Mạch nguồn thông tin chảy mãi

Ngày đăng: 08:36 30/06/2020 Lượt xem: 861

Mạch nguồn thông tin chảy mãi

QĐND - Những ngày đầu năm mới 2015, một vinh dự lớn đã đến với cán bộ, chiến sĩ và các cựu chiến binh Lữ đoàn 596 (Binh chủng Thông tin liên lạc), đó là đón nhận danh hiệu đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ chống Mỹ do Đảng, Nhà nước phong tặng. Có được vinh dự này, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của lữ đoàn đã dày công vun đắp trong suốt 43 năm qua với bao chiến công và hy sinh, mất mát...

Giữ mạch thông tin xuyên Trường Sơn tới Sài Gòn
QĐND - Những ngày đầu năm mới 2015, một vinh dự lớn đã đến với cán bộ, chiến sĩ và các cựu chiến binh Lữ đoàn 596 (Binh chủng Thông tin liên lạc), đó là đón nhận danh hiệu đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ chống Mỹ do Đảng, Nhà nước phong tặng. Có được vinh dự này, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của lữ đoàn đã dày công vun đắp trong suốt 43 năm qua với bao chiến công và hy sinh, mất mát.
Tim còn đập, còn “mạch máu” thông tin
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, khi tuyến đường mòn Hồ Chí Minh được mở rộng, nhu cầu bảo đảm thông tin liên lạc (TTLL) phục vụ chỉ huy, chỉ đạo tác chiến ngày càng lớn. Tháng 9-1966, Bộ tư lệnh Đoàn 559 quyết định thành lập Đại đội 1 Thông tin tại miền tây tỉnh Quảng Bình, với nhiệm vụ xây dựng các đường dây trần phục vụ tác chiến. Đây là đơn vị tiền thân của Lữ đoàn 596. Bất kể ngày đêm, mưa nắng hay máy bay địch đang bắn phá, hễ đường dây bị đứt là cán bộ, chiến sĩ thông tin lập tức có mặt nối liền, không để mất liên lạc. Chỉ sau một thời gian ngắn, Đại đội 1 đã hoàn thành 550km đường dây trên địa bàn phức tạp, hiểm trở, được coi là túi bom đạn của quân thù.
Cùng với sự phát triển của nhiệm vụ chiến trường, Đoàn 559 tiếp tục thành lập hai Tiểu đoàn Thông tin 26, 36 đáp ứng yêu cầu của cuộc chiến. Đại tá Phạm Đình Phong, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 26, nguyên Lữ đoàn phó Chính trị Lữ đoàn 596, nhớ lại: Tiểu đoàn 26 có nhiệm vụ bảo đảm liên lạc đến các binh trạm 34, 35, 42 trở vào. Trong điều kiện đạn bom ác liệt lại vô cùng khó khăn về lực lượng, phương tiện, khí tài thông tin và hạn chế về trình độ quản lý, khai thác trang bị, thế nhưng cán bộ, chiến sĩ của tiểu đoàn vẫn quyết tâm vượt qua gian khổ, hiểm nguy, vừa huấn luyện, xây dựng lực lượng, vừa tổ chức bảo đảm TTLL. Trong cuộc chiến đấu chống 8 tiểu đoàn địch đổ bộ xuống thung lũng A Sầu, A Lưới (Thừa Thiên-Huế) để bảo vệ Binh trạm 42 diễn ra từ ngày 19-4 đến 16-5-1968, tiểu đoàn đã phối hợp tác chiến, bảo đảm cho các lực lượng pháo binh, bộ binh của ta chiến đấu, buộc địch phải rút chạy. Trận đó, hai chiến sĩ thông tin trên đường khôi phục đường dây trở về thì bị bom tọa độ, một đồng chí hy sinh trên vai còn đeo chiếc máy điện thoại, một đồng chí bị thương cụt cả hai chân.
Đầu năm 1968, đế quốc Mỹ huy động một lực lượng lớn máy bay chiến lược B-52 và các loại cường kích ồ ạt tấn công cửa khẩu Đường 12 và Đường 20. Suốt một tuần liền, địch ném bom rải thảm gần như xóa sổ trục lộ huyết mạch men theo sông Pha Nốp. Đường dây trần thông tin của ta bị hư hỏng nặng. Đại tá Phạm Đình Phong hồi tưởng: Yêu cầu cấp bách của chiến trường là phải khẩn trương củng cố mạng TTLL để giải tỏa trọng điểm đánh phá này. Với phương châm “Dứt điểm, nhanh gọn từng cung đoạn, sớm hợp điểm nối thông toàn tuyến”, Tiểu đoàn Thông tin 26 và Tiểu đoàn 36 huy động tất cả các tổ canh dây lên tuyến dọn đường, khắc phục hư hỏng kết hợp triển khai ngay lại hệ thống đường dây. Anh em làm ngày làm đêm trong điều kiện bom đạn địch liên tục bắn phá để nối liền đường dây dài hơn 30km, rồi sửa chữa hàng chục ki-lô-mét cáp bị lũ cuốn trôi; các trạm cơ vụ tích cực củng cố, sửa chữa lại máy móc, thiết bị… Trong đợt đó, nhiều cán bộ, chiến sĩ thông tin đã anh dũng hy sinh để nâng bước cho những đoàn xe tiến ra mặt trận.
Nhiệm vụ bảo đảm TTLL cho chiến trường miền Nam ngày càng nặng nề, phức tạp. Các đơn vị thông tin phải gồng mình làm việc, không một phút nghỉ ngơi. Cuối tháng 4-1969, Bộ Quốc phòng quyết định điều chuyển Tiểu đoàn 133 dây trần thuộc Bộ tư lệnh Thông tin về Đoàn 559 để bảo đảm 300km đường dây từ phía tây tỉnh Quảng Bình đến phía tây tỉnh Thừa Thiên. Thời điểm này, khu vực Quảng Bình-Thừa Thiên bị bom đạn địch cày xới tan hoang, xơ xác. Cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ gặp muôn vàn khó khăn, thiếu thốn; đường dây thông tin nhiều đoạn bị địch đánh phá, hư hỏng nặng, cột gãy, sứ bung, dây nằm trải dài dưới mặt đất. Nhưng với tinh thần “tim còn đập, thông tin còn thông suốt”, bộ đội của Tiểu đoàn 133 cứ dây đứt nối lại, cột gãy dựng lên, địch đánh ta tránh xuống hầm, địch đi ta lại lên khôi phục, bảo đảm tốt mạch máu thông tin cho chỉ huy, cơ động, tác chiến. Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đức Tự, nguyên Tổ trưởng Tổ bảo vệ đường dây, Đại đội 5 (Tiểu đoàn 133), kể: Trong Chiến dịch Đường 9-Nam Lào đầu năm 1971, suốt 42 ngày đêm dưới mưa bom, bão đạn của địch, có đêm tuyến dây bị đứt 160 khoảng cột, chúng tôi vẫn kiên cường bám tuyến, bám dây, bám máy, khắc phục bảo đảm thông tin thông suốt từ phía tây sang phía đông Trường Sơn. Đói, khát triền miên; hiểm nguy kề cận nhưng chúng tôi vẫn không chùn bước. Người này hy sinh, người khác gánh việc thay đồng đội. Chính tôi cũng đã nhiều lần phải bơi qua sông Sê Băng Hiên chảy xiết để nối lại đường dây, giữ vững liên lạc chỉ huy, hiệp đồng không gián đoạn. Sức mạnh của lòng yêu nước, của ý chí, niềm tin vào thắng lợi đã giúp chúng tôi vượt qua tất cả để hoàn thành nhiệm vụ.
Nghe câu chuyện của anh hùng Hồ Đức Tự, tôi chợt nhớ tới anh hùng Trần Duy Hoan, quê ở Bình Lục (Hà Nam), cũng là lính thông tin trên chiến trường Quảng Trị. Trung tuần tháng 9-1972, vào những ngày cuối cùng của chiến dịch phòng thủ Quảng Trị trời mưa to, nước sông Thạch Hãn dâng cao. Sau nhiều đợt oanh tạc dữ dội của địch, dây cáp thông tin bên bờ Thạch Hãn bị đứt. Lúc đó, đồng chí Hoan đang phụ trách một tuyến đường dây thì nhận được lệnh hỏa tốc phải bảo đảm gấp thông tin cho lãnh đạo Bộ truyền lệnh trực tiếp tới các đồng chí tư lệnh mặt trận, chiến dịch và các quân, binh chủng qua phương tiện hữu tuyến điện. Tình thế khẩn cấp, đường dây bị đứt đã được nối gần xong, chỉ còn lại mối nối duy nhất nhưng dây quá ngắn, kéo mãi không tiếp xúc. Thời gian liên lạc đã tới, Tiểu đội trưởng Trần Duy Hoan liền cố hết sức kéo ghì hai đầu dây lại, rồi dùng răng cắn chặt giữ cho đến khi mệnh lệnh truyền xong. Cuộc điện thoại kéo dài hơn 3 phút, anh trở thành “vật dẫn điện” với kỳ tích có một không hai trong lịch sử TTLL…
Sau Chiến thắng Đường 9-Nam Lào, địa bàn chiến lược của Đoàn 559 được mở rộng, lực lượng phát triển, phân bố trên nhiều khu vực khác nhau. Hình thức tổ chức lực lượng như trước không còn phù hợp với điều kiện tác chiến quy mô lớn. Được sự nhất trí của Bộ Quốc phòng, ngày 10-1-1973, Bộ tư lệnh Đoàn 559 quyết định thành lập Trung đoàn Thông tin 596, bao gồm các Tiểu đoàn Thông tin và Đại đội Thông tin quân bưu của Đoàn 559. (Từ đây, ngày 10-1 hằng năm trở thành ngày truyền thống của Lữ đoàn 596). Trung đoàn đã nhanh chóng ổn định tổ chức và tập trung chỉ huy đơn vị bảo đảm TTLL cho chiến trường. Đại tá Lê Thành Sếp, nguyên Trung đoàn phó quân sự Trung đoàn 596, hồi tưởng: Tháng 4-1975, Trung đoàn 596 đã triển khai, sử dụng nhiều phương tiện thông tin bảo đảm tốt liên lạc cho Bộ tư lệnh Đoàn 559 chỉ huy toàn tuyến vận chuyển trên đường số 1 từ Huế vào Đà Nẵng, góp phần quan trọng giải phóng Đà Nẵng. Đặc biệt, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, trung đoàn đã giữ vững thông tin trên các đường trục; đồng thời, tổ chức linh hoạt nhiều đường dây bảo đảm cho chiến đấu hiệp đồng quân, binh chủng, phục vụ lực lượng điều hành giao thông; cùng với toàn dân, toàn quân làm nên thắng lợi vĩ đại giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc...
Tiếp nối mạch nguồn truyền thống
Trung đoàn 596 năm xưa nay đã thành lữ đoàn. Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, ngoài bảo đảm thông tin thường xuyên, SSCĐ, lữ đoàn còn nhận nhiệm vụ bảo đảm thông tin bảo vệ chủ quyền trên đảo Trường Sa, nhà giàn DK1 và các đảo tiền tiêu, các đồn biên phòng biên giới phía Nam của Tổ quốc; bảo đảm thông tin A2, phục vụ tìm kiếm cứu nạn, phòng chống bão lũ, giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Quân khu 7, Quân khu 9 và tham gia phát triển hệ thống thông tin quân sự. Cán bộ, chiến sĩ lữ đoàn luôn nỗ lực, chủ động, sáng tạo tiếp cận và làm chủ nhiều trang thiết bị khí tài thông tin hiện đại; ứng dụng nhiều phần mềm để nâng cao chất lượng khai thác, quản lý điều hành thông tin, huấn luyện và các mặt công tác khác. Đại tá Vũ Ngọc Minh, Chính ủy lữ đoàn cho biết: “Chúng tôi luôn ý thức và nêu cao trách nhiệm trong việc giữ gìn, phát huy truyền thống của thế hệ cha anh. Những chiến công thầm lặng, vẻ vang của những người đi trước là điểm tựa để chúng tôi vươn lên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, cho dù có vất vả khó khăn đến mấy”. Những năm qua, dù đảm nhiệm khối lượng công việc rất lớn ở khu vục phía Nam nhưng lữ đoàn luôn vượt mọi khó khăn, đoàn kết đồng lòng hoàn thành nhiệm vụ, xứng đáng là lá cờ đầu của Binh chủng TTLL với thành tích nhiều năm liền đạt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng…
Xuân này, Lữ đoàn 596 vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm TTLL cho Binh chủng Đặc công, Binh đoàn 16, Quân chủng Hải quân diễn tập cuối năm. Đơn vị đang tích cực chuẩn bị cho nhiệm vụ giữ vững mạch nguồn ở các nhà giàn DK1 trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc và Trường Sa thân yêu. Đại tá Vũ Văn Hân, Lữ đoàn trưởng tâm tình: “Trong chiến tranh, lực lượng thông tin luôn là cầu nối giữa lãnh đạo, chỉ huy với đơn vị và chiến sĩ, lập nên những chiến công thầm lặng. Nay hòa bình, chúng tôi vẫn là cầu nối quan trọng giữa đất liền với biển đảo, mang hơi ấm, tình cảm của đất liền đến với đồng đội ngoài biên đảo xa xôi, nhất là trong những ngày xuân mới. Chúng tôi nguyện sẽ mãi là nhịp cầu thông suốt nối liền những bờ vui”.
Bài  HOÀNG THÀNH 

tin tức liên quan