CÂU TRUYỆN VỀ ĐẠI UÝ LÊ VĂN THÀNH
Ngày đăng:
11:28 04/12/2023
Lượt xem:
528
CÂU CHUYỆN VỀ ĐẠI ÚY LÊ VĂN THÀNH
Chiến tranh đã lùi xa, nỗi đau vẫn còn đó. Dọc tuyến đường Trường Sơn máu lửa, trên đất bạn Lào, Campuchia năm xưa đã bao nhiêu người đã ngã xuống vì nền độc lập tự do của dân tộc, vì nước bạn anh em. Máu của các anh đã tô thắm màu cờ Tổ Quốc. Những liệt sĩ nằm lại đó, không để lại một lá thư hay một dòng địa chỉ. Và hôm nay, có những người luôn kết nối, giúp thân nhân gia đình liệt sĩ tìm lại người cha (chồng, con, em, anh chị) của mình. Một trong số đó là Đại úy trẻ Lê Văn Thành.
Đồng chí Lê Văn Thành- hiện đang công tác tại kho k899 - Cục quân khí- Tổng cục kỹ thuật là người: Dường như có cơ duyên nào đó đã đưa anh tới lĩnh vực này, cuốn anh đi mãi trong thế giới của những mảnh ghép rời rạc về các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc. Anh tự nguyện lãnh một phần trách nhiệm chắp nối những mảnh ghép ấy lại với nhau bằng tất cả sự nhiệt thành, tận tụy của một người lính; khiến tôi rất cảm phục.
Trong suốt thời gian qua, anh luôn là cầu nối với gia đình thân nhân liệt sĩ. Anh tâm sự; đó là chữ duyên.
Cựu chiến binh, Đại tá Phạm Hồng Phi, nguyên Lữ đoàn trưởng pháo binh
Quân đoàn 1, kể lại một câu chuyện rất xúc động: Tôi và bạn tôi là Mai Sỹ Hùng cùng học cấp 3 tại trường Ba Đình, Nga Sơn, Thanh Hóa. Nhưng chúng tôi ở hai xã cách nhau gần chục km. Đầu xuân 1975, cả hai cùng nhập ngũ theo lệnh Tổng động viên. Vào Lữ 45, Quân Đoàn 1, cùng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Hòa bình lập lại, chúng tôi được cử đi học tại trường Sĩ quan Pháo binh 400 từ năm 1976 đến năm 1979. Chúng tôi học cùng lớp, cùng tiểu đội nên rất thân với nhau. Tốt nghiệp ra trường, tôi được điều về Quân khu V, Hùng được điều về Quân khu 9. Tôi chiến đấu ở phía Bắc Campuchia, Hùng chiến đấu ở phía nam Camphuchia. Từ ngày ra trường, chúng tôi không gặp được nhau. Mãi Đến năm 1985 thì nghe tin bạn đã hy sinh, tôi rất đau xót; vì Hùng còn rất trẻ và chưa có một mối tình nào.
Vì điều kiện công tác, mỗi lần về quê là tôi lại ghé về thăm mẹ của Hùng và thắp hương cho người đồng đội của mình. Từ khi mẹ Hùng mất, tôi lại ở xa quê nên không về nữa. Nhưng tôi vẫn thường xuyên nhớ đến bạn...thương lắm nhưng cũng chỉ biết vậy. Bẵng đi mấy mươi năm, từ đầu năm 2023 đến giờ có cái gì đó cứ thôi thúc tôi nhớ đến bạn ấy. Trăn trở không biết mộ Hùng đang ở đâu ? Tôi nghĩ phải giúp gia đình bạn, để đưa Hùng về quê cha, đất mẹ. Tôi tìm những người liên quan chiến đấu với Hùng ở Campuchia chỉ biết là đã hy sinh bên ở đó. Còn bây giờ không biết quy tụ về đâu? Tôi dần dần chắp mối các thông tin. Và rất may mắn, tôi được biết đồng chí Lê Văn Thành là người hay kết nối các thông tin về liệt sỹ. Chính anh đã giúp rất nhiều các thân nhân, gia đình liệt sĩ về quê hoàn toàn miễn phí. Tôi đã liên lạc và nhờ tìm giúp trường hợp của liệt sỹ Mai Sỹ Hùng. Ít ngày sau đồng chí ấy đã điện và gửi toàn bộ mộ và bia mộ của bạn tôi. Hiện đang nằm ở nghĩa trang huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước. Tôi nhìn mộ bạn qua ảnh mà rưng rưng nước mắt như có dòng điện chạy qua, tôi thấy gai cả người. Hôm sau tôi trở về quê tìm gia đình bạn Hùng. Tôi đã gặp em chú của Hùng (hiện là người thờ cúng liệt sĩ). Gia đình chỉ biết hy sinh ở Campuchia… Sau đó, tôi cung cấp toàn bộ thông tin mộ chí cho gia đình. Lúc đó, em trai và em gái của Hùng mừng lắm như gặp được Hùng sống lại.
Tôi không tả được cảm xúc của gia đình lúc bấy giờ. Tôi hỏi gia đình có muốn đưa Hùng về không ? Mọi người đều nói rất muốn, nhưng điều kiện gia đình rất khó khăn. Tôi điện thông tin gia đình liệt sĩ cho đồng chí Lê Văn Thành. Anh Thành hứa sẽ tìm mọi cách đưa liệt sỹ về với thân nhân miễn phí, sẽ hướng dẫn cho gia đình làm hồ sơ thủ tục để đưa liệt sỹ về quê. Rất mừng là ngày hôm sau, Thành đã thông báo đã tìm được nhà tài trợ cho gia đình. Đến đây Tôi thấy lòng mình thanh thản hơn khi làm một chút gì đó cho bạn mình.
Đại úy Lê Văn Thành cho biết thêm: “Thủ trưởng Phạm Hồng Phi đã kinh qua mọi nỗi đau của chiến trường Tây Nam ác liệt, trở về thời bình anh là một lãnh đạo trưởng của một Lữ đoàn của Quân đoàn I anh hùng. Trên cương vị của một người Cựu chiến binh đã từng tham gia ở mặt trận phía Tây Nam, đánh đuổi diệt chủng Pol Pot; tiêu diệt chúng mang lại hoà bình, ổn định cho hai dân tộc Việt Nam và Nhân dân Cambodia. Những người đã đi qua Battambang, Kampong Cham, Banteay Meanchey, hay Pusat… Luôn đau đáu tìm đồng đội mình còn nằm lại, nơi rừng sâu, núi thẳm, đất nước bạn. Dũ đã hy sinh, nhưng chưa trở về quê hương, nên người thân, đồng đội vẫn năm tháng chờ mong, không biết đồng đội liệt sỹ nằm nơi đâu. Khi nghe anh nói trong nghèn nghẹn cảm xúc... Thật sự cảm nhận sâu sắc thêm, tình nghĩa đồng đội lớn lao đến mức nào…Một chữ duyên rất may mắn Thành tìm được liệt sỹ đồng đội của anh .
Được biết hoàn cảnh thân nhân , Gia đình liệt sỹ vô cùng khó khăn, 5 anh chị em, nay mất hai người; một người bị bệnh nặng hiểm nghèo, lại làm nông nghiệp. Kinh tế gia đình quá khó khăn. Thành hứa với anh Phạm Hồng Phi sẽ cố gắng, hỗ trợ đến nơi. Tận tâm hết lòng giống bao gia đình liệt sỹ khác, sẽ hoàn thành tâm niệm đưa liệt sỹ về gia đình, quê hương với tấm lòng trọn vẹn yêu thương nhất.
Thi hài liệt sĩ Mai Sỹ Hùng đã được về với đất Mẹ trong sự xúc động, mong mỏi bấy lâu của gia đình, họ hàng, làng xóm quê hương.
Hiện nay đại úy Thành đã và đang tiếp tục cùng với mọi người tìm kiếm di hài liệt sĩ, đưa các anh trở về. Anh luôn đau đáu một điều: Chiến tranh đã lấy đi quá nhiều; nỗi đau còn mãi với thời gian, có người vợ chờ chồng 55 năm, khóc lòa hai mắt. Vẫn còn những gia đình chưa biết chồng, con mình ở đâu…
Đại úy Lê Văn Thành luôn muốn góp phần nhỏ bé của mình để xoa dịu nỗi đau. Việc làm của anh là nghĩa cử cao đẹp, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, phẩm chất anh đội Cụ Hồ luôn toả sáng!
Bài: Thúy Hậu
Hội Trường Sơn Lục Yên, Yên Bái