Chiến thuật “Đánh một la mười” của Trung đoàn 19, Sư đoàn 968.
QĐND - Thành công nhất là chúng tôi đã nghi binh lừa được địch, “đánh một la mười”. Khi tiến công tiêu diệt các cứ điểm, chúng tôi tổ chức như một trận đánh hiệp đồng binh chủng quy mô lớn. Trung đoàn 19 ngày nào cũng tổ chức tấn công địch trên trục đường đến Thanh Bình-Thanh An, Hòn Rồng, Chư Sê. Địch càng nghi ngờ ta tập trung lực lượng lớn ở Pleiku. Và chúng thua là phải...
Cách đây 45 năm, được biên chế và trang bị rất đầy đủ với tổng quân số là 2.750 cán bộ, chiến sĩ, 176 xe vận tải Ypa, Trung đoàn 19, Sư đoàn 968 do tôi là Trung đoàn trưởng thực hiện nhiệm vụ mà Đại tá Thanh Sơn-Tư lệnh sư đoàn trực tiếp giao cho đơn vị, cơ động đội hình từ Salavan (Nam Lào) về tập kết ở khu vực sân bay Đức Cơ (tây Pleiku) tham gia Chiến dịch Tây Nguyên.
Cấp trên giao cho trung đoàn là lực lượng chủ yếu được sư đoàn tăng cường các loại hỏa lực như pháo 122mm, cao xạ, các đơn vị bảo đảm để thực hiện nhiệm vụ tiến công các cứ điểm trên hướng chủ yếu theo trục đường 19 từ Đồn Tầm-Chốt Mỹ đến Thanh Bình-Thanh An, Hòn Rồng và trực tiếp vào thị xã Pleiku. Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 19 chúng tôi mừng vui khôn xiết vì được về làm nhiệm vụ giải phóng đất nước sau 6 năm chiến đấu liên tục để giải phóng nước bạn Lào. Chúng tôi cũng như các đơn vị phối thuộc có quyết tâm rất lớn, kỷ luật nghiêm để thi hành nhiệm vụ đạt hiệu quả cao.
Tư lệnh chiến dịch Hoàng Minh Thảo và Tư lệnh Sư đoàn 968 cùng củng cố quyết tâm là giao cho Trung đoàn 19 đánh mở đầu chiến dịch. Đồng thời nhắc chúng tôi “đánh một la mười”, làm cho địch phải tập trung lực lượng đối phó và điều quân ở Buôn Ma Thuột ra ứng cứu cho hướng tây Pleiku.
Trận đánh hiệp đồng tiêu diệt Đồn Tầm-Chốt Mỹ-cao điểm 605 đến Thanh Bình-Thanh An được biểu hiện là một trận “điệu hổ ly sơn”, và chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ lừa địch. Phương án mà tập thể lãnh đạo, chỉ huy Trung đoàn 19 báo cáo, được sư đoàn và tư lệnh chiến dịch phê chuẩn. Hướng tấn công là: Tiểu đoàn 2 đánh từ tây nam Đồn Tầm, hướng thứ yếu là Tiểu đoàn 3 có thêm một đại đội của Tiểu đoàn 1 cắt Thanh Bình ra cao điểm 605. Còn lại Tiểu đoàn 4 (thiếu một đại đội) làm dự bị. Các loại hỏa lực ĐKZ 75mm bố trí bắn thẳng vào lô cốt tiền duyên cũng như B40, B41 đã có phương án tiêu diệt cứ điểm.
|
|
Đại tá Lê Quang Huân (bên phải). Ảnh: QUANG LÊ |
Đúng 16 giờ ngày 1-3-1975, từ vị trí sở chỉ huy Trung đoàn 19 bắn lên 3 quả pháo sáng, là lệnh nổ súng của trận mở đầu trên hướng nghi binh chiến dịch. Các loại hỏa lực 122mm, cối 120mm, cối 82mm, ĐKZ giội lửa vào cứ điểm Đồn Tầm-Chốt Mỹ, cao điểm 605, Thanh Bình. Pháo cấp trên bắn thẳng vào sân bay Cù Hanh (sân bay Pleiku hiện nay) và sở chỉ huy quân khu địch ở Pleiku. Trong khi hỏa lực bắn, các chiến sĩ công binh mở thông cửa mở 8 hàng rào. Khi hỏa lực chuyển làn vào Thanh Bình-Thanh An-Hòn Rồng, các lực lượng bộ binh xung phong tiêu diệt địch ở các cứ điểm trên. Đến 18 giờ, ta làm chủ và cắm cờ giải phóng trên các cứ điểm chiếm được. Tôi đã trực tiếp lên kiểm tra chiến trường thấy xác địch nằm ngổn ngang.
Sau khi thu dọn chiến trường, tôi giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 4 áp sát đánh địch ở phía nam Thanh Bình-Thanh An, Tiểu đoàn 3 đánh ở phía bắc, còn lại rút ra làm dự bị. Tôi báo cáo sơ bộ kết quả lên Tư lệnh Sư đoàn 968 và sau hai ngày, chúng tôi nhận được điện khen từ bộ. Trên có quyết định tặng thưởng huân chương cho trung đoàn, đồng thời chỉ thị cho trung đoàn đánh mạnh hơn nữa.
Tôi cùng tập thể chỉ huy trung đoàn có suy nghĩ và trao đổi, tới đây sẽ là những ngày chúng tôi phải chiến đấu liên tục. Và quả đúng như vậy. Trung đoàn 19 chúng tôi ngay sau đó phải đánh cả liên đoàn biệt động 89 với một trung đoàn của sư đoàn 23 nống ra ga Thuần Mẫn. Cấp trên luôn động viên chúng tôi kịp thời, tiếp thêm nhiều đạn hỏa lực để đánh liên tục ở trên không và dưới đất. Tướng Phú lúc này đã nhận định hướng Pleiku là hướng chính của chiến dịch. Tất cả hỏa lực địch đều tập trung cho hướng tây Pleiku và trên đường 19.
Những ngày ấy, tôi là Trung đoàn trưởng mà được gặp Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng, Tư lệnh chiến dịch Hoàng Minh Thảo, được làm việc và nhận lệnh trực tiếp của Tư lệnh sư đoàn. Tôi cảm thấy những nhận định và đánh giá của cấp trên rất tài tình và chính xác.
“Sau này, tôi làm giáo viên chiến thuật, chiến dịch, chiến lược ở Học viện Quân sự Cấp cao (nay là Học viện Quốc phòng), Phó tham mưu trưởng Quân khu 2, Phó tham mưu trưởng Quân khu 2, rồi Phó giám đốc Học viện Chính trị, Học viện Hậu cần. Tôi đã tranh luận đây không phải hướng nghi binh chiến dịch mà là hướng chính của chiến dịch. Tranh luận là thế nhưng thực ra tôi rất thoải mái với suy nghĩ đây là hướng nghi binh chiến dịch có ý nghĩa chiến lược. Tôi cảm ơn những đồng đội còn sống và đã khuất từng chỉ bảo, hướng dẫn tôi tổ chức thắng lợi các trận đánh nghi binh”
Đại tá Lê Quang Huân kể
TUẤN TÚ (ghi)