Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh – Con đường huyền thoại. Giới thiệu bài viết của Thiếu tướng Hoàng Kiền ( Tiếp theo kỳ 4)

Ngày đăng: 09:41 29/06/2019 Lượt xem: 802
ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN - ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH -
CON ĐƯỜNG HUYỀN THOẠI

Thiếu tướng Hoàng Kiền


          (Tiếp theo kỳ trước )

         I. CHỐNG NGĂN CHẶN BẰNG BỘ BINH

         ĐÁNH ĐỊCH MÀ ĐI, MỞ ĐƯỜNG MÀ TIẾN
        Để bảo đảm địa bàn cho tuyến vận chuyển chi viện chiến lược, năm 1961 các lực lượng của Bộ đã tổ chức đánh địch, từng bước tạo ra vùng giải phóng trên địa bàn khu vực miền tây Quảng Trị bên Đông Trường Sơn. Bên Tây Trường Sơn, liên quân Việt - Lào đã mở các chiến dịch giải phóng một vùng rộng lớn Trung và Hạ Lào, từ Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng xuống Khăm Muộn, Xa Va Na Khét, nối thông với vùng giải phóng Hạ Lào và miền Nam Việt Nam tạo điều kiện cho đoàn 559 hoạt động.

         Phía đông Trường Sơn quân Mỹ - nguỵ, bên tây Trường Sơn quân nguỵ Lào có sự hỗ trợ của quân Thái Lan thường xuyên nống ra ngăn chặn tuyến đường vận chuyển. Chúng thả biệt kích, thám báo xuống các khu vực trọng điểm, phỉ Lào luồn rừng chiếm các cao điểm, các hoạt động của chúng là chỉ điểm cho máy bay đánh phá, trực tiếp ngăn chặn, phá hoại, gây cho ta nhiều khó khăn.
         Lực lượng bộ binh Trường Sơn gồm các Đại đội bộ binh thuộc các Binh trạm, các Tiểu đoàn bộ binh trực thuộc các sư đoàn, tổ chức phối hợp đánh địch, giữ vững và mở rộng vùng giải phóng, tạo địa bàn cho tuyến vận chuyển hoạt động. 
         Tháng 7/1970 bộ điều Sư đoàn Bộ binh 968 đang chiến đấu trên chiến trường Nam Lào về trực thuộc Bộ tư lệnh Trường Sơn. Các đơn vị bộ binh thuộc các binh trạm, sư đoàn phối hợp cùng sư đoàn 968 đánh địch mở rộng địa bàn, giải phóng Mường Pha Lan, thị xã Sa Ra Van tạo điều kiện cho mạng đường phát triển sang phía tây của Nam Lào.

         Ngày 30 tháng 4 năm 1970 lực lượng hỗn hợp Mỹ - nguỵ Sài Gòn trên 10 vạn quân được máy bay, pháo binh yểm hộ ào ạt tiến công lên vùng "lưỡi câu" thuộc tỉnh Công Pông Chàm giáp với Tây Ninh. Chiến dịch có tên gọi là "Thần lửa" nhằm "cất vó" cơ quan đầu não của ta. Chúng đã gây cho ta rất nhiều khó khăn và thiệt hại. Chiến trường Nam Bộ và Nam Tây Nguyên bị cắt đứt nguồn tiếp tế.
         Để phá thế bao vây chiến lược của địch, Bộ chính trị BCHTW Đảng ta đã thống nhất với hai Đảng anh em Lào và Campuchia, mở rộng vùng giải phóng Trung - Hạ Lào và đông Campuchia, nối với Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ, hình thành một căn cứ hậu phương chiến lược của các chiến trường nam Đông Dương, đưa vận tải cơ giới vào sâu, đáp ứng nhu cầu kịp thời của cách mạng ba nước.
         Chấp hành chỉ thị của Bộ, trung tuần tháng 4 năm 1970 Bộ tư lệnh Miền mở đợt tiến công mới đánh chiếm Kra Chiê, Stung Treng, vượt sông Mê Công giải phóng Rê Viêng, Xiêm Riệp. Một lực lượng của Bộ tư lệnh Trường Sơn phối hợp đánh chiếm Xiêng Pạng. Chiến dịch thắng lợi, mở ra vùng giải phóng Đông Bắc Campuchia tạo thuận lợi cho đường Trường Sơn hoạt động

         Cuối năm 1972, được không quân Mỹ yểm trợ, binh đoàn cơ động nguỵ Lào mở gọng kìm tiến công các khu vực chốt giữ của ta. Đầu tháng 10 năm 1972 địch chiếm được thị trấn Mường Pha Lan trên đường số 9 phía tây Mường Phìn, Ở hướng hạ Lào địch chiếm lại Sa Ra Van, cắt đứt đường 23 .
         Bộ tư lệnh Trường Sơn đã mở chiến dịch tiến công địch, lực lương gồm sư đoàn 968, các đơn vị của sư đoàn 472 cùng quân đội Pa thét Lào đánh chiếm lại Mường Pha Lan, Thị xã Sa Ra Van, giải phóng hai thị xã Pắc Soong, Pắc Xế, chiếm cao nguyên Bô lô Ven, một khu vực rất quan trọng, đánh bại âm mưu của địch đánh cắt đường Trường Sơn ở phía tây.

         2. THAM GIA CHIẾN DỊCH ĐƯỜNG 9 NAM LÀO.
- Từ năm 1964 đến 1970 suốt hơn 6 năm sử dụng tối đa sức mạnh của không quân, Mỹ vẫn không ngăn chặc được sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam. Mỹ- nguỵ đã quyết định mở chiến dịch qui mô lớn bằng bộ binh tiến công đánh vào đường Trường Sơn. Lực lượng gồm quân Mỹ, quân nguỵ Sài Gòn, quân hoàng gia Lào và quân đội đội Thái Lan tham gia.
- Ngày 30 tháng 1 năm 1971 cuộc hành quân Lam Sơn 719 của địch đánh vào khu vực đường 9 bắt đầu. Hơn 4 vạn quân chủ lực nguỵ miền Nam, 6000 quân Mỹ, gồm những đơn vị tinh nhuệ nhất. Với số lượng lớn binh khí kỹ thuật, gồm 580 xe tăng và xe bọc thép, 320 khẩu pháo, 1000 máy bay (trong đó có 600 máy bay lên thẳng, 45 máy bay B52), chúng tập kết tại Đông hà tiến lên khu vực xuất phát là Khe Sanh. Từ đây cuộc hành quân được thực hiện bằng hai phương thức:
         Tiến công đường bộ: Đánh sang theo đường 9 mục tiêu là đánh tới Bản Đông, Sê Pôn trên đất Lào. Đổ bộ đường không: Đổ bộ xuống các khu vực trọng điểm để cắt đứt đường Trường Sơn trong một phạm vi có chính diện và chiều sâu khá lớn ở khu vực nam đường 9.
         Phối hợp ở phía tây, quân nguỵ lào huy động 4 tiểu đoàn từ Đồng Hến đánh ra khu vực Mường Pha Lan, phía tây Mường Phìn, quân đội Thái Lan hỗ trợ, sẵn sàng tham chiến.
         Mục tiêu trong chiến dịch này là hành quân này là cắt đứt hoàn toàn tuyến vận tải chiến lược, phá huỷ tối đa các kho chiến lược trên đường Trường Sơn, ngăn chặn sự chi viện các mặt cho lực lượng của ta ở chiến trường.
Để đánh bại cuộc hành quân này, Bộ chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào.
         Do nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn đã lấy được toàn bộ kế hoạch cuộc hành quân Lam Sơn 719 của Mỹ nguỵ, báo cáo ra Bộ Tổng tư lệnh, chúng ta đã chuẩn bị trước để đối phó. 
         Bộ tư lệnh Trường Sơn đã chuẩn bị thế trận cho chiến dịch phản công. Lực lượng của Bộ được điều động đến phục sẵn như sư đoàn 2 và một số đơn vị. 
          Cánh đông bắc thành lập mặt trận B70 bao gồm các sư đoàn 304, 308, 320 và các trung đoàn, tiểu đoàn độc lập.
         Cánh phía tây giao cho Bộ tư lệnh Trường Sơn phụ trách gồm: Sư đoàn 968, sư đoàn 2, trung đoàn 48, trung đoàn 29, cùng một số trung đoàn, tiểu đoàn binh chủng. Bộ đội Trường Sơn là lực lượng đánh địch tại chỗ trên toàn địa bàn chiến dịch, các đơn vị của BTL Trường Sơn được trang bị vũ khi bộ binh để tham gia đánh địch.
Ngày 3/1/1971 Ban chấp hành Trung ương Đảng ra lời kêu gọi toàn thể cán bộ chiến sĩ trên mặt trận đường 9 - Nam Lào " .... Trận này là một trận có ý nghĩa quyết định về chiến lược....Quân đội ta nhất định phải đánh thắng trận này".
          Ngày 23 tháng 3 năm 1971 chiến dich phản công đường 9 - Nam Lào kết thúc thắng lợi. Âm mưu của Mỹ nguỵ cắt đứt tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn bị thất bại hoàn toàn. Quân đội Sài Gòn nòng cốt của học thuyết của Ních Xơn "Việt Nam hoá chiến tranh" bị giáng một đòn thất bại nặng nề. Hơn 2 vạn tên địch bị loại khỏi vòng chiến đấu. 1138 xe tăng, xe bọc thép, xe kéo pháo, 112 pháo lớn bị phá huỷ, 556 máy bay trong đó có 505 máy bay trực thăng bị bắn rơi....
          Vừa trực tiếp bảo đảm cho chiến dịch, vừa tham gia chiến dịch, bộ đội Trường Sơn đã tiêu diệt 5.695 tên, bắt 614 tên, bắn rơi 346 máy bay (có 310 trực thăng), thu 125 xe pháo các loại.
Bộ đội Trường Sơn vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tham gia chiến dịch, vừa tiếp tục vận chuyển chiến lược cho các hướng chiến trường vượt chỉ tiêu đề ra.

         3. THAM GIA CÁC CHIẾN DỊCH KHÁC
         Trực tiếp tham gia cuộc tổng tiến công Mậu Thân 1968.
Để chuẩn bị cho chiến dịch, Quân uỷ Trung ương, Bộ quốc phòng, Tổng tư lệnh giao nhiệm vụ trực tiếp cho BTL 559 mở đường chiến dịch để cơ động lực lượng. Mở đường từ ngã ba biên giới áp sát Kon Tum, mở 2 con đường xuống Thừa Thiên - Huế, bảo đảm cho pháo binh cơ động áp sát thành phố Huế. Bảo đảm đường cho xe tăng đánh Làng Vây, Khe Sanh mở màn chiến dịch. Trực tiếp bảo đảm hậu cần cho lực lượng đánh vào thành phố Huế.
         Lần đầu tiên chở 1.997 người hoả tốc bằng cơ giới vào chiến trường đúng thời gian qui định, dùng xe tải nhỏ chở hàng z (các loại tiền) vào gấp chiến trường. Bộ đội Trường Sơn đã diệt 734 tên Mỹ, 105 tên nguỵ, bắn rơi 86 máy bay.

         Tham gia chiến dịch giải phóng Quảng Trị xuân hè 1972.
         Bộ tư lệnh Trường Sơn sử dụng Binh trạm 12 và 2 trung đoàn pháo cao xạ, 2 trung đoàn công binh, sư đoàn 473, sư đoàn phòng không 377 trực tiếp chiến đấu và bảo đảm chiến đấu giải phóng Đông Hà, thị xã Quảng Trị, bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Tiểu đoàn ca nô 166 trực thuộc Binh trạm 12 được thành lập vận chuyển vũ khí, hậu cần, chở thương binh ra. Tuyến đường từ bến đò Mai Xá, theo sông Hiếu ra ven biển vào sông Thạch Hãn đến Thành cổ. Bom, đạn pháo, thuỷ lôi của địch đánh phá vô cùng ác liệt, tiểu đoàn đã chi viện cho trung đoàn 48 suốt 81 ngày đêm chiến đấu bảo về Thành cổ.

         Tham gia cuộc tổng tiến công và nổi dậy năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.
+ Hai sư đoàn ô tô 471 và 571 được thành lập để vận chuyển chi viện cho các chiến trường B1, B2, B3, Campuchia và Nam Lào.
+ Tổ chức hành quân bằng cơ giới: Tổ chức 2 trung đoàn giao liên cơ giới e572 và e573. Từ năm 1974 bộ đội hành quân vào chiến trường đều đi bằng cơ giới, thời gian rút ngắn so với hành quân bộ hàng chục lần, bảo đảm kịp thời yêu cầu nhiệm vụ. Chỉ tính riêng 2 tháng cuối năm 1974, đã đưa vào chiến trường 80.000 quân và nhiều đoàn binh khí kỹ thuật an toàn.
+ Tham gia chiến dịch Tây Nguyên
        Ngày 15/1/1975, nhận được chỉ thị của Bộ tổng tư lệnh,
        Bộ tư lệnh Trường Sơn đã tập trung toàn bộ lực lượng vận tải gồm hai sư đoàn ô tô 471 và 571 vận chuyển để giao hàng cho Tây Nguyên. Các trung đoàn của sư đoàn công bịnh 470 tập trung mở đường mới, sửa đường cũ để lực lượng tăng pháo của chiến dịch áp sát Ban Mê Thuật.
         Sư đoàn ô tô 471 đã cơ động Sư đoàn 968 của BTL Trường Sơn từ Nam Lào về tham gia chiến dich Tây Nguyên, tiến công địch ở Kon Tum. Sư đoàn 471 chở lực lượng sư đoàn BB10 truy kích địch trên đường 7 và Sư đoàn 320 theo đường 14 . Ngày 25/3 Tây Nguyên hoàn toàn được giải phóng, Sư đoàn 470 tiếp quản Kon Tum, Sư đoàn 471 vào đóng tại đại bản doanh của Sư đoàn 23 nguỵ tại căn cứ Mai Hắc Đế - Ban Mê Thuật.
+          Tham gia chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng.
 Ngày 20 tháng 3 năm 1975, Bộ tổng tư lệnh chỉ thị cho Quân khu Trị Thiên, Quân khu 5 và Quân đoàn 2 mở cuộc tiến công giải phóng hoàn toàn Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng. BTL Trường Sơn đã chuyển từ kế hoạch bảo đảm cơ bản sang bảo đảm theo thời cơ, bảo đảm hậu cần trực tiếp cho chiến dịch. Các đơn vị công binh được điều động khẩn trương tham gia bảo đảm đường, rà phá bom mìn thuỷ lôi để bắc cầu bảo đảm vượt sông. Một bộ phận của Sư đoàn ô tô 571 cơ động gấp Sư đoàn BB 325 vào tiến công địch. Ngày 25/3 1975 Đà Nẵng hoàn toàn được giải phóng.
         Sư đoàn Công binh 473 cùng các trung đoàn 9, 509 thu chiến lợi phẩm của địch khôi phục cầu đường để lực lượng chiến dịch tiếp tục truy kích địch, giải phóng các tỉnh dọc miền trung.
+ Tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh
         Bộ chính trị quyết định mở chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định, lấy tên là chiến dịch Hồ Chí Minh.
Nhiệm vụ chính của bộ đội Trường Sơn là cơ động lực lượng chủ lực hành tiến tiến công quân địch. Các sư đoàn công binh 470, 472, 473 và một số trung đoàn độc lập tập trung bảo đảm đường cơ đông trên các hướng chiến dịch.
         Hai sư đoàn ô tô vận tải 471 và 571 với 5.000 xe ô tô đã bảo đảm cơ động cho các quân đoàn 1,2,3 trên các hướng tiến công nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu của chiến dịch và tiến công đánh chiếm Dinh độc lập.
Sư đoàn phòng không 377 cùng các trung đoàn độc lập 527 và 528 cơ động bảo vệ đội hình tiến công chiến dịch gồm các quân đoàn 1,2,3.
         Bộ đội đường ống bảo đảm kịp thời đầy đủ xăng dầu cho các phương tiện cơ giới tham gia chiến dịch.
        Lực lượng của BTL Trường Sơn gồm 6 sư đoàn và một số trung đoàn độc lập đã tham gia bảo đảm chiến đấu, chiến đấu trong chiến dịch Hồ Chí Minh, góp phần quan trọng vào chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975 giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
         Ngày 15/5/1975 hàng trăm "Tuấn mã" Trường Sơn của Sư đoàn ô tô vận tải 471 được tham gia diễu binh trong lễ ra mắt của ủy ban quân quản Sài Gòn do Trung tướng Trần Văn Trà làm Chủ tịch.

BỘ BINH TRƯỜNG SƠN

Mạng đường chiến lược mở ra 
Đường ngang, trục dọc vươn xa không ngừng
Đông-Tây khắp dải núi rừng
Bộ binh, biệt kích nống, lùng mọi phương 
Quyết tâm thực hiện chủ trương
"Đánh địch mà tiến, mở đường mà đi"
Bộ binh bám trụ kiên trì
Chiến đấu dũng cảm, gian nguy coi thường
Triển khai khắp mọi cung đường
Ngăn chặn, bảo vệ, tăng cường tuần tra
Không ngừng phát triển, tạo đà
Từ phân đội nhỏ, mở ra sư đoàn (1)
Đập tan các cuộc hành quân
Chặn địch, giữ vững an toàn hành lang
Giải phóng mở rộng địa bàn 
Tạo lập căn cứ, lo toan bố phòng

Tham gia chiến dịch Phản công (2)
Nam Lào - Đường 9 hiệp đồng đỉnh cao
Tiến công khắp trung - hạ Lào (3)
Mở vùng giải phóng tự hào sắt son 
Rạng danh bộ đội Trường Sơn
Hợp thành binh chủng mốc son trên đường
Trường Sơn là một Chiến trường
Chi viện chiến đấu kiên cường lập công
Con đường thống nhất non sông
Bộ binh tinh nhuệ "Thành đồng" vinh danh 

------------------------------------------------------------------------------
(1) Ban đầu là những Phân đội Bộ binh nhỏ cấp đại đội, tiểu đoàn, sau phát triển lên có Sư đoàn bộ binh 968
(2) Bộ đội Trường Sơn chuẩn bị địa bàn, cơ sở vật chất và lực lượng tham gia chiến dịch phản công Đường 9 Nam Lào do Bộ tổ chức, đập tan cuộc hành quân Lam Sơn 719 của địch, giành thắng lợi hoàn toàn.
(3) Chiến dịch tiến công trên mặt trận trung - hạ Lào, lực lượng Bộ binh Trường Sơn có sự phối hợp của lực lượng Pha-Thét Lào, đánh bại lực lượng quân đội Hoàng gia Lào và quân Thái Lan được không quân Mỹ yểm trợ, giải phóng một vùng rộng lớn từ Mường Pha Lan xuống Sa-Ra-Van, Bô-Lô-Ven, A-Tô-Pơ, Pac Xế

(còn nữa)

 

tin tức liên quan