Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh – Con đường huyền thoại. Giới thiệu bài viết của Thiếu tướng Hoàng Kiền ( Tiếp theo kỳ 3)
ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN - ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH -
CON ĐƯỜNG HUYỀN THOẠI
Thiếu tướng Hoàng Kiền
(Tiếp theo kỳ trước )
ĐƯỜNG SÔNG
Địa hình Tây Trường Sơn có đặc điểm thấp dần về phía tây nam. Nhiều dòng sông chảy từ đỉnh Trường Sơn sang phía tây rồi chuyển dần xuống phía nam. Phương thức vận tải đường sông được mở ra từ măm 1969.
Bộ đội Công binh đã nổ bộc phá phá thác khơi thông luồng lạch để vận chuyển hàng.
Hai phương pháp vận chuyển được triển khai:
Có giai đoạn không quân địch đánh phá rất ác liệt ta dùng phương pháp thả hàng trôi sông. Cho hàng vào bao tải, ngoài có bao nilon buộc lại thả trôi sông từ thượng nguồn, dưới hạ lưu dùng lưới căng chắn để vớt hàng lên. Biện pháp này cũng phát huy tác dụng, tuy vậy do địa hình gềnh thác, dốc nhiều nên cũng bị rách chìm, máy bay địch phát hiện đánh phá cũng gây tổn thất khá lớn.
Dùng Ca nô vận chuyển hàng dọc theo sông được triển khai từ năm năm 1969 . Bộ đội công binh phá thác khơi thồng dòng chảy trên chiều dài 600 km đường sông dọc theo hai con sông Secaman và Sê Công ở nam Lào và đông bắc Campuchia. Các thuyền máy có trọng tải từ 5 - 10 tấn chở vũ khí theo đường sông vào Xiêm Pạng, Stung cheng vùng đông bắc Campuchia, từ đây được vận chuyển theo đường bộ về miền Đông Nam Bộ chi viên cho B2 và B3.
- Từ đầu năm 1970 phát hiện lực lượng của ta vận chuyển trên tuyến đường C4 từ Phi Hà xuống vùng đông bắc Campuchia, địch dùng không quân đánh phá ngăn chặn rất ác liệt, có nhiều bom từ trường đánh xuống đường sông vận chuyển của ta, nhiều lúc bị tắc, ca nô ngừng hoạt động. Lực lượng công binh đã dùng bộc phá phá thác mở luồng mới nhưng cũng vô cùng khó khăn. Bộ tư lệnh điều cán bộ kỹ thuật và đưa máy phóng từ vào nhưng cũng bị hỏng. Thế là phải dùng "ca nô bất khuất" chạy trên sông để phá bom từ trường do "đội cảm tử" với 3 chiếc ca nô. Sau những thử nghiệm nghiên cứu tìm ra cách phá, vì có quả bom ca nô chạy qua 2, 3 lần mới nổ, vô cùng nguy hiểm. Phương pháp đã mở ra, tất cả các quả bom từ trường trên sông Sê Công đã được dọn hết. Vũ khí, quân đi được vận chuyển an toàn đến Stung cheng - Campuchia cập bến tổng kho K3 của Binh trạm 37 rồi ngược lại chi viện cho chiến trường. B2 ( Đông Nam Bộ), B3( Tây Nguyên).
Phối hợp với đường ô tô, đường sông đã vận chuyển được một khối lượng đáng kể với hàng nghìn tấn hàng, hàng nghìn quân vào chiến trường Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
ĐƯỜNG ỐNG XĂNG DẦU
Khối lượng vận chuyển chi viện cho chiến trường bằng cơ giới là chủ yếu, xăng dầu trở thành nhu cầu thiết yếu rất quan trọng. Địch tập trung đánh phá vô cùng ác liệt, các xe chở xăng dầu không thể vượt qua các trọng điểm, hơn nữa việc vận chuyển xăng dầu trên đường Trường Sơn, đường dã chiến tiêu tốn nhiên liệu rất cao nên vận chuyển bằng ô tô vào sâu chi phí cho xe vận chuyển chiếm tỷ lệ rất lớn.
Đã có sáng kiến vận chuyển xăng dầu bằng đường ống dùng cây lầu ô nhưng không thành công. Chuyển sang kiệu phuy xăng qua các trọng điểm, lót nilon vào ba lô gùi xăng , vần các phuy xăng qua suối. Tất cả các biện pháp đó đều không thành công. Trong lần gùi xăng qua trọng điểm 468 của Binh trạm 12 có 40 chiến sĩ cả nam và nữ bị ngộ độc xăng, có người đã hi sinh. Đợt vần các phuy xăng dọc suối qua trọng điểm Trạ Ang của Binh trạm 14, bị địch đánh bất ngờ, có đêm đưa được 30 phuy xăng qua trọng điểm thì 29 người hy sinh và hàng chục người bị thương. Phải đổi máu lấy xăng.
Những ngày trên suối Trạ Ang
Chiến sĩ ngược nước đẩy xăng kiên cường
Bom thù trút xuống tang thương
Mỗi phuy xăng đổi máu xương một người.
Yêu xe như con, quí xăng như máu từ thực tế chiến trường đã rút ra như vậy. Các biện pháp đưa xăng vào qua các trọng điểm đều bế tắc. Cần một biện pháp đột phá mới.
Đại tá Đồng Sỹ Nguyên - TL Bộ tư lệnh 559 báo cáo Đại tướng - Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Đinh Đức Thiện - Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần được cử vào nghiên cứu, đồng chí đã đề xuất phương án làm đường ống dẫn xăng dầu vào Trường Sơn, được Quân uỷ Trung ương thông qua.
Binh chủng đường ống được thành lập, triển khai xây dựng từ năm 1968. Việc triển khai xây dựng có nhiều cung đoạn rồi phát triển nối dần lại thành hệ thống tông suốt.
Từ hai ngả thuộc biên giới Việt - Trung là Lạng Sơn và Quảng Ninh, hai tuyến đường ống cùng dẫn về trạm Nhân Vực, thuộc huyện Thường Tín, Hà Nội. Từ đây, có một đường ống chạy thẳng vào miền Trung qua Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quàng Bình. Đến đây lại chia làm hai ngả: Một vượt đèo Mụ Giạ, sang Lào vươn tới Hạ Lào, rồi vượt qua biên giới Lào và Campuchia để vào tới Nam Bộ đến Phước Long. Ngả còn lại theo đường Đông Trường Sơn đi tiếp qua Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, qua Tây Nguyên, vượt Kontum, xuống Bình Phước.
Hai hệ thống Đông và Tây Trường Sơn hội tụ tại trạm cuối cùng ở Bù Gia Mập, thuộc tỉnh Phước Long, Đông Nam Bộ.
Từ đây xăng dầu được cấp trực tiếp cho các xe vận tải chở tiếp trên những tuyến ngắn từ miền Đông đến miền Tây. Xăng dầu được chuyển từ Bắc vào Nam đã cung cấp cho hoạt động trên các chiến trưởng trong những năm đánh Mỹ, góp phần quan trọng vào những trận chiến thắng lớn.
Trên toàn bộ hệ thống này, đã có tới 316 trạm bơm đẩy, 101 kho với sức chứa trên 300 nghìn m3. Bộ đội xăng dầu đã phát triển thành 9 trung đoàn đường ống, 2 trung đoàn công trình, 1 trung đoàn thông tin, 2 nhà máy cơ khí, 3 tiểu đoàn xe vận tải. Trong đó bộ đội Trường Sơn có 4 trung đoàn và một số phân đội độc lập. Có thể coi đây như một binh chủng xăng dầu trong đội hình Binh chủng hợp thành trên chiến trường Trường Sơn.
Trong 7 năm mạng lưới đường ống dẫn dầu dài gần 5.000 km nêu trên tính từ biên giới phía Bắc nước ta, bắt đầu từ hai điểm đầu mối tiếp nhận thuộc tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Lạng Sơn; còn điểm khởi đầu là từ cảng Phòng Thành, Trung Quốc.
Cảng Hải Phòng bị máy bay Mỹ đánh phá rồi phong toả. Những con tàu lớn chở xăng, dầu từ Liên Xô cập cảng Phòng Thành của Trung Quốc, nguồn nhiên liệu từ đó theo hệ thống đường ống như những mạch máu chảy vào phía Nam, cung ứng một nguồn vật chất hết sức thiết yếu cho những chiến dịch, cho từng trận đánh ...
Trong thời chiến, hệ thống đường ống này vừa tăng nhanh khối lượng xăng, dầu vận chuyển ra tiền tuyến, vừa giảm được rất nhiều hy sinh, tổn thất cho những chiến sĩ lái xe và xe tải chở nhiên liệu.
Hệ thống đường ống tuỳ theo địa hình có đoạn nổi, đoạn chìm, có đoạn vắt qua suối, luồn dưới dòng sông... nhưng phần lớn nằm trên địa bàn rừng núi hoang vắng hoặc dân cư thưa thớt, khí hậu khắc nghiệt, có chỗ vượt qua đỉnh cao tới một nghìn mét.
Với hệ thống đường ống đó, theo Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn "Đã thực sự thỏa mãn kịp thời cho vận tải, đảm bảo yêu cầu cơ động cao của các quân và binh chủng với mọi quy mô, mọi thời gian, mọi địa điểm, phục vụ đắc lực cho các chiến dịch'
Đường Trường Sơn, con đường đã làm nên HUYỀN THOAỊ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đường ống xăng dầu là một trong năm loại đường trên tuyến vận chuyển chi viện chiến lược này . Đường ống xăng dầu với tổng chiều dài gần 5000 ki lô mét, vượt qua dãy Trường Sơn hùng vĩ trên hai hướng Đông và Tây Trường sơn, có các nhánh đi đến các chiến trường và hợp lại ở Bù Gia Mập, là tuyến đường ống dài nhất thế giới lúc bấy giờ.
Cho đến trước tháng 7/2010, khi Trung Quốc khánh thành đường ống dẫn khí tự nhiên dài 8.700km thì kỷ lục thế giới trong hàng chục năm vẫn thuộc tuyến ống dẫn xăng dầu của Việt Nam.
Đó là một dòng chảy huyền thoại được xây dựng nên bằng quyết tâm, lòng dũng cảm, trí thông minh và cả sự hy sinh của cán bộ chiến sĩ ngành xăng dầu Quân đội nhân dân Việt Nam, của bộ đội xăng dầu Trường Sơn. Song hành với đường Hồ Chí Minh vượt Trường Sơn, đường ống xăng dầu vào Nam là kỳ tích của cả dân tộc góp phần "đánh Mỹ và thắng Mỹ".
Đây cũng là con đường đầy huyền thoại mà người Mỹ không thể nào biết rõ, bởi họ không thể nào tưởng tượng được rằng trong điều kiện kỹ thuật của Việt Nam, lại bị bom đạn đánh phá liên tục bất cứ ở điểm nào mà Việt Nam vẫn hình thành được một đường ống dẫn xăng dầu dài hàng nghìn kilomet, lại còn nối với nhiều cảng nhỏ để tiếp nhận dầu từ các tàu biển...
Tuy nhiên, không chỉ người Mỹ, mà cả những nước bạn của Việt Nam như Liên Xô, Trung Quốc, những người đã trực tiếp viện trợ và giúp đỡ cả xăng dầu và vật tư cũng không hình dung Việt Nam có thể làm được một hệ thống đường ống dẫn xăng dầu như thế.
Khi biết thông tin, thủ tướng Trung Quốc - Chu Ân Lai đã cử đoàn cán bộ quân sự sang Việt Nam nghiên cứu thực tế. Người ta không ngờ được rằng các kỹ sư Việt Nam đã thiết kế thi công dể dòng xăng dầu vượt những đỉnh núi cao tới cả nghìn mét so với mặt biển cuồn cuộn chảy vào chiến trường.
Đường ống xăng dầu của ta
Như dòng sông chảy vươn ra chiến trường
Liên Xô, Trung Quốc đâu lường
Ranh như người Mỹ, điên cuồng dã man
Cũng đâu ngờ tới Việt Nam
Làm được đường ống giỏi giang phi thường
Mưu trí, dũng cảm, ngoan cường
Con đường huyền thoại sáng gương tự hào
Tuyến ống dẫn xăng dầu từ biên giới Việt - Trung đến miền Đông Nam Bộ được xây dựng nên từ chủ trương sáng suốt tại "Tổng hành dinh" chỉ đạo kháng chiến của Việt Nam, quyết tâm, lòng dũng cảm, trí thông minh và cả sự hy sinh của cán bộ chiến sĩ ngành xăng dầu Quân đội nhân dân Việt Nam mà nơi khó khăn gian khổ ác liệt nhất do Bộ đội xăng dầu Trường Sơn đảm nhiệm.
Đại tá Phan Tử Quang, nguyên Cục trưởng Cục Xăng dầu (Tổng cục Hậu cần - Bộ Quốc phòng) kể rằng, trong một lần tôi được làm việc với Chu Ân Lai, Thủ tướng nước CHND Trung Hoa nói: "Tôi không ngờ là Việt Nam lại làm được đường ống xăng dầu dài đến 5.000 km" và ông đã cử một phái đoàn gần 20 kỹ sư và tiến sĩ về đường ống xăng dầu đi tham quan từ Hà Nội theo đường ống đến Mụ Giạ (Quảng Bình).
Khi nói đến tuyến đường này, Viện trưởng Viện Dầu khí Pháp, cùng chung nhận định với hai tướng không quân Hoa Kỳ HarryAderholt và Richard Serd: "Đường ống xăng dầu của các ông là huyền thoại có thật".
DÒNG SÔNG MANG LỬA
Đến thăm dải đất Miền Đông
Đồng Xoài-Bình Phước mênh mông đại ngàn
Rừng Bù Gia Mập hương lan
Nhà bia toả sáng địa bàn non xanh
Lưu ghi kỳ tích chiến tranh
"Dòng sông mang lửa"(1) vận hành song phương
Nơi đây điểm cuối công trường
Nửa vạn cây số hai đường vươn nhanh(2)
Lạng Sơn, Móng Cái khởi hành
Núi cao quyết vượt, thác gềnh vắt qua
Chặng cung tiếp sức bơm, tra
Xăng dầu "cuồn cuộn" chảy ra chiến trường
Bừng lên rực lửa tiền phương
Đại quân thần tốc kiên cường xông pha
Miền Nam giải phóng, cờ hoa
Trường Sơn huyền thoại giao hoà chiến công
Đường xe, đường bộ, đường sông
Đường dây, đường ống, liên thông kết thành
Văn bia thắm đỏ rừng xanh
Chiến công thắng Mỹ rạng danh tự hào
Con đường huyền thoại đẹp sao
Dài nhất thế giới, núi cao, bom cầy
Liên Xô, Trung Quốc, Mỹ, Tây
Ngỡ ngàng thán phục, lời hay tỏ bầy
Văn bia chiến tích nơi đây
Tạc vào huyền thoại sử dầy Trường Sơn
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn đã gọi đường ống xăng dầu là " huyền thoại trong huyền thoại".
ĐƯỜNG DÂY THÔNG TIN
Thông tin liên lạc có vai trò đặc biệt quan trọng bảo đảm cho chỉ huy tác chiến, trên chiến trường Trường Sơn địa bàn rất rộng, thông tin liên lạc lại càng quan trọng.
Bộ đội thông tin Trường Sơn được hình thành ngay khi thành lập đoàn 559 và cùng phát triển với lực lượng của Bộ đội Trường Sơn. Từ đơn vị ban đầu ở cơ quan đoàn bộ đoàn 559 với phương thức bảo đảm thông tin liên lạc Vô tuyến điện, lực lượng phát triển, địa bàn mở rộng, hình thức bảo đảm thông tin hữu tuyến điện cũng phát triển triển theo.
Mạng điện thoại hữu tuyến điện đã phát triển rộng khắp địa bàn Trường Sơn. Trước yêu cầu phát triển của nhiệm vụ, năm 1968 hệ thống thông tin tải ba dây trần được triển khai xây dựng trên cả hai hướng Đông và Tây Trường Sơn vào tới miền Đông Nam Bộ.
Bộ đội thông tin Trường Sơn với lực lượng phát triển thành 2 trung đoàn gồm Trung đoàn 49 và Trung đoàn 596, các tiêu đoàn trực thuộc các sư đoàn, các đại đội trực thuộc binh trạm, trung đoàn. Với phương thức : Thông tin dây trần tải ba kết hợp cùng đa phương tiện thông tin khác hình thành hệ thống tin vững chắc. Với hai tuyến đường dây trần đông và tây Trường Sơn tổng cộng dài gần 3000 km và hàng vạn km đường dây bọc cùng các phương tiện vô tuyến điện, tiếp sức và các tổng trạm thông tin khu vực, tổng trạm thông tin tại sở chỉ huy của Bộ tư lệnh đồng bộ. Mạng thông tin liên lạc đã toả xuống rộng khắp chiến trường Trường Sơn.
Nhiệm vụ:
Bảo đảm cho chỉ huy trên chiến trường Trường Sơn, thông suốt từ Bộ tư lệnh tới các đại đội, các trạm điều chỉnh giao thông, các trận địa pháo.
Bảo đảm cho Bộ tổng tư lệnh chỉ huy đến các hướng chiến trường.
Các lực lượng thông tin với khẩu hiệu “ Coi dây như ruột, coi cột như xương “, tổ chức rải dây, trực ở các trạm trên các đỉnh núi cao, sẵn sàng nối dây khi bị địch đánh phá, biệt kích thám báo phá hoại, bảo đảm thông tin kịp thời, thông suốt trong mọi tình huống.
Bộ đội thông tin đã góp phần quan trọng vào chiến công của Bộ đội Trường Sơn nói riêng và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nói chung.
Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã đánh giá về Thông tin Trường Sơn là "huyền thoại trong huyền thoại đường Trường Sơn".
THÔNG TIN TRƯỜNG SƠN
Trường Sơn trùng điệp mênh mông
Mạng đường mở nối liên thông hai miền
Thuở đầu từ tuyến giao liên
Vươn nhanh phát triển vượt lên không ngừng
Quân ra mặt trận điệp trùng
Cung đường hướng tới toàn vùng rộng sâu
Thông tin tốc lực rải mau
Khởi đầu dây bọc tiếp sau dây trần
Luồn khe vượt núi băng ngàn
Mở ra cả mạng toàn đoàn kết liên
Muôn vàn gian khó vượt lên
Bom rơi đạn nổ chí bền lòng son
Ngày đêm truyền lệnh vẹn tròn
Tiền phương chiến thắng vang giòn khắp nơi
Bước chân đạp núi đội trời
Từng cung thầm lặng trạm rời canh dây
Với sao ngắm cảnh trên mây
Chân bay tay nối thông ngay kịp thời
Niềm tin ý chí dậy khơi
Âm thầm lặng lẽ vẫn ngời niềm tin
Coi dây như ruột của mình
Cột như xương vững dáng hình thẳng ngay
Chiến công thầm lặng đêm ngày
Thông tin toả sáng đường dài Trường Sơn.
(Còn nữa)