(Tiếp theo kỳ trước )
II ĐƯỜNG Ô TÔ
Trước yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng, ngày 31/1/1961, Bộ chính trị ra nghị quyết về nhiệm vụ quân sự 5 năm (1961-1965) và phương hướng nhiệm vụ cho cách mạng miền Nam trong đó có nội dung "chú trọng mở rộng đường hành lang vận chuyển Bắc - Nam, cả đường bộ và đường biển.... nâng dần qui mô và khối lượng tiếp tế, vận chuyển phương tiện, vũ khí, cung cấp tài chính từ miền Bắc vào miền Nam". Từ đây đặt ra yêu cầu nhiệm vụ vận chuyển bằng cơ giới đối với đoàn 559.
Cuối tháng 6/1961 đường 129 được khai thông, là con đường nối từ Lằng Khằng trên đường 12 bên đất Lào xuống Kê Po phía tây Mường Phìn trên đường 9. Ô tô của ta đã vận chuyển từ Quảng Bình theo đường 12 sang Lằng Khằng, theo đường 129 xuống đường 9 rồi ngược về Bản Đông, mở ra hướng vận tải cơ giới rất quan trọng. Tiếp theo đường ô tô được mở ra kéo dài vào phía trong dọc theo Tây Trường Sơn. Tháng 9/1964 Trung đoàn Công binh 98 của bộ được điều vào bổ sung cho đoàn 559 để mở đường. Mạng đường liên tục phát triển cả đường dọc và đường ngang thành một mạng lưới dài, rộng thọc sâu toả ra khắp các chiến trường. Tổng số có 11 trung đoàn công binh của Bộ đã tăng cường cho Trường Sơn cùng với hàng vạn thanh niên xung phong, hàng vạn dân công hoả tuyến, hàng nghìn công nhân giao thông tập trung mở đường, đỉnh cao nhất là có 4 sư đoàn công binh mở đường Trường Sơn.
Lực lượng ô tô vận tải đã vào Trường Sơn từ tháng 6 năm 1961 để chở hàng. Tháng 10/1964 Trung đoàn ô tô vận tải 265 của Bộ được điều vào tăng cường cho đoàn 559. Lực lượng ô tô vận tải tiếp tục được tăng cường và phát triển gồm các tiểu đoàn nằm trong đội hình binh trạm, rồi các trung đoàn xe ô tô thuộc các sư đoàn khu vực và đỉnh cao là 2 sư đoàn ô tô vận tải.
Để tăng cường bảo về tuyến hành lang, tháng 11/1964 Bộ đã tăng cường 2 tiểu đoàn pháo phòng không cho Đoàn 559, lực lượng pháo phòng không tiếp tục phát triển bao gồm các tiểu đoàn trực thuộc các Binh trạm, các trung đoàn cơ động và phát triển lên đỉnh cao là Sư đoàn phòng không và một số trung đoàn độc lập trực thuộc Bộ tư lệnh .
CUỘC CHIẾN NGĂN CHẶN CỦA MỸ TRÊN ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN.
Thấy được vị trí của đường Trường Sơn, đế quốc Mỹ đã tập trung sức manh tối đa để tiến hành cuộc chiến ngăn chặn tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn
I. NGĂN CHẶN BẰNG KHÔNG QUÂN
Không lực Mỹ trong chiến tranh Việt Nam gồm có:
- Không quân thuộc Bộ tư lệnh không quân chiến lược, gồm nhiều đơn vị. Tham gia trực tiếp tại chiến trường Việt Nam là đơn vị không lực số 7, đây là đơn vị lớn nhất của không quân Mỹ với 1000 máy bay.
- Không quân của hạm đội 7 ở Thái Bình Dương với 19 tàu sân bay lần lượt tham chiến ở Việt Nam, mỗi tàu có 70-90 chiếc máy bay.
- Không lực 7-13 là đơn vị đặc nhiệm trực tiếp "phụ trách" tuyến đường Trường Sơn. Sở chỉ huy đặt ở Udon - Thái Lan với hàng trăm máy bay.
- Không lực 8 phụ trách lực lượng máy bay ném bom chiến lược B52, đặt ở căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam, lúc cao điểm có tới 200 máy bay B52 và 6 phi đoàn hỗ trợ.
CÁC LOẠI VŨ KHÍ MỸ SỬ DỤNG
1. Hệ thống trinh sát điện tử
- Hàng rào điện tử McNamara đã lập nên dọc theo giới tuyến quân sự Bắc - Nam gồm hệ thống dây thép gai dày đặc, sử dụng 20 triệu mìn sỏi, 25 triệu mìn bươm bướm, 10 nghì bom CBU - 26 B cùng nhiều loại mìn "thông mimh" và các "con rệp" cảm nhận từ trường, mùi người, mùi xăng, tiếng động, vật di chuyển; có các đồn bốt liên hoàn, các sân bay dã chiến có thể cất cánh sau 10 -15 phút từ khi nhận được tín hiệu. Mc Namara tuyên bố : một con chuột nhắt cũng không thể lọt qua hàng rào điện tử này.
- Hệ thống thám báo tự động: Là một hệ thống mang mật hiệu"Mái lều tròn tuyết trắng", một loại lều của thổ dân Esquimo miền Bắc Cực. Trung tâm lgloo White đặt tại Nakhon Phanom - Thái Lan. Với 2 máy tính khổng lồ IBM- 360-65, trung tâm quán xuyến toàn bộ những thiết bị điện tử đã rải xuống 40.000 km2 trên địa bàn Trường Sơn. Chúng kiểm soát từng vùng theo mã số, đánh hơi người, thu âm thanh theo các tần số, phát hiện những vật di động... xác định chính xác thời gian, địa điểm rồi thông báo tức thì cho các loại máy bay túc trực trên không thường xuyên được gọi là "diều hâu săn mồi" đến đánh phá. Chi phí cho toàn bộ hệ thống thám báo tự động này là 1,7 tỷ USD.
Các thiết bị điện tử thả xuống đại ngàn Trường Sơn gồm 100 loại khác nhau, người Mỹ mệnh danh là " thám tử dấu mặt", "những kẻ gác đường". Nó thả xuống khắp các nẻo đường, các cánh rừng, các con đường giao liên vv. Nó ngửi được mùi mồ hôi, mùi nước tiểu, các tiếng động và bức xạ nhiệt ...Tất cả mọi hoạt động của con người, xe, pháo đều bị chúng phát hiện báo về sở chỉ huy.
MỘT SỐ THIẾT BỊ ĐIỂN HÌNH
SPIKE BUOY: Cảm ứng âm thanh do máy bay thả xuống lẫn màu cây cỏ, lặng lẽ phát hiện mọi loại tiếng động báo về trung tâm.
ASIT : Còn gọi là cây nhiệt đới. Đây là một thiết bị trinh sát điện tử thu tiếng động. Hình dáng của nó tròn dài, đầu nhọn, dùng máy bay trinh sát RF4C bay thấp thả xuống các khu vực nghi có lực lượng của ta. Nó rơi cắm sâu xuống đất thò lên chiếc ănten có râu trông giống như cây rừng nhiệt đới. Nó thu tiếng động phát ra báo về sở chỉ huy phân tích là xe hay đoàn người hành quân hay nơi trú quân.
ACOU BUOY: Là loại máy cảm ứng có dù do máy bay thả xuống nhẹ nhàng bám trên cành cây, lẫn vào lá cây để thu tiếng động báo về trung tâm.
ACOUSID: Máy cảm ứng địa chấn và âm thanh, nó có thể truyền về trung tâm cả tiếng nói và âm thanh với tín hiệu nhỏ nhất.
Phương tiện hỗ trợ : Máy "chuyển tiếp" đặt trên máy bay không người lái QU - 22B bay rất cao, đi được vào vùng có hoả lực phòng không dày đặc, nhận tín hiệu từ mặt đất rồi chuyển tiếp về trung tâm. Sau đó Mỹ chế tạo thêm trạm chuyển tiếp tự động DART, "chương trình bảo trợ" mang teen Commando Bolt , tức là hệ thống điều phối toàn bộ hệ thống trinh sát điện tử để có thể tiến hành chỉ huy tự động bảo đảm cho không quân Mỹ tấn công chính xác các mục tiêu trong mọi hoàn cảnh thời tiết.
Sử dụng lính thám báo: Những nhóm biệt kích luồn lách hoặc nhảy dù tung vào các khu rừng rậm Trường Sơn. Chúng ẩn nấp kín đáo để quan sát phát hiện các đoàn hành quân, xe chạy trên đường, các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật, nghe trộm điện thoại liên lạc của ta báo về sở chỉ huy, phối kiểm với các thiết bị điện tử, không quân Mỹ sẽ tổ chức đánh phá.
Hệ thống đánh phá tự động có mật danh là Commando Hunt, gồm rất nhiều loại vũ khí mới, kéo dài suốt 3 năm, từ tháng 11/1968 đến tháng 3/1972. Chia làm 7 đợt, đánh số la mã từ I đến VII, mỗi đợt kéo dài 6 tháng. Tổng số 300 nghìn phi vụ, trong đó có 3100 phi vụ B52. Tổng số bom của cả 7 đợt là 643 nghìn tấn, trung bình mỗi ngày có 180 đến 400 phi vụ không kích và 22 đến 30 vụ oanh kích của B52 trên toàn dãy Trường Sơn.
2. Các loại máy bay
- Máy bay trinh sát OV10 là loại máy bay 2 thân nó bay cao và có thiết vị quan sát rất xa. Khi phát kiện mục tiêu nó báo ngay về sở chỉ huy và bắn cối khói xuống chỉ điểm mục tiêu cho máy bay phản lực đến đánh phá.
- Các loại máy bay phản lực hiện đại như F4H được mênh dạnh là "con ma", F105 mệnh danh là "thần sấm sét" cùng các loại máy bay của không quân - hải quân Mỹ .
- Máy bay AC-130 là máy bay vận tải quân sự được cải tiến lắp thiết bị nhìn đêm, có pháo tự động 40 ly và 20 ly 6 nòng, bay cao trên 6 km, thời gian bay tới 6 tiếng . AC-130 còn được mệnh danh là "diều hâu đêm".
- Máy bay B52 là loại máy bay chiến lược, tầm bay cao 16 km, tầm bay xa 10 nghìn km, có hệ thống gây nhiễu rất mạnh, có khả năng mang được 30 tấn bom, được mệnh danh là "pháo đài bay".
3. Các loại bom đạn : Tất cả các loại bom đạn hiện đại nhất đã được Mỹ sử dụng đánh phá đường Trường Sơn, liên tục được cải tiến và bổ sung loại mới. Điển hình có những loại như sau.
- Bom phá : có nhiều loại với sức công phá khác nhau để phá hoại công trình, cầu đường, kho tàng.
- Bom phát quang AVE PATH, có dù gắn ở đuôi, ruột bom chứa đầy khí đốt, nổ ở độ cao 5-8m nó quét sạch mọi thứ dưới hình chiếu hàng héc ta.
- Bom nổ chậm gây ra khó khăn, nguy hiểm.
- Bom từ trường, đây là loại bom gây khó khăn nguy hiểm nhất cho xe của ta, nó chui xuống đất nằm phục, khi xe đi qua từ trường kích hoạt gáy nổ bom.
- Bom laser, gọi là bom tinh khôn, có đầu dẫn bằng tia laser thường để đánh các trận địa pháo phòng không.
- Bom bi CBU- 24, mỗi quả bom mẹ chứa 400 đến 800 quả bom con, mỗi quả bom con có 100 viên bi con khi nổ bắn ra sát thương người.
- Bom bi nổ chậm . Từ năm 1971 Mỹ dùng máy bay B52 ném bom bi nổ chậm, vô cùng khó khăn nguy hiểm cho Bộ đội ta.
- Mìn vướng CBU -49 (còn gọi là bom vướng vì được thả từ máy bay xuống), khi rơi xuống nó lẫn vào lá cây, bung ra 8 cái dây giống như dây rừng, khi người đi qua vướng vào dây gây nổ mìn. Loại này rất nguy hiểm.
- Mìn lá, mìn bướm, mìn tai hồng khi dẫm vào nổ gây sát thương cho bàn chân.
Lực lượng không quân Mỹ đánh phá trên toàn chiến trường Đông Dương, nhưng từ năm 1968 khi bước vào hội nghị Pari, Mỹ buộc phải ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam, chúng đã tập trung lực lượng không quân đánh phá trên đường Trường Sơn vô cùng ác liệt với quyết tâm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam.
TRỰC TIẾP ĐÁNH PHÁ
Cuối năm1964 không quân Mỹ bắt đầu oanh tạc trên đường Trường Sơn . Ngày 18/11/1964 lực lượng pháo phòng không bảo vệ Bãi Dinh và Cha Lo đã bắn rơi máy bay Mỹ, trong trận chiến đấu ác liệt này đã xuất hiện tấm gương chiến đấu dũng cảm của Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân với lời hô "nhằm thẳng quân thì mà bắn".
Trong các năm 1964-1965 chúng tập trung đánh phá khu vực cửa khẩu trên đường 12, tạo thành các trọng điểm vô cùng ác liệt như Bãi Dinh, Cha Lo, Đèo Mụ Dạ, Cổng Trời, Khe Ve, Đồi 37, La Trọng, gây tắc đường và tổn thất rất lớn cho ta. Đã có cuộc họp bàn hay chuyển sang phương pháp gùi thồ cũ. Đại tướng - Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã kết luận tiếp tục tìm biện pháp khắc phục cho phương thức vận tải cơ giới kết hợp với các phương thức gùi thồ khác.
MỞ ĐƯỜNG 20 QUYẾT THẮNG
Để phá thế độc đạo, Bộ chính trị, Quân uỷ Trung ương chỉ đạo mở con đường vượt cửa khẩu thứ hai lấy tên là Đường 20 Quyết Thắng.
Đường 20 Quyết Thắng là một trục ngang dài trên 125 cây số, từ Phong Nha - Kẻ Bàng Đông Trường Sơn vượt biên giới Việt - Lào sang Tây Trường Sơn đến Lùm Bùm, có ý nghĩa hết sức quan trọng. Mở con đường này thể hiện ý chí và quyết tâm đánh Mỹ của quân và dân ta. Trên tuyến đường này 4 trung đoàn công binh, công nhân thuộc công trường 20 của Bộ giao thông vận tải, lực lượng thanh niên xung phong của các địa phương : Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá, Ninh Bình, Nam Hà, lực lượng địa phương và bộ binh, với 8000 người ngày đêm trần mình ra đào đất, đục xuyên núi đá, nhanh chóng đưa toàn tuyến vào sử dụng. Công sức của các lực lượng mở con đường này là vô tận, là dời non lấp biển, xứng đáng với danh hiệu "Chọc thủng Trường Sơn mở đường thắng lợi”. Từ tháng 12/1965 đến ngày 5 tháng 5 năm 1966 đường 20 Quyết thắng hoàn thành tạo ra thế trận vận chuyển mới.
Mỹ đã thả chất độc hoá học làm trơ trụi cây cối, phát hiện ra, Không quân Mỹ đã tập trung đánh phá trên đường này tạo thành tập đoàn trọng điểm ATP (A là cua chữ A, T là ngầm Ta Lê, P là đèo Phu Là Nhích). Nơi đây đã diễn ra sự đánh phá bằng bom đạn của không quân Mỹ ác liệt nhất trong lịch sử chiến tranh của nhân loại . Suốt ngày đêm không ngớt tiếng máy bay phản lực, pháo đài bay B52, đạn nổ, bom rung, đêm đêm không một giây nào ngớt ánh sáng pháo sáng. Mỗi ngày địch đánh 30 - 40 trận, có tuần lễ ném 50.000 quả bom xuống trọng điểm ATP và Trạ Ang. Riêng ngày 25/11/1968 địch đánh 52 trận có 51 lần chiếc B52 và 36 lần chiếc phản lực. Mỹ đã tập trung đánh phá tập đoàn trọng điểm ATP suốt 87 ngày đêm với 13 nghìn tấn bom đạn.
Các lực lượng Bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân giao thông đã kiên cường ngày đêm bám trụ trên con đường này để khắc phục hậu quả đánh phá của địch. Mặt đường trộn lẫn máu xương, nước mắt của những người chiến sĩ Trường Sơn.
Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy các lực lượng đối phó với sự đánh phá của địch bảo đảm chi viện cho chiến trường. Sau này, trong một lần vào làm việc với Bộ Tư lệnh Trường Sơn năm 1973, thăm đường 20 Quyết Thắng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã vô cùng thán phục, Đại tướng gọi Đường 20 - Quyết Thắng là một kỳ công - kỳ tích - kỳ quan.
Để đối phó với âm mưu đánh phá ngăn chặn của địch, ta đã huy động lực lượng mở thêm các trục dọc, trục ngang nâng lên tổng số 5 trục dọc 21 trục ngang với tổng số gần 20 nghìn ki lô mét, những chuyên gia quân sự của Hoa kỳ đã ví đường Trường Sơn như trận đồ bát quái.
THỦ ĐOẠN ĐÁNH PHÁ CỦA ĐỊCH
1. Tập trung đánh phá cầu đường:
Chúng chọn các khu vực địa hình phức tạp như đèo dốc độc đạo, bên núi cao bên vực sâu, các điểm vượt sông, tập trung đánh phá suốt ngày đêm kéo dài liên tục nhằm làm tắc đường để bên ta không khắc phục được.
Trên đường Trường Sơn suốt các trục dọc, trục ngang của mạng đường, địch tập trung đánh phá tạo thanh một hệ thống trọng điểm vô cùng ác liệt. Chúng tập trung đánh phá khu vực đường số 9.
Đường 9 chạy cắt ngang hai nước Việt Nam và Lào. Mọi con đường vào chiến trường đều phải chạy qua đường 9. Địch đã tập trung đánh phá tạo thành trọng điểm Văng Mu, Phú Kiều ở bắc đường 9; Thà Khống trên đường 9; Tha Mé và Thác Hài ở nam đường 9. Tất cả những trọng điểm này cũng vô cùng ác liệt.
Hàng loạt các trọng điểm trải trên khắp các trục đường khắp địa bàn đường Trường Sơn địch đều tập trung đánh phá ngăn chặn.
Chúng dùng các lọi bom mìn hỗn hợp đánh xuống các trọng điểm gây khó khăn vô cùng cho việc khắc phục.
2. Đánh xe trên đường:
Chúng tập trung đánh phá khi xe đi qua các trọng điểm, chủ yếu xe chạy đêm, chúng trinh sát phát hiện đoàn xe hạy trên đường thường đánh chặn đầu vào đêm khuya, ta không kịp khắc phục sơ tán sáng hôm sau cho máy bay đến đánh phá tiếp.
Từ năm 1969 - 1970 Mỹ dùng máy bay AC-130 đánh xe ban đêm gây cho ta rất nhiều khó khăn, số lượng xe cháy hàng đêm rất nhiều và ngày càng tăng.
3. Đánh vào các khu vực kho tàng, nơi trú quân bằng nhiều loại bom mìn hỗn hợp.
4. Biến mùa khô thành mùa mưa
Đây là một kế hoạch tối mật của không quân Mỹ có mật danh là Operation Poppey được áp dụng ở Việt Nam từ nam từ năm 1966 và ở Hạ Lào từ năm 1969. Chúng dùng máy bay phun vào bầu trời Trường Sơn những đám mây nitrate bạc tạo ra mưa lớn giữa mùa khô, làm cho các con đường lầy lội xe không chạy được.
5. Khai quang bằng chất độc hoá học
Máy bay Mỹ đã phun ra hàng triệu lít dioxin xuống rừng Trường Sơn làm rụng hết lá cây nhằm triệt tiêu khả năng nguỵ trang, ẩn náu của đối phương. Mật danh kỳ cục là Ranch Hand tức là "bàn tay người chăn nuôi". Loại chất độc này ngấm sâu vào đất, vào nước sông ngòi, ao, hồ gây hậu quả cho con người rất lâu dài. Do không nước nào chứa chấp, Mỹ đã bí mật đưa sang Việt Nam chứa trong các căn cứ không quân của quân nguỵ Sài Gòn ở Biên Hoà, Đà Nẵng, trong đó nhiều nhất ở Biên Hoà.
Đây là một hành động phi nhân đạo của quân đội Mỹ gây ra cho nhân dân Việt Nam.
(còn nữa)