Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh – Con đường huyền thoại. Giới thiệu bài viết của Thiếu tướng Hoàng Kiền ( Tiếp theo kỳ 2)

Ngày đăng: 08:23 24/06/2019 Lượt xem: 720
ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN - ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH -
CON ĐƯỜNG HUYỀN THOẠI

Thiếu tướng Hoàng Kiền


(Tiếp theo kỳ trước )

         ĐẤU TRÍ VÀ ĐỌ SỨC TRONG CUỘC CHIẾN CHỐNG NGĂN CHẶN
         Để đối phó với Cuộc chiến ngăn chặn trên đường Trường Sơn vô cùng khốc liệt của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, Bộ đội Trường Sơn đã tiến hành Cuộc chiến chống ngăn chặn bằng sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân trên chiến trường Trường Sơn trong điều kiện mới, với yêu cầu mới.

I. Bộ đội phòng không đánh trả tích cực

         Bộ đội phòng không Trường Sơn được tổ chức thành các đơn vị bố trí rộng khắp trên chiến trường Trường Sơn, lực lượng được hình thành và phát triển liên tục. Được trang bị các loại pháo phòng không: 37 ly, 57 ly, 100 ly, nhưng do đường cơ động rất xấu, vào đến Trường Sơn các loại pháo 57 ly và 100 ly bị hư hỏng khí tài, riêng pháo 100 ly một số đơn vị không chiến đấu được, chỉ có pháo 37 ly là hiệu quả. Các loại súng máy phòng không 12ly7, 14ly5 bắn rất hiệu quả. 
         Các loại súng pháo phòng không được bố trí chủ yếu bảo vệ các khu vực trọng điểm, kết hợp cơ động bắn máy bay địch bảo vệ đội hình xe chạy trên đường. Bộ đội phòng không đã bằng nhiều biện pháp kéo, tời, tháo vác súng pháo lên các đỉnh núi cao để phục kích đón bắn máy bay địch. 
         Khó khăn nhất là từ mùa khô năm 1970 -1971 Mỹ dùng bom laser đánh các trận địa phòng không, giai đoạn đầu gây ra cho bộ đội phòng không rất nhiều khó khăn và tổn thất. Chỉ trong 3 tháng đầu mùa khô năm 1971 địch đã đánh 1104 trận vào các trận địa phòng không trong đó có 55 lần sử dụng tia laser phá huỷ 81 khẩu pháo, làm 311 pháo thủ hi sinh và 262 bị thương, một giai đoạn vô cùng khó khăn cho lực lượng phòng không Trường Sơn.
Qua nghiên cứu ta đã tìm ra cách đánh, đó là tập trung bắn máy bay bay vòng quanh chiếu laser làm cho bom do máy bay phản lực ném xuống sẽ rơi chệch mục tiêu.
         Từ cuối năm 1970, đầu năm 1971 Mỹ dùng máy bay AC-130 cải tiến có thiết bị nhìn đêm bắn xe trên đường gây ra cho ta rất nhiều khó khăn và thiệt hại. Chỉ riêng mùa khô năm 1970-1971 chúng ta đã chịu tổn thất rất lớn: 2.842 xe các loại bị bắn cháy, hỏng, 2.087 cán bộ chiến sĩ hy sinh, 4.627 cán bộ chiến sĩ bị thương.
Trước tình hình đó, ngày 20-7-1971, Sư đoàn phòng không 377 được Bộ Quốc phòng điều động phối thuộc cho Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Bộ cũng bổ sung vũ khí cho Bộ Tư lệnh Trường Sơn lên đến 728 khẩu pháo phòng không các loại. Lực lượng phòng không của Trường Sơn thật hùng hậu gồm: Sư đoàn 377 (có 6 trung đoàn), 12 Trung đoàn độc lập (E591, E593, E546, E232, E224, E228, E282, E280, E532, E537, E671 và E275), 28 tiểu đoàn cao xạ của 25 Binh trạm Trường Sơn.
         Với tinh thần " nhằm thẳng quân thù mà bắn" của Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Viết Xuân, bộ đội phòng không Trường Sơn đã chiến đấu mưu trí dũng cảm, sáng tạo "Đánh giỏi, bắn trúng", đã
bắn rơi 2455 máy bay Mỹ các loại, góp phần quan trọng có tính chất quyết định đánh bại Cuộc chiền ngăn chặn của đối phương trên chiến trường Trường Sơn.

2. Bộ đội Công binh bảo đảm đường
         Nhiệm vụ là phải mở đường, bảo đảm thông đường cho xe vào chiến trường. Trong điều kiện địch đánh phá ngăn chặn vô cùng ác liệt, rất nhiều biện pháp bảo đảm giao thông chống phá hoại đã được triển khai.
- Lực lượng Công binh bao gồm Bộ đội, Thanh niên xung phong, Dân công hoả tuyến, lực lượng đông đảo nhất trên chiến trường Trường Sơn. Đã tập trung liên tục mở đường tạo ra mạng lưới giao thông liện hoàn rộng khắp trên địa bàn nam Đông Dương, bao gồm 11 tỉnh của Việt Nam, 7 tỉnh của Nam Lào và 4 tỉnh đông bắc Campuchia, tạo nên mạng đường vói 5 trục dọc, 21 trục ngang, tổng chiều dài gần 20.000 ki lô mét.
- Công binh rải quân chốt trên các trọng điểm, đào hầm trú ẩn, lập các trạm điều chỉnh xe, lập các đài quan sát máy bay để báo động, quan sát ghi chép các loại bom rơi để có biện pháp khắc phục. 
- Tổ chức khắc phục các loại bom mìn địch thả xuống , khó khăn nhất là bom từ trường và mìn vướng. 
         Phá bom từ trường:
         Bằng các biện pháp thủ công để phá: Dùng mảnh tôn buộc dây, ẩn nấp trong công sự ở hai đầu kéo qua lại để phá, ốp bộc phá nổ, vần xuống vực. Bom thả uống sông, dùng ca nô phóng nhanh cho bom nổ, gọi là "ca nô bất khuất", phà vẫn chở xe qua sông.
         Bộ tư lệnh Cômg binh đã cử hai kỹ sư vào tháo đầu nổ bom, một đồng chí hi sinh, vẫn mang được đầu nổ ra miền Bắc nghiên cứu, chế tạo ra máy phóng từ đặt trên xe bọc thép để cơ động phá bom từ trường trên các trọng điểm đánh phá của địch. Sau Mỹ chế tạo ra loại bom từ trường phải kích hoạt nhiều lần mới nổ, xe đi qua hai lần, lần thứ ba mới nổ cũng gây ho ta nhiều khó khăn, bộ đội Trường Sơn cũng tìm ra cách phá bom, cuối cùng bom từ trường đã bị vô hiệu hoá.
         Phá mìn vướng: Kinh nghiệm cho biết thấy máy bay lao xuống mà không thấy bom nổ, chỉ nghe tiếng rào rào trong rừng, kèm theo hàng loạt tiếng rơi bịch bịch thì biết đó là mìn vướng CBU - 49.
         Ban đầu địch đánh xuống cũng gây ra rất nhiều khó khăn và tổn thất sinh mạng. Có nơi bộ đội hi sinh cả tuần mà không lấy được xác ra, cứ vào là gặp dây vướng gây nổ bom.
         Cuối cùng bộ đội Công binh cũng tìm ra cách phá.
         Nơi nào không ảnh hưởng do cháy thì châm lửa đốt cho cháy lá, cháy dây vướng, vô hiệu hoá mìn.
       Làm vật cản che chắn để phá mìn. Có thể tạo một bó cành cây đẩy đi, chiến sĩ công binh nằm phía sau quăng móc câu có dây nối rồi kéo cho mìn nổ. Hoặc "công sự di động", cắt dọc nửa thùng phuy 200 lít, ngoài có lớp cỏ cây bảo vệ, trong có thanh gỗ ngang để nhấc đi theo. Chiến sỹ phá bom có mũ sắt áo giáp nấp trong công sự dùng sào hoặc móc câu buộc dây ném kéo, hoặc ném bộc phá kích cho bom nổ.
         Tất cả các loại bom mìn khác đều tìm cách khắc phục, vô hiệu hoá. 
        Tổ chức lực lượng chốt ở các trong điểm, chọn thời điểm thích hợp lao lên san lấp hố bom, khắc phục hậu quả đánh phá thông đường cho xe qua.
         Làm đường vòng tránh ở những đoạn địa hình cho phép.
         Làm ngầm ở những đoạn vượt sông, dùng đá rải lấp trên mặt sông cách mặt nước khoảng 0,8 - 1 mét cho xe chạy qua. Một khu vực làm ngầm chính một số bến dự bị để bảo đảm liên tục thông suốt.
         Làm cầu cáp cho xe vượt khe, suối.
         Dùng cầu 2 dây cáp, có thiết bị gá lắp vào tang trống bánh xe rồi tời kéo xe qua khe, suối sâu hẹp.
         Cùng rất nhiều biện pháp khác để bảo đảm thông đường.
- Công tác nghi binh : Để đối phó với các thủ đoạn đánh phá và các vũ khí của địch, bộ đội công binh đã có rất nhiều biện pháp nghi binh lừa địch. Điển hình có các biện pháp như sau: 
- Thu hồi cây nhiệt đới túm các anten buộc lại. Tìm khu vực xa đường, xa các vị trí kho tàng, đóng quân của ta, đem chiếc máy cát séc đã thu tiếng động các loại rồi đem đến vị trí dự kiến, cắm các cây nhiệt đới, mở cát séc, thả anten cây nhiệt đới ra thế là máy bay phản lực, B52 đến đánh phá liên tục, dùng nước tiểu của người và gia súc cho vào các lọ thuỷ tinh, thu các máy ngửi mùi làm tương tự như cây nhiệt đới cũng lừa máy bay địch đến đánh phá.

         Văng Mu một trọng điểm vô cùng ác liệt nằm trên đường 128A phía bắc đường 9, một bên là núi cao, một bên là vực sâu và con sông sát chân núi, đường độc đạo. Địch tập trung đánh phá vô cùng ác liệt, trọng điểm Văng Mu được mệnh danh là "Cánh cửa thép Trường Sơn".

Đường128 qua Văng Mu
Đêm đêm sáng trắng đèn dù
Đạn xới, bom cầy rừng tan nát
Đá hoá thành vôi, đất đỏ lừ

Vách đứng vực sâu lượn vượt qua
Không lực Hoa Kỳ đánh xát trà
Mưu toan cắt chặn đường chi viện
"Cửa thép Trường Sơn" vẫn mở ra

Công binh bám trụ quyết không rời
Chờ thời đợi lúc ngớt bom rơi
Xông lên tháo phá, san gạt lấp
Rầm rập xe lao chuyển đất trời.

Bộ đội Công binh Trường Sơn với khẩu hiệu :
"Sống bám cầu, bám đường
Chết kiên cường dũng cảm"

         Và với quyết tâm: " Máu có thể đổ nhưng đường không thể tắc", lực lượng công binh trên khắp mọi con đường đã luôn kiên cường dũng cảm bảo đảm cầu đường thông suốt cho xe vận chuyển chi viện cho chiến trường. Máu xương của các chiến sĩ công binh đã đổ xuống thấm đẫm các ung đường bảo đảm chi viện sức người sức của cho tiền phương.

3. Bộ đội vận tải
         Nhiệm vụ chính của đường Trường Sơn là vận chuyển chi viện cho chiến trường, nhiệm vụ vinh quang nhưng đầy khó khăn gian khổ, ác liệt của bộ đội Ô tô vận tải Trường Sơn. 
         Các đoàn xe ô tô là mục tiêu ngăn chặn đánh phá của máy bay Mỹ. Để đối phó với sự đánh phá của địch phải tổ chức chạy xe vào ban đêm. Đi qua các trọng điểm máy bay thả pháo sáng, đánh phá liên tục, gây ra rất nhiều khó khăn, nguy hiểm.
          Bộ đội ô tô đã nghiên cứu tổ chức đội hình chạy xe hợp lý, có đội hình chiến thuật , từ trung đội, đại đội, tiểu đoàn tuỳ từng điều kiện để tổ chức cho phù hợp. Chạy theo cung ngắn, cung dài, vượt cung, tăng chuyến. 
         Dùng đèn rùa chạy đêm, tránh phát hiện của máy bay địch. Đây là kết quả của sự nghiên cứu sáng tạo đặc biệt của bộ đội ô tô Trường Sơn, đề tài này đã được tặng giải thưởng cấp nhà nước.
         Mùa khô năm 1970-2971 Mỹ dùng máy bay AC-130 bay đêm lùng bắn xe ta chạy trên đường, tổn thất về xe và người rất lớn, đây là giai đoạn vô cùng khó khăn của bộ đội Trường Sơn nói chung và bộ đội Ô tô vận tải nói riêng.
         Đối phó với bom bi và đạn do máy bay AC-130 bắn: Lái xe được trang bị áo giáp và mũ sắt. Ô tô làm thêm dàn mướp bằng tre, gỗ trên nóc ca bin, dùng tre nứa ép hai bên cánh cửa xe, rất biệu quả.
         Phong trào Binh trạm vạn tấn đã mở ra, cứ mỗi tháng một binh trạm vận chuyển vượt qua đường 9 được một vạn tấn hàng là đạt chỉ tiêu thi đua.
         Luật lái xe chỉ Trường Sơn mới có, đó là xe vào chở hàng được ưu tiên đi bên ta luy dương, xe ra chạy không đi bên ta luy âm, luật bất thành văn, cả thế giới không đâu có.
         Để đối phó với máy bay AC-130 bắn xe chạy ban đêm, đã thay đổi chiến thuật chạy lấn sáng lấn chiều, khi có đường kín chuyển sang chạy ngày.
         Với tinh thần "Yêu xe như con, quý xăng như máu", "còn người, còn xe, còn hàng", "gan vàng dạ ngọc", những đoàn xe không kính được mệnh danh là "Đại bàng", "Tuấn mã" Trường Sơn không ngừng vận chuyển trên những cung đường rực lửa hướng ra tiền tuyến. Một triệu tấn hàng được đưa ra tiền tuyến.

4. ĐỐI PHÓ VỚI MÁY BAY AC-130

         Mùa khô năm 1970 - 1971 Mỹ dùng máy bay AC-130 được trang bị thiết bị hồng ngoại, phương tiện phát hiện tia lửa điện của động cơ xe và nhiệt do động cơ xe toả ra, phương tiện khuyếch đại ánh sáng mờ để nhận rõ mục tiêu trong đêm tối. Dùng các loại súng 40 ly, 20 ly 6 nòng bắn liên thanh, tên lửa tầm ngắn có khả năng bắn phá sát thương trên diện rộng, thời gian dài. Kết hợp với mạng lưới trinh sát điện tử ở mặt đất, loại máy bay này nhanh chóng phát hiện mục tiêu cho dù mục tiêu đó di động trong đêm tối trong rừng cây rậm rạp, xe chạy bằng đèn rùa chúng vẫn phát hiện ra. Đêm đêm chúng sử dụng AC-130 "túc trực" trên không từ đầu tuyến đến cuối tuyến, đặc biệt là khu vực nam, bắc đường 9. Mỗi đêm 2 chiếc thay ca trong một khu vực, mỗi chiếc có thể bay liên tục 5-6 giờ, Lúc đầu chúng bay muộn về sớm, sau khi phát hiện ta chạy lấn sáng lấn chiều, khoảng 5 giờ chiều nó đến, nửa đêm cái khác ra thay cho đến sáng mới về. Không một đoàn xe nào không bị chúng phát hiện và tấn công. Các đơn vị xe đều bị tổn thất, mỗi binh trạm có đêm cháy tới hơn chục xe. Số xe bị bắn cháy tăng vọt, số lái xe bị thương ngày càng nhiều. Bộ tư lệnh khu vực 472 đã chỉ đạo cho lực lượng công binh các binh trạm dùng thùng phuy rải dọc đường 9 cho củi vào đột lửa để nhử máy bay địch, chỉ được ngày đầu sau nó cũng phát hiện ra và không bắn vào đó nữa. Lực lượng Công binh làm các đường tránh gọi là mang cá, khi có báo động AC-130 lái xe cho xe lao vào mang cá mà nó vẫn bắn trúng. Tăng cường dùng cành cây nguỵ trang xe cũng vẫn bị bắn cháy.
         Tình hình đó gây lo ngại cho cán bộ, chiến sỹ. Một số thoái thác không muốn nhận chở vũ khí, chất nổ, xăng dầu. Các đơn vị đã ra sức động viên bộ đội nâng cao ý chí chiến đấu, đánh địch mà đi, đồng thời áp dụng các biện pháp tăng cường che chắn bảo vệ cho xe và lái xe như: các xe ô tô đều làm dàn mướp che ca bin, lái xe đội mũ sắt, mặc áo giáp chống đạn, tổ chức đội hình vừa và nhỏ, theo dõi quy luật hoạt động của AC-130 để tổ cức chạy tránh thời gian cao điểm hoạt động của địch; tăng cường nguỵ trang nghi binh; tổ chức trinh sát báo động chặt chẽ hơn tạo điều kiện cho bộ đội xe chủ động tránh đòn tấn công của địch; tăng cường thợ sửa chữa đi cùng để phục hồi xe khi bị địch đánh hỏng. Nhưng tất cả các biện pháp trên vẫn nằm trong thế bị động, chỉ có tác dụng hạn chế một phần rất nhỏ, chưa phải là biện pháp đối phó có hiệu quả. Đây là một trong những tháng ngày lao đao, gian khổ nhất của Bộ đội Trường Sơn.
         Trước sự tổn thất nặng nề do máy bay AC-130 gây ra, trong nội bộ lãnh đạo chỉ huy các cấp có sự nhìn nhận đánh giá khác nhau về địch và ta. Một số cho rằng máy bay AC-130 nhìn được ban đêm nên đánh rất trúng mục tiêu, một số lại cho rằng AC-130 chỉ đánh mò, do lái xe sợ đạn 40 ly bỏ xe chạy nên mới bị bắn cháy.
         Để có kết luận chính xác, đối phó với máy bay AC-130, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã cử các đồng chí trong BTL và cơ quan tổ chức một đợt đi thực tế trên đường để nghiên cứu địch. Các đồng chí Binh trạm trưởng và Chính uỷ trên toàn tuyến cũng được lệnh đi cùng đội hình xe. Trên cơ sở khảo sát trên tuyến đã xác định được là : máy bay AC-130 có khả năng nhìn rõ ô tô đang di động trong đêm. Chúng bay cao trên 3 km, chủ yếu bắn đạn 40 ly kéo dài, gây sát thương trên phạm vi rộng. Các đội hình xe khi gặp máy bay AC-130, dù tắt đèn chúng vẫn phát hiện và đánh trúng. Trong tổng số xe bị đánh hỏng có khoảng 60-70% do AC-130 gây ra. Số lái xe bị thương vong từ 10-20%. Trừ trường hợp đội hình xe đã dừng lâu, máy nguội thì chúng bay trên cũng không phát hiện ra. Chúng cố tránh hoả lực của pháo cao xạ, vì vậy các cụm pháo cao xạ 37 ly chốt ở các trọng điểm không có tác dụng đối với chúng.
          Từ ý kiến của những cán bộ thực tế chiến đấu trên đường, Bộ tư lệnh Trường Sơn đã thống nhất kết luận: máy bay AC-130 là đối tượng cực kỳ nguy hiểm đối với đội hình xe chạy ban đêm, vì vậy toàn tuyến phải có biện pháp đối phó sáng tạo, táo bạo, linh hoạt, đa dạng, vững chắc, chủ động, bí mật, bất ngờ và cơ bản. Trước hết phải nắm bắt được quy luật hoạt động của chúng trên địa bàn từng khu vực, từng binh trạm, chủ động thay đổi cách hoạt động của ta: chạy lấn sáng, lấn chiều sớm hơn; thiết kế đội hình xuất phát của đội hình xe tiến lên phía trước sâu hơn; chia đội hình nhỏ xuất phát nhiều hướng. Tổ chức cung ngắn, làm nhiều hầm mang cá cho xe ẩn nấp khi bị tấn công, tăng cường vật che chắn cho xe và lái xe; tăng cường các tổ cảnh giới dưới đất và trên xe. Sử dụng súng 12,7 ly hoặc pháo 37 ly bắn báo động, tích cực cơ động pháo để bảo vệ đội hình xe, tích cực nổ máy các xe vận tải hoặc các động cơ cũ. Bộ tư lệnh 559 quyết định thí điểm chạy ngày ở những đoạn đường kín để rút kinh nghiệm.
         Để đối phó với máy bay AC-130, Bộ tư lệnh 559 đã có chủ trương thực hiện đồng thời hai biện pháp:
         Điều tên lửa vào áp sát đường 9 để tiêu diệt AC-130. 
         Mở đường kín chạy ngày để tránh AC130 bắn xe.

TIÊU DIỆT AC-130
         Để tiêu diệt AC 130, trung đoàn tên lửa đã cơ động vào phục kích ở phía bắc đường 9. Nơi đây diễn ra cuộc đọ sức giữa lực lượng của ta với máy bay AC-130 của địch. Lúc này AC-130 vẫn đang làm mưa làm gió một vùng dọc theo đường 9. Binh trạm trưởng BT32 đã đến làm việc với đồng chí trung đoàn trưởng Trung đoàn cao xạ 591, thống nhất để Trung đoàn 591 chỉ huy 3 tiểu đoàn cao xạ của binh trạm 32 tập trung đánh AC-130. Cuộc họp hiệp đồng bàn kế hoạch tác chiến diệt AC-130 đã diễn ra ngay sau đó.
         Trung đoàn cao xạ 591 đón máy bay địch từ cánh phải
         Ba tiểu đoàn cao xạ của Binh trạm 32 đón máy bay địch ở cánh bên trái
         Trung đoàn tên lửa 275 sẵn sàng bắt mục tiêu, phóng tên lửa.
        Hôm ấy cuối tháng 11 năm 1971, trời quang mây tạnh, chiếc máy bay AC-130 theo đường cũ lù lù tiến ra. Hai cánh cao xạ tập trung hoả lực tạo thành lưới lửa dồn ép con "quạ sắt" đi vào một hướng gần như cố định. Khi nó đang loay hoay tránh lưới lửa cao xạ thì tên lửa phóng đúng mục tiêu, máy bay AC-130 rơi tại chỗ ở "ngã ba máy húc" gần thị trấn Sê Pôn, 9 tên giặc lái Mỹ cháy thui. Theo lệnh của trên, Binh trạm 32 cho 6 xe ô tô chở xác máy bay ra Hà Nội để nghiên cứu. Lần đầu tiên ta đã bắn rơi máy bay AC-130, từ đó chúng không dám ra nữa mà phải lui vào hoạt động ở phía nam đường 9. Mười ngày liền trên tuyến đường 9, Sê Băng Hiên vắng tiếng máy bay.

"AC" bay lượn nghênh ngang
Lùng xe đuổi bắn hoang mang cả miền
Mỗi đêm hai chiếc thay phiên
Nhìn lên căm phẫn, lo phiền lao đao
Tên lửa bí mật chuyển vào
Phóng lên, một chiếc đâm nhào rừng xanh
"Lũ quạ đen" khiếp chuồn nhanh
Bầu trời đêm vắng xe nhanh tiến vào...

         Binh trạm trưởng BT32 Bùi Thế Tâm dẫn đầu đoàn xe 200 chiếc trên tuyến đường hở chạy vào giao hàng cho binh trạm 33, đoàn xe 200 chiếc trả hàng an toàn quay về căn cứ, thực hiện một chuyến trên cung, hai đêm/ chuyến.
         Tận dụng thời cơ này, các Binh trạm tập trung xe chạy ban đêm để vận chuyển hàng vào phía trong. Hầu hết các Binh trạm đều đạt được danh hiệu "Binh Trạm vạn tấn", Mùa khô năm 1971-1972 đến tháng 3 năm 1972 Bộ tư lệnh 472 đã hoàn thành kế hoạch cả năm, Binh trạm 32 đạt 2,5 vạn tấn / tháng. Riêng tiểu đoàn 102 đạt vạn tấn/ tháng, không cháy một xe nào, không hy sinh người nào.

MỞ ĐƯỜNG KÍN
         Bộ tư lệnh Trường Sơn tổ chức hội nghị do Tư lệnh đồng Sỹ Nguyên chủ trì. Sau khi nghe báo cáo và nghiên cứu các hoạt động của địch, đặc biệt là thủ đoạn đánh phá bằng máy bay AC-130, đồng chí Tư lệnh kết luận: để tạo ra bước chuyển biến lớn trong công tác vận chuyển, tạo thế trận bất ngờ đối với địch, làm thay đổi cơ bản phương thức hoạt động của ta, nhằm tăng cường tối đa khả năng chi viện cho chiến trường, mùa khô năm 1971 - 1972 ta phải sử dụng đường kín (sau thường gọi tắt là đường K) để thực hiện vận chuyển vào ban ngày. Muốn vậy lực lượng công binh cần phải chuẩn bị sớm, ngay từ đầu mùa mưa. Hội nghị quyết định các trục đường kín đi thẳng đến các chiến trường do Bộ tư lệnh trực tiếp chỉ đạo. 
         Lực lượng mở đường kín được điều động, bổ sung. Ngoài lực lượng đã có, Bộ tư lệnh 559 tổ chức thêm 2 trung đoàn công binh cơ động là trung đoàn 6 và trung đoàn 8, trong đó trung đoàn 8 chủ yếu là nữ công nhân giao thông chuyển sang. Đồng thời Bộ tăng cường cho đoàn 559 trung đoàn công binh 217 từ chiến trường thượng Lào vào. Một số lượng lớn dân công hoả tuyến của 7 tỉnh Miền Bắc: Thái Bình, Nam Hà, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hải Hưng cũng được tăng cường có thời hạn cho đoàn 559.
         Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ chi viện cho chiến trường ngày càng lớn nhưng tuyến vận tải chiến lược lại chủ yếu là tuyến đường đất, chỉ bảo đảm vận chuyển khoảng 200 ngày trong một năm. Cần phải cải tạo rải đá, củng cố bến vượt cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Nhưng nhu cầu trước mắt cấp bách là cần mở đường kín. Trung đoàn 217 và một số đơn vị khác chuyển sang mở đường 24.
         Với khí thế chiến thắng của mùa khô năm 1970-1971, ngày 15 tháng 7 năm 1971, bốn trung đoàn công binh cơ động (4, 6 , 10, 217) rầm rập tiến quân vào mở đường 24, tuyến đường kín đi thẳng từ km 6 đường18 đến kho K4 của Binh trạm 37 .
         Ngày 30 tháng 11 năm1971 toàn bộ tuyến đường 24 từ km 6 đường 18 đến km 22 đường 25 dài 299 km cơ bản được mở thông, trong đó 47 km đầu được rải đá, bảo đảm cho xe có thể hoạt động bình thường trong những ngày đầu mùa mưa và cuối mùa khô. 
         Đến ngày 10 tháng 1 năm1972 tuyến đường kín 24 đã hoàn thành với tổng chiều dài 533 km. Các con đường kín tiếp tục được kéo dài, thêm các trục dọc, trục ngang với chiều dài lên tới hơn 3.000 km, thật kỳ diệu. Những đoạn đi qua địa hình trống trải, các đơn vị nữ công binh làm các khung dàn bằng gỗ, lấy cành cây che phủ nguỵ trang, nhiều nơi lấy phong lan rừng treo lên nguỵ trang, thật tuyệt vời.
         Đường kín hoàn thành, mở ra một giai đoạn mới chuyển sang chạy ngày thật hiệu quả, cơ bản loại AC-130 cũng như các loại máy bay khác “ra khỏi vòng chiến đấu”. Đây là một quyết tâm, một sáng tạo đặc biệt của bộ đội Trường Sơn.

         ( còn nữa )


tin tức liên quan