TƯỚNG ĐỒNG SĨ NGUYÊN VỚI NHỮNG CÁI NHẤT CỦA CHIẾN TRƯỜNG TRƯỜNG SƠN
TƯỚNG ĐỒNG SĨ NGUYÊN VỚI NHỮNG CÁI NHẤT
CỦA CHIẾN TRƯỜNG TRƯỜNG SƠN
Phạm Thành Long
Đoàn 559 – Bộ đội Trường Sơn có 16 năm làm nhiệm vụ chi viện chiến lược cho cách mạng Miền Nam và cách mạng của ba nước Đông Dương thì Tướng Đồng Sĩ Nguyên có gần 10 năm cuối cùng làm Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn. Thời gian ấy, Tướng Đồng sĩ Nguyên đã để lại nhiều dấu ấn, góp phần làm cho Trường Sơn có nhiều cái nhất so với các chiến trường khác của quân đội ta.
Tôi đã nghiên cứu và bước đầu rút ra 18 cái nhất của Chiến trường Trường Sơn.
Từ ngày 29-7-1970, theo Quyết định của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng thì Trường Sơn chính thức trở thành một chiến trường.
Chiến trường Trường Sơn có rất nhiều CÁI NHẤT mà các chiến trường khác của quân đội ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước không thể có. Đó là:
-
Là một chiến trường rộng lớn nhất (Trải dài trên 11 tỉnh của Việt Nam, 7 tỉnh Trung – Nam Lào và 4 tỉnh Đông Bắc Campuchia).
-
Là chiến trường chiến đấu trong một thời gian dài nhất – 16 năm, từ tháng 5 năm 1959 đến hết tháng 4 năm 1975.
-
Là chiến trường mà bộ đội công binh phải mở nhiều con đường nhất: 5 trục dọc và 21 trục ngang với tổng chiều dài gần 20.000 km đường ô tô các loại, tạo nên một “trận đồ bát quái” xuyên Trường Sơn.
-
Là chiến trường duy nhất mà điện thoại được mắc tới tất cả các đơn vị cấp đại đội và tương đương, rất thuận tiện cho việc chỉ huy chiến đấu.
-
Là chiến trường bắn rơi nhiều máy bay nhất của đế quốc Mỹ và tay sai: 2454 máy bay các loại (bằng gần ½ tổng số máy bay bị bắn rơi trên Miền Bắc).
-
Là chiến trường có nhiều bài hát nhất và nhiều bài hát hay ca ngợi về Trường Sơn.
-
Là chiến trường có nhiều trường ca ca ngợi về Trường Sơn nhất.
-
Là chiến trường phải hứng chịu bom đạn nhiều nhất (chiếm ½ số bom đạn Mỹ thả xuống toàn bộ chiến trường Việt Nam – 4 triệu tấn).
-
Là chiến trường có số người bị nhiễm chất độc hóa học nhiều nhất.
-
Là chiến trường có lực lượng bộ đội nữ và nữ TNXP nhiều nhất.
-
Là chiến trường có nhiều lực lượng làm văn công, làm tuyên truyền xung kích nhất: Tất cả các binh trạm, các sư đoàn đều có “văn công”.
-
Là chiến trường có nhiều ô tô vận tải làm nhiệm vụ chiến đấu nhất. Thời điểm cao nhất là hơn 7.340 xe ô tô vận tải chiến đấu (chưa kể xe của các lực lượng binh chủng khác).
-
Là chiến trường có lực lượng hùng hậu nhất: 9 sư đoàn và tương đương cùng 21 trung đoàn binh chủng trực thuộc.
-
Là chiến trường có Bộ Tư lệnh đông nhất (thời điểm đông nhất có 13 người, gồm: Chính ủy, các Phó Chính ủy, Tư lệnh và các Phó Tư lệnh).
-
Là chiến trường có lực lượng quân y hùng hậu nhất: Tính đến năm 1972, hệ thống Quân y Trường Sơn gồm: 4 Bệnh viện, 30 Đội Điều trị, 90 Đội Phẫu thuật, 16 Bệnh xá. Quân số: 5.749 cán bộ quân y, trong đó có: 214 bác sĩ, 1.188 Y sĩ, 4.018 Y tá, 14 dược cao, 131 dược trung, 184 dược tá.
-
Là chiến trường có lực lượng cán bộ, chiến sĩ chuyên trách làm công tác dân vận lớn nhất (ở tất cả các Binh trạm, Sư đoàn, Trung đoàn. Từ năm 1967, mỗi bản của 18 huyện 7 tỉnh Trung - Nam Lào đều có một tổ dân vận nằm trực tiếp giúp Bạn tại cơ sở).
-
Là chiến trường duy nhất mà từ đồng chí Bí thư Thứ nhất, Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng vào thị sát, thăm và động viên bộ đội.
-
Là chiến trường duy nhất vinh dự được Thủ tướng – Bí thư Thứ nhất Đảng Cộng sản Cu Ba Phi – Đen – Catrô vào thăm.
…