Bến đò Tùng Luật - địa danh lịch sử hào hùng

Ngày đăng: 08:49 11/06/2020 Lượt xem: 609


               Bến đò Tùng Luật - địa danh lịch sử hào hùng


                                                  Nguồn: Báo Điện tử Quân Đội Nhân Dân

Bến đò Tùng Luật trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ngoài phục vụ dân sinh qua lại hai bờ Nam-Bắc còn đón đưa hàng vạn lượt cán bộ, chiến sĩ, dân quân du kích và dân công tải đạn, hàng hóa đến các chiến trường phía đông Quảng Trị.


Ngày 6-1-1950, tại bến đò Tùng Luật, bộ đội Trung đoàn 95 và Đại đội 354 bộ đội địa phương của huyện Vĩnh Linh vượt sông đánh thắng quân Pháp tại đồn Cửa Tùng-một cứ điểm quan trọng của địch ở phía đông huyện Vĩnh Linh. Chiến thắng này thể hiện sự lớn mạnh của quân, dân ta trên chiến trường Bắc Trung Bộ, tạo thế và lực cho bộ đội địa phương, du kích các xã ở phía đông Vĩnh Linh, Gio Linh diệt ác, phá tề, phá thế kìm kẹp của địch. Sau thất bại ở Cửa Tùng, quân Pháp và quân ngụy trên địa bàn đông Vĩnh Linh, như: Cửa Tùng, Tân Trại Thượng, Tân Trại Hạ, Hương Vệ, Di Loan, An Ninh, An Du, An Ngãi, An Bằng, Chợ Do phải co cụm trong đồn bốt, không dám càn quét. Với chiến công hào hùng đó, năm 1953, quân du kích và nhân dân xã Vĩnh Giang được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân các xã đông Vĩnh Linh và Gio Linh đã hợp lực phá tan các đợt càn quét của giặc Pháp, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm lính Pháp, tề ngụy, phá hủy nhiều phương tiện quân sự hiện đại của chúng. Bến đò Tùng Luật đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, là cầu nối giữa hai bờ nam bắc, góp phần cùng với nhân dân cả nước đánh tan âm mưu xâm lược của thực dân Pháp.

Bến đò Tùng Luật - địa danh lịch sử hào hùng
Di tích Bến đò Tùng Luật. 

Ngày 21-7-1954, Hiệp định Geneve được ký kết, tưởng chừng đất nước sẽ hưởng hòa bình, độc lập, tuy nhiên, bến đò Tùng Luật lại phải bước vào những trang sử đầy máu, nước mắt.

Lịch sử chống Mỹ-ngụy của bến đò Tùng Luật bắt đầu từ những chuyến đò xuyên màn đêm, bí mật đưa chiến sĩ, cán bộ quân báo vào Nam hoạt động trong những năm 1956-1965. Trong những chuyến đò đó có vị khách đặc biệt được bí mật đón qua sông, đó là Bí thư thứ nhất Lê Duẩn. Phải chịu những thất bại cay đắng của ngụy quyền Sài Gòn trước phong trào cách mạng ở miền Nam, quân Mỹ trực tiếp tham chiến. Bến đò Tùng Luật một lần nữa trở thành tâm điểm của cuộc chiến giữa chính nghĩa và bạo tàn. Với mật danh là “Bến đò B”, Bến đò Tùng Luật lại là cầu nối hai bờ bắc-nam sông Hiền Lương, là một trong những điểm xuất phát của đường Hồ Chí Minh trên biển, điểm khởi đầu của tuyến giao thông duy nhất nối đất liền với đảo Cồn Cỏ anh hùng.

Đại đội dân quân thôn Tùng Luật được thành lập với quân số 110 người, có nhiệm vụ bảo vệ bến đò, chuyên chở bộ đội, dân quân, dân công hỏa tuyến và lương thực, vũ khí, đạn dược. Bến đò B chuyên chở các đoàn dân công hỏa tuyến của các xã: Vĩnh Long, Vĩnh Tân, Vĩnh Trung, Vĩnh Tú, Vĩnh Thành, Vĩnh Hòa... qua sông vào Nam phục vụ cuộc tấn công cứ điểm đồi 31, 28, Quán Ngang, Cửa Việt. Cũng trong thời gian chiến tranh ác liệt này, Bến đò B Tùng Luật được giao thêm nhiệm vụ vận chuyển, đưa người dân khu vực phía nam sông Bến Hải sơ tán ra miền Bắc. Bến đò B Tùng Luật đưa được gần 1,4 triệu lượt chiến sĩ, dân quân, dân công hỏa tuyến qua lại. Cũng chính bến đò này là điểm xuất phát của Đại đội 22, đơn vị cảm tử vận chuyển vũ khí đạn dược, thuốc men, lương thực cho đảo Cồn Cỏ bị hải quân Mỹ và chính quyền Sài Gòn phong tỏa. Hằng đêm, khi giông tố, biển động, mỗi con thuyền mang trên mình một tiểu đội dân quân được truy điệu sống trước khi lên thuyền ra đảo. Những dân quân vốn là những người dân đánh cá hiền lành bỗng trở thành chiến sĩ, sẵn sàng để “Sóng gọi hồn ta về đảo nhỏ”. Với những chiếc thuyền gỗ, thuyền nan chạy buồm, chèo tay xuyên màn đêm vào những thời khắc biển động, từ năm 1965 đến 1972, Đại đội 22 đã vận chuyển hàng nghìn tấn đạn dược, vũ khí, lương thực, thực phẩm cho đảo Cồn Cỏ, góp phần giữ vững tiền đồn của Tổ quốc trên Biển Đông. Bến đò B là điểm sinh tử vô thường nhất của đất nước thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Biết bao người con của đất Tùng Luật và nhiều miền quê khác của đất nước đã nằm lại nơi đây với máu, xương hòa trộn nước sông Hiền Lương và bùn cát của đáy sông này. Nhà văn Xuân Đức đã thốt lên từ đáy lòng mình: Có nơi nào trên trái đất/ Đau thương quặn thắt như đây/ Có nơi đâu bão lửa ken dày/ Như núm ruột đôi bờ Bến Hải/ Một khúc sông như trăm ngàn con sông ấy/ Mà muôn đời còn nhắc mãi không quên!

Bến đò B Tùng Luật đã góp phần to lớn vào chiến công của quân và dân xã Vĩnh Giang, được Nhà nước 3 lần phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Đại đội 22 tiếp tế đảo Cồn Cỏ cũng được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Để khắc ghi những kỳ tích của quân, dân đã chiến đấu và hy sinh anh dũng, tại bến đò này đã xây dựng tượng đài Bến đò B. Tượng đài được xây trên một diện tích khoảng 100m2. Tuy nhiên, theo các nhân chứng lịch sử và các nhà nghiên cứu, quy mô cấu trúc và hồn phách của tượng đài chưa thật sự tương xứng với những kỳ tích to lớn của quân, dân ta, nhất là sự hy sinh của rất nhiều chiến sĩ trên mảnh đất này. Vì vậy, cán bộ và người dân thôn Tùng Luật, người dân Vĩnh Giang, Vĩnh Linh và những người lính từ nhiều miền đất nước từng chiến đấu nơi đây, những người có con, em đã nằm lại nơi này rất mong muốn và đề nghị chính quyền địa phương, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị sớm nghiên cứu, tu bổ, nâng tầm di tích lịch sử Bến đò B Tùng Luật cho tương xứng với chiến tích lịch sử hào hùng của địa danh này.

Bài và ảnh: TRẦN VĂN HƯỜNG

( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan