TÓM TẮT TIỂU SỬ VÀ THÀNH TÍCH CỦA ANH HÙNG LLVTND
ĐẠI TÁ LÊ XY, NGUYÊN CHÍNH ỦY BỘ TƯ LỆNH TRƯỜNG SƠN
Lời Ban biên tập: Vừa qua, Chủ tịch Nước đã Quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Cố Thiếu tướng Võ Bẩm, nguyên Đoàn trưởng Đoàn 559, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh 559 và Cố Đại tá Lê Xy, nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Ngày 19/5/2017, Bộ Tư lệnh Binh đoàn 12 sẽ tổ chức trọng thể Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND cho 2 đồng chí nguyên lãnh đạo Đoàn 559 - Bộ Tư lệnh Trường Sơn.
Ban Biên tập trân trọng giới thiệu tiểu sử và thành tích tóm tắt của 2 đồng chí với các hội viên và bạn đọc cả nước.
Đồng chí Lê Xy, sinh: 1924; Từ trần ngày 19 tháng 5 năm 2004 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Cấp bậc: Đại tá; Chức vụ: Nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn.
Nguyên quán: Xã Hậu Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.
Ngày tham gia cách mạng: tháng 1 năm 1945.
Ngày nhập ngũ: 15 tháng 5 năm 1952.
Ngày vào Đảng CSVN: 6/1946; Chính thức 8/1946.
Thời gian tham gia chiến trường ( B,C, K ): Từ 5/1965 đến 30/4/1975.
QUÁ TRÌNH HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG
Từ 1/1945 đến 3/1945: Cán bộ Việt Minh Thị xã Hà Tĩnh;
Từ 1945 đến 1948: Cán bộ – Công nhân Cứu quốc tỉnh Hà Tĩnh;
Từ 1949 đến 1950: Thư ký Công đoàn – Liên hiệp Công đoàn Hà tĩnh;
Từ 1949 đến 1952; Ủy viên Tỉnh ủy Hà Tĩnh;
Năm 1952 chuyển sang Quân đội, làm Phó Phòng Cục Quân trang Tổng cục Hậu cần;
Từ tháng 7 năm 1953 đến tháng 6 năm 1955: Trưởng Phòng Quân trang, Cục Quân nhu;
Tháng 7 năm 1955: Trưởng Phòng sản xuất trang dụng, Tổng cục Hậu cần;
Từ tháng 10 năm 1957 đến năm 1958 Thiếu tá – Trưởng Phòng cán bộ, Tổng cục Hậu cần;
Từ năm 1960 đến 1965: Trung tá, Trưởng Phòng Cán bộ, Tổng cục Hậu cần;
Từ 5/1965 đến 1966: Trung tá, Chính ủy Cục Hậu cần – Bộ Tư lệnh 559, chiến đấu ở chiến trường B, C (Khăm muộn, Xavanakhẹt );
Từ 1966 đến 1967: Trung tá, Chính ủy Binh trạm 6 - Bộ Tư lệnh 559, chiến đấu ở chiến trường Nam Lào - Bắc Tây nguyên (A Tô Pơ, Tà Ven ọc và Kon Tum);
Từ 1968 đến 1970: Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh 559, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Bộ Tư lệnh 559; năm 1969 được phong quân hàm Thượng tá; chiến đấu ở chiến trường B, C, K;
Từ 1970 đến 1973: Đại tá, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn, kiêm Chủ nhiệm chính trị, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn; chiến đấu ở chiến trường B, C, K;
Từ 1974 đến 30/4/1975: Đại tá, Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Bộ Tư lệnh trường Sơn; chiến đấu ở chiến trường B, C, K;
Từ 1976 đến 1979: Đại tá, Phó Chủ nhiệm Tổng Cục Xây dựng kinh tế, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Tổng Cục, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Quân sự Trung ương; từ tháng 5 năm 1978 là Phó Bí thư Đảng ủy Tổng cục;
Từ 8/1979 đến 1980: Đại tá, Phó Chủ nhiệm Tỏng cục Hậu cần Quân đội Nhân dân Việt Nam;
Từ năm 1980 đến 2004 được Đảng, Nhà Nước và Quân đội cho nghỉ để chữa bệnh;
Ngày 19 tháng 5 năm 2004, do lâm bệnh hiểm nghèo, mặc dù được các Giáo sư, Bác sĩ, nhân viên các Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện 354, đơn vị và gia đình tận tình chăm sóc, cứu chữa, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng kéo dài đồng chí đã vĩnh biệt chúng ta hồi 01giờ 00 phút ngày 19/5/2004 hưởng thọ 80 tuổi, được Bộ Quốc phòng, Tổng cục Hậu cần QĐNDVN tổ chức lễ tang theo nghi thức trọng thể của Quân đội.
NHỮNG THÀNH TÍCH XUẤT SẮC NỔI BẬT TRONG QUÁ TRÌNH CÔNG TÁC
Đồng chí Lê Xy sinh ra và lớn lên từ một gia đình nông dân lao động, trong bối cảnh nước mất, nhà tan, chứng kiến bao nỗi khổ nhục của đồng bào ta dưới gót dày của giặc ngoại xâm, với lòng căm thù giặc sâu sắc, ý thức được nỗi đau của người dân mất nước, đã nung nấu trong trái tim đồng chí bầu nhiệt huyết cách mạng. Với tình cảm đó, tháng 1 năm 1945 đồng chí đã tham gia cán bộ Việt Minh tại Thị xã Hà tĩnh; tháng 8 năm 1945 đồng chí đã tham gia Công đoàn công nhân Cứu quốc và là một trong những người được cấp trên ủy nhiệm đứng ra tổ chức Hội công nhân Cứu quốc Thị xã Hà Tĩnh; đồng chí đã cùng đoàn thể hăng hái tham gia cuộc Tổng khơởi nghĩa tháng 8 năm 1945, góp phần cùng cả dân tộc lật đổ ách đô hộ của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngay sau ngày Cách mạng tháng 8 thành công đồng chí được cử làm Bí thư Công đoàn Thị xã Hà Tĩnh. Đến tháng 2 năm 1946 đồng chí được cử giữ chức Phó Bí thư Việt Minh Thị xã Hà Tĩnh, tích cực tham gia vào chương trình “Diệt giặc dốt”, “Diệt giặc đói” của Chính phủ, hoạt động quên mình nhằm góp phần củng cố chính quyền nhân dân non trẻ ở địa phương. Chính vì thế tháng 6 năm 1946 đồng chí đã vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng Sản Việt Nam ).
Hành trình trong suốt các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm cùng với cả dân tộc, đồng chí đã rèn luyện, cống hiến, tiến bộ và trưởng thành không ngừng:
Từ tháng 1 năm 1947 đến tháng 12 năm 1950 đồng chí được tín nhiệm bầu làm Ủy viên Ban chấp hành, rồi Bí thư Ban chấp hành Liên hiệp công đoàn tỉnh Hà Tĩnh; Đồng chí luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Từ tháng 1 năm 1951 đến tháng 4 năm 1952 đồng chí là Ủy viên Ủy ban Hành chính Kháng chiến tỉnh Hà Tĩnh; Đồng chí luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, được cán bộ và nhân dân địa phương tin tưởng, yêu mến, giúp đỡ.
Tháng 5 năm 1952, trước yêu cầu xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang, đồng chí đã nhập ngũ vào Quân đội quốc gia Việt Nam (nay là Quân đội nhân dân Việt Nam) công tác tại Phòng Công xưởng và Phòng Chính trị Cục Quân nhu Tổng cục cung cấp; Đồng chí luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, được các đồng chí, đồng đội và cấp trên tin yêu, khen ngợi.
Từ tháng 7 năm 1953 đến tháng 6 năm 1955 đồng chí giữ chức Trưởng phòng Quân trang, Cục Quân nhu; Đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Tháng 7 năm 1955 đồng chí được điều giữ chức Trưởng phòng sản xuất trang dụng, Tổng cục Hậu cần; Đồng chí luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, được cấp trên, đồng chí, đồng đội khen ngợi, học tập và noi theo.
Từ tháng 10 năm 1957 đến tháng 3 năm 1965 đồng chí được bổ nhiệm giữ chức vụ: Trưởng phòng Cán bộ - Tổng cục Hậu cần, được phong quân hàm Thiếu tá, rồi Trung tá. Trong suốt 8 năm đảm nhiệm chức vụ Trưởng phòng Cán bộ – Tổng cục Hậu cần, đồng chí luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, được Đảng, Nhà nước và Quân đội tin yêu, khen thưởng.
Từ tháng 5 năm 1965 đến 1966 đồng chí được điều động đi chiến trường, bổ nhiệm giữ chức vụ Chính ủy Cục Hậu cần – Bộ Tư lệnh 559, tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam Việt Nam và nước bạn Lào tại tỉnh Khăm muộn, Xavana khẹt, đồng chí đã lãnh đạo đơn vị hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Từ năm 1966 đến 1967, đồng chí được giao giữ chức vụ Chính ủy Binh trạm 6 - Bộ Tư lệnh 559, chiến đấu ở chiến trường Nam Lào - Bắc Tây nguyên tại các tỉnh ATôPư, TàVenọc (Lào) và Kon Tum (Việt Nam). Trong suốt 2 năm giữ chức vụ Chính ủy Binh trạm 6, đồng chí đã lãnh đạo Binh trạm hoàn thành xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu, vận chuyển chiến lược cho chiến trường Bắc Tây Nguyên, Nam Lào, được cấp trên khen thưởng.
Từ năm 1968 đến 1970 đồng chí được Quân ủy Trung ương tín nhiệm, giao giữ chức vụ Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh 559, Ủy viên Thường vụ Đảng Ủy Bộ Tư lệnh 559; năm 1969 được phong quân hàm Thượng tá. Trong suốt những năm 1968-1970 tham gia chiến đấu ở 3 chiến trường B, C, K đồng chí đã cùng các đồng chí Lãnh đạo Bộ Tư lệnh 559 lãnh đạo Bộ đội Trường Sơn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện chiến lược sức người, sức của cho các hướng chiến trường trong chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân Mậu Thân 1968 và bảo vệ, mở rộng vùng giải phóng các tỉnh Đông bắc CămPuChia, Trung và Nam Lào. Bảo vệ vững chắc tuyến hành lang vận chuyển chiến lược từ hậu phương lớn miền Bắc cho cách mạng miền Nam và 3 nước Đông Dương.
Từ 1970 đến 30/4/ 1975 đồng chí được phong quân hàm Đại tá, được Quân ủy Trung ương giao chức vụ Phó Chính ủy, kiêm Chủ nhiệm chính trị, rồi Chính ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn; Ủy viên Thường vụ Đảng ủy, rồi Bí thư Đảng ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Trong suốt 5 năm đảm nhiệm cương vị mới đồng chí đã cùng tập thể lãnh đạo Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Trường Sơn lãnh đạo, chỉ huy tuyến vận tải chiến lược trên Đông và Tây trường Sơn hoàn thành xuất sắc vượt mức kế hoạch nhiệm vụ vận tải vũ khí, khí tài, quân, lương… cho chiến trường miền Nam đến ngày toàn thắng. Đặc biệt là công tác đảm bảo hậu cần chiến dịch cho các chiến dịch lớn như Đường 9 - Nam Lào năm 1971, Chiến dịch Quảng Trị năm 1972, Chiến dịch Trị - Thiên năm 1972, Chiến dịch Tây nguyên năm 1975, Chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng và Duyên hải miền Trung năm 1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh - Tổng tiến công giải phóng Sài Gòn và giải phóng hoàn toàn miền Nam tháng 4 năm 1975. Đồng chí cùng Bộ đội Trường Sơn và quân, dân cả nước đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước như lòng mong đợi của toàn Đảng, toàn dân và Bác Hồ kính yêu.
Sau khi đất nước được hoàn toàn độc lập, thống nhất, Quân đội chuyển sang xây dựng chính quy hiện đại, kết hợp xây dựng kinh tế với quốc phòng. Từ năm 1976 đến 1979 đồng chí được Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc Phòng giao giữ chức Phó Chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng kinh tế, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Tổng Cục, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Quân sự Trung ương, từ tháng 5 năm 1978 là Phó Bí thư Đảng ủy Tổng cục. Trong 3 năm đảm nhiệm chức vụ mới, nhiệm vụ mới tại Tổng cục Xây dựng Kinh tế – Bộ Quốc Phòng, đồng chí đã cùng tập thể lãnh đạo Đảng ủy Tổng cục và lãnh đạo Tổng cục chỉ huy, chỉ đạo, quản lý các đơn vị và lực lượng làm kinh tế toàn quân thi công các công trình dân dụng và công nghiệp, công trình giao thông vận tải, thủy lợi và quốc phòng, an ninh; trồng chè, cà phê, bông, đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản…Hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao trong 3 năm Tổng cục Xây dựng kinh tế trực thuộc Bộ Quốc phòng được thành lập. Đồng chí đã góp phần quan trọng xây dựng một nước Việt Nam vừa mới được hòa bình thống nhất, thành một nước Việt Nam XHCN hòa bình, giàu mạnh, hùng cường.
Là một cán bộ được tôi luyện thử thách từ những ngày Cách mạng tháng Tám, trưởng thành qua thực tiễn công tác, chiến đấu và phục vụ chiến đấu, với phẩm chất cách mạng trong sáng và tinh thần nỗ lực phấn đấu vươn lên không ngừng, luôn luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, chính vì vậy tháng 8 năm 1979 đồng chí được Ban Chấp hành Trung ương bổ nhiệm giữ chức Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần - Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trên cương vị mới đồng chí đã cùng lãnh đạo Tổng cục Hậu cần lãnh đạo, chỉ đạo ngành Hậu cần toàn quân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc Lập hạng Nhì.
Trong suốt quãng đời gần 35 năm phục vụ Cách mạng, phục vụ Quân đội. Ra đi từ những ngày Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 hào hùng và cuộc đấu tranh giành, giữ chính quyền đầy gian nan thử thách. Với tình yêu quê hương đất nước sâu sắc, với niềm tin mãnh liệt vào sự thắng lợi của sự nghiệp Cách mạng của Đảng, đồng chí đã cùng bao đồng đội đi suốt chiều dài của cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, vượt bao gian khổ hy sinh, giữ vững lời thề sắt son vì độc lập tự do cho Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Tình cảm cách mạng trong sáng đó đã tiếp sức mạnh cho đồng chí phấn đấu, trưởng thành với cương vị là một cán bộ cao cấp của Quân đội Nhân dân Việt Nam Anh hùng.
Trong quá trình phục vụ cách mạng, phục vụ Quân đội, dù ở cương vị là cán bộ lãnh đạo ở địa phương, hay là cán bộ trong Quân đội đi chỉ đạo trực tiếp ở chiến trường, bất kỳ ở cương vị công tác nào, đồng chí cũng đều phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình hăng hái, say mê, tận tụy với công việc; sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ huy, dũng cảm trong chiến đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Gần 30 năm công tác trong Quân đội đồng chí đã đóng góp nhiều công sức trí tuệ của mình vào sự trưởng thành và phát triển của Quân đội Nhân dân Việt Nam Anh hùng; Đồng chí đã lập nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thần thánh của dân tộc trên các chiến trường, góp phần cùng toàn quân và dân cả nước giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước, xây dựng một Nước Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa phồn vinh, hạnh phúc.
Là một cán bộ đức độ, tác phong mẫu mực, sống giản dị, đoàn kết, giàu lòng nhân ái, vị tha, đồng chí luôn được cán bộ, nhân dân, chiến sỹ, công nhân viên ở địa phương và đơn vị Quân đội mà đồng chí đã từng công tác quí mến, cảm phục, tin yêu, trân trọng; Đồng chí luôn là công dân mẫu mực, tấm gương sáng cho đồng chí, đồng đội học tập noi theo; Đồng chí luôn xứng đáng là Đảng viên Lão thành Trung kiên của Đảng Cộng sản Việt Nam Quang vinh; Cán bộ Quân đội Cao cấp, có nhiều cống hiến đặc biệt xuất sắc cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa. Bộ đội Trường Sơn trên tuyến đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh huyền thoại đã cùng Quân, Dân ba nước Đông Dương hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Bác Hồ và Quân đội giao cho; Lập nhiều chiến công xuất sắc, được Đảng và Nhà Nước trao tặng Danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân”. Trong chiến công và thành tích chung đó, có sự đóng góp đặc biệt quan trọng và to lớn của đồng chí Đại tá Lê Xy – Chính ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn.
Năm 1980 đồng chí được Đảng, Nhà Nước và Quân đội cho nghỉ để chữa bệnh. Trong những ngày tháng lâm bệnh, đồng chí vẫn luôn là tấm gương sáng, là chỗ dựa tinh thần cho người thân, cho con cháu của đồng chí rèn luyện, phấn đấu trưởng thành, là người công dân mẫu mực của đất nước.
Ngày 19 tháng 5 năm 2004, do lâm bệnh hiểm nghèo, mặc dù được các Giáo sư, Bác sĩ, nhân viên các bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bệnh viện 354, đơn vị và gia đình tận tình chăm sóc, cứu chữa, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng kéo dài đồng chí đã vĩnh biệt chúng ta hồi 01giờ 00 phút ngày 19/5/2004 hưởng thọ 80 tuổi, được Bộ Quốc phòng, Tổng cục Hậu cần QĐNDVN tổ chức lễ tang theo nghi thức trọng thể của Quân đội.
CÁC HÌNH THỨC ĐÃ ĐƯỢC KHEN THƯỞNG
Với những công lao, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng và sự nghiệp xây dựng Quân đội, đồng chí đã được Đảng và Nhà nước trao tặng những phần thưởng cao quí:
- Huân Chương Độc lập hạng Nhì;
- Huân Chương Quân Công hạng Nhất, hạng Nhì;
- Huân Chương Kháng chiến Chống Mỹ hạng Nhất;
- Huân Chương Kháng chiến hạng Nhì (Chống Pháp);
- Huân Chương Chiến Thắng hạng Ba;
- Huân Chương Giải Phóng hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba;
- Ba Huân Chương Chiến sỹ Vẻ Vang (hạng Nhất, Nhì, Ba);
- Huy Chương Quân Kỳ Quyết Thắng;
- Huy Hiệu 50 năm tuổi Đảng.
BTV Nguyễn Quốc Huy