lịch sử.

 

Ngày 20/11/2014

Đại tá Trần Hữu Đạo

Nguyên Trưởng ban HTĐ tải ba,

Phòng Thông tin-Bộ TL Trường Sơn.

 

tin tức liên quan