Ngày 31-3-2011, Ban liên lạc Bộ đội Trường Sơn (nay là Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam) tổ chức thăm chiến trường xưa trên đất bạn Lào có 50 người do đồng chí Thiếu tướng Võ Sở làm trưởng đoàn. Theo nguyện vọng của đoàn, các đồng chí trong Bộ chỉ huy quân sự và Hiệp hội CCB tỉnh Xa-vẳn-na-khẹt đã tổ chức giúp đoàn đi tìm địa đạo-căn hầm chỉ huy của Bộ tư lệnh 559 được xây dựng từ năm 1967. Sáng 3-4-2011, Đại tá Xiêng-xay Nha-lạt - Tỉnh đội trưởng, Bun-tha - Chủ tịch Hiệp hội Hội CCB tỉnh Xa-vẳn-na-khẹt hướng dẫn đoàn về Na-po, ngã ba Đường 128 và Quốc lộ 9. Tại đây, các đồng chí: Xiêng-xay Nha-lạt, Bun-tha, Võ Sở, Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Bá Tòng… cùng chụm đầu nghiên cứu trên bản đồ và xác định vị trí địa đạo theo trí nhớ của mỗi người. Cả đoàn vào bản Keng Khăm tìm những người già hỏi thăm. Một lúc sau dân bản kéo đến khá đông. Người nói được tiếng Việt rất ít, nhưng nụ cười và những cái bắt tay thì rất chặt. Sau đó, đoàn gặp được ông Bun-nho, Trưởng bản Huội Chăng và ông Bun-hôm là dân gốc ở đây, cả hai ông đều biết căn hầm này. Ông Bun-hôm nói tiếng Việt bập bẹ, cũng đủ để chúng tôi hiểu:

- Hằng năm, vào đầu tháng 3, dân bản lại vào đây làm lễ tế Thần rừng để cây rừng xanh tốt, dân bản mạnh khỏe, mùa màng tốt tươi nên tui biết.

- Bây giờ đi vào khó lắm vớ! - Ông Bun-nho nói thêm.

 

 Các CCB Trường Sơn với những hiện vật xưa vẫn còn ở địa đạo.

 

Đồng chí Xiêng-xay Nha-lạt nói một hồi tiếng Lào với ông Bun-nho rồi hai ông cùng cười, dẫn đoàn đi. Xe ô tô đi theo đường rừng chừng 5km thì dừng lại rồi đi bộ. Lại theo những lối mòn, những nơi suối cạn, cây rừng chằng chịt, có đoạn người phải luồn qua những cây rừng cổ thụ bị đổ nằm ngang đường, có chỗ phải dắt tay để kéo nhau đi lên. Có lúc qua cánh rừng lại gặp những cây mít, cây ổi, cây chuối và vết tích nền nhà cũ. Ông Bun-nho bảo:

- Đây là nhà của dân bản Keng Khăm. Mỹ ném bom dân phải bỏ nhà vào rừng ở. Còn bộ đội Việt Nam không chạy đâu, vẫn lái xe qua đây…

Ông Bun-nho, ông Bun-hôm thường đi trước một đoạn khá xa với con dao quắm luôn phát ngang phát dọc để mở đường. Đến một khu rừng có nhiều cây cổ thụ to hai người ôm không xuể, ông Bun-hôm nói đây là khu rừng thiêng của dân bản. Ông chỉ vào nơi có chiếc bàn 4 chân được ken bằng nứa rất cầu kỳ phần trên mặt và nói tiếp: Đây là bàn thờ Thần rừng, tháng 3 hằng năm dân bản vào đây làm lễ. Không ai được chặt cây cối ở khu vực này. Từ đây vào bên trong có cái hầm khoảng một đoạn rừng nữa thôi.

Chúng tôi không biết một đoạn là bao nhiêu, nhưng nhìn xung quanh thấy nhiều hiện vật như thường thấy ở khu vực bộ đội đóng quân ở Trường Sơn: Vài ba quả lựu đạn của Trung Quốc đã hoen gỉ, một vài đoạn dây điện thoại đã mục nát…, mọi người đều thêm tin tưởng đang tới rất gần địa đạo. Đi chừng 200m thì nghe tiếng ông Bun-hôm:

-  Ơ, bộ đội, bây giờ đã đến cửa hầm rồi…

Nghe thế, mọi người leo nhanh lên trước cửa hầm. Nói là cửa hầm nhưng nó chỉ rộng chừng 2m, cao 1,2m theo hình bán nguyệt và hõm sâu vào trong núi. Thời gian mấy chục năm, thiên nhiên đã làm biến dạng cửa hầm nhưng không thể che mờ dấu tích lịch sử của Bộ đội Trường Sơn. Tôi trông thấy cây gỗ chỉ còn lõi nằm xiên trên nóc hầm và lấy bút xóa (màu trắng) trịnh trọng ghi: Ban liên lạc Bộ đội Trường Sơn-Đường HCM. 12h09 ngày 3-4-2011. Đó là thời khắc lịch sử đã tìm được dấu tích địa đạo - hầm chỉ  huy Bộ tư lệnh 559 tại bản Huội Chăng.

 

Cửa địa đạo bản Huội Chăng được phát hiện và tấm gỗ ghi thời khắc lịch sử được nhắc đến trong bài viết. Ảnh: TRƯỜNG SƠN. 

 

Thiếu tướng Võ Sở, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn xác định đây là 1 trong những cửa hầm ra, còn cửa hầm vào là trên đỉnh quả núi này. Mọi người ngước nhìn lên quả núi cao gần 50m, rất dốc, cả một rừng cây xanh ngắt ken dày. Ông Bun-nho nói:

- Trên đó cũng có cửa hầm, nhưng đi khó lắm…

Sau này, chúng ta đã nhờ bạn Lào làm đường vào gần cửa hầm và đào lại căn hầm này. Ngày 12-12-2012, nhân dịp khánh thành Bảo tàng Bản Đông, Đoàn cán bộ Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam do đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng, Phó chủ tịch Hội đến thăm lần thứ hai. Cửa hầm cũ nay đã vào được gần 20m và một cửa ra mới tìm thấy đã vào được hơn 10m. Chiều cao hầm từ 1,8-2m, chiều rộng lối đi từ 1,2-1,5m. Trong địa đạo có các phòng trực ban: Tác chiến, Vận chuyển, Hậu cần, Chính trị, Công binh... và trực ban thông tin. Ở giữa có phòng giao ban ngồi được 20 người, có bản đồ tác chiến, có các máy điện thoại gọi đi các chiến trường, hầm làm việc của Thủ trưởng Đồng Sĩ Nguyên… Nếu có dịp vào thăm Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn ở Quảng Trị hay thăm Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh ở Yên Nghĩa (Hà Nội), sẽ được tham quan địa đạo - hầm chỉ huy Bộ tư lệnh 559 được xây dựng theo mô hình địa đạo ở bản Huội Chăng.

Những người lính Trường Sơn chúng tôi mong ước hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam và Lào công nhận di tích và cho phép xây dựng địa đạo bản Huội Chăng thành một “địa chỉ đỏ” phục vụ du khách, đồng thời góp phần giáo dục cho thế hệ mai sau về truyền thống của hai dân tộc Việt Nam-Lào đã chung lưng dựa vào dãy Trường Sơn để đánh đuổi kẻ thù chung, bảo vệ nền độc lập của hai dân tộc.
 

TRẦN VĂN PHÚC