Vậy là Đường 20B ra đời. Đường hẹp, lượn ngoằn ngoèo qua các gốc cây nên tốc độ xe chạy rất chậm. Tuy nhiên cũng có đoạn phải đi men trên đỉnh núi. Trung đội tôi được điều động lên giữ đoạn đèo ấy. Chúng tôi chia đôi lực lượng đóng quân hai bên đèo, vừa để bảo đảm giao thông, vừa nắm quy luật hoạt động của máy bay, hướng dẫn cho xe đi.

Tại con đèo này, tôi đã mất một đồng đội, một chiến sĩ vô cùng dũng cảm. Anh tên là Trang, người dân tộc Mường, quê Bá Thước, Thanh Hóa. Lúc bấy giờ là mùa khô năm 1967-1968. Tôi là Trung đội trưởng Trung đội 3, Đại đội 5, Tiểu đoàn 33, Binh trạm 14, Bộ tư lệnh 559. Tôi quý Trang bởi anh là mẫu chiến sĩ mà tôi tin rằng không thủ trưởng đơn vị nào không mong có. Có sức khỏe tốt, có nếp sống kỷ luật, không nề hà bất kỳ nhiệm vụ gì, dù khó khăn đến mấy, bao giờ anh cũng xung phong thực hiện.

Minh họa: TÔ NGỌC

Chiều hôm đó, đoàn xe chất đầy hàng, gồm cả đạn và phuy xăng đã tập kết sẵn chờ hiệu lệnh. Chập tối thì được lệnh vượt đèo. Mới vài chiếc đi qua an toàn thì bỗng máy bay địch ùa đến đánh phá. Chúng treo pháo sáng trắng trời, giội bom, bắn rốc két. Trên đỉnh đèo, một chiếc ZIL chở đạn nằm quay ngang lấn gần hết mặt đường, phía sau xe bị nghiêng, rệ xuống ta-luy âm, chênh vênh như sắp lăn xuống vực, chiến sĩ lái xe bị thương nặng. Đoàn hơn 20 xe dồn ứ lại phía sau.

Cả trung đội lao ra, người thì cứu thương binh, người thì hướng dẫn cho xe tạm lánh vào những vị trí an toàn. Riêng chiếc xe bị nạn trên đỉnh đèo thì chưa biết xử lý thế nào. Không thể dùng xe hay sức người để kéo vì địa hình và điều kiện không cho phép. Chỉ còn mỗi cách dùng bộc phá đánh hất xe xuống vực, vừa để giải phóng nhanh mặt đường, vừa đề phòng xe trúng đạn phát nổ thì rất nguy hiểm. Đường tắc, số xe còn lại ngày hôm sau sẽ bị chúng săn lùng diệt bằng hết.

Trong lúc chờ ý kiến của trên, không khí căng như dây đàn. Đúng lúc ấy, Trang gặp tôi đề xuất ý kiến: Xin được lên đỉnh đèo lái xe ra. Đề xuất của Trang khiến tôi quá bất ngờ. Tôi chưa kịp có phản ứng gì thì Trang nói luôn: “Em biết lái xe, tuy chưa có bằng. Hồi còn ở nhà, anh con ông bác có chiếc xe chuyên chở đá cho công trường đã dạy em lái và nhiều lần em đã được cầm lái. Tuy không phải tay lái lụa nhưng em sẽ làm được. Vả lại, em không lái xe chạy trên đường mà chỉ đưa xe ra khỏi tình huống nguy hiểm”.

Quả thực đây là vấn đề rất lớn, cả cuộc đời quân ngũ của tôi đến mãi sau này chưa bao giờ phải đối mặt với tình huống cam go đến thế. Liên quan đến sinh mạng của chiến sĩ, liên quan đến cả một xe hàng, chỉ có thủ trưởng binh trạm mới có quyền quyết định. Từ đại đội lên trên bị mất liên lạc. Tôi điện báo cáo lên đại đội và xin chịu trách nhiệm hoàn toàn về quyết định của mình. Mục tiêu là phải giải phóng cả đoàn xe trước lúc trời sáng, còn trước mắt là cứu xe hàng và giải phóng đường.

11 giờ đêm vẫn không ngớt tiếng máy bay gầm rú. Để đưa ra quyết định như chúng tôi đề xuất, chắc thủ trưởng đại đội cũng phải bàn bạc, suy nghĩ nhiều và sẵn sàng chịu trách nhiệm trước cấp trên. Tôi nhận được điện đồng ý, nhưng đại đội trưởng dặn rất kỹ: Khẩn trương, an toàn và phải tranh thủ thời cơ lúc máy bay địch tạm yên. Bất đắc dĩ thì bỏ xe, giữ người.

Tôi, Trang và cậu Thiện cùng lên hiện trường. Sau khi nghe Trang trình bày,  tôi nhất trí với phương án giải cứu, đưa xe lên mặt đường. Trang bảo: “Ở đây thêm người cũng không giải quyết được gì. Anh với Thiện cứ về hầm trú ẩn, cần gì em gọi”. Tôi dặn đi dặn lại: “Có chắc thì hãy làm, không chắc thì thôi. Quá trình xử lý nếu có hiện tượng xe lún nghiêng xuống vực thì phải nhanh chóng thoát ra khỏi ca-bin, an toàn tính mạng là trên hết”.

Sau đó, hai chúng tôi về hầm ẩn nấp cách chỗ Trang chừng 30m. Hồi hộp quan sát. Tôi thấy Trang chui xuống gầm xe, xem xét kỹ chỗ hai bánh bị rệ, lấy xẻng đào đào, bới bới một lúc lâu. Sốt ruột quá, tôi với Thiện chạy lại xem có cần hỗ trợ gì không. Trang xua tay bảo chúng tôi về hầm và khăng khăng một mình lo được. Tôi quan sát thấy Trang xẻ một vệt thoai thoải từ bánh xe lên mặt đường, đúng như phương án đã bàn với tôi, tạo đà thuận lợi nhất để khi cài số, nhấn ga là xe vọt lên ngay. Nếu phải dập dình lấy đà thì chiếc xe với trọng tải chừng 5 tấn trên lưng sẽ càng bị rệ thêm, không chừng lăn luôn xuống vực.

Chúng tôi quay lại hầm trú ẩn. Nghe thấy tiếng máy xe nổ, tôi căng mắt ra nhìn. Bỗng tiếng máy rú lên, chiếc xe rung mình rồi chồm lên mặt đường. Thiện reo lên: “Thành công rồi!”. Tôi thấy Trang điều khiển xe từ từ tấp áp sát vào vách ta-luy dương. Chiếc xe vừa phanh dừng lại thì một loạt bom giội xuống. Đất đá rơi ào ào. Khi chúng tôi chạy lên thì thấy Trang đầu gục xuống, hai tay vẫn giữ chặt vô lăng, trên thái dương một dòng máu tươi chảy xuống.

Đồng đội tôi đã anh dũng hy sinh như thế. Trong đêm ấy, cả đoàn xe kịp vượt đèo về nơi tập kết an toàn. Còn chúng tôi thì mãi mãi mất đi một người bạn, người đồng chí, đồng đội, một người lính quả cảm.

(*) Đại tá, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chính trị viên Hệ bổ túc và đào tạo sau đại học, Học viện Hậu cần

                                               HOÀNG VĂN KÍNH (*)