Công tác đảm bảo hậu cần trong" Xuân 1968"

Ngày đăng: 11:11 14/11/2018 Lượt xem: 919
Bảo đảm công tác hậu cần trong
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968



Kết quả hình ảnh cho vận tải trên đường trường sơn
                       
                                                       Theo Báo NHân dân điện tử, ngày 05/02/2018,
 
           Thắng lợi của Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 có ý nghĩa lịch sử hết sức to lớn, để lại những bài học kinh nghiệm vô cùng quý giá, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Trong đó, có những bài học kinh nghiệm về bảo đảm hậu cần (BÐHC) trong một cuộc Tổng tiến công và nổi dậy quy mô lớn, đang được ngành hậu cần quân đội nghiên cứu, vận dụng, phát triển trong giai đoạn cách mạng mới.

Vượt thách thức trong chuẩn bị hậu cần chiến lược


          Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là chủ trương chiến lược của Ðảng, nhằm chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của quân và dân ta ở miền nam sang một thời kỳ mới. Ta thực hiện tổng công kích kết hợp nổi dậy của quần chúng nhân dân, trong đó xác định mục tiêu chính là các thành phố, thị xã lớn nhằm đánh thẳng vào sào huyệt, đầu não của địch.
           Ðể thực hiện quyết tâm chiến lược, công tác hậu cần phải bảo đảm khối lượng vật chất, vũ khí, trang bị kỹ thuật rất lớn cho nhiều lực lượng, trên không gian rộng, với nhiều hoạt động tác chiến, trong điều kiện khẩn trương, yêu cầu bí mật nghiêm ngặt. Trong khi đó, nơi cần BÐHC thì địch đang nắm quyền kiểm soát, xa tuyến hậu cần chiến lược của ta. Ðây là thách thức rất lớn đặt ra đối với công tác BÐHC.
          Quán triệt sâu sắc quyết tâm chiến lược, để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, ta đã chủ động đi trước một bước trong chuẩn bị hậu cần. Theo đó, công tác chuẩn bị hậu cần được Bộ Chính trị và Quân ủy T.Ư chỉ đạo thực hiện từ cuối năm 1967, toàn diện ở tất cả các cấp, với trọng tâm là: Ðẩy mạnh hoạt động của tuyến vận tải chiến lược, thực hiện tăng cường chi viện vật chất hậu cần, kỹ thuật cho chiến trường miền nam. Tổ chức củng cố, kiện toàn lực lượng hậu cần trên các hướng chiến trường, nhất là ở Ðông Nam Bộ, Khu 5, Trị - Thiên - Huế. Tiến hành mở rộng các căn cứ hậu cần, điều chỉnh thế hậu cần áp sát khu vực ven các thành phố, thị xã. Tập trung xây dựng các cơ sở hậu cần bí mật và từng bước đưa vũ khí vào “lót” trong các nội đô.
         Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Tổng cục Hậu cần đã huy động lực lượng tạo chân hàng cho Ðoàn 559 ở nam Khu 4 để chuyển vào các chiến trường. Ðến tháng 10-1967, lượng vật chất tập kết ở cửa khẩu Ðường 12 và Ðường 20 (Quảng Bình) đã lên tới hơn 14.000 tấn. Cùng với đó, ta tập trung xây dựng, phát triển tuyến giao thông vận tải chiến lược, bổ sung năm tiểu đoàn vận tải cơ giới, với 1.400 xe và một số đơn vị cao xạ, công binh, thông tin cho Ðoàn 559. Ðến cuối năm 1967, tuyến đường 559 đã kéo dài cung vận tải ô-tô vào đến Chà Vằn để chuyển hàng cho Khu 5 và vươn tới Nam Lào, nối thông với Tuyến C4 ở đông bắc Cam-pu-chia chi viện cho chiến trường Nam Bộ. Mùa khô 1967-1968, cán bộ, chiến sĩ Ðoàn 559 đã hoàn thành vận chuyển gần 61.000 tấn hàng, tạo lượng dự trữ lớn tiếp cận các hướng chiến trường và trên địa bàn trọng yếu.

Nâng cao khả năng bảo đảm hậu cần trên từng khu vực

           Cùng với hậu cần chiến lược, hậu cần các chiến trường cũng tập trung kiện toàn tổ chức lực lượng, đẩy mạnh xây dựng, củng cố căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần, tăng cường tạo nguồn dự trữ, nâng cao khả năng bảo đảm trên từng khu vực. Tại Ðông Nam Bộ, hậu cần Miền được tổ chức lại, hình thành hai tuyến: Tuyến trước trực tiếp bảo đảm chiến đấu, gồm năm đoàn hậu cần bố trí chung quanh Sài Gòn. Tuyến sau gồm bốn đoàn, vừa khai thác vật chất ở Cam-pu-chia, vừa tiếp nhận vật chất từ Ðoàn 559 ở Sê-rê-pốc chuyển cho các đoàn hậu cần đứng chân ở phía trước. Ðến trước ngày nổ súng, hậu cần Miền đã chuẩn bị được hơn 5.500 tấn vật chất quân nhu, gần 5.100 tấn vũ khí. Hậu cần các khu, phân khu và các tỉnh đều có phương án sẵn sàng huy động vật chất hậu cần tại chỗ phục vụ các lực lượng tác chiến trên địa bàn. Trên chiến trường Nam Bộ, Quân khu 8, Quân khu 9 mở rộng các căn cứ hậu cần ở Nước Trong, Ba Hồ, Châu Thành, Trà Ôn, Chợ Gạo, tạo thế liên hoàn. Các chiến trường Khu 5, Tây Nguyên, Trị - Thiên cũng điều chỉnh, mở rộng căn cứ hậu cần tới các tỉnh; tổ chức lực lượng tiếp nhận vật chất từ tuyến chiến lược, lập các kho dự trữ ở vùng giáp ranh, bảo đảm cho các hướng tiến công vào các thành phố, thị xã.
          Bên cạnh đó, bằng đường hợp pháp và bí mật, hậu cần các quân khu, chiến trường đã đưa lực lượng thâm nhập các thành phố, thị xã, phối hợp lực lượng tại chỗ để xây dựng cơ sở hậu cần bí mật. Ngoài việc khẩn trương chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, Tổng cục Hậu cần và hậu cần các cấp còn BÐHC cho Chiến dịch Ðường 9 - Khe Sanh, tạo thế cho các chiến trường Tổng tiến công và nổi dậy.
Với công tác chuẩn bị chu đáo và phối hợp chặt chẽ, nên khi Tổng tiến công và nổi dậy nổ ra, công tác hậu cần đã đáp ứng kịp thời nhu cầu cho các lực lượng tác chiến, nhất là về vũ khí, đạn, lương thực, thực phẩm, cũng như cứu chữa thương binh, bảo đảm cho các lực lượng bám trụ chiến đấu. Ngoài lực lượng hậu cần của các mặt trận, các đơn vị, công tác hậu cần trong Tổng tiến công và nổi dậy ghi nhận sự đóng góp quan trọng của hậu cần nhân dân. Các cơ sở hậu cần bí mật, hậu cần tại chỗ đã tham gia bảo đảm cho các lực lượng chiến đấu. Nhiều gia đình ở các địa phương đã tích cực tham gia vận chuyển vũ khí, đạn dược; tiếp tế, ủng hộ lương thực, thuốc men; che giấu, nuôi dưỡng, vận chuyển thương binh... góp phần quan trọng vào những thắng lợi của Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Phát huy giá trị trong thời kỳ mới

           Công tác hậu cần trước và trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 để lại nhiều bài học có giá trị, nhất là việc bám sát chủ trương chiến lược, đánh giá đúng thực tiễn chiến trường, chủ động chuẩn bị sớm, xây dựng, phát huy sức mạnh của “thế trận lòng dân”, thế trận chiến tranh nhân dân, hậu cần nhân dân. Kết hợp chặt chẽ hậu cần quân đội với hậu cần nhân dân, hình thành thế trận hậu cần tại chỗ vững chắc trên từng khu vực, hướng chiến trường, địa bàn tác chiến, nhất là địa bàn và mục tiêu trọng điểm trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
           Kế thừa, phát triển những bài học kinh nghiệm trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, Tổng cục Hậu cần và ngành hậu cần quân đội xác định, quán triệt sâu sắc đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, quan điểm hậu cần toàn dân của Ðảng và bám sát thực tiễn đất nước, yêu cầu, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng để từ đó có những chủ trương, giải pháp toàn diện xây dựng tiềm lực, thế trận hậu cần chiến tranh nhân dân. Chủ động chuẩn bị trước một bước về hậu cần đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
           Hiện nay, Tổng cục Hậu cần đang chỉ đạo hậu cần các đơn vị tích cực xây dựng tiềm lực, thế trận hậu cần tại chỗ. Thực hiện quy hoạch, xây dựng các căn cứ hậu cần chiến lược, chiến dịch, căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần khu vực phòng thủ, tạo thế trận hậu cần rộng khắp, liên hoàn, vững chắc. Tổ chức gắn kết chặt chẽ giữa BÐHC tại chỗ với BÐHC cơ động, hình thành các khu vực hậu cần hoàn chỉnh trên từng vùng, miền, hướng, địa bàn chiến lược. Chú trọng xây dựng hậu cần nhân dân rộng khắp làm cơ sở, hậu cần khu vực phòng thủ làm nền tảng, hậu cần quân đội ngày càng chính quy, hiện đại làm nòng cốt.
           Ðể nâng cao tiềm lực quân sự, quốc phòng nói chung, tiềm lực hậu cần nói riêng, ngành hậu cần, trước hết là các cơ quan chức năng của Tổng cục Hậu cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, tham mưu với Bộ Quốc phòng quy hoạch và triển khai xây dựng các căn cứ hậu cần chiến lược, chiến dịch, phù hợp thế bố trí chiến lược mới. Tham mưu cho các địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng tiềm lực, thế trận hậu cần khu vực phòng thủ. Tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư xây dựng căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần khu vực phòng thủ theo quy hoạch, lộ trình đã xác định. Mặt khác, nghiên cứu, đề xuất bổ sung, hoàn thiện cơ chế, quy chế xây dựng và hoạt động của hậu cần khu vực phòng thủ; cơ chế huy động nguồn lực tại chỗ cho nhiệm vụ quốc phòng, phù hợp điều kiện kinh tế thị trường.
            Ðặc biệt, cần triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp xây dựng ngành hậu cần quân đội vững mạnh toàn diện, đủ khả năng làm nòng cốt tiến hành công tác hậu cần, đáp ứng nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Ðẩy mạnh nghiên cứu, cải tiến, mua sắm trang bị, phương tiện hậu cần đồng bộ với vũ khí, trang bị kỹ thuật thế hệ mới, nhằm nâng cao khả năng cơ động, bảo đảm nếu có tình huống tác chiến xảy ra. Chú trọng xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các văn kiện hậu cần tác chiến, hậu cần trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; các kế hoạch, phương án BÐHC cho phòng tránh, đánh trả địch tiến công hỏa lực; tác chiến bảo vệ chủ quyền biển, đảo, biên giới, chống chia cắt chiến lược. Tăng cường huấn luyện hậu cần theo các phương án, tình huống tác chiến bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao. Phối hợp chặt chẽ các địa phương nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng hậu cần dự bị động viên và chủ động chuẩn bị chu đáo mọi mặt về hậu cần, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Làm tốt công tác tổng kết, nghiên cứu phát triển lý luận hậu cần, phù hợp sự phát triển của khoa học, công nghệ, nghệ thuật quân sự, trang bị của lực lượng vũ trang và tư duy mới của Ðảng về bảo vệ Tổ quốc; tạo cơ sở nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hậu cần, góp phần bảo đảm cho Quân đội hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

 
Thiếu tướng TRẦN DUY GIANG
Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng)
 

tin tức liên quan