Hội thảo Di tích lịch sử bến đò A Sanh
Nguồn: Báo Điện tử Quân Đội Nhân Dân
Tại xã Ia Khai (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Ia Grai phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức Hội thảo Di tích lịch sử bến đò A Sanh.
Tại hội thảo, các đại biểu và nhân chứng đã khẳng định: Bến đò làng Nú (xã Ia Khai) và một số bến đò khác dọc bờ sông Pôkô từ tỉnh Kon Tum qua tỉnh Gia Lai, sang Campuchia được sử dụng để chở bộ đội, vũ khí, hàng hóa trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thời gian đó, thuyền độc mộc của người dân được quân đội huy động để phục vụ công tác vận tải; đồng bào các dân tộc dọc bờ sông Pôkô đã không quản ngại hy sinh, gian khổ, chủ động tham gia các hoạt động quân sự, chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần cùng với quân và dân Tây Nguyên lập nên những chiến công vang dội.
|
Đại biểu và nhân chứng dự hội thảo khảo sát bến đò. |
Di tích lịch sử bến đò A Sanh là một minh chứng sống động về lòng dũng cảm, mưu trí, hy sinh của quân và dân Tây Nguyên dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà người Anh hùng LLVT nhân dân Puih San là tấm gương tiêu biểu. Puih San hay còn gọi là A Sanh, người dân tộc Jrai, sinh ra và lớn lên tại làng Nú (xã Ia Khai), năm 1961, ông nhập ngũ vào quân đội, thực hiện nhiệm vụ vận tải trên hành lang bí mật. Kể từ đó, con “rái cá Puih San” không chỉ trung thành, gan dạ, mưu trí mà còn có đôi bàn tay “cứng như sắt” chèo đò đưa bộ đội, hàng hóa qua sông Pôkô. Có những đêm, Puih San và đồng đội chở hơn 30 chuyến đò, đưa hàng trăm lượt người cùng hàng hóa qua sông an toàn. Puih San-A Sanh trở thành hình tượng trong thi ca, cổ vũ bộ đội và nhân dân anh dũng chiến đấu trên mọi chiến trường.
Sau hội thảo, UBND huyện Ia Grai và các sở, ngành hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị tỉnh Gia Lai công nhận bến đò A Sanh là di tích lịch sử cấp tỉnh. Qua đó phục hồi, bảo tồn, phát huy các giá trị của bến đò; nhất là trong giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, phát triển du lịch, nâng cao đời sống của nhân dân trên địa bàn.
Tin, ảnh: NGUYỄN ANH SƠN
( C. H sưu tầm)