Tiểu đoàn 301 hành quân vào Trường Sơn.

Ngày đăng: 11:20 29/05/2020 Lượt xem: 998
Tiểu đoàn 301 hành quân vào Trường Sơn.
(Ngày 10/6/1959) 
                                                   
...(Trích hồi ký  "Những nẻo đường kháng chiến"của Thiếu tướng Võ Bẩm, Duy Tường thể hiện)
      ....Ngay sau khi nhận lệnh nhập tuyến, ngày 9 tháng 6, Ban Cán sự 559 họp chớp nhoáng, hạ quyết tâm lãnh đạo đơn vị giành thắng lợi trận đầu. Cuộc họp kết thúc, tôi điện ngay cho Ban Chỉ huy Đoàn 301, phát lệnh "cấm trại", tổ chức cấp phát bổ sung quân trang, vũ khí trang bị, chuẩn bị nhận nhiệm vụ.
        Trưa hôm sau (ngày 10 tháng 6) tôi cùng anh Nguyễn Thạnh lên Đoàn 301. Chiếc Commăngca ngược quốc lộ số 2, qua Phù Lỗ, vừa dừng bánh trước barie vào cổng doanh trại đã thấy anh Chữ, anh Danh đợi sẵn. Vào phòng làm việc, tôi đi ngay vào công việc:
       - Toàn đoàn đã được lệnh xuất quân; ngày mai tôi muốn gặp toàn đơn vị truyền đạt lệnh của Bộ Chính trị và lời dặn dò của Bác Hồ.
Anh Danh vui vẻ nói:
      - Từ lúc nhận điện, chúng tôi đã triển khai công tác chuẩn bị. Hiện nay bộ đội đã sẵn sàng.
         Sáng hôm sau, tại hội trường của Đoàn 301, trong bầu không khí vừa nghiêm túc, thân tình và phấn chấn cao độ, tôi thân tình hỏi anh em:
      - Chúng ta đã được lệnh lên đường. Còn ai vương vấn gì nữa không?
       Cả hội trường ào lên: Đi thôi, đi thôi. Không vướng mắc gì cả.
       Tôi cảm ơn anh em, rồi đọc lệnh hành quân của cấp trên và xúc động truyền đạt lại lời dặn dò của Bác Hồ: Các chú đi làm nhiệm vụ đặc biệt này phải đảm bảo tuyệt mật; luôn luôn nhớ là "sống để dạ, chết mang theoChạng vạng chiều hôm sau, bộ đội lục tục hành quân từ Nông trường Vân Lĩnh ra ga Tiên Kiên, sau khi đã để lại mọi giấy tờ, kỷ vật tùy thân.
Dường như muốn kéo dài thời gian quý giá lưu lại ở đất Tổ, nên chuyến tàu chiều hôm đó chậm ba giờ so với giờ tàu quy định. Cả đoàn quân gần 500 con người nóng lòng chờ đợi.
        Lúc 22 giờ, tàu rời ga Tiên Kiên, rúc lên những hồi còi vang xa như lời chào của những người lính trước giờ ra trận.
Tạm biệt trung du với những rừng cọ, đồi chè, tạm biệt bà con, cô bác, tàu về Hà Nội, xuôi Nam Định rồi dừng ở Hàm Rồng - Thanh Hóa. Từ đây, Đoàn 301 được đoàn xe Lam Sơn - ô tô vận tải của Tổng cục Hậu cần đưa vào tập kết tại doanh trại của Sư đoàn 325 ở tây nam thị xã Đồng Hới - Quảng Bình. Riêng Đội 12 xây dựng rẽ về huyện Lệ Thủy và ngược lên hướng Bang Rợn, chuẩn bị xây dựng khu hậu cứ của đoàn. Để bảo đảm bí mật, Đội 12 đóng vai là bộ đội biên phòng Quảng Bình.
      Trong khi bộ đội nghỉ tạm tại doanh trại Sư đoàn 325, Ban Cán sự họp mở rộng tại nhà khách Tỉnh ủy Quảng Bình, bàn kế hoạch rải tuyến. Hội nghị tập trung nghe anh Ngô Văn Diệm trực tiếp báo cáo tình hình khảo sát xoi đường qua những điểm vượt xung yếu, như sông Ra Gã (thượng nguồn sông Cam Lộ), thượng nguồn sông Ba Trăng, là những điểm địch thường tổ chức lực lượng bảo an tuần tra từ Ba Trăng đến Miệt Xá (bắc Làng Vây). Khó khăn nhất là đội khảo sát phải tìm lối vượt đường 9, sông Đắc Rông (một nhánh của sông Thạch Hãn)... Anh Diệm cho hay, Tỉnh ủy Quảng Trị và Huyện ủy Hướng Hóa đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đoàn khảo sát. Tỉnh ủy cũng đã cử các anh Hồ Ổi, Hồ Nuồn, Hồ Tèo là những thanh niên người Vân Kiều thông thạo rừng núi, sông suối, làm liên lạc, trinh sát những điểm xung yếu nhất.
      Vào tuyến, chúng tôi quy định bộ đội phải cải dạng thành nhân dân, đúng hơn là "địa phương hóa" triệt để từ trang phục đến cách thức sinh hoạt. Nếu chẳng may bị địch bắt chỉ nhận là cán bộ nằm vùng để giữ bí mật tuyến giao liên.
      Sau cuộc họp này, tôi trực tiếp gặp anh Hồ Sĩ Thản trình bày yêu cầu thay đổi trang phục cho bộ đội. Không phải đợi lâu, chỉ sau vài ngày, Đặc khu ủy và chính quyền Đặc khu Vĩnh Linh đã cung cấp cho chúng tôi hơn một nghìn bộ quần áo bà ba và hơn sáu trăm đôi dép cao su. Liền đó, anh Chữ, anh Danh cho anh em khẩn trương tìm kiếm mây rừng đan gùi như bà con Vân Kiều vẫn dùng để thay ba lô. Nhìn anh em trong bộ bà ba, đeo gùi mây, khó mà đọc được một nét nào của bộ đội miền Bắc.
        Hoàn tất các khâu chuẩn bị, ngày 26 tháng 6 năm 1959, Đoàn 301 hành quân vào tập kết tại Khe Hó, lấy danh nghĩa là công nhân khai thác gỗ (thợ sơn tràng) và công nhân nông trường..


                                                                                                                                             VB
 

tin tức liên quan